Tìm hiểu Lời Chúa _ canh thức PS năm C

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
CANH THỨC VƯỢT QUA
(lễ Đêm)
NĂM C
TIN MỪNG: Lc 24,1-12
            1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê,7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại."
                8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy.11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT
            Điểm giáo lý đặc thù của niềm tin Ki-tô giáo là nhờ Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại, Ngài cũng làm cho tất cả những ai được tháp nhập vào Ngài nhờ Lời và các Bí tích Hội Thánh cử hành thì được phục sinh vinh hiển với Ngài (x. 1Ga 3,2). Niềm tin này rất hợp lý, và có thể minh chứng một cách xác thực, đáp ứng mọi khát vọng sống hạnh phúc dồi dào của con người khi nhìn qua lăng kính Phục Sinh:
I. PHỤC SINH LÀ MỘT CHÂN LÝ RẤT HỢP VỚI KHÁT VỌNG CON NGƯỜI.
            1/ Không có phục sinh là khốn nạn nhất.
Thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,14.19).
            Thực vậy nội dung 9 Bài đọc chỉ có giá trị nhờ mầu nhiệm Phục Sinh:
-          Bài đọc I: Chúa tạo dựng vạn vật trong vũ trụ bằng Lời quyền năng của Ngài, vật gì cũng tốt đẹp, nhưng chỉ có loài người được Chúa dựng nên giống Ngài (x. St 1,1-2,2). Chân lý này chỉ đợi đến ngày cánh chung khi chúng ta được hưởng ơn cứu độ nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh, lúc ấy ta mới biết mình thực sự giống Chúa, vì Ngài thế nào ta được thấy như vậy (x. 1Ga 3,2).
-          Bài đọc II: Sau khi ông Abraham sẵn sàng sát tế con một dâng cho Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng Chúa bảo ông bắt con chiên tế lễ thay cho con ông, và sau đó Chúa chúc lành cho dòng giống của ông đông như sao trời như cát dưới biển (x. St 22,1-18). Lời Chúa hứa cho ông Abraham chỉ thực sự xảy ra khi ông được Chúa Giê-su Phục Sinh mở cửa Thiên Đàng cho ông vào. Bây giờ ở trên trời, ông mới nhận biết muôn dân nhờ đức tin của ông mà được cứu độ, được cùng với ông vào Thiên Đàng, đó chính là dòng giống của ông mà không ai có thể đếm hết được (x. Kh 7,9t).
-          Bài đọc III: Chúa giết người Ai-cập trong dòng nước Biển Đỏ để cứu dân Ngài thoát nô lệ Ai-cập hôm đó vào ngày thứ 7 (x. Xh 14,15-15,1a). Biến cố này chỉ có giá trị tiên báo về ngày Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài hoàn tất giá trị Phụng Vụ ngày thứ 7, để “ai tin vào Ngài qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, là được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Đức Ki-tô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được vượt qua sự chết mà vào sự sống để bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4).
-          Bài đọc IV: Chúa yêu thương người Do-thái bằng mối tình phu thê, nên xứ sở họ hết bị mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”, nhưng họ được gọi “Ái khanh lòng Ta hỡi” (x. Is 54,45-14). Chân lý này chỉ thực sự xảy ra vào ngày cánh chung nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài dẫn đưa những người đã được Ngài cứu độ vào dự tiệc Nước Trời, như chàng rể dìu cô dâu vào dự tiệc cưới, áo nàng mặc là công đức của các thánh (x. Kh 19,7-8).
-          Bài đọc V: Vào ngày Thiên Chúa cứu độ, ngôn sứ Isaia diễn tả như một bữa tiệc đầy thịt béo rượu nồng, ai đến hưởng dùng không phải trả xu nào, lại được thoát chết (x. Is 55,1-11). Bữa tiệc này, Chúa Giê-su đã diễn tả trong bài giảng rất dài của Ngài về Bí tích Thánh Thể Ngài thiết lập sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, để ai tham dự thì được tha thứ mọi tội lỗi, được sống bằng sự sống của Thiên Chúa, thân xác có chết cách nào cũng được Ngài cho sống lại vào ngày cánh chung (x. Ga 6,32t).
-          Bài đọc VI: Ai có tấm lòng nghe Lời Chúa thì được khôn ngoan chiếu sáng vào thế gian như các tinh tú trên bầu trời (x. Br 3,9-15.32 - 4,4). Chân lý này được thể hiện qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su: Các Tông Đồ đã được Chúa Giê-su Phục Sinh ban Thánh Thần để biến đổi những con người dốt nát của các ông (x. Cv 4,13), thành những người khôn ngoan sáng suốt, để lại những bài giảng được gọi là Kinh Thánh Tân Ước, mà hơn 20 thế kỷ nay ai có trái tim để đọc vẫn không kín múc được hết nguồn sự sống từ những bài giảng của những người được coi là vô học thức viết ra.
-          Bài đọc VII: Ngôn sứ Ezekiel loan báo về ngày Thiên Chúa cứu độ: Thiên Chúa sẽ tẩy sạch mọi uế nhơ nơi con người, và thay thế quả tim chai đá của họ bằng quả tim biết yêu thương (x. Ed 36,16-17a.18-28). Thực vậy, sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã làm cho những kẻ tội lỗi trở nên chứng nhân của Ngài, đặc biệt nhất là nơi “sói Saulo” hung hăng đi diệt tất cả những người Công Giáo ở Đama, nhưng khi ông được gặp Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã biến đổi ông thành Tông Đồ xuất sắc hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x. Cv 9; 2Cr 11,5).
-          Bài đọc VIII: Thánh Phao-lô nói về giá trị của Bí tích Khai Tâm khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy là mai táng những kẻ lãnh nhận trong cùng một sự chết của Chúa Giê-su, để cũng được thông phần sự sống Phục Sinh của Ngài (x. Rm 6,3-11). Thực vậy, nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh đã làm cho các Tông Đồ có khả năng làm cho kẻ những Ki-tô hữu chết cách nào cũng được sống lại. Cụ thể:
·         Ông Phê-rô làm cho bà Linh Dương có lòng nhân ái với đồng loại, khi bà chết, ông Phê-rô cầu nguyện và bà đã sống lại (x. Cv 9,36t).
·         Ông Phao-lô kéo dài bài giảng quá muộn trong đêm làm anh Êutykho ngủ gật và lao đầu xuống đất từ lầu ba, anh đã chết! Thế mà ông Phao-lô vẫn bình tĩnh bế xác anh đặt dưới chân và tiếp tục giảng cho đến sáng. Sau bài giảng, mọi người ra về, anh Êutykho cũng sống lại ra về với mọi người trong vui vẻ (x. Cv 20,7t).
-          Bài đọc IX: Một số phụ nữ đã ra mộ Đức Giê-su ngay từ sáng sớm, các bà gặp hai Thiên thần nói là Đức Giê-su đã sống lại. Các bà vội chạy về báo tin cho các Tông Đồ, nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn không tin (x. Lc 20,1-12: Tin Mừng). Thế mà nhờ sức mạnh của Chúa Giê-su Phục Sinh biến đổi lòng các ông tin tưởng tuyệt đối vào Thầy đã sống lại, nên các ông mạnh dạn hân hoan loan báo Tin Mừng này cho mọi người. Các ông đã phải trả giá đắt: ra tù vào khám như cơm bữa, cuối cùng bị giết chết, các ông vẫn vui lòng (x. Cv 5,17t).
            2/ Phải phục sinh mới hợp lý.
            Khi ta làm một điều tốt hay xấu, không phải chỉ có thân xác làm, mà còn có cả linh hồn. Không lẽ ta tin như các tôn giáo khác sau khi mãn cuộc đời này, chỉ có hồn được thưởng nếu làm lành, hay bị phạt nếu làm ác? Mà thưởng hay phạt đúng mức phải là thưởng và phạt cả hồn lẫn xác mới thực là thưởng phạt cho một người đúng mức.
            Nếu không có sự thưởng phạt trong thế giới mai sau, thì ta sống liêm chính ở đời này mà gặp khổ, không bao giờ được bù lại, thì chịu khổ làm gì? Sống lương thiện ai biết cho để bênh vực, để được thưởng? Mà theo Chúa cứ phải vác thập giá hằng ngày cho đến chết là hết chẳng được gì, thì không có giáo chủ nào dạy môn đệ của mình phải đau khổ như người Công Giáo theo Chúa Giê-su!
II. MINH CHỨNG VỀ SỰ PHỤC SINH.
            1/ Dựa vào quyền năng của Đức Giê-su.
            Các sách Tin Mừng ghi lại cho chúng ta ba lần Đức Giê-su cho kẻ chết sống lại:
-          Người vừa mới chết được sống lại: con gái ông Giairo vừa mới tắt thở, Đức Giê-su tiến vào nhà cha em, Ngài thấy mọi người khóc lóc, Ngài trấn an: “Cô bé không chết đâu, ngủ đó thôi”, làm mọi người cười rộ, mang tính chế nhạo, vì thế Ngài không cho ai theo Ngài vào nhà trừ có cha mẹ em bé và ba môn đệ Phê-rô,Gioan và Gia-cô-bê. Đứng bên xác em bé, Ngài cầm tay lấy tay em và nói: “Talitha kum” dịch được là: “Cô bé! Ta bảo: hãy chỗi dậy!” Tức khắc cô bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã 12 tuổi. Và người ta sửng sốt ngẩn cả người ra” (Mc 5,21t).
-          Người mới chết một ngày được sống lại: Đức Giê-su đi đường thấy người ta đang khiêng xác đứa con trai của bà góa đem đi chôn, Ngài liền động vào quan tài và lên tiếng nói: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi chỗi dậy”, tức khắc anh ngồi chồm dậy và Ngài trao cho mẹ nó. (Lc 7,11-17).
-          Người đã chết thối bốn ngày được sống lại: Đức Giê-su đứng trước mộ Lazaro, Ngài lớn tiếng gọi: “Lazaro, hãy ra ngoài”, người chết liền bước ra, chân tay còn bị dải liệm bó lại, còn mặt thì bọc trong tấm thượng khâm. Đức Giê-su bảo mọi người: “Hãy cởi ra cho ông ấy đi” (Ga 11).
2/ Dựa vào quyền Đức Giê-su ban cho các môn đệ:
-          Bà Linh Dương được sống lại: Bà này khi còn sống đã có lòng nhân ái với mọi người: bà đã từng may áo trong áo ngoài tặng người nghèo, khi bà chết người ta chạy đi tìm thánh Phê-rô và mời ông đến cầu nguyện cho bà. Đứng bên xác bà, ông nói: “Tabitha! Hãy chỗi dậy!” Bà ấy liền mở mắt ra và thấy ông Phê-rô, bà liền ngồi lên. Ông Phê-rô đưa tay nhắc bà đứng dậy, rồi gọi các thánh và các bà góa lại cho thấy bà đang sống (Cv 9,36t).
-          Anh Êutykhô sống lại: anh này nghe ông Phao-lô giảng quá muộn, anh ngủ gật lộn đầu từ lầu ba xuống đất. Anh đã chết! Nhưng ông Phao-lô bế xác anh đặt dưới chân và tiếp tục giảng cho đến sáng. Giảng xong, mọi người ra về, anh Êutykhô cũng sống lại mạnh khỏe ra về với mọi người trong niềm vui (Cv 20,7-12).
3/ Sự biến đổi nơi các Tông Đồ.
-          Các Tông Đồ không tin Đức Giê-su sống lại, nhưng rồi lại tin: Mặc dù đã ba lần Đức Giê-su đã báo trước cho các môn đệ biết: Ngài bị giết chết, nhưng sau ba này Ngài sống lại (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Thế mà khi Đức Giê-su sống lại, dù bà Maria Madalena đã được phúc gặp Ngài đầu tiên và Ngài bảo bả về báo tin cho các môn đệ. Nhưng các ông vẫn không tin cho là chuyện vớ vẩn, khi Đức Giê-su hiện đến với các ông đang co cụm ngồi run trong căn phòng đóng kín cửa, các ông hốt hoảng la lên: “Ma kìa!” (Lc 24,1-12: Tin Mừng)
Thế mà sau khi Đức Giê-su về Trời, Ngài gởi Thánh Thần đến với các ông, các ông đã hiên ngang, can đảm, đi làm chứng trước mặt mọi người: “Đức Giê-su các ông đã đóng đinh trên thập giá, Ngài đã sống lại”. Vì lời tuyên xưng này mà các ông đã chấp nhận ra tù vào khám như cơm bữa, cuối cùng bị giết chết, các ông vẫn vui lòng! (Cv 5,17t)
-          Các Tông Đồ dốt nát nhưng trở thành những người khôn ngoan sáng suốt: Người ta khinh dể các Tông Đồ là những kẻ vô học thức, thuộc hạng lê dân (Cv 4,13). Thế nhưng nhờ Đức Giê-su phục sinh ban Thánh Thần cho các ông để trở thành những người khôn ngoan sáng suốt. Cụ thể các ông chỉ là dân thuyền chài, hay lao động tầm thường,vậy mà các ông đã viết lại những tác phẩm gọi là Kinh Thánh Tân Ước, đã lưu truyền trên khắp thế giới hơn 20 thế kỷ nay, một cuốn sách được nhiều người đọc nhất, càng đọc sàng say mê.
-          Các Tông Đồ từ nhút nhát, ích kỷ, trở thành những người can đảm và quảng đại: Nhút nhát đến nỗi Thầy vừa bị bắt là các ông chạy trốn hết (Mt 26,56); ích kỷ là các Tông Đồ luôn tranh nhau về quyền cao chức cả (Mt 20,20t), nhưng sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh, các ông đã trở thành những người can đảm, quảng đại phục vụ đến liều mạng để làm chứng về sự Phục Sinh (Cv 5,17t; Ga 21,15t).
Đặc biệt nhất là ông Phao-lô, trước khi gặp Chúa Giê-su Phục Sinh ông là kẻ sát nhân, giết những những người vô tội tin theo Chúa Giê-su. Nhưng sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh chộp lấy ông, Ngài giáo dục và biến đổi ông thành Tông Đồ xuất sắc hơn các Tông Đồ thượng đẳng (Cv 9; 2 Cr 11,5).
-          Không có tôn giáo nào bị trù dập một cách thê thảm giống như Ki-tô giáo: Vị Thủ Lãnh là Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên thập giá, những kẻ theo Ngài suốt 300 năm tại Roma bị đế quốc này trù dập, giáo dân phải chui xuống hang toại đạo để sinh hoạt, và Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ tới đâu cũng bị bách hại. Thế mà không có tôn giáo nào vững mạnh bằng Giáo Hội Chúa Ki-tô. Nếu những người tin Chúa Ki-tô là Đấng không sống lại, thì chắc chắn Hội Thánh của Ngài không thể đứng vững và phát triển như chúng ta đang thấy.
4/ Mầu nhiệm Phục Sinh đáp ứng khát vọng của nhân loại.
Thánh Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Trong Thế Giới Ngày Nay số 9-10 nói: “Thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, đang khi ấy trước mặt nó là con đường dẫn tới tự donô lệ, tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc đố kỵ. Lại nữa, con người đã ý thức được chính họ phải điều khiển cho đúng những năng lực do chính mình tạo nên, và đó là những năng lực có thể đè bẹp họ hoặc phục vụ họ. Do đó họ phân vân.
Bởi vì ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau, vì một đàng, là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương tiện, nhưng đàng khác lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo giữa nhiều quyến rũ, con người luôn bị bó buộc lựa chọn một số hoặc loại bỏ một số khác. Hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm điều mình không muốn, và không làm được điều mình muốn làm. Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội... Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao chiến thắng đạt được với một giá đắt có ích gì? Con người có thể đem lại gì cho xã hội, và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?
Hội Thánh tin rằng Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại cho mọi người. Vì thế qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh, để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Hội Thánh cũng tin rằng dưới bầu trời này chẳng có danh hiệu nào khác được ban cho loài người, để loài người phải nhờ đó mà được cứu độ. Cũng thế, Hội Thánh tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Ki-tô là Chúa và là Thầy của Hội Thánh. Hơn nữa Hội Thánh còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi chính là Chúa Ki-tô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
THUỘC LÒNG
            Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Ki-tô vỏn vẹn trong lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ (1Cr 15,19).