MỘT
BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC
Ông
‘nổi tiếng’ là học rất dốt. Thi đâu trượt đấy trong nhiều năm trời. Thế nhưng
cuộc đời của ông lại tỏa sáng trên toàn thế giới vì ông đã chạm vào tâm hồn nhiều
thế hệ. Tầm vóc vĩ đại của một người đơn sơ như ông đã đạt đến đỉnh cao khi ông
được chọn làm gương mẫu đời sống cho những nhà lãnh đạo tinh thần của Hội Thánh
trong vai trò ‘cha chánh xứ’. Trong những bút tích còn lưu giữ của ông, người
ta tìm thấy nhiều điều khôn ngoan dẫn đến hạnh phúc. Xin được trích lại nơi đây
một ‘bí quyết để hạnh phúc’. Ông viết: “Con người có một điều tuyệt đẹp, đó là
khả năng cầu nguyện và yêu thương. Bạn cầu nguyện, bạn yêu thương, đây chính là
hạnh phúc của con người trên trái đất này… Cầu nguyện là nếm hưởng trước Thiên
Đàng.” (Gioan-Maria Vianney)
Cầu nguyện là
một bí quyết để hạnh phúc. Ai đã có kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện sẽ hiểu rõ
điều này. Muốn sử dụng hiệu quả một bí quyết thì phải có phương pháp đúng đắn, khoa
học. Phương pháp càng tốt thì càng đạt hiệu quả nhiều. Cầu nguyện càng tích cực
thì hạnh phúc càng kết trái đơm bông dồi dào.
Họ là hai người thuộc hai lối sống, hai
hoàn cảnh, hai môi trường nghề nghiệp, hai quan niệm khác nhau, nhưng cả hai đều
có chung một mục đích trong đời: đi tìm hạnh phúc. May thay, cả hai đều biết đến
và thực hành ‘bí quyết để hạnh phúc’ trên, nhưng xem ra mức độ hạnh phúc họ đạt
được khá khác biệt.
Khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, Cần thu xếp
cửa hàng tạp hóa. Công việc đôi lúc cũng dồn dập đến mệt lả nhưng nói chung làm
chủ tiệm thì vẫn chủ động hơn về giờ giấc. Tiệm của mình, mình muốn đóng cửa
lúc nào tùy mình. Sau cơm tối, Cần bật tivi lên xem thời sự, nghe ca nhạc hoặc
coi một cuốn phim nào đó giải trí. Thói quen cầu nguyện trước khi ngủ là món
quà quý giá mẹ Cần đã để lại cho con. Quý giá vì nó hỗ trợ tinh thần cho Cần những
lúc căng thẳng giữa dòng đời nổi trôi phức tạp này. Ngồi ngay ngắn, Cần bắt đầu
cầu nguyện: “Chúa ơi, hôm nay con mệt quá. Dạo này kinh tế khủng hoảng, làm ăn
khó có đồng lời như hồi trước. Không biết bao giờ mới đủ tiền xây căn nhà đàng
hoàng mà lấy vợ đây? Xin giúp cho con có thêm khách hàng Chúa nhé. Xin Chúa
cũng chữa cho con cái bệnh nhức đầu, chắc tại con suy nghĩ nhiều quá nên bị
stress. À, xin Chúa soi sáng cho bà chủ tiệm bên cạnh nhận ra lỗi của bà ta
sáng nay. Con không cần lời xin lỗi nhưng... Con biết Chúa dạy con phải yêu
thương cả kẻ thù nữa nhưng bà ta quả là rất khó chịu. Ngày nào cũng gặp một người
như thế thật là dễ mất bình an…”
Nhờ ít phút cầu nguyện mỗi đêm như thế
mà Cần cảm thấy bớt ức chế. Ít ra cũng được giải tỏa phần nào về tâm lý khi có
Chúa kiên nhẫn lắng nghe. Dẫu vậy, phương pháp cầu nguyện này không có khả năng
tạo được sự bình an vững chắc trong lòng Cần giữa biển đời. Con thuyền tâm hồn
dễ chòng chành, chao đảo, quay quắt khi sóng gió nổi lên.
Hân rời quê lên thành phố mưu sinh. Dưới
quê việc làm khan hiếm, gia đình chỉ có miếng đất nhỏ nên làm chẳng đủ ăn. Cha
mẹ Hân cũng đã lớn tuổi, lại còn mấy đứa em nhỏ đang học trường làng. Tụi nó đều
muốn nghỉ học nhưng Hân cương quyết không cho. Hân muốn các em sau này có tương
lai sáng sủa hơn mình. Lên thành phố, Hân tìm hỏi bạn bè và được nhận vào một
nhà hàng lớn. Công việc chính của Hân là rửa chén, lau chùi nhà vệ sinh và làm
các việc vặt khác nếu chủ cần đến. Có những lúc đông khách, Hân làm việc quên cả
ăn uống, đến gần nửa đêm mới trở về căn nhà trọ cách đó nửa tiếng đi bộ. Về đến
nhà, tắm rửa một chút thì mệt lắm rồi. Không biết là hên hay xui, Hân không có
tivi mà chỉ có cái radio nhỏ nghe tin tức nên không ‘phải’ thức khuya để… luyện
phim chưởng. Trước lúc đi ngủ, Hân có thói quen ngồi nhắm mắt cầu nguyện. Thỉnh
thoảng có ngày mệt mỏi quá thì nằm nói chuyện với Chúa và ngủ lúc nào không biết.
Từ kinh nghiệm của gia đình cũng như bản thân, mặc dù có những cảm thấy khô
khan hoặc làm biếng, cầu nguyện đối với Hân là việc quan trọng phải làm mỗi
ngày.
Hân thường thủ thỉ với Chúa như thế này: “Cha ơi, một ngày lại đang dần
khép lại. Cảm ơn Cha đã giúp con giữ giờ tâm sự này với Cha để con được bình an.
Cảm ơn Cha vẫn duy trì sự sống và đức tin cho con. Cảm ơn Cha soi sáng cho con
nhận ra sự hiện diện của Cha trong các biến cố ngày hôm nay. Ui, nếu mà không
có Cha giúp con nhanh tay chụp lại cái đĩa thì tiền lương của con lại bị trừ mất
một ít! Cảm ơn Cha giúp con kiên nhẫn với chị nấu bếp khi chị ấy nổi nóng la
con. Cảm ơn Cha cho con biết làm chứng cho Cha qua nụ cười của con. Có mấy người
nói rằng con tuy không đẹp nhưng con có duyên nhờ nụ cười. Hì hì hì... Cha cũng
khéo giúp con qua mấy lời khen ấy quá nhỉ! À, Cha ơi, bệnh chị họ của con vẫn
chưa thuyên giảm. Con thấy lòng mình lo lắng nhiều. Con xin Cha giúp con trông
cậy và phó thác nơi Cha nhiều hơn. Mong sao việc cầu nguyện của con không phải
để đòi Cha phải thay đổi theo ý con nhưng để con được biến đổi theo tầm nhìn
sâu thẳm và toàn diện của Cha vì cuối cùng chỉ có Cha là người thương chúng con
nhất và hiểu rõ chúng con cần ơn gì nhất. Con xin dâng chứng đau lưng kinh niên
của con như một hy sinh nhỏ bé để hiệp thông với người bạn thân đang gặp khủng
hoảng. Và nếu hợp ý Cha, trong những ơn mà Cha ban cho con hôm nay, con nguyện
tặng những ơn cần thiết cho người ấy. Cha, con xin lỗi vì hôm nay có mấy lần
con xét đoán người khác trong tư tưởng. Con thấy mình còn nông cạn, hẹp hòi quá!
À, thế này, xin Cha tiếp tục nhắc con biết sống cầu nguyện thêm trong ngày, đặc
biệt là lúc con làm việc, để con gặp gỡ Cha nhiều hơn nữa. Như thế con sẽ bình
an hơn Cha nhỉ! Bây giờ con đi ngủ đây! Úi, suýt nữa con quên cầu nguyện theo lời
mẹ dạy: Cho những ai không biết tầm quan trọng của cầu nguyện, con xin cầu nguyện
thay cho họ. Cho những ai không biết tạ ơn Cha, con xin tạ ơn thay cho họ. Cho
bản thân con, xin Cha giúp con đừng bao giờ dại dột bỏ cầu nguyện. Con xin phó
thác hết mọi sự cho Cha. Cảm ơn Cha vẫn luôn yêu con. Con cũng yêu Cha!” Rồi,
khò khò khò ò ò ò …
Nhờ thái độ và cách cầu nguyện thực tế, tích
cực này mà Hân vững tâm, lạc quan trong cuộc sống.
Còn nhiều câu chuyện về cầu nguyện hữu
ích khác mà ta có thể kể cho nhau nghe. Vì thời gian có hạn nên xin được khép lại
bài này nơi Thầy Giêsu, đỉnh cao và trung tâm của cầu nguyện.
Trước khi quyết định một việc gì, Thầy đến
gặp Cha. Điều này chứng tỏ cầu nguyện có thể giúp định hướng và soi sáng cho ta. Bắt đầu một
ngày mới, Thầy đến gặp Cha. Như thế có nghĩa là cầu nguyện giúp ta khởi sự ngày mới trong Thần
Khí Thiên Chúa.
Ngày sống bận rộn trăm công ngàn việc của Thầy được đặt hoàn toàn trong sự hiệp
thông với Thánh Ý của Cha. Điều này chứng minh rằng cầu nguyện giúp ta dễ nhận biết và sống đúng hơn thánh ý Thiên Chúa. Sau
một ngày vất vả, Thầy lại dành một không gian và thời gian riêng tư thân mật để
gặp Cha. Như thế cầu nguyện cho ta sự nghỉ ngơi bổ dưỡng an lành. Những lúc đối diện với
cám dỗ, khó khăn, hiểu lầm, chê bai, ganh ghét, vu khống, thù hận, bách hại…,
Thầy nắm chặt lấy tay Cha. Điều này cho thấy cầu nguyện đem lại sức mạnh và vững tâm… Còn nhiều khía cạnh bổ
ích khác về cầu nguyện trong cuộc sống của Thầy mà ta có thể thêm vào đây.
Bạn thân mến, sở dĩ Gioan-Maria Vianney
hiểu được “cầu nguyện là hưởng nếm trước Thiên Đàng” là vì ông đã khôn ngoan
làm theo lời Thầy Giêsu dạy: “Anh em hãy
cầu nguyện luôn.” (Lc 18:1, 21:36; Eph 6:18; 1 Thes 5:16-18)
Để đời ta bình an và hạnh phúc hơn, mình
cùng làm theo lời Thầy dạy, bạn nhé.
Giuse Việt, O.Carm.