Tôi
Tin Sự Sống Đời Sau
Tin xác loài người sống lại và tin vào sự sống
đời sau không phải để tranh luận, nhưng thôi thúc chúng ta từ bỏ những
điều bất chính, can đảm sống theo lời Chúa dạy, một lòng bước theo
Đức Giêsu và luôn sống tinh thần của tám mối phúc.
Thomas More (1478-1535), thủ tướng Anh Quốc dưới thời
Vua Henri VIII, ông bị tống giam chờ ngày tử hình, vì không chịu tuân
theo lệnh vua chối bỏ niềm tin và sự hiệp thông với Hội Thánh Công
Giáo Rôma. Có lần vợ ông đến thăm và nói:
-
Sao anh không vâng lệnh
vua để cứu lấy mạng sống?
-
Theo em, nếu không bị
kết án tử hình thì anh có thể sống được bao lâu?
-
Sức khỏe của anh hứa
hẹn ít nhất hai mươi năm nữa.
-
Em đã đề nghị một
việc hết sức ngu xuẩn! Chỉ vì muốn sống thêm hai mươi năm mà anh phải
hy sinh cuộc sống vĩnh cửu ư?
Tin hay chối bỏ sự phục sinh sẽ
quyết định những chọn lựa và cách sống của mỗi người.
Những người không tin vào sự sống
lại,
họ nghĩ rằng cuộc đời của mỗi người chỉ một lần sinh ra rồi phải
chết, nên cần tận dụng mọi cơ hội để thỏa mãn mọi thú vui và đam
mê, dù có phải làm những điều thất nhân ác đức. Đặc biệt, khi đối
diện với đau khổ và sự chết, họ cảm thấy cuộc đời thật phi lý và
vô nghĩa. Với lối nhìn và cách sống ấy, nhiều người sẽ thấy cuộc
sống lắm lúc là nỗi chán chường, bế tắc và thất vọng. Sống như
thế, có thể nói: họ đã chết trước khi sự sống chấm dứt.
Ngược lại, những người tin vào sự sống lại, họ dám đánh đổi
mọi sự để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Các tu sĩ và nhiều tín
đồ của các tôn giáo đã chấp nhận đời sống khắc khổ và hy sinh vì
niềm tin này. Bảy anh em thời Macabê đã can đảm hy sinh mạng sống để
trung thành với lề luật của Giavê, vì xác tín: “Vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ
trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người,
được sống lại trong cuộc sống đời đời.” (2 Mcb 7, 9)
Là Kitô hữu, chúng ta tin vào Đức
Giêsu, Đấng đã nhiều lần và nhiều cách nói về cuộc sống vĩnh cửu,
và đã hứa ban sự sống ấy cho những ai tin và thực hiện giáo huấn
của Người: “Chính Thầy là sự sống
lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống.” (Ga 11, 25)
Nhưng chúng ta sẽ sống như thế nào sau khi
được phục sinh? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Những người thuộc nhóm Xa-đốc không
tin về sự sống lại nên nêu thắc mắc như chúng ta vừa nghe trong bài
Tin Mừng. Đức Giêsu đã trả lời vấn nạn này: “Những ai được xét là đáng hưởng sự sống đời sau và sống
lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật,
họ không thể chết nữa, vì họ được ngang hàng với các thiên thần.”
(Lc 20, 35-36a)
Thánh Phaolô dù đã được đưa lên tới
tầng trời thứ ba, nhưng khi kể lại những trải nghiệm ấy, ngài cũng
chỉ có thể viết: “Tôi biết rằng
người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng, trong thân xác hay ngoài
thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết, và người ấy đã
được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại.”
(2 Cr 12, 3-4) Còn Thánh Gioan tông đồ khi nói về ngày Chúa quang lâm,
ngài đã khuyên chúng ta: “Anh em thân
mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy
chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên
giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga
3, 2)
Khi nói về hạnh phúc ở đời sau,
Kinh Thánh chỉ dùng cách diễn tả như chúng ta vừa trưng dẫn, mà không
mô tả cách chi tiết, vì dù có nói rõ hơn, chúng ta cũng không thể
hiểu. Thật vậy, chú gà con chỉ biết được bầu trời khi nó bước ra
khỏi vỏ trứng, và thai nhi sẽ hiểu về cuộc sống nơi trần thế khi
được sinh ra khỏi lòng mẹ. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể cảm biết
một cách đầy đủ nhất về cuộc sống vĩnh cửu, khi được ngụp lặn
trong biển cả của tình yêu và hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho những
người công chính.
Đang lúc còn sống nơi cõi đời này,
niềm tin và lời tuyên xưng ngoài môi miệng về sự sống lại chưa hẳn
đã giúp chúng ta đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Phaolô từng
phải khóc, vì một số tín hữu ở Philipphê dù tin vào Đức Giêsu, nhưng
đã đi ngược lại với giáo huấn và cách sống của Người: “Tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều
người sống đối nghịch với Thập Giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ
phải hư vong. Chúa của họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh
quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến
những sự thế gian.” (Pl 3, 18a-19)
Tin vào Đức Giêsu phục sinh, thánh
Phaolô đã quyết tâm: “Tôi coi tất cả
mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức
Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất
cả như không đáng kể, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8). Không chỉ có
Thánh Phaolô mà tất cả các tông đồ và biết bao tín hữu thuộc mọi
thời đại, đã can đảm sống và tuyên xưng niềm tin vào sự sống vĩnh
cửu, nên đã chấp nhận mọi gian lao đau khổ và dám hy sinh cả mạng
sống, như thánh Thomas More mà chúng ta nói đến ở trên.
Tin xác loài người sống lại và tin
vào sự sống đời sau không phải để tranh luận, nhưng thôi thúc chúng ta
từ bỏ những điều bất chính, can đảm sống theo lời Chúa dạy, một
lòng bước theo Đức Giêsu và luôn sống tinh thần của tám mối phúc.
Cánh cửa sự sống đời đời đã rộng
mở khi Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha; và khi lãnh nhận Bí
Tích Rửa Tội, chúng ta đã được gọi là người nhà của Thiên Chúa và
đồng hương với các thánh. Nhưng có đạt đến cuộc sống vĩnh cửu hay không, điều ấy còn hoàn toàn tùy
thuộc thiện chí và nỗ lực của mỗi người.
Lm. Mt