Lời Chúa cntn 32c _ có chăng sự sống bên kia cái chết?


CÓ CHĂNG SỰ SỐNG BÊN KIA CÁI CHẾT?
Chúng ta tin rằng có sự sống đời sau, để ngay từ bây giờ chúng ta lo gắn bó với Chúa và gắn bó với con người để có thể được hạnh phúc viên mãn ở sự sống đời sau, trong Nước Chúa.  
Lm. Thiện Duy
Vì biết cuộc sống này chóng qua, nên nhà thơ Xuân Diệu đã nhắc nhở mình phải “vội vàng” kẻo không còn kịp nữa:
“Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm, Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn: Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều. Và non nước, và cây, và cỏ rạng, Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi; Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Tuy nhiên cũng có người thấy chán ngán cuộc đời, muốn bỏ cuộc đời này đi:
“Ta muốn bỏ đi bỏ cuộc đời
Quay lưng nhìn lại chẳng mỉm cười
Còn gì thương nhớ còn lưu luyến
Cứ thế mà đi bỏ cuộc chơi
Thế sự quay cuồng chẳng còn chi
Có chăng mộng mị cõi hồn si
Tâm tư trống rỗng ôi chán ngán
Cười, khóc, buồn, vui... để làm gì ?
Ta đã bỏ đi bỏ cuộc chơi
Bỏ đi phiền muộn bỏ sầu rơi
Mình ta lê bước mình ta bước
Mỉm cười nhàn nhạt hỡi ta ơi... !
(Thơ chán đời, Vô danh)
Từ hai khuynh hướng đó cho chúng ta thấy cuộc đời này sẽ qua đi. Có người cố bám víu, có người muốn thoát khỏi… nhưng chung quy vẫn là sự tạm bợ của cuộc sống trần gian; dù có níu kéo hoặc chối từ thì nó cũng sẽ qua đi.
Nhưng sau cuộc sống đời này là gì? Có người cho rằng: không là gì cả. Vì vậy bao lâu còn sống phải lo hưởng thụ kẻo không kịp như nhà thơ Cao Bá Quát: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy những nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời, tiêu khiển một vài chung lếu láo”.
Còn đức tin dạy cho chúng ta như thế nào về sự sống đời sau? Phụng vụ lời Chúa hôm nay là một câu trả lời rõ ràng nhất.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài Đọc I: ( 2 Mcb 7, 1-2. 9-14)
Đoạn sách Macabê kể về câu chuyện bắt đạo thời vua Antiôkhô. Một người mẹ và bảy người con thà chịu chết chứ không chối bỏ niềm tin của mình. Đoạn này kể về cái chết anh dũng của bốn người con đầu. Nhà vua muốn dùng những cực hình khủng khiếp nhằm làm cho họ sợ mà bỏ Chúa, đồng thời cảnh cáo cho những người sau. Ví dụ người con thứ ba: “Vừa được yêu cầu, anh ta thè lưỡi, can đảm đưa tay ra và khẳng khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó” (2Mcb, 7, 11). Tuy nhiên dù hình phạt, dù giết chết vẫn không làm họ sợ. Họ vẫn mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của mình. Đâu là lý do để họ mạnh mẽ như vậy? Thưa vì: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb, 7, 14). Nghĩa là họ tin tưởng vào hạnh phúc đời sau mà Thiên Chúa hứa ban cho họ, nên họ không sợ điều gì hết, kể cả cực hình và cái chết.
2. Tin Mừng: Lc 20, 27-38
Luca kể câu chuyện những người Sađốc không tin có sự sống đời sau, nên đến hỏi Chúa Giêsu về một điều luật của Môsê. Luật này thực ra đã bị bãi bỏ vào TK I, đó là luật nối dõi tông đường. Luật này cho phép người ta cưới chị dâu khi anh mình chết mà không có con, với mục đích để anh mình có người nối dõi. Vấn đề mà những người Sađốc đặt ra để bắt bẻ và cười nhạo Chúa Giêsu là có bảy anh em trai cùng cưới một người đàn bà, vì hễ người nào cưới xong cũng chết. Vậy thì nếu có sự sống đời sau, thì người đàn bà đó là vợ của ai? Quả thật một vấn đề hóc búa!
Qua câu hỏi này thể hiện được cái nhìn của một nhóm người, rằng không có sự sống đời sau. Và giả dụ có thì sự sống đời sau cũng tiếp nối sự sống đời này. Cũng cần sinh sản để lưu truyền nòi giống. Cũng có cưới vợ lấy chồng và mọi sinh hoạt giống như ở trần thế. Một câu hỏi khó đối với con người, nhưng với Đấng “là sự sống và là sự sống lại” thì không có gì là khó khăn.
Trước hết Chúa Giêsu khẳng định có sự sống lại, vì “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Isaac và Giacop” (Lc 20, 37). Thiên Chúa đã ký kết giao ước với những tổ phụ đến muôn đời, chẳng lẽ lại chấm dứt vào lúc họ chết sao? Vì vậy cái chết chỉ là chấm dứt một giai đoạn thôi, chắc chắn sẽ có sự sống đời sau, sự sống mới. Vì chúng ta tin: “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm biến thay, dù lòng ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương”.
Điều thứ hai mà Chúa Giêsu tiết lộ là đời sau không như đời này: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ và cũng chẳng lấ chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 34-36). Chính vì đời sau bất tận, chúng ta sẽ sống muôn đời nên không cần đến việc lưu truyền nòi giống nữa. Mà không cần lưu truyền nòi giống nên chẳng cần phải cưới vợ, lấy chồng nữa. Quá hợp lý!
Có người sẽ đặt vấn đề về hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Nếu không cưới vợ lấy chồng nữa thì làm sao hạnh phúc? Thưa khi đối diện với Thiên Chúa thì không còn hạnh phúc nào có thể sánh bì. Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng, chỉ Nước Trời, chỉ Đất Hứa, chỉ Thiên Chúa mới đem lại hạnh phúc đích thật, còn tất cả niềm vui, hạnh phúc từ tiền bạc, của cải, danh vọng, dục vọng chỉ có ngần có hạn và không phải là vĩnh cửu. Hay như lời Thánh vịnh đã nói: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình”, và “ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc, đâu là an vui”.
Qua phụng vụ lời Chúa hôm nay, qua tuyên tín của Giáo hội, chúng ta tuyên xưng lại: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Có sự sống đời sau, và hạnh phúc đích thật của sự sống đời sau là được ở bên Chúa.
II. SỐNG NIỀM TIN VỀ SỰ SỐNG LẠI
Chúng ta xác tin điều đó, thì chúng ta phải sống làm sao để khi chấm dứt cuộc sống này, mình được bước vào sự sống đời sau với niềm hạnh phúc bên Chúa. Muốn được hạnh phúc bên Chúa ở sự sống đời sau thì ngay từ bây giờ chúng ta phải sống gắn bó với Chúa và gắn bó với con người, vì “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
  1. Gắn bó với Chúa
Dân Do Thái trước khi vào vùng Đất Hứa phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm. Đó là thời gian để dân Do Thái biết rõ về tương quan của họ với Thiên Chúa, Ðấng đã chọn và yêu thương họ, để coi họ có thực sự tin tưởng Người hay không. Chính trong sa mạc dân Do Thái đã gắn bó mật thiết với Thiên Chúa hơn. Thánh Phaolô nói: "Hành trình trong sa mạc của dân Israel cũng là một biểu trưng cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa".
Vậy thì trong hành trình đức tin nơi trần thế, giống như dân Do Thái lang thang trong sa mạc, chúng ta cũng phải gắn bó với Thiên Chúa. Nghĩa là nhìn nhận Ngài là chủ tể cuộc đời ta và quy hướng mọi sự về Ngài. Những khi dân Do Thái chạy theo một thần minh nào khác là rõ ràng họ không gắn bó với Thiên Chúa của mình. Những khi dân Do Thái nổi lên đòi làm theo ý riêng mình là rõ ràng họ không gắn bó với Thiên Chúa. Và cụ thể nhất khi sụp lạy trước con bò vàng là họ đang chối từ Thiên Chúa. Khi đòi quay trở lại Ai Cập là họ đang bắt Thiên Chúa làm theo ý mình…
Sự gắn bó với Chúa trong đời sống của Kitô hữu được thể hiện qua việc họ có nhìn nhận Ngài là chủ tể cuộc đời họ không? và có sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa không?
a.       Nếu nhìn nhận Ngài là chủ tể cuộc đời, thì mọi ưu tiên trong cuộc sống họ phải dành cho Ngài. Những giờ phút cầu nguyện, những thánh lễ, nhất là ngày Chúa Nhật, việc học hỏi Giáo lý và suy niệm lời Chúa, những việc đạo đức như lần chuỗi, cầu lễ… phải luôn chiếm ưu tiên trong cuộc đời họ. Nếu nhìn nhận Ngài là chủ tể thì phải sẵn sàng từ bỏ những thú vui, những lôi kéo khác như bài bạc, rượu chè, sắc dục…
Thánh Augustinô là tấm gương rõ ràng nhất về việc dành mọi ưu tiên cho Chúa. Tuy với quá khứ đầy dẫy những đam mê, những tội lỗi, nhưng từ khi biết Chúa, yêu Chúa thì Ngài đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và đã thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng”.
Vì vậy giả dụ có những ai còn những đam mê khiến họ không thể dành ưu tiên cho Chúa được, thì hãy nhớ rằng không phải là không được, mà vì chúng ta chưa yêu Chúa đủ.
b.      Nếu sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa thì phải “vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Có những đau khổ, những buồn phiền, những bệnh tật, những trái ý xảy ra, chúng ta cứ van xin hoài mà không thấy theo ý mình. Hãy biết rằng, chúng ta chỉ thấy những cái trước mắt, còn Chúa thấy cả cuộc đời chúng ta. Nếu trong những hoàn cảnh như vậy mà chúng ta chán nản, thất vọng, thậm chí bỏ Chúa luôn thì rõ ràng chúng ta không chấp nhận vác thập giá theo Chúa. Mà nếu không có thập giá thì sẽ không có Phục Sinh.
  1. Gắn bó với con người
Nếu gắn bó với Thiên Chúa là yêu mến Ngài “hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”, thì gắn bó với con người là “Yêu người như mình ta vậy”.
Yêu người như chính bản thân ta là muốn họ cũng được như ta, cũng hạnh phúc ở đời này và đời sau. Vì vậy vừa phải quan tâm đến họ trong cuộc sống này, nhưng nhất là phải quan tâm đến phần hồn phần rỗi của họ.
a.       Quan tâm đến người khác trong cuộc sống này là tình người dành cho nhau. Thánh Phaolô đã nói: “Vui với người, khóc với người khóc”. Nghĩa là cùng chia sẻ với nhau mọi hoàn cảnh. Nhưng phải coi chừng đó là sự chia sẻ hay sự tò mò để thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta.
Trong thời gian qua, cả xã hội sôi sục với việc đi tìm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ phi tang xác của thẩm mỹ viện Cát Tường. Thi thể của chị Huyền thì vẫn chưa thấy đâu, tuy nhiên đã có 6 cái xác khác bị nghi là của chị. Cùng trên sông Hồng, cùng trong một địa bàn tìm kiếm, cùng là những người không may mắn, nhưng sự đối xử của xã hội với họ lại không như nhau. Có những người xung quanh vô cảm với những cái xác đó bởi vì không phải là điều mà họ đang mong đợi. Có vẻ mọi người cũng không chú ý đến những nhân vật phụ này lắm. Biết đâu trong số các thi thể trôi sông kia, ai đó cũng là nạn nhân của một vụ án dã man như chị Huyền? Nhiều người trong chúng ta đang quên đi nỗi đau của người khác mà chỉ chăm chăm đến mục đích của mình. Chúng ta đang lo lắng cho con người, lo lắng đến các giá trị của xã hội hay chúng ta chỉ đang thỏa mãn sự tò mò những câu chuyện giật gân thôi? Hãy quan tâm đến người khác, chứ đừng tìm thỏa mãn tính tò mò của bản thân mình.
b.      Nhất là chúng ta phải quan tâm đến phần hồn, phần rỗi của người khác. Khi còn sống, phải nhắc nhở nhau để sống đạo tốt. Khi đã qua đời, hãy tha thứ những gì có thể tha thứ để anh chị em chúng ta giảm bớt thời gian thanh luyện.
Nói tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay thật thích hợp khi chúng ta đang sống trong tháng 11, tháng cầu nguyện cho các Linh hồn. Chúng ta tin rằng có sự sống đời sau, để ngay từ bây giờ chúng ta lo gắn bó với Chúa và gắn bó với con người để có thể được hạnh phúc viên mãn ở sự sống đời sau, trong Nước Chúa.