Lời Chúa cnmv 2a _ hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng


HÃY SỬA ĐƯỜNG CHÚA
CHO NGAY THẲNG
“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Lm. HK
Ngày 01/12 hàng năm được đặt làm ngày phòng chống HIV/AIDS cho cả thế giới. HIV/AIDS từ đâu mà tới? Có hai đường lây lan chính dẫn đến bệnh Aids là ma tuý và tình dục. Thế mà Website ‘Diễn đàn Giới tính & HIV’ ngày 29/11/2007 cho biết Việt nam là nước dẫn đầu thế giới về số người dùng đến từ khoá ‘sex’ để tìm kiếm trên trang mạng Google?!
Website và HIV, tự do và nô lệ nằm sát bên nhau?!
Một điều đáng suy nghĩ!
Sex không phải là một tội, nhưng nó giống như một con dao có thể làm đứt tay người không biết sử dụng, còn AIDS là một vết thương cho tâm hồn của nhân loại. Aids giết người này, làm người khác đau đớn, nhưng với cả thế giới nó thực sự là dấu chỉ báo động về một cái chết của tâm hồn, về sự vắng bóng của Thiên Chúa.
Trong ngày phòng chống HIV/AIDS, bao nhiêu lời cổ động, khuyến khích được đưa ra nhằm kêu gọi mọi người giữ lòng tôn trọng đối với các bệnh nhân AIDS mà một số đáng kể trong đó là nạn nhân của dòng lũ thác loạn luân lý hơn là phạm nhân.
Khi ống kính của Đài truyền hình quay đến các bệnh nhân thì ai cũng quay mặt đi hoặc lấy tay che mặt lại, ngay cả một bà mẹ già trong căn nhà tồi tàn nọ cũng tỏ ra xấu hổ, dấu mặt đi trước ống kính của phóng viên lấy hình cho bài phóng sự về các bệnh nhân AIDS.
Cũng một ống kính mà trong một buổi lễ lớn hay một bữa tiệc mừng thì có sức thu hút và tạo niềm vui còn khi được dùng để truy bắt hay làm phóng sự về các loại tội phạm thì lại xua đuổi và gây sợ hãi.
Với “đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11,5), Chúa là Đấng cứu độ với ai ngay chính nhưng lại trở nên quan án đáng sợ đối với thế giới tội lỗi. Người cùng khốn tìm được niềm vui nơi Chúa, còn kẻ gian tà không tìm được đất sống nơi Người. “Người (…) xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11,3-4).
Bởi công chính và thành tín, nơi nào luật Chúa được tôn trọng sẽ triển nở một nền hoà bình viên mãn: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò” (Is 11,6-7).
Nơi Đức Kitô, nền hoà bình viên mãn và tình yêu của Chúa được gửi đến tất cả mọi người, không có một loại trừ nào, nhưng ơn cứu độ chỉ đến cho ai sẵn lòng lắng nghe và thi hành ý Chúa. “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).
Tình yêu của Chúa ban nhiều ân phúc nhưng lại đòi hỏi một sự thanh lọc. Dù có gây đau đớn nhưng đó là sự thanh lọc bởi tình yêu và hướng đến tình yêu: “Người đánh phạt vì anh em làm điều gian ác, nhưng rồi lại thương xót anh em hết thảy … Nếu anh em hết lòng hết dạ trở về với Chúa mà sống theo sự thật trước tôn nhan Người, thì Người sẽ trở lại với anh em, không còn ngoảnh mặt làm ngơ nữa” (Tb 13,5-6).
Sự thanh lọc bởi tình yêu đòi buộc mỗi người phải sám hối và sửa đổi chính mình, để mặc lấy một cuộc sống mới, vì không có con đường nào khác cho ơn cứu độ: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối … Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,8.10). Niềm vui của ơn cứu độ đến từ niềm tin vào chiến thắng sau cùng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất” (G 19,25).
Josephine Bakhita (1868-1947), người Sudan, được coi là người nô lệ Phi Châu đầu tiên được Giáo Hội phong thánh. Vào lúc 10 tuổi, ngài bị bắt cóc bởi bọn buôn nô lệ và được đặt tên là "Bakhita," hoặc "đứa may mắn." Bị buôn đi bán lại ở các thị trường El Obeid và Khartoum, Bakhita phải trải qua thân phận nô lệ với đủ loại đau khổ về tinh thần, tâm lý và thể xác. Đời chỉ thực sự được thay đổi khi Bakhita được bán cho Callisto Legnani, vị lãnh sự Ý, người mua cô để trao tặng sự tự do.
Khi vị lãnh sự trở về Ý thì Bakhita cũng xin tháp tùng gia đình ông. Các nữ tu dòng Bác Ái Canossa ở Venice đã nói với cô về Thiên Chúa. Sau nhiều tháng học hỏi, cô được tháp nhập vào Giáo hội. Cô lấy tên mới là Josephine để đánh dấu một cuộc đời mới trong Đức Kitô.
Vài năm sau Josephine gia nhập tu viện Bác Ái Canossa ở Venice.
Trong 50 năm tiếp đó, cô là một nữ tu nổi tiếng về đạo đức và công việc bác ái. Tuy đảm trách các công việc tầm thường nhất, nhưng với thái độ hiền lành, hòa nhã, và giọng nói êm ả, sơ là sự an ủi cho những người nghèo và người đau khổ thường đến với nhà dòng xin giúp đỡ.
Ngày 01.10.2000, ĐGH Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Josephine Bakhita. Trước đó, khi tông du ở châu Phi vào năm 1993, ĐGH đã nói về Bakhita: "Hãy vui lên, hỡi tất cả Phi Châu! Bakhita đã trở lại với ngươi: ngài là con gái của Sudan, bị bán làm nô lệ như một món hàng, tuy thế ngài vẫn tự do: tự do của các thánh."
Đấng giải thoát tôi đã đến. Ngài ở đâu trong cuộc sống tôi? Hạnh phúc và tự do sẽ là của tôi ngay khi tôi để đời mình tuỳ thuộc vào Ngài.
“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Lm. HK