THỨ BẢY - TUẦN 10
Bài đọc 1 Năm lẻ
Phàm ai ở trong Chúa
Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều
do bởi Thiên Chúa, Đấng đã có nhờ Chúa Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với
Người (2Cr 5,17-18).
John Powell kể
về một thanh niên trong 18 năm trời chỉ thấy được khoảng vài thước trước mặt.
Cuối cùng, khi đeo kính, anh bỗng ngạc nhiên sao mọi thứ lại đẹp đẽ đến thế.
Anh nói “Đeo kính là kinh nghiệm đẹp đẽ
thứ hai của đời tôi.” John hỏi: “Thế
kinh nghiệm đầu tiên là gì?” Người thanh niên trả lời: “Đó là ngày tôi tin vào Chúa Giêsu và được biết rằng Thiên Chúa là Cha
của tôi. Điều đó cũng giống như bắt đầu một cuộc đời mới.”
Tôi đã bao giờ có một kinh
nghiệm thiêng liêng tác động đến tôi một cách đáng nhớ chưa? Điều đó xảy ra ở
đâu? Khi nào?
Đừng sợ rằng cuộc đời
bạn sẽ kết thúc, nhưng tốt hơn, hãy sợ rằng nó không bao giờ có khởi đầu. (John
Henry Newman)
Bài đọc 1 Năm chẵn
Êlia đi khỏi đó thì gặp
Êlisa đang cày ruộng với một cặp bò… Êlia ngang qua và vất tấm bào lên mình
Êlisa. Êlisa liền để bò lại… đi theo Êlia và hầu hạ ông (1V 19,19-20).
Cuốn sách “Một
người tên là Phêrô” của Catherine Marshall kể câu truyện về người chồng tác
giả, một tuyên úy nổi tiếng của Quốc hội. Cuốn sách đã được dựng thành phim.
Một ngày nọ, Catherine nhận được một bức thư từ một biên tập thể thao trẻ. Anh
ta nói rằng sau khi xem phim, anh cảm thấy tiếng Chúa kêu gọi trở thành thừa
tác viên. Anh đã đáp trả và hiện đang sung sướng theo học trong một chủng viện.
Đó là một bối cảnh không bình thường tương tự như Êlisa nghe tiếng Chúa gọi trở
thành người nối nghiệp Êlia với tư cách một tiên tri của dân Israel.
Tôi đã bao giờ cảm thấy
Thiên Chúa đang trò chuyện với tôi qua một cuốn phim hay một cuốn sách nào đó
chưa? Đã bao giờ tôi chợt nghĩ về Thiên Chúa trong một bối cảnh không bình
thường chưa?
Hiểu được cái vĩnh cửu
từ cái ngắn ngủi mau qua, đó là trò chơi kỳ diệu trong cuộc sống của con người
(Tennessee
William)
Bài Tin Mừng
[Chúa Giêsu nói:] “Đừng
thề chi cả… Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” (Mt
5,34.37).
Một học sinh
trung học viết nguệch ngoạc bằng bút chì dòng suy nghĩ sau đây: “Mỗi ngày, khi đi nhờ xe từ nhà đến trường,
tôi thường gặp đi gặp lại một số tài xế. Họ ra dấu là họ sắp phải quay lại nên
không thể cho bạn đi nhờ. Rồi khi bạn nhìn theo, họ vẫn cứ thẳng đường tiến.
Lạy Chúa, tại sao họ không nói thật? Tại sao họ không nói “không” khi họ có ý
từ chối, và nói “có” khi họ đồng ý?”
Kẻ hèn nhát hỏi: “Có an
toàn không?”
Kẻ thủ đoạn hỏi: “Có khôn
ngoan không?”
Kẻ kiêu ngạo hỏi: “Có
nổi tiếng không?”
Sẽ đến lúc người ta phải
đảm nhận một vị trí không an toàn, không khôn ngoan, cũng chẳng nổi tiếng, nhưng
họ phải làm vì điều đó là đúng. (Martin Luther King)