Suy niệm hạnh thánh _ 14/1

TÔI TỚ CHÚA GIOAN
(c. 1501)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Gioan sinh trong một gia đình nghèo ở Portugal. Vì mồi côi cha mẹ từ nhỏ, nên trong nhiều năm ngài phải gõ cửa từng nhà để xin ăn. Sau khi tìm được công việc chăn cừu ở Tây Ban Nha, ngài chia sẻ đồng lương ít ỏi cho những người nghèo đói hơn ngài.
Một ngày kia, hai vị tu sĩ Phanxicô gặp ngài trên đường. Sau khi trao đổi một vài câu chuyện, họ thấy cảm mến con người đơn sơ này nên đã mời ngài đến và làm việc tại tu viện của họ ở Salamanca. Ngài hăng hái nhận lời và được giao cho công việc giúp đỡ các thầy trông coi vườn tược. Sau đó không lâu, chính ngài trở thành một tu sĩ Phanxicô, sống đời cầu nguyện, chiêm niệm, liên tục ăn chay, và giúp đỡ người nghèo. Vì ngài làm việc trong vườn và những bông hoa ngài trồng để trưng bầy bàn thờ nên người ta thường gọi ngài là "thầy làm vườn."
Thiên Chúa ban cho ngài ơn tiên tri và khả năng biết được tâm hồn người khác. Các nhân vật quan trọng, kể cả các hoàng thái tử đều đến với con người khiêm tốn, luôn luôn vâng phục này để xin khuyên bảo. Một trong những lời khuyên bảo nổi tiếng của ngài là hãy tha thứ những xúc phạm, vì đó là việc đền tội đẹp lòng Thiên Chúa nhất.
Ngài từ trần ngày 11-1-1501, là ngày ngài đã tiên đoán.
Suy niệm 1: Xin ăn
Gioan sinh trong một gia đình nghèo ở Portugal. Vì mồi côi cha mẹ từ nhỏ, nên trong nhiều năm ngài phải gõ cửa từng nhà để xin ăn. Sau khi tìm được công việc chăn cừu ở Tây Ban Nha, ngài chia sẻ đồng lương ít ỏi cho những người nghèo đói hơn ngài.
Không phải chỉ mồ côi như Gioan, mà khi sa cơ thất thế như Đavít cũng phải xin ăn. Một sự thật phủ phàng người xin ăn thường gặp phải, đó là bị hất hủi và bị từ chối. Trước tình thế đó, một người xin ăn có căn bản đạo đức phải xử trí làm sao?
Thoạt đầu Đavít có phản ứng tự nhiên là muốn giết chết Navan, nhưng vị nể bà Avigagin và nhất là kính sợ Chúa nên Đavít ngừng tay (1Sm 25,34). Còn người hành khất Ladarô thì thà chấp nhận chết đói, chứ không làm bất cứ điều gì phi pháp (Lc 16,22).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn rộng lòng bố thí, vì “việc bố thí nào cũng được Chúa ân thưởng” (Hc 16,14) là “sẽ chẳng hề túng thiếu bao giờ” (Tb 28,27). Thà bị mắc lừa khi bố thí, chứ đừng sợ bị lầm để không bố thí.
Suy niệm 2: Gặp gỡ
Một ngày kia, hai vị tu sĩ Phanxicô gặp Gioan trên đường. Sau khi trao đổi một vài câu chuyện, họ thấy cảm mến con người đơn sơ này nên đã mời ngài đến và làm việc tại tu viện của họ ở Salamanca.
Quả là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời. Cuộc hạnh ngộ này đã giúp Gioan từ một người giáo dân trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô. Cũng thế Philípphê gặp được Đức Giêsu và được trở nên tông đồ của Ngài, để rồi sau đó gặp thấy Nathanaen và giúp vị này trở thành huynh đệ đồng môn (Ga 1,43.45).
Còn chẳng may Giuđa Ítcariốt gặp phải người xấu nên đã biến thành một tên phản bội (Mt 26,14). Cũng như có số người Dothái xấu đã đến gặp các thượng tế và kỳ mục đồng hội đồng thuyền để âm mưu hãm hại Phaolô (Cv 23,14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tỉnh táo, để biết chọn lấy các cuộc gặp gỡ lành thánh, và cương quyết tránh các cuộc gặp gỡ tai hại.
Suy niệm 3: Làm vườn
Vì Gioan làm việc trong vườn và những bông hoa ngài trồng để trưng bầy bàn thờ nên người ta thường gọi ngài là "thầy làm vườn."
Thầy làm vườn, một danh xưng thật khiêm tốn nhưng cũng thật xứng hợp với một con người rất khiêm tốn là thầy Gioan. Lòng khiêm tốn của thầy đã được thể hiện qua việc thầy hết mình chu toàn bổn phận của mình, giữa bao anh em trong cộng đoàn dòng tu với những trọng trách cao cả hơn.
Một nữ tu trẻ tuổi thuộc dòng Camêlô thường được gọi là "Bông Hoa Nhỏ" cũng đã từng phụ trách việc làm vườn trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Ngài đã biết dùng vị trí khiêm tốn ấy để tiến bước trên đường hoàn thiện, và được tuyên phong thánh tiến sĩ cũng như bổn mạng các xứ truyền giáo, đó là thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận thức được rằng: xuất xứ thấp kém không đáng kể cho bằng đích điểm phải đạt tới.
Suy niệm 4: Tiên tri
Thiên Chúa ban cho Gioan ơn tiên tri và khả năng biết được tâm hồn người khác. Ngài từ trần ngày 11-1-1501, là ngày ngài đã tiên đoán.
Một đặc điểm của ơn tiên tri là lời tiên báo về tương lai phải xác thực, như lời tiên đoán của tôi tớ Chúa Gioan về ngày ngài từ trần, cũng như lời tiên tri của Simêôn về trường hợp của Đức Giêsu và của Đức Maria (Lc 2,34-35).
Đồng thời ơn tiên tri phải được sử dụng để giúp ích cho tha nhân. Cha thánh Gioan Maria Vianê là một điển hình. Vào năm 1853, thiếu nữ Rosine Bossan đến xin ngài ban phép lành vì sắp kết hôn. Ngài cho hay nếu vậy thì vô phúc, muốn được phúc thì phải vào dòng tu, vì sẽ chết khi chưa được 50 tuổi. Quả thật, Rosine đã qua đời cách lành thánh, khi được 49 tuổi 1 tháng 5 ngày, trong khi làm giáo tập dòng Thăm Viếng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ làm tiên tri giả kẻo hại mình hại người, như bao ngôn sứ giả thời vua Akháp (1V 22,6).
Suy niệm 5: Khuyên bảo
Các nhân vật quan trọng, kể cả các hoàng thái tử đều đến với con người khiêm tốn, luôn luôn vâng phục này để xin khuyên bảo.
Lời khuyên bảo có tốt, có hay và có đúng bao nhiêu đi nữa, thì dầu sao cũng chỉ là vật ngoại thân. Điều quan trọng là người nghe có thực hiện hay không mà thôi. Thật vậy chàng thanh niên giàu có vốn đầy thiện chí muốn được sự sống đời đời, nhưng không làm theo lời khuyên dạy của Đức Giêsu thì cũng vô ích (Mt 19,22).
Tướng quân Naaman suýt chút nữa là không được chữa khỏi bệnh phong hủi, do ông tự ái không chịu xuống sông Giođan tắm bảy lần như lời khuyên bảo của tiên tri Êlisa. May thay cuối cùng ông hạ mình nghe lời khuyên của các tôi tớ và làm theo lời chỉ dạy của tiên tri Êlisa nên được lành bệnh (2V 5,9-14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi lòng tạc dạ lời cổ nhân: “Người trẻ nghèo mà khôn thì hơn ông vua già mà dại vì không còn biết đón nhận lời khuyên” (Gv 4,13), vì thế “chớ coi thường bất cứ lời chỉ giáo nào hữu ích” (Tb 4,18).
Suy niệm 6: Đền tội
Một trong những lời khuyên bảo nổi tiếng của Gioan là hãy tha thứ những xúc phạm, vì đó là việc đền tội đẹp lòng Thiên Chúa nhất.
Có tội thì phải đền, đó là lẽ thường tình. Việc hối nhân đọc một số kinh theo lời chỉ dạy của Cha giải tội chẳng qua là để hoàn thành thủ tục theo luật Giáo Hội. Tốt nhất, hối nhân không chỉ dừng lại ở việc đọc kinh, mà nên tự nguyện làm thêm một số việc lành phúc đức, như để bù đắp lỗi lầm đã phạm.
Do đó Cựu Ước có quy định việc dâng lễ vật đền tội xứng hợp với từng loại tội (Lv 5,6-7). Việc bố thí cũng có hiệu năng đền bù tội lỗi (Hc 3,30). Riêng tội lỗi đức công bình chỉ được xóa sạch, khi việc đọc kinh được kết hợp với việc hoàn trả cân xứng (Tb 2,13).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu và thực hiện điều này: Việc đền tội thật lòng còn đòi hỏi phải chừa bỏ tội lỗi và không tái phạm (Hc 34,26).