Mark Link _ Lời Chúa thứ hai tuần 33 thường niên

THỨ HAI – TUẦN 33
Bài đọc 1 Năm lẻ
[Vua Syria là Antiôkô Ephiphan bắt đầu bách hại người Do thái,] Nhiều người đã thà chết hơn là vi phạm giao ước thánh, và nhiều người đã phải chết (1M 1,62. 63).
Vua Antiôkô cai trị chư hầu Israel vào năm 170 trước công nguyên. Ông là người nhiệt thành với văn hóa Hy Lạp và tự cho mình là hiện thân của thần Zeus, cha của những vị thần Hy Lạp. Ông tự xưng là Ephiphanê (Hiện thân của thần thánh). Người Do Thái thì gọi ông là Ephimanê (kẻ điên rồ). Để gắn bó với văn hóa Hy Lạp, ông cố gắng biến người Do thái thành người Hy Lạp. Bước đầu tiên trong cố gắng đó là loại trừ tôn giáo của họ, vì thế, ông cho tiến hành một cuộc bách hại hàng loạt. Một số người Do thái đầu hàng, nhưng nhiều người khác can đảm chống lại.
Tôi đã bao giờ từ bỏ hoặc bị lôi kéo từ bỏ công việc thực hành đức tin chưa? Tại sao?
Một phóng viên hỏi mẹ Têrêsa: “Có gì bất ổn với Giaó hội ngày nay?” Mẹ trả lời: “Ông và tôi, chúng ta gây bất ổn cho Giaó hội, vì mỗi chúng ta là Giaó hội.”

Bài đọc 1 Năm chẵn
Đây là lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao… Hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và hãy làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu (Kh 2,1. 5)
Ngay sau khi Lou Holtz trở thành huấn luyện viên của đội bóng Notre Dame vào năm 1985, một phóng viên truyền hình đã đặt cho anh câu hỏi: “Anh đã làm gì để đưa danh hiệu “Israel quyết chiến” lại cho đội.” Holtz trả lời: “Tôi tiến hành ba điều với các cầu thủ của tôi: Yêu thương, tin tưởng và phó thác.” Công thức của Holtz giống như công thức Chúa Giêsu đề ra cho những ai muốn thay đổi lối sống. Họ phải tin tưởng rằng họ có thể thay đổi, phó thác bản thân để thay đổi và sử dụng tình yêu như động lực để thay đổi.
Điều gì trong đời sống riêng tư tôi muốn thay đổi? Tại sao?
Người ta thường nói thời gian sẽ biến đổi mọi thứ, nhưng chính bạn phải thực sự thay đổi chúng. (Andy Warhol)

Bài Tin Mừng
 [Có một người mù nghe nói Chúa Giêsu sắp đi qua,] Anh liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu,Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đến gần, Ngài hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” (Lc 18, 38. 40)
Một giáo viên nọ đọc đoạn Kinh thánh trên rồi nói với các học sinh: “Hãy tưởng tượng khi các em đang cầu nguyện một mình, Chúa Giêsu hiện ra và hỏi: “Con muốn Ta làm gì cho con?”, các em sẽ nói gì?” Đây là một số câu trả lời của các học sinh: “Xin cho con đủ can đảm để bỏ thuốc lá”; “Xin cho con niềm tin như thời thơ bé”; “Xin cất đi khỏi con đau khổ và thất vọng”; “Xin cho con được tự tin.”
Những câu trả lời này mời gọi tôi tự hỏi: Tôi sẽ xin gì, nếu Chúa Giêsu hiện đến và hỏi tôi “Con muốn Ta làm gì cho con?”
Cầu nguyện là cách diễn tả chúng ta là ai… Chúng ta chỉ là sinh vật bất toàn. Chúng ta chỉ là một con người thiếu sót, trống rỗng cần được hoàn thiện (Thomas Merton)