Giáo Lý Phúc Âm
Chúa Nhật XXIX Quanh Năm C
Chúa Nhật XXIX Quanh Năm C
I. Giáo Huấn Phúc Âm
“Ta bênh vực
mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc!”
Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Ngài nghe
tiếng chúng ta nài van.
Dù có trì hoãn, nhưng Thiên chúa luôn bênh
vực kẻ người tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu đến Ngài. Nên phải kiên trì cầu
nguyện.
Trong tương lai, những kẻ được tuyển chọn
tức những môn đệ Chúa sẽ bị bách hại, bỏ vạ cáo gian…vì công cuộc truyền đạo.
Đôi khi họ nản lòng tưởng rằng Chúa bỏ họ… Nhưng hãy kiên nhẫn cầu nguyện vì
Chúa sẽ mau chóng bênh vực người kêu cầu Chúa.
II. Vấn nạn
Phúc Âm
Trong bài đọc I, sách xuất hành kể chuyện Ông Môsê dang
tay cầu nguyện để dân Do Thái chiến thắng dân Amalech. Như vậy Chúa thương bênh
vực dân Do Thái và tiêu diệt dân Amalech? Có dân Chúa thương mà có dân Chúa
ghét?
Bài đọc I không có ý nói
Thiên Chúa thiên vị, thương dân Do Thái mà ghét bỏ các dân chung quanh. Nhưng
Bài đọc I chỉ nhằm diễn tả sức mạnh của sự cầu nguyện. Do Thái chiến thắng quân
thù không vì tài chinh chiến của họ, nhưng vì Chúa nghe lời họ cầu xin. Ông Môsê
phải dang tay cầu nguyện trong suốt trận chiến. Tư thế của người cầu nguyện tha
thiết là dang rộng tay và ngước mắt lên trời kêu cầu Thiên Chúa.
Cho đến ngày nay người Do
Thái vẫn giữ tư thế cầu nguyện nầy: dang tay, nhúc nhích toàn thân, ngước mắt
nhìn Trời và kêu than tha thiết…Họ cầu nguyện với cả thân xác và tâm hồn.
Thiên Chúa trong bài đọc I
được diễn tả như một người thiên vị: Thương dân Do Thái, cho họ chiến thắng và
bỏ rơi những dân nước khác. Tuy nhiên chúng ta thấy thế nầy: Đã đi vào cuộc chiến
thì phải có kẻ thắng người thua. Dân Do Thái là dân Chúa chọn, và họ chiến đấu
quyết tử để giành đất. Nên họ chiến thắng là phần chắc. Bài đọc I chỉ muốn
chứng minh là Chúa thương yêu và bệnh vực dân Ngài. Nên dân Do Thái phải tôn
thờ Chúa mà thôi. Vì “không còn gì mà Chúa không làm cho họ!”. Chúa thương họ.
Họ phải đáp lại bằng tình thương dành cho Thiên Chúa, Đấng độc thần.
Ý nghĩa dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa kiên trì kêu
van?
Như đã nói: Dụ ngôn không là
chuyện có thật, nhưng là cách dùng câu chuyện để giáo huấn, vừa dễ nhớ mà cũng
vừa mang ý nghĩa luân lý. Quan tòa bất chính chả coi ai ra gì, nhưng sau cùng
phải chịu thua sự kêu van quá kiên trì của bà góa. Người xấu mà còn vậy, huống
chi Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Chúa sẽ nghe lời chúng ta cầu xin. Tin vào
Thiên chúa tốt lành.
Tại sao có những lời cầu nguyện thật chân thành tha thiết
nhưng không được đáp trả?
Không ai có thể trả lời cặn
kẽ rõ ràng và dứt khoát câu hỏi nầy. Vì chúng ta là con người, sự hiểu biết
chúng ta có giới hạn, nhất là về Thiên Chúa, thần thánh hay những việc cao siêu
nhiệm mầu như cầu nguyện. Cầu nguyện là một lời cầu xin của ai đó, với Chúa là
Cha của mình. Nội dung ra sao? Lý do tại sao cầu nguyện và mức độ lòng tin nơi
lời cầu… chúng ta không hiểu thấu. Nếu người đó yêu cầu chúng ta cầu nguyện thì
chúng ta chỉ biết được ý cầu nguyện. Còn việc chấp thuận hay trì hoãn là chuyện
của Chúa. Chúng ta không sao hiểu nỗi Chúa thì làm sao hiểu được lý do?
Lời cầu nguyện tha thiết và
mang ích lợi cho người khác như cầu cho quốc thái dân an, cho hòa bình thế giới
thì hợp lý quá, sao Chúa không đáp trả? Nếu Chúa phải đáp trả lời chúng ta cầu,
điều đó có nghĩa Chúa có bổn phận hay có trách nhiệm hay thiếu nợ chúng ta
chăng? Không, Chúa không phải mà cũng không bị bó buộc phải nhậm lời chúng ta
xin. Nếu Chúa nghe lời dân chúng khắp nơi cầu nguyện thì thời tiết hay thế giới
nầy chắc rất bất ổn. Cùng một nơi chốn, nhưng có người cầu nắng, có người cầu
mưa. Cùng một quốc gia, nhưng có người cầu cho tổng thống nầy mau xuống chức,
người khác cầu cho tổng thống tại chức lâu dài.
Ý kiến cá nhân: Đừng quá thắc
mắc hay tìm câu trả lời tại sao Chúa không nghe lời tôi tha thiết cầu xin nhưng
cầu cho mình tiếp tục kiên tâm cầu nguyện và cầu cho mình thêm mạnh tin là Chúa
sẽ đáp lời chúng ta cầu. Phúc âm nói: “Người có trì hoãn”, nhưng quả quyết là
Chúa sẽ nhậm lời chúng ta kêu cầu. Nhiều khi Chúa đáp lời cầu không giống như ý
chúng ta. Thí dụ chúng ta cầu cho có tiền nhiều thêm. Không thấy Chúa cho thêm tiền,
nhưng chúng ta có sức khỏe hơn và công việc làm vững chắc hơn. Đó cũng là cách
cho thêm tiền. Chúa là Cha, Chúa biết cách phải cho chúng ta thứ gì cần và khi
nào thì ban phát cho thích hợp.
III. Thực
hành Phúc Âm
1. Không cần cầu nguyện thật ồn ào với chiêng trống kèn
đồng
Ngoài Bắc dường như xứ đạo nào cũng có chiêng trống và
đội kèn. Đội kèn để chào đón quan khách. Đội kèn đưa đám tang đám xác. Đội kèn
thi thố trong các lễ hội lớn. Lần nào tham dự ngày Thánh mẫu La Vang, tôi cũng
được thấy và nghe những đội kèn của các địa phận miền Bắc như Thái Bình, Bùi Chu
hay Bắc Ninh biểu diễn. Ngày 15 tháng 8 năm 2013 vừa qua thì do đội kèn Thái
Bình biểu diễn. Đại đa số nhạc viên là phụ nữ trong đồng phục quần áo màu hột
gà giống như cảnh sát hay ban quân nhạc ngày xưa. Nhìn hơi khác người cho đặc
biệt một chút vậy thôi chứ cũng không bắt mắt cho lắm.
Tài nghệ âm nhạc của đội kèn đồng cũng hạn hẹp khiêm tốn.
Một bài nhạc chỉ thổi từng dấu nhạc thì không phải tốt nghiệp ở trường nào cả.
Cách trình tấu cũng hơi đơn điệu: thổi kèn theo dấu, rồi phách trống tùng tùng
giữ nhịp…Nhưng cái tôi muốn nói là: Chiêng trống kèn đồng chỉ tạo một âm thanh
ồn ào và hỗn tạp chứ không tạo một bầu khí cầu nguyện thật sự. Cầu nguyện thực
sự không cần những thứ phèn la chẫm chọe nầy. Cách chung, bà con Việt Nam mình
còn ồn ào, bon chen và “tranh đấu” để cầu nguyện nhiều quá. Những bon chen nầy
đưa đến vô số hội đoàn, tổ chức hay đội kèn đội trống.. chỉ làm giảm đi bầu khí
hay cách thức cầu nguyện. Khi có người chết, đến thăm viếng, đọc kinh cầu
nguyện hay hát một vài bài quen thuộc có ý nghĩa thì hay rồi… đâu cần gì chiêng
trống hay kèn đồng cho thêm nhọc công mà rối việc.
2. Đời người sao thật khốn khổ!
Hàng ngày có hàng đôi ba trăm người đến trung tâm hành
hương Tắc Sậy để cầu nguyện và khấn xin với Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp.
Nhiều người quây chung quanh mộ phần của Cha mà kêu cầu tha thiết và tả ra
những cảnh khốn cùng trong cuộc sống như: Mua bán ế ẩm, làm ăn thất bại, con gái
bỏ nhà theo trai, chồng bê tha nhậu nhẹt, bị giựt nợ trốn mất…Tôi thầm nghĩ:
Sao đời người có quá khốn khổ vậy Chúa?
Dường như có tiếng Chúa trả lời: Phải vậy con à! Đời mà
con! chứ phải thiên đàng đâu mà hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều như ý.
Nếu hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều êm xuôi như ý thì đâu còn ai nghĩ
đến thiên đàng hay đến đây cầu nguyện làm gì.
Vậy hóa ra Chúa tạo trần gian nầy bất toàn để hướng về
thiên đàng trọn hảo?
Đúng vậy! Thánh Anselmô cả nói: Con người có khát vọng vô
biên mà chỉ có Chúa mới có khả năng lấp đầy. Nên khi chiếm hữu được thiên đàng
thì con người hoàn toàn mãn nguyện. Nên chuyện tạo thiên đàng tại thế là chuyện
của đấu tranh chính trị và là chuyện không tưởng. Hay nói đúng hơn, đó là chiếc
bánh vẽ dụ người kém hiểu biết. Nên đời sống con người luôn đi liền với cầu
nguyện, khấn xin như bà con đang làm. Những ai đến cầu nguyện là có niềm tin
vào Thượng Đế. Tôn giáo không bao giờ chết. Đạo là đường đưa con người tới
Chúa. Con người khốn khổ luôn và cần Chúa luôn. Nên tôn giáo luôn cần cho con
người.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên