KHÔNG
CÓ TÌNH YÊU
tất cả mọi ơn không ích lợi gì cho Giáo Hội
tất cả mọi ơn không ích lợi gì cho Giáo Hội
Những người này chữa lành dân chúng, có đặc tính này, có
nhân đức này chữa lành dân chúng. Nhưng ông ta có tình yêu trong con tim không?
Có tình bác ái không?
Không có tình yêu, tất cả mọi ơn không
ích lợi gì cho Giáo Hội, bởi vì ở đâu không có tình yêu thương, thì có sự trống
rỗng, một sự trống rỗng được lấp đầy bởi sự ích kỷ. Sống sự hiệp nhất của Giáo
Hội, sự hiệp thông bác ái có nghĩa là không tìm lợi lộc cho riêng mình, mà chia
sẻ các khổ đau và các vui mừng của các anh chị em khác (x. 1 Cr 12,26), sẵn
sàng mang các gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo nàn hơn và biến chúng
trở thành các niềm vui và khổ đau của chính mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với
hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với
ngài tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 6-11-2013.
Trong buổi tiếp kiến, đã có hàng trăm
người tàn tật trong đó có rất đông các trẻ em. Đức Thánh Cha đã dành ra hơn một
giờ đồng hồ để chào thăm, hôn, vuốt ve và an ủi họ. Cũng có một phái đoàn trong
sắc phục thời trung cổ rất đẹp với trống và cờ giàn hàng chào danh dự rước Đức
Thánh Cha lên khán đài.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai
triển khía cạnh thứ hai của sự hiệp thông trong Giáo Hội: đó là sự hiệp thông với
các điều thánh thiện, nghĩa là các thiện ích thiêng liêng. Hai khía cạnh gắn liền
nhau, thật vậy sự hiệp thông giữa các kitô hữu lớn lên nhờ việc tham dự vào các
thiện ích thiêng liêng. Một cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nói, chúng ta duyệt
xét các Bí Tích, các đặc sủng và tình bác ái (x. GLGHCG ss. 949-953). Chúng ta
lớn lên trong sự hiệp nhất, trong sự hiệp thông với các Bí tích, với các đặc sủng
mà mỗi người có bởi vì Chúa Thánh Thần đã ban chúng cho họ với tình bác ái.
Trước hết là sự hiệp thông với các Bí
Tích. Đức Thánh Cha giải thích như sau:
Các Bí Tích diễn tả và thực hiện một sự
hiệp thông hữu hiệu và sâu xa giữa chúng ta, bởi vì trong các Bí Tích chúng ta
gặp Chúa Kitô Cứu Thế, và qua Người, gặp gỡ các anh em khác trong đức tin. Các
Bí tích không phải là các vẻ bề ngoài, không phải là các nghi thức. Các Bí Tích
là sức mạnh của Chúa Kitô, có Chúa Giêsu Kitô trong các Bí Tích. Khi chúng ta cử
hành Thánh Lễ, trong Bí Tích Thánh Thể có Chúa Giêsu sống động, chính Ngài sống
động quy tụ chúng ta, làm cho chúng ta trở thành cộng đoàn, làm cho chúng ta thờ
phượng Thiên Chúa Cha.
Mỗi người trong chúng ta, qua các Bí
Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, được tháp nhập vào Chúa Kitô và hiệp nhất
với toàn cộng đoàn các tín hữu. Vì thế nếu một đàng Giáo Hội “làm ra” các Bí
Tích, đàng khác chính các Bí Tích “làm ra” Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội, bằng
cách sinh ra các con cái mới, kết hiệp họ với dân thánh của Thiên Chúa, bằng
cách củng cố sự tùy thuộc của họ.
Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong
các Bí tích trao ban cho chúng ta ơn cứu rỗi, mời gọi chúng ta “ra đi”, và
thông truyền cho người khác một sự cứu rỗi mà chúng ta đã có thể trông thấy, sờ
mó được, gặp gỡ, tiếp đón; và nó thật là đáng tin cậy, bởi vì là tình yêu.
Trong cách thế đó, các Bí Tích thúc đẩy chúng ta trở thành thừa sai, và dấn
thân tông đồ đem Tin Mừng vào trong mọi môi trường, cả những môi trường thù nghịch
nhất, làm thành hoa trái đích thật nhất của một cuộc sống kiên trì lãnh nhận
các Bí Tích, trong việc tham dự vào sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng muốn
ban tặng ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ơn thánh của các Bí Tích dưỡng nuôi
trong chúng ta một đức tin mạnh mẽ và tươi vui, một đức tin biết kinh ngạc trước
các “sự kỳ diệu” của Thiên Chúa và biết chống trả lại các ngẫu tượng của thế giới.
Khía cạnh thứ hai là sự hiệp thông của
các đặc sủng. Đức Thánh Cha nói:
Chúa Thánh Thần phân phát cho các tín hữu
nhiều quà tặng và ơn thánh thiêng liêng. Sự phong phú “tuyệt vời” này trong các
ơn của Chúa Thánh Thần có mục đích xây dựng Giáo Hội. “Đặc sủng” là một từ hơi
khó. Các đặc sủng là các món qùa mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta: người thì
được món qùa là như vậy, hay có tài khéo này hoặc khả năng khác... Nhưng chúng
là các món qùa, mà Người ban cho chúng ta không để bị cất dấu đi: Người ban cho
chúng ta để chia sẻ với các ngươi khác.
Chúng không được ban cho lợi ích của người
nhận chúng, nhưng cho lợi ích của dân Chúa. Trái lại, nếu một ơn, một trong các
món qùa này dùng để tự khẳng định chính mình, thì cần phải nghi ngờ rằng đây là
một đặc sủng đích thực hay được sống một cách trung thành. Thật ra, các đặc sủng
là các ơn thánh đặc biệt, các gợi hứng và các thúc đẩy nội tâm, nảy sinh trong
lương tâm và trong kinh nghiệm của các người nhất định, được mời gọi dùng các
ơn đó để phục vụ cộng đoàn. Một cách đặc biệt các ơn thiêng liêng này là để mưu
ích cho sự thánh thiện của Giáo hội và sứ mệnh của Giáo Hội. Tất cả đều được mời
gọi tôn trọng các đặc sủng ấy nơi chúng ta và nơi người khác, tiếp nhận chúng
như các khích lệ ích lợi cho sự hiện diện và công việc phong phú của Giáo Hội.
Thánh Phaolô đã cảnh cáo: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5,19). Đừng dập
tắt Thần Khí, Đấng ban cho chúng ta các món qùa đó, các tài khéo, các nhân đức,
các điều xinh đẹp biết bao khiến cho Giáo Hội lớn lên.
Rồi Đức Thánh Cha nêu lên vài câu hỏi
như sau: Đâu là thái độ của chúng ta trước các ơn này của Chúa Thánh Thần?
Chúng ta có ý thức được rằng Thần Khí Chúa tự do ban chúng như Người muốn
không? Chúng ta có coi các đặc sủng ấy như là một sự trợ giúp thiêng liêng, qua
đó Chúa nâng đỡ đức tin của chúng ta, củng cố nó và cũng củng cố sứ mệnh của
chúng ta trong thế giới hay không?
Khía cạnh thứ ba của sự hiệp thông với
các điều thánh thiện, nghĩa là sự hiệp thông của tình bác ái. Sự hiệp nhất giữa
chúng ta làm ra tình bác ái là tình yêu. Khi trông thấy các kitô hữu tiên khởi,
các người ngoại giáo nói: “Mà những người này yêu nhau biết chừng nào! Họ không
ghét nhau, không bép xép người này chống người kia. Thật là tốt đẹp! Tình bác
ái đó là tình yêu của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong con
tim.
Các đặc sủng quan trọng trong cuộc sống
của cộng đoàn kitô, nhưng chúng luôn luôn là các phương thế giúp lớn lên trong
tình bác ái, trong tình yêu, mà thánh Phaolô đặt lên trên tất cả mọi đặc sủng
(x. 1 Cr 13,1-13). Thật vậy, không có tình yêu thì cả các ơn ngoại thường nhất
cũng là hư vô. Những người này chữa lành dân chúng, có đặc tính này, có nhân đức
này chữa lành dân chúng. Nhưng ông ta có tình yêu trong con tim không? Có tình
bác ái không? Nếu có thì tiến lên, nhưng nếu không, thì không phục vụ Giáo Hội.
Không có tình yêu, tất cả mọi ơn không lợi gì cho Giáo Hội, bởi vì ở đâu không
có tình yêu thương, thì có sự trống rỗng, một sự trống rỗng được lấp đầy bởi sự
ích kỷ. Và tôi xin hỏi anh chị em nhé: nếu tất cả chúng ta đều ích kỷ, chỉ ích
kỷ, thì có thể sống trong hòa bình được không? Có thể sống trong hòa bình
không, nếu mọi người chúng ta là một người ích kỷ? Có thể hay không có thể? Người
ta trả lời là không. Không thể được. Vì thế, cần có tình yêu để hiệp nhất chúng
ta, cần có tình bác aí. Cử chỉ bé nhỏ nhất của tình yêu thương có các hiệu qủa
tốt cho mọi người. Và Đức Thánh Cha khẳng định như sau:
Vì vậy sống sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự
hiệp thông bác ái có nghĩa là không tìm lợi lộc cho riêng mình, mà chia sẻ các
khổ đau và các vui mừng của các anh chị em khác (x. 1 Cr 12,26), sẵn sàng mang
các gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo nàn hơn. Tình liên đới huynh đệ
này không phải là một hình ảnh hùng biện, một kiểu nói, nhưng là phần toàn vẹn
của sự hiệp thông giữa các tín hữu kitô. Nếu chúng ta sống nó, chúng ta sẽ là dấu
chỉ trong thế giới, chúng ta là “bí tích” tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta là
bí tích tình yêu cho nhau và cho tất cả mọi người! Đây không chỉ là tình bác
ái, cái bác ái tiền lẻ mà chúng ta có thể cống hiến cho nhau, nhưng là cái gì
sâu xa hơn: đó là một sự hiệp thông khiến cho chúng ta có khả năng bước vào niềm
vui và khổ đau của người khác để biến chúng trở thành niềm vui và khổ đau của
chúng ta một cách chân thành.
Đức Thánh Cha nói thêm: Thường khi chúng
ta quá khô khan, thờ ơ, xa cách và thay vì thông truyền tình huynh đệ, chúng ta
thông truyền sự khó chịu, chúng ta thông truyền sự lạnh lùng, chúng ta thông
truyền sự ích kỷ. Và với sự khó chịu, với sự lạnh lùng, với sự ích kỷ có thể
làm cho các giáo đoàn lớn lên không? Có thể làm cho toàn Giáo Hội lớn lên
không? Không. với sự khó chịu, với sự lạnh lùng với sự ích kỷ Giáo Hội không lớn
lên: nó chỉ lớn lên với tình yêu thương, với tình yêu thương đến từ Chúa Thánh
Thần. Chúa mời gọi chúng ta rộng mở cho sự hiệp thông với Người trong các Bí
Tích và trong tình bác ái, để sống một cách xứng đáng với ơn gọi kitô của chúng
ta.
Và bây giờ tôi xin cho phép mình xin anh
chị em một cử chỉ bác ái. Anh chị em yên tâm, sẽ không có việc quyên tiền đâu.
Một cử chỉ bác ái. Trước khi đến quảng trường tôi đã đi thăm một bé gái một tuổi
rưỡi bị bệnh rất nặng. Cha mẹ em cầu nguyện và xin Chúa ban sức khỏe cho bé gái
xinh đó. Bé tên là Noemi. Bé cười, thật tội nghiệp. Chúng ta hãy làm một cử chỉ
bác ái. Chúng ta không biết em, nhưng em là một bé gái đã được rửa tội, là một
người trong chúng ta, một kitô hữu. Chúng ta hãy làm một cử chỉ bác ái đối với
em, và trong thinh lặng trước hết chúng ta xin Chúa giúp em trong lúc này và
ban cho em sức khỏe. Trong thinh lặng, một chút, rồi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng.
Và bây giờ tất cả chúng ta cầu xin Đức Mẹ cho sức khỏe của Noemi.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cùng mọi người
đọc kinh Kính Mừng. Rồi ngài nói: xin cám ơn anh chị em vì cử chỉ bác ái này.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy
Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.