Mark Link _ Lời Chúa thứ hai tuần 10 thường niên

THỨ HAI – TUẦN 10
Bài đọc 1 Năm lẻ
[Thiên Chúa] luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lầm cảnh gian nan khốn khó (2Cr 1,4).
Một vị thừa sai mất cả hai chân như hậu quả của chiến tranh. Ông cảm thấy mình thật vô dụng và đáng bỏ đi. Dần dần một cái gì đó bất ngờ xảy đến, ông khám phá ra một sứ mạng thứa sai mới. Các bác sĩ yêu cầu ông nói chuyện với các bệnh nhân phải đối mặt với những ca phẫu thuật tương tự như ông. Ơn Chúa đã đến với ông khi ông phải động viên người khác. Và trong quá trình này, ông đã được chữa lành.
Câu truyện về vị thừa sai minh họa cho quan điểm của thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay. Nó mời gọi tôi tự hỏi: Thiên Chúa đã nâng đỡ tôi cách nào để tôi cũng có thể để nâng đỡ người khác?
Ngày huyền diệu đến khi con người bắt đầu từ bỏ chính mình. Ý thức về cuộc sống của anh ta cũng giống như một căn phòng bao quanh bằng kính. Giờ đây một số miếng kính biến thành cửa sổ mở ra đối với người khác (H. Emerson Fosdick).

Bài đọc 1 Năm chẵn
Có lời Thiên Chúa đến với Êlia: “Hãy ra khỏi đây mà hướng về Đông, ngươi sẽ ẩn mình trong Khe Kơrit… Ngươi sẽ uống nước Khe… Và Ta truyền lệnh cho quạ nuôi dưỡng ngươi ở đó.” Êlia đã đi và làm theo lời Thiên Chúa (1V 17,3-5).
Êlia là vị tiên tri đầu tiên và lớn nhất của Israel, một vị tiên tri được mô tả là người được Thiên Chúa kêu gọi để “quấy rầy những kẻ giàu sang và an ủi những người gặp lo âu.” Khi được trao cho công việc nguy hiểm là quấy rầy Ahab, một ông vua gian ác, đã thống trị mười chi tộc phương Bắc Israel, sau khi tách khỏi hai chi tộc phương Nam, Êlia đã thực hiện công tác với niềm tin tưởng.
Mỗi kitô hữu được kêu gọi để “quấy rầy kẻ giàu sang và an ủi người gặp lo âu” theo nghĩa nào? Tôi đã sống ơn gọi của tôi một cách tin tưởng ra sao trong đời sống hằng ngày?
Biết điều gì đúng mà không thực hiện, là một sự hèn nhát tệ hại nhất (Khổng Tử).

Bài Tin Mừng
Thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Ngài mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,1-3.5).
Tiến sĩ Tom Dooley làm việc giữa những người nghèo khổ, thiếu thốn của Châu Á. Ngày nọ, ông kể cho một người bạn về sự quý trọng của ông đối với mối phúc thật thứ ba: “Phúc cho ai sầu khổ!” Ông giải thích rằng sầu khổ có nghĩa là “rất nhạy cảm với đau khổ.” Ông nói thêm: “Nếu bạn nhạy cảm với đau khổ và làm một cái gì đó để xoa dịu nó, bạn sẽ được hạnh phúc dù bạn không thể giúp đỡ nhiều hơn.”
Tôi nhạy cảm thế nào trước nỗi khổ trong cuộc đời những người xung quanh? Tôi đã làm gì để xoa dịu nỗi khổ đó?
Tình yêu chỉ để trong tim thì cũng giống như một lá thư viết rồi mà không gửi (Jane Lindstrom).