Danh nhân _ Gorki

GORKI
(ALEXI MAXIMOVITCH PIECHKOV – còn gọi là MAXIME)  
(1868-1936)  
Nhà văn học đồng thời là tiểu thuyết gia danh tiếng của giai cấp vô sản Nga  
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Nijini Novgorod tức là Gorki ngày nay, mất tại Mạc tư khoa.
Mồ côi lúc còn nhỏ, không được học hành gì cả, Gorki sống một cuộc đời lang thang, làm đủ nghề: đóng giày, làm bồi, làm bếp…
Vào khoảng 30 tuổi, tiên sinh đến Kazan giúp việc cho một lò bánh để tìm cách học hỏi. Lúc bấy giờ tiên sinh được trạng sư Laisne và văn sĩ Kolorenko giúp đỡ nhiều.
Năm 1896, tiên sinh bắt đầu cho xuất bản một ít truyện thuộc về loại trần thuật như Mối tình đầu, Thời thơ ấu của tôi,… Tiên sinh đã được đón chào như một nhà văn có biệt tài. Kế đó là những tác phẩm Những kẻ du thủ, du thực (Les Vagabond, 1893-97), Bà mẹ (1903), Giữa bọn mạt lưu của xã hội (Les bas fands, 1903), Tôi sinh sống (En gagnant mon pain, 1918)…
Tiểu thuyết của tiên sinh thành công nhờ những yếu tố sau đây:
-        Ca ngợi lớp người mà chúng ta gọi là “Hư hỏng”, bọn lang thang, coi bọn này như những anh hùng, không có gì ràng buộc được, sống hiên ngang, tự do và chỉ có bọn này mới đủ sức lay chuyển nổi sự mê muội, bị động của dân Nga.
-        Tính chất vô sản tràn ngập trong các tiểu thuyết. Tiên sinh ca ngợi người nghèo, bênh vực người nghèo.
-        Tư tưởng Cách mạng.
Năm 1902, được cử vào Hàn lâm viện Khoa học nhưng vì tư tưởng chính trị của tiên sinh nên chính phủ lại gạt bỏ sự đề cử ấy.
Tức thì 2 nhà văn Tchékov và Kolorenko xin rút ra khỏi Viện hàn lâm, gây một phong trào phản đối Chính phủ sôi nổi.
Năm 1905, tiên sinh nổi lên chống chế độ Nga hoàng và bị bắt, nhưng trước sự tranh đấu của dân chúng, của các nhà văn trên thế giới, Nga hoàng phải trả lại tự do cho tiên sinh và tiên sinh đi qua Hoa kỳ, định ở luôn đấy, nhưng sau đó gặp vài trở ngại, tiên sinh về ở Capri (1914). Tại đây tiên sinh hoạt động cho Cách mạng và đến năm 1917 thì về lại Nga và đã trở nên một nhân vật quan hệ cho chế độ mới, lãnh nhiều chức vụ lớn trong chính phủ Xô viết nhưng rồi tiên sinh lại có những quan điểm bất đồng với chế độ nới, tiên sinh lại qua Đức (1921). Ở đấy đến 1924 rồi qua Sorrente (Ý). Năm 1928, tiên sinh được chính phủ Nga mời về để dự lễ kỷ niệm lục tuần của tiên sinh. Tiên sinh về và ở luôn tại Nga, nhưng ngòi bút của tiên sinh đã nhận mệnh lệnh là phải viết theo hiện thục xã hội chủ nghĩa (réalisme socialiste).
TÓM TẮT NHỮNG TÁC PHẨM CẦN BIẾT:
-        Những kẻ du thủ du thực (Bosjaki), tiểu thuyết tả lại cái xã hội mà trong đó lúc thiếu thời tác giả đã sống.
Tác giả, lúc bấy giờ, giúp cho một lò làm bánh. Tại đây, tiên sinh gặp đủ thứ người sống không ngày mai, trong số đó đặc biệt có:
Cô Serezka cũng không nhà, cũng lang thang nay đây mai đó, cũng đưa tình, làm 2 cha con một gia đình nọ nổi lên ghen lẫn nhau.
Tchelkache, một tên buôn lậu khét tiếng, rất tiểu nhân mà cũng có thể rất quân tử (Y đã cho kẻ mưu sát mình hết cả gia tài, đồng thời tha lỗi luôn cho kẻ mưu sát).
Tác phẩm này ngoài cái giá trị tả chân, tả cái xã hội dơ dáy, đen tối, còn nêu lên một vấn đề: “Những kẻ du thủ, du thực đều là những kẻ chống lại chính quyền, chống lại xã hội, nhưng tất cả họ đều vô ý thức (rebelles inconscients).”
-        Giữa bọn mạt lưu của xã hội (Na dne) là một bi kịch 4 hồi. Cũng như tác phẩm trên, nó tả cái lớp người mà ta gọi là “cặn bã”, sống ngoài lề xã hội.
Kostylev, một tên già cho vay cắt họng, dung túng trong nhà y, tại một cái hầm, một số người vô gia cư, du thủ du thực. Trong số này có:
Vachka, ăn trộm, giết người mà lại thương người. Nó cứu cô Ntacha khỏi nanh vuốt của Kostylev.
Luka, một tên lang thang chính hiệu mà cũng là kẻ giàu đạo đức, được tất cả người trong hầm mến chuộng. Không biết nó có là triết gia không, nhưng chỉ biết nó coi loài người như con nít, mà đã là con nít thì mình có quyền phỉnh gạt, miễn làm sao cho họ sung sướng thì thôi, dù là ảo mộng cũng được. Lập luận như vậy nên y đã nói với một người đàn bà đau đớn khổ trăm chiều rằng ở bên kia thế giới bà ấy sẽ được đền bù, hưởng phúc đời đời. Y đã đem lại hy vọng cho một anh kép nghiện rượu rằng có một bệnh viện chữa lành hẳn bệnh nghiện rượu. Kép hát no sung sướng, bớt uống rượu, để dành tiền chữa bệnh…
Đề tài tuy không mới, nhưng khai thác vẫn còn dồi dào nên độc giả ngưỡng mộ thêm rất nhiều.
-        Bà mẹ (Mat), tiểu thuyết báo động cả một phong trào cách mạng vô sản đang lên.
Bà Pélagie Vlassova, vợ một tên thợ luôn luôn say sưa và cư xử tàn bạo với vợ. Bà chịu đựng hoàn cảnh, cho rằng số kiếp mình như vậy thì đành chịu vậy và cũng không tin rằng mai đây mình sẽ có một đời sống khác bây giờ. Chồng chết, để lại cho bà một con là Paul Vlassov. Paul cũng làm thợ, nhưng ham đọc sách báo và tin tưởng rằng chỉ có làm cách mạng mới cứu được dân tộc ra khỏi ngu dốt và áp bức. Nhà của Paul sau này chứa đầy cả sách cấm và cũng là nơi hò hẹn của lớp người hăng say với tư tưởng cách mạng.
Trong những thời kỳ đầu, bà không hiểu gì về những cuộc thảo luận giữa con bà với các bạn. Nhưng dần dần bà hiểu và nguồn hy vọng của bà cũng không khác gì hy vọng của con bà: Cách mạng.
Nhưng rồi Paul bị bắt, bị đày. Bà thay thế con mà tiếp tục hoạt động. Một hôm bà đi rải truyến đơn tại nhà ga, bị lính bắt. Trong khi bị lính lôi kéo đi, bà hô to lên “không thể nào diệt được một linh hồn đã sống lại”. Ý bà muốn nói đoạn đời nhẫn nhục trước kia là một đoạn đời tuyệt vọng, chết, nay bà ấy đã hy vọng sống lại với tư tưởng cách mạng, một tư tưởng bất diệt.
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết