Chúa Kitô đã sống
lại thật
“Chúng tôi đã rao giảng Đấng Kitô chịu đóng đanh, điều
mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên
rồ.” (1Cr
1,23)
Trong thư I gửi
giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức
tin của ta vô ích.” (1Cr 15,17)
Bài Tin Mừng ta
vừa đọc cũng như phần kết bài thương khó trích Tin Mừng thánh Gioan ta nghe
trong ngày thứ sáu tuần thánh: Ông Giuse Arimathea đã xin xác Chúa, đem táng
trong mồ, một số người phụ nữ đã chứng kiến trong khi dự cuộc an táng này. Các
Thầy Cả Do Thái và người Biệt Phái sợ môn đệ Chúa tới lấy trộm xác Chúa, đã đến
xin quan tổng trấn Philatô cho lính tới canh mộ, đóng dấu niêm phong cửa mộ.
Nhưng rồi sau
ngày Hưu Lễ (ngày sabba): Khi những người phụ nữ, sáng sớm đưa thuốc thơm đến mộ
để xức xác Chúa, thì trong mộ chỉ còn thấy khăn liệm và khăn che mặt xếp gọn lại
một chỗ.
Một số người đã
viện ra mấy lý do sau đây để chối bỏ việc Chúa sống lại, như các môn đệ lẻn
tới lấy trộm xác Chúa, như xác Chúa có thể biến mất do một cuộc động đất,
như các người phụ nữ và các môn đệ đã tưởng tượng ra việc Chúa sống lại
vì quá nhớ thương Chúa v.v. Tất cả lý do trên đây đều sai lạc.
- Lính
canh mồ đã nhận tiền các tư tế và phao tin ra rằng: đang đêm các môn đệ đã
tới cướp xác Chúa. tin đồn này hoàn toàn bịa đặt, là vì lính canh mà làm
sao lại để các môn đệ cướp xác Chúa được! Môn đệ tới cướp xác Chúa, sao
lính canh lại không bắt giữ! Lúc Chúa bị cắt và bị đóng đinh trên tpg, các
môn đệ bỏ trốn vì sợ hãi, sao ban đêm lại dám đường đột tới đương đầu với
quân lính để cướp xác Chúa. Nhất nữa Chúa đã được mồ êm mả đẹp, làm sao lại
còn phải tới cướp xác Chúa để đem chôn nơi khác. Rồi nếu lính biết các môn
đệ đã cướp xác Chúa, thì sao lại không tố cáo các môn đệ, và sao các môn đệ
đã không bị đem ra xét xử.
- Mộ
của Chúa cũng không do hiện tượng động đất làm mất xác Chúa! là vì nếu có
hiện tượng động đất thì sao khăn liệm lại còn nguyên, xếp gọn vào một chỗ,
hơn nữa vết tích sụp mộ, do động đất, nếu có, vẫn còn lưu lại. Thế mà
không thấy một vết tích gì!
- Các
người phụ nữ cũng như các môn đệ Chúa, không thể bị ám ảnh hoặc vì quá nhớ
thương Chúa mà tưởng tượng thấy Chúa. thực ra các môn đệ ban đầu cũng
không tin Chúa sống lại. Hai môn đệ Emmaus đã thất vọng khi thấy Chúa bị đóng
đanh và trút hơi thở cuối cùng. Hai ông đã bỏ lý tưởng theo Chúa, trở về
quê cũ. Hai môn đệ này đã trở lại Giêrusalem, thuật lại việc gặp Chúa dọc đàng,
là do chính Chúa hiện ra với các ông. Các người phụ nữ cũng không tin Chúa
sống lại vì các bà còn chuẩn bị thuốc thơm để xức xác Chúa. Trên đường tới
mộ các bà còn thắc mắc không biết sẽ nhờ ai lăn tảng đá lấp cửa mồ ra cho.
Bà Madalena thấy Chúa, vẫn ngờ là người giữ vườn. Các tông đồ thì khiếp sợ
không dám ló mặt ra ngoài. Khi các bà tới báo tin cho thánh Phêrô và thánh
Gioan, các ngài mới vội vã chạy ra mồ Chúa. Như thế những người đầu tiên được
chứng kiến Chúa sống lại, đâu có phải vì quá nhớ thương Chúa, mà tưởng tượng
ra việc Chúa sống lại.
Những lý do ta vừa
có dịp nêu ra trên đây chỉ là để biện hộ cho việc tường thuật trong các cuốn
Tin Mừng về việc Chúa sống lại.
Chúa Giêsu, một
người Do Thái, sống nghèo nàn, chết ô nhục trên thập giá, với 12 môn đệ cũng
nghèo nàn, dốt nát, nhút nhát, thế mà đạo Chúa đã lan tràn khắp năm châu. Điều
này cũng là một trong những bằng chứng Chúa đã sống lại.
Một văn sĩ minh đạo
đã tưởng tượng ra câu truyện sau đây:
Khi thánh Phêrô,
đầu tóc bạc phơ, chống gậy từ dưới thuyền bước lên hải cảng dẫn vào thủ đô đế
quốc La Mã. Một số người gặp ông và tò mò hỏi:
-
Cụ từ đâu tới, và tới đây để thăm hỏi bà con
nào?
Thánh Phêrô đáp:
“Tôi từ Giêrusalem tới đây, và ở đây tôi không có bà con nào, tôi tới đây để
rao giảng Tin Mừng.”
-
Chắc cụ muốn phổ biến học thuyết của Socrate,
Platon, Aristote hay một triết gia nào thời danh của Hi Lạp?
Thánh Phêrô đáp:
“Không. Tôi không biết tiếng Hi Lạp, cũng chưa hề đọc sách các vị đó”
-
Chắc cụ có quen biết một số chính khách, hoặc
tướng lãnh hoặc một vị thượng thư nào của triều đình chúng tôi?
Thánh Phêrô đáp:
“Thưa tôi không quen biết ai trong hàng ngũ các vị sang trọng đó.”
-
Chắc cụ có tổ chức quân đội, và có nhiều khí
giới?
Thánh Phêrô đáp:
“Không. Tôi không có khí giới, cũng không có quân đội.”
-
Chắc cụ có nhiều của cải và đất đai trong đế
quốc?
Thánh Phêrô đáp:
“Không. Tôi sống nghèo nàn, chỉ biết nghề thủ công, hoặc đánh cá, đủ nuôi sống
tôi mỗi ngày.”
-
Cụ nói cụ tới đây để rao giảng Tin Mừng. Vậy
xin hỏi: Tin Mừng gì?
Thánh Phêrô đáp:
“Tôi rao giảng Tin Mừng Ông Giêsu Kitô. Ông Giêsu Kitô chính là Ngôi Hai
Thiên Chúa giáng trần. Ông đã được các tiên tri loan báo. Ông sinh ra bởi trinh
nữ Maria. Ông sống khoảng 33 năm tại Do Thái. Ông rao giảng sự cứu thoát, giải
phóng cho nô lệ, cho những người bị áp bức, đưa lại hạnh phúc cho những người
nghèo khổ, an ủi những người đau buồn. Ông rao giảng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng
muôn loài. Ngài cũng là Cha của mọi người chúng ta, thương yêu lo lắng cho
chúng ta. Tất cả mọi người là anh em với nhau, phải thương yêu giúp đỡ nhau, biết
chia cơm sẻ áo… Ông Giêsu đã lên án những người có chức quyền đời, đạo, áp bức
dân chúng v.v. Vì thế mà Ông đã bị các tư tế trao nộp cho quan tổng trấn
Philatô. Quan Philatô đã truyền đóng đinh Ông vào thập giá; nhưng rồi sau khi được
an táng trong mồ, Ông Giêsu đã sống lại.”
Nghe tới việc
Ông Giêsu bị đóng đanh trên thập giá, rồi sống lại, người ta rùng mình lắc
đầu, bỉu môi, bỏ đi và nói với giọng có vẻ bực tức, vừa có vẻ chế giễu: “Thực
là một lão ngư phủ ngu xuẩn, điên rồ, ăn nói tầm phào…”
Vâng, quả thực đúng
như thánh Phaolô đã viết trong thư I gửi giáo đoàn Corintô: “chúng tôi đã
rao giảng Đấng Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không
thể chấp nhận được, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr 1,23)
Chỉ nhắc tới việc
thay đổi giá trị của cây thập tự (Cây Thánh Giá), ta cũng nhận ra Chúa đã sống
lại thật. Thật vậy, cây thập giá là khổ hình ô nhục nhất, ghê sợ nhất trong thời
Chúa, nay trở thành báu vật được đặt cao chót vót trên nóc các thánh đường khắp
năm châu, được cung kính tôn thờ trong các thánh đường lộng lẫy nguy nga, được đeo
trên cổ biết bao nhiêu tín hữu, được vạch trên thân xác chúng ta nhiều lần
trong ngày, được cắm trên các ngôi mộ trong khắp các nghĩa trang Công Giáo để
nói lên nó đã trở thành vật thánh của người sống, mà còn là vinh dự và hy vọng
của những người chết, (hy vọng sẽ được sống lại với Chúa).
Cũng vì Chúa đã
sống lại mà trải qua hai ngàn năm, biết bao cuộc bách hại đẫm máu cũng không dập
tắt được niềm tin của những người theo Chúa. Cũng vì Chúa đã sống lại mà mỗi thời
đại đã có biết bao người sẵn sàng hy sinh tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, vất
vả long đong không quản nguy hiểm, đói rét, lặn lội tới những miền xa xôi mọi rợ
nhất để rao giảng việc Chúa sống lại, hoặc sẵn sàng chung sống với những người
bệnh tật, phong cùi ghê tởm nhất bị xã hội bỏ rơi v.v.
Chúa sống lại chẳng
những là niềm tin của chúng ta, là vinh dự của ta, và nhất là niềm hy vọng suốt
cuộc đời ta: Ta sẽ chết, nhưng rồi chúng ta sẽ sống lại để cùng sống cuộc đời bất
diệt với Chúa.
Lm. Giuse Đỗ Đình
Tiệm