CHÚA NHẬT - TUẦN 14
Tin Mừng Năm A
[Chúa Giêsu nói,] “Hãy
học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn của anh em sẽ
được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
Roger Bolduc
chết ở Waterville, Maine, sau một cơn bệnh ung thư kéo dài. Anh xem căn bệnh
như một món quà Thiên Chúa gửi đến. Ngay trước khi chết, anh viết: “Có nhiều
thứ tôi đã từng xem là quan trọng, giờ đây dường như chỉ là những điều vặt
vãnh… Thiên Chúa trở nên quá hiện thực và tôi luôn cảm thấy gần Ngài, nhưng giờ
đây tôi cảm thấy gần Ngài hơn nữa. Tôi có cảm tưởng Ngài yêu tôi hơn bao giờ
hết. Tôi có thể cảm nhận quyền năng của Ngài luôn hiện diện. Tôi cảm thấy Ngài
nghe lời tôi cầu nguyện. Tôi cảm thấy mình được Ngài yêu”.
Thập giá hay gánh nặng nào
tôi phải mang trong đời? Có cái nào trở thành một đặc ân không?
Có thể bạn không nhận ra
điều gì đó khi nó xảy đến, nhưng một sự bất ngờ đôi khi lại là điều tốt nhất
đối với bạn (Walt Disney).
Tin Mừng Năm B
[Chúa Giêsu trở về
Nazareth và đã bị nhiều người đồng hương chối bỏ.] Ngài nói với họ: “Ngôn sứ có
bị rẻ rúng, thì cũng là ở chính quê hương, giữa đám bà con thân thuộc và trong
gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4).
Thế vận hội
phát xuất từ những môn chơi của Hy Lạp diễn ra trên vùng thảo nguyên Olympia
vào năm 766 trước Công nguyên. Những thị trấn cổ thường tỏ lòng kính trọng
những người chiến thắng bằng việc dựng lên một tượng đài danh dự. Có câu truyện
Hy Lạp kể về một thị trấn có truyền thống kính trọng vị anh hùng của địa phương
mình. Đối thủ của vị anh hùng ganh tỵ đến nỗi một đêm kia đã đập phá và xô đổ
bức tượng. Bức tượng đổ xuống và đè bẹp anh ta. Câu truyện nói lên thảm kịch
của lòng ghen tỵ dẫn đến “gậy ông đập lưng ông”. Sự lây nhiễm của ghen tỵ là
một trong những nguyên nhân khiến các tiên tri thường không được kính trọng ở
quê hương mình.
Ghen tỵ là nhân tố đã ảnh
hưởng thế nào đến cuộc sống và công việc của tôi? Tôi có thể làm gì để đi ảnh
hưởng của nó?
Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi (McKenzie).
Tin Mừng Năm C
[Chúa Giêsu sai các môn
đệ đi rao giảng Tin mừng, Ngài nói,] “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói:
“Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).
Helen Keller
không thể thấy hoặc nghe được. Vậy mà cô đã trở thành một nhà diễn thuyết lỗi
lạc trước công chúng. Một ngày nọ, sau bài diễn thuyết, có người hỏi cô: “Nếu
được ban một điều ước, cô sẽ ước gì?”. Người đặt câu hỏi nghĩ rằng Helen có thể
sẽ nói: “Tôi ước được thấy và nghe”. Nhưng Helen đã trả lời: “Tôi ước mong một
nền hòa bình trên khắp thế giới”. Chúa Giêsu chắc hẳn cũng tán thưởng câu trả
lời tuyệt vời của Helen. Bởi vì đó chính là điều Ngài đã nói với các môn đệ:
hãy là khí cụ bình an: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con
Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Tôi đã thực sự là khí cụ
bình an của Chúa tại nơi tôi làm việc và tại gia đình tôi như thế nào? Tôi có
thể làm tốt hơn nữa không?
Bạn không thể nào bắt
tay bằng một nắm tay. (Indira Gandhi)