Lời Chúa cnmv 2a _ sám hối để biết sự thật


SÁM HỐI ĐỂ BIẾT SỰ THẬT     
Sự thật về mình là điều người ta thường tránh né, không muốn hay không dám nhìn thẳng vào…  
Lm. HK
Dương Chấn được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai, khi nhậm chức đi qua đất Xương Ấp. Quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được ông đề bạt, xin vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ. 
Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng bạc đến cho tôi ư?”
Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết?”
Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo không ai biết?”
Vương Mật nghe nói, xấu hổ lùi ra. (Cổ học tinh hoa)
Không biết tài năng của Dương Chấn ra sao, nhưng chỉ hai chữ thanh bạch cũng đủ cho ông để tiếng tốt lại muôn đời sau.
Từ ngàn xưa tiếng lương tâm đã được coi trọng, mà lương tâm trước hết là tiếng nói của một niềm tin, như lời tuyên tín của Dương Chấn: “Trời biết, đất biết”.
Thế nhưng ngày nay Chúa dường như bị gạt ra bên lề cuộc sống. Người ta lo chuẩn bị cho “đêm vui Noel” mà chẳng nghĩ gì đến cầu nguyện, có khi chỉ thấy nhiều món lợi hấp dẫn trong lễ Noel mà không muốn nhắc đến Chúa, Đấng “bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.” (1Sm 2,7);
Đó là hệ quả của trào lưu duy vật nguy hiểm. Ngày xưa ma quỉ cám dỗ Ađam-Eva ăn trái cấm để “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3,5); còn ma quỉ ngày nay đưa cho người ta đồng tiền, bảo họ quên đi tiếng lương tâm, và hãy trở nên những vị thần.
Và người ta dễ bị cám dỗ núp sau tấm bình phong “tự do” để quên đi lương tâm mà vui thích với cái tự do của người vừa đá bóng vừa thổi còi!
Nhưng khi tưởng mình được tự do “sống như mình là, để trở nên chính mình”, là người ta tự lừa gạt mình. Vừa đá bóng vừa thổi còi, người ta bị cám dỗ kẻ đường thẳng bằng một cái thước cong, và cẩn thận đo lường mọi sự bằng một cái cân sai. Đó là điều họ sẽ muộn màng nhận ra khi đứng trước ngưỡng cửa đời đời, đứng trước cuộc chung thẩm ai cũng phải qua, và cái giá phải trả là một cuộc đời bị đánh mất.
Để giúp truy tìm những sự thật không thể không biết: biết mình là ai, mình bởi đâu mà đến và sẽ đi về đâu, Đức Kitô đã mang Thần Khí Thiên Chúa đến trần gian: “thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.” (Is 11,2).
Với Thần Khí Thiên Chúa, “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói (…) Đai thắt lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11,3-5)
Sự-thật-đem-lại-tự-do là hoa trái của ơn cứu độ: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." (Ga 8,31-32).
Tự do hoàn hảo được hứa ban cho nhân loại, tự do không chút bóng dáng sợ hãi của tình yêu và sự thật: “Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”  (Is 11,7-8)
Nhưng sự thật về mình là điều người ta thường tránh né, không muốn hay không dám nhìn thẳng vào, như Gioan đã cảnh báo: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” Ông đòi một thay đổi cụ thể trong cuộc sống: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3,7)
Tất cả cuộc sống của Gioan Tẩy Giả là bài giảng về sự sám hối, về sự thay đổi triệt để trong cái nhìn, trong cách đánh giá, để đạt tới sự tự do của người quy hướng cả đời về Chúa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3,3)
Jack Finegan, một nhà khảo cổ Thánh Kinh, đã kể: “Năm đầu tiên của Đế chế Hitler, ở ngoại ô Berlin, tôi ngồi ở bàn làm việc của mục sư Martin Niemoeller. Ông biết các dấu hiệu của sự dữ đang đến.
“Vài năm sau Martin Niemoeller bị đưa vào trại tập trung. Lập tức người cha tuổi tác thôi nghỉ hưu để đến tiếp quản công việc của con trai mình. Hienrich Niemoller giảng thuyết như con ông giảng, nhưng với ngôn ngữ cẩn thận hơn. Trước khi mất, ông nói với một người bạn của tôi: “Thật là kinh khủng khi có con ở trại tập trung, nhưng còn kinh khủng hơn nếu Chúa cần một chứng nhân mà Martin lại không sẵn lòng làm chứng cho sự thật.”
Khi quy chiếu cuộc đời vào những thiện hảo trần thế, đời tôi có được có mất với không ít lo toan và cái chết là sự mất mát không gì cứu vãn được; nhưng khi quy chiếu đời mình về Chúa, đời tôi chỉ toàn là tội lỗi nhưng lại được đổ tràn một tình yêu mà cái chết không lấy mất được!
Đó là những sự thật tôi không thể nói mình không biết!
Lm. HK