Kiên Trì
Cầu Nguyện
Việc cầu nguyện cũng có thể so
sánh với hơi thở, nếu vì lý do nào đó, chúng ta không thở được thì
sẽ chết. Thánh nữ Têrêsa thành Avila thì nói: “Một Kitô hữu mà không
cầu nguyện thì đã thuộc về ma quỷ rồi.”
Một Việt kiều kể lại nỗi gian nan trong hành trình
vượt biên của anh: Thuyền vừa vào hải phận quốc tế được vài giờ
thì máy tàu bị hỏng, tài công và thợ máy cố gắng sửa chữa nhưng vô
hiệu. Chiếc máy phụ chạy được vài giờ cũng ngừng hoạt động. Gần 80
sinh mạng trên thuyền đành phó mặc cho sóng gió đưa đẩy. Ngày thứ 10
hết nước uống. Ngày thứ 13, một người lớn và bốn trẻ em đã chết
vì thiếu nước uống. May mà chiều hôm ấy có tàu nước ngoài đi ngang
qua, họ cho được mấy thùng nước và ít thức ăn. Phải đến ngày thứ 17
mới có tàu cứu chúng tôi và đưa đến Singapor. Từ lúc bước xuống
thuyền, nhất là khi hết đồ ăn và nước uống, mọi người đều tha thiết
cầu nguyện, ai thuộc tôn giáo nào thì cầu nguyện theo cách thức của
người ấy. Hơn hai phần ba người trên thuyền là Công Giáo, mỗi ngày,
họ lần hạt cả chục lần. Kể đến đây, anh kết luận: Khi gặp nguy khó,
người ta dễ hướng lòng về Đấng thiêng liêng mà lúc bình thường họ
không nhớ đến.
Câu chuyện trên phản ảnh một phần,
nhưng rất thật: mỗi người đều cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực nhất
là khi phải đối diện với nghịch cảnh. Những lúc gặp khó nguy, tâm
lý chung, ai cũng tìm đến với thần linh hoặc các bậc tiền nhân đã
qua đời để xin ơn cứu giúp.
Như bao người khác, các Kitô hữu
cũng phải nếm trải muôn vàn khó khăn thử thách trong cuộc sống;
chẳng những thế, chúng ta còn phải chịu thêm nhiều đau khổ khi sống
theo tinh thần của Tin Mừng. Để có thể trung thành với niềm tin,
chúng ta không có cách nào khác hơn là cậy trông vào Thiên Chúa bằng
lời cầu nguyện, vì: “Ơn phù trợ
chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất.” (Tv 120,
2)
Lời Chúa nhiều lần nhắc nhở chúng
ta phải chuyên cần cầu nguyện. Trong bài Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu
không ngại mượn hình ảnh vị thẩm phán bất lương để dạy chúng ta:
Phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng. Hình ảnh ông Maisen giang tay cầu
nguyện trên núi đang khi dân Israen giao chiến là một bằng chứng về sự
cần thiết và hiệu quả của sự kiên trì câu nguyện. Tin tưởng vào
Thiên Chúa và cầu xin với Người, chúng ta sẽ được như lòng mong ước,
chính Chúa Giêsu đã quả quyết: “Anh
em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở
cho.” (Lc 11, 9)
Cầu nguyện không chỉ để được nhận
lãnh ơn lành, mà còn là cách thức giúp chúng ta nhận ra ý Chúa để
thi hành, nhờ vậy được liên kết mật thiết với Người. Có người đã
dùng hình ảnh chiếc bóng đèn nối với nguồn điện để nói lên sự cần
thiết của việc cầu nguyện; bóng đèn rất tốt, nhưng nếu không được
nối với nguồn điện nó không thể sáng. Việc cầu nguyện cũng có thể
so sánh với hơi thở, nếu vì lý do nào đó, chúng ta không thở được
thì sẽ chết. Thánh nữ Têrêsa thành Avila thì nói: “Một Kitô hữu mà không cầu nguyện thì đã thuộc về ma quỷ
rồi.”
Cầu nguyện là việc hết sức cần
thiết, nhưng khi dạy về điều này, Chúa Giêsu đã căn dặn: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải
như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng
bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh
em cầu xin.” (Mt 6, 7-8) Nếu Chúa đã biết những gì chúng ta đang
mong ước, tại sao Người không ban, lại còn muốn chúng ta phải cầu
nguyện cách nhẫn nại và kiên trì?
Thánh Augustinô đã giải thích vấn
nạn đó như sau: “Chúng ta có thể
phân vân tại sao Đấng đã biết chúng ta cần gì, lại còn dạy chúng ta
phải cầu nguyện. Vậy, chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chúa không cần
chúng ta tỏ ý muốn của chúng ta cho Người biết, vì Người không thể
không biết; nhưng Người muốn dùng việc cầu nguyện để kích thích lòng
khao khát, hầu chúng ta có thể lãnh nhận ơn Người sẵn sàng ban. Quả
thế, ơn Người muốn ban thì rất lớn mà chúng ta lại bé nhỏ và có
giới hạn, không thể lãnh nhận hết.” (Thư gửi Proba)
Là người Công Giáo, chúng ta đều
biết cần cầu nguyện và phải cầu nguyện không ngừng. Nhưng lắm lúc
chúng ta không tìm ra thời gian để cầu nguyện, vì mỗi ngày còn có
biết bao việc phải làm, thậm chí không đủ thời gian để thực hiện
những việc hết sức cần thiết.
Nếu mỗi khi cầu nguyện phải đến
nhà thờ, phải ngồi trước bàn thờ hay trước tượng ảnh thánh, thì
thật sự chúng ta không có đủ thời giờ. Nhưng nếu quan niệm cầu
nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, để thưa chuyện với Người như con
cái thưa chuyện với cha mẹ, thì có lẽ chúng ta có rất nhiều cơ hội
và thời gian.
Trải nghiệm của Đức Cố Hồng Y
Nguyễn Văn Thuận có thể giúp chúng ta hiểu thêm cách thức cầu nguyện
trong mọi hoàn cảnh với sự kiên trì. Trong cuốn “Năm chiếc bánh và hai con cá” ngài kể, có người hỏi:
-
Lúc còn trong trại giam, khi cầu nguyện, cha thích đọc kinh gì?
-
Dĩ nhiên là tôi thích những kinh Chúa Giêsu và Hội Thánh dạy
như: Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, kinh Tin Kính…
-
Chỉ có vậy thôi sao?
-
Còn chứ! Tùy hoàn cảnh mà tôi có thể thưa: “Xin thương xót con,
vì con là kẻ có tội”, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, “Lạy Cha, xin tha
cho họ, vì họ lầm”, “Xin Cha cho chúng hiệp nhất nên một”, “Con phó
linh hồn trong tay Cha”…Và khi không còn sức để đọc một kinh, tôi lập
đi lập lại: “Giêsu, có con đây.”
Đèn điện không thể sáng, nếu không
nối với nguồn điện. Dòng sông sẽ cạn khô, nếu dòng suối bế tắc.
Một người không còn khả năng hít thở khí trời, chắc chắn sẽ chết.
Chúng ta sẽ không thể hoàn tất ơn gọi người Kitô hữu cách hoàn hảo,
nếu không nối nguồn với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện.
Biết cầu nguyện là điều hết sức
cần thiết, nhưng có người sẽ nói: tôi không biết cầu nguyện. Không
sao! Hãy xin Chúa Thánh Thần trợ giúp. Thánh Phaolô đã nói: “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế
nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng
những tiếng than van khôn tả.” (Rm 8, 26)
Cuộc sống hôm nay tạo nên cho chúng
ta quá nhiều bận rộn, vất vả và lo toan. Chúng ta sẽ kiệt sức, nếu
không tìm đến với Chúa là sức mạnh và là nguồn ơn nâng đỡ. Cầu
nguyện chính là phương thế giúp chúng ta sống vui, sống có ý nghĩa
giữa mọi hoàn cảnh và trở nên nhân chứng cho Đấng đầy quyền năng và
giàu lòng thương xót.
Lm. Mt