KHI
TÔI YẾU ĐÓ LÀ LÚC TÔI MẠNH
Một lời nguyện mà không có niềm tin thì chẳng có chút giá trị nào, cũng
như không thể hiểu nổi thế nào là một đức tin mà không có cầu nguyện.
Xưa có một người mù có thói quen kết thúc bằng câu
“Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con”
khi cầu xin bất cứ điều gì với Chúa.
Một hôm người ta dẫn ông tới mộ thánh
Tôma thành Canterbury, nơi đã có nhiều người được ơn lạ sau khi cầu nguyện cùng thánh nhân. Ông cũng sốt sắng cầu xin
cho mình được sáng mắt. Đôi mắt ông tự nhiên được sáng trở lại làm cho ông nhìn thấy rõ được mọi vật. Quá
vui mừng, ông chỉ biết nói lời cám ơn thánh nhân đã làm phép lạ cứu giúp
ông mà quên mất câu kết thúc như thường lệ.
Khi những giây phút vui mừng sung sướng đã
qua đi, ông chợt nhớ ra điều mình
đã quên sót. Ông liền trở lại trước phần mộ thánh Tôma, đọc tiếp câu kết thúc mà mình đã quên: “nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con”. Vừa đọc xong, ông liền bị mù trở lại như trước.
Mù nhưng vui sướng, vì cái mù giờ đây
không còn là một tai hoạ mà như là một dấu bảo đảm cho phần rỗi của ông.
Cuộc sống với nhiều thử thách
gian nan làm cho ai cũng dễ nhận ra sự hèn yếu của mình, thấy rõ ‘lực bất tòng tâm’, như cảm nghiệm của ông
Gióp: “Người lảo đảo mà đứng vững được là nhờ lời anh. Cũng nhờ anh mà đầu gối lung lay thành cứng cáp. Giờ đây, đến lượt anh, anh lại ra yếu nhược, đến phiên anh bị đánh, anh sợ hãi bàng hoàng” (G 4,4-5).
Trong khi yếu nhược như thế, đâu là chỗ con người có thể cậy dựa mà đứng được vững vàng nếu không
phải là niềm tin vào quyền năng và
tình thương của Thiên Chúa?
Năm 1787,
khi Geogre Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, và 55
chiến hữu trong cuộc đấu tranh giành độc lập họp nhau để bàn luận về số phận tương
lai của nước Mỹ thì
Benjamin Franklin, một người có tuổi và được mọi người kính trọng vì sự khôn ngoan, thông thái và đức độ, đã
phát biểu: “Thưa các ông, trước hết chúng ta hãy cầu nguyện! Tôi không còn sống bao năm, mà càng sống, tôi càng nghiệm thấy rõ là chính Thiên Chúa chỉ huy công việc loài người. Nếu một con chim sẻ rơi xuống đất cũng không ngoài thánh ý Chúa, thì một quốc gia đang xây dựng tại sao lại không cần đến sự trợ giúp của Ngài?”
Và tất cả những nhà lập quốc Hoa kỳ đã đứng lên cầu nguyện.
Thiên Chúa không chỉ là chỗ dựa cho Benjamin Franklin mà trước đó đã là chỗ dựa cho Đavít khi phải chạy trốn Ápsalôm,
con mình: “Quá nhiều kẻ đang nói về con: "Chúa Trời đâu cứu hắn!" Nhưng lạy Chúa, chính Ngài là khiên che thuẫn đỡ, là vinh dự của con, là Đấng cho con được ngẩng đầu bất khuất. Tôi vừa cất tiếng kêu lên cùng Chúa, Chúa liền đáp lại từ núi thánh của Người” (Tv
3,3-5); Chúa là chỗ nương ẩn cho hoàng hậu Ét-te khi gặp sự khắc khoải lo âu:
“Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài” (Et
4,17); Chúa cũng là nơi duy nhất Đức Kitô hướng về cả khi
Ngài thấy như bị Chúa bỏ rơi: “Lạy Chúa con thờ, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?”
Như hai mặt của một đồng tiền, trong
đời sống tâm linh, cầu nguyện và đức tin kết chặt với nhau đến nỗi một lời nguyện mà không có niềm tin thì chẳng có chút giá trị nào, cũng như không
thể hiểu nổi thế nào là một đức tin mà không có cầu nguyện. Lời cầu nguyện diễn tả và nuôi dưỡng niềm tin, còn niềm tin lại làm
cho lời cầu nguyện nên sống động và đầy sức mạnh vì Thiên Chúa không thể từ chối những ai đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Đức Kitô đã mang lấy thân phận yếu đuối của con người và, do đó, việc Ngài sống lại đã là một bằng chứng cho sức mạnh vô hạn của niềm tin: “Khi
còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.”(Dt
5,7).
Con người thật yếu hèn nhưng cũng thật mạnh mẽ. Họ nên mạnh nhất khi biết mình yếu đuối và đặt trọn niềm tin vào Chúa, nhưng lại đánh mất sức mạnh mỗi khi cho mình là mạnh: “Vó
ngựa phi, Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh, nhưng ưa chuộng những ai kính sợ Chúa, và trông cậy ở tình thương của Người” (Tv
147, 10-11).
Từ ngày lập quốc, trên
mọi đồng tiền Mỹ đều có
dòng chữ “In God we
trust” (chúng tôi tin vào Thiên Chúa), nhưng thế giới hôm
nay đang bị cám dỗ quên đi cả niềm tin để có được những tờ ‘In God we trust’ đó. Càng có nhiều đôla càng khó thấy mình yếu đuối, càng khó giữ được sự vững mạnh và bình an đến từ niềm tin vào Thiên Chúa…
...cho đến khi giật mình đau khổ vì bất lực trước tuổi tác, bệnh tật, và nhất là trước cái chết.
Lời cầu nguyện làm
cho tôi trở nên an vững và hạnh phúc,
vì người cầu nguyện là người biết mình yếu hèn để tín
thác nơi Chúa, và chiếm hữu sức mạnh của Thiên
Chúa, như tâm tình của thánh
Phaolô: “tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2Cr 9,9).
Lm. HK