GLCG _ giữ đức công bằng


Bài 23. GIỮ ĐỨC CÔNG BẰNG
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ MƯỜI
175.           Điều răn 7 và 10 dạy ta điều gì?
          Điều răn thứ bảy dạy ta giữ đức công bằng và bác ái trong việc quản lý và sử dụng của cải đời này.
          Công bằng và công ích đòi ta “tôn trọng quyền chung hưởng của cải trần thế và quyền tư hữu. [1]
          Vì thế, điều răn thứ bảy “cấm ta lấy hay giữ tài sản của người khác cách bất công, cấm làm hại của cải họ bằng bất cứ cách nào”, vì thế mà buộc ta hoàn trả những gì đã lấy cách bất công, và bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
          Không chỉ tôn trọng quyền tư hữu mà còn dạy ta tôn trọng quyền chung hưởng của cải trần thế, điều răn thứ bảy hướng chúng ta về sự hoàn hảo của đức công bằng, là đức bác ái.
          Bác ái dạy ta “cố gắng sử dụng mọi của cải trần thế để phụng sự Thiên Chúathực thi tình bác ái huynh đệ”. [2]
          Điều răn thứ mười dạy ta không được ham muốn của cải người khác: ”Ngươi sẽ không được thèm muốn của gì của người đồng loại ngươi” (Xh 20,17).
176.           Mục đích của hai điều răn 7 và 10 là gì?
          Hết mọi của cải đều thuộc về Chúa vì Ngài tác tạo nên chúng. Bởi đó, chúng phải phụng sự Ngài và Ngài muốn dùng chúng như thế nào tùy ý. Thế nhưng Chúa là Cha nhân lành đã “trao địa cầu và tài nguyên cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của địa cầu”. [3]
          Của cải trở thành vô giá trị nếu không được sử dụng, và còn trở thành tai họa nếu bị sử dụng sai mục đích. Điều răn 7 và 10 được đặt ra để gìn giữ của cải trong vị trí đúng thực của nó, là thỏa mãn nhu cầu của đời sống mọi người.
          Với cái nhìn đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao điều răn 7 và 10 không chỉ ngăn cấm những hành vi bất công, mà còn đòi buộc chúng ta phải chung hưởng của cải, sử dụng của cải trong tình bác ái huynh đệ .
177.           Quyền chung hưởng của cải là gì?
          “Quyền tư hữu của cải do mình làm ra hay nhận được một cách chính đáng không huỷ bỏ việc Thiên Chúa ban địa cầu cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thuỷ. Quyền chung hưởng của cải vẫn ưu tiên, cho dù sự thăng tiến công ích đòi phải tôn trọng tư sản, quyền tư hữu và việc hành sử quyền này”. [4]
          “Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình sở hữu một cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa”. [5]
178.           Quyền tư hữu của cải có cần thiết không?
          Tuy cả trái đất được ban cho nhân loại chung hưởng, nhưng quyền tư hữu của cải vẫn cần thiết, vì “quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình”. [6]
179.           Thế nào là không tôn trọng tài sản tha nhân?
          “Mọi hình thức chiếm đoạt và cầm giữ cách bất công tài sản của tha nhân, dù không nghịch với dân luật, vẫn nghịch điều răn thứ bảy, như cố tình không trả của đã mượn, giữ lại của rơi, buôn gian bán lận, trả lương thiếu công bằng, lợi dụng sự không biết và khó khăn của tha nhân để tăng giá”. [7]
          “Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt tài sản tha nhân bất chấp ý muốn chính đáng của sở hữu chủ”. [8]
          Chiếm đoạt tài sản tha nhân bất chấp ý muốn chính đáng của họ là lấy và giữ của người cách bất công.
180.           Lấy của người cách bất công là gì?
           Lấy của người cách bất công có những hành vi sau:
           - Gian lận trong khi mua bán: là cố ý giao hàng không đúng phẩm chất, số lượng, giá cả, hay thứ loại hàng theo ý người mua; hoặc vì nhằm thủ lợi mà không báo cho người kia biết sự lầm lẫn của họ về giá trị thực của món hàng, về số tiền đếm lộn, số lượng món hàng đếm sai …
           Cũng là gian lận khi cố ý làm hàng giả để bán với giá hàng thật, hoặc làm hoá đơn giả để ghi số tiền không đúng với số tiền đã trao hay nhận.
           - Xâm lấn: là thay đổi ranh giới đất đai hay của cải có lợi cho mình cách bất công, như sửa hàng rào, bờ ruộng, lấn sang đất người khác; xây tường, sân, lấn ra đường.
           - Cho vay ăn lời quá đáng: là cho vay với mức lời vượt quá quy định của pháp luật hoặc quá thói quen của địa phương được mọi người chấp nhận.  
           - Hối lộ: là việc người có chức quyền nhận tiền bạc hay của cải của ai, để ban cho người đó những quyền lợi mà họ không đáng được, hoặc miễn giảm phần phạt mà họ đáng phải chịu. Cả người đưa hối lộ và người nhận đều phạm tội hối lộ, lỗi đức công bằng phân phối.
           - Thâm lạm của công: là hành vi chiếm dụng của công làm của riêng, hay sử dụng của công vào việc riêng tư, như dùng xe công để chạy việc riêng, bàn công việc riêng bằng điện thoại của công sở. . .
           - Đầu cơ tích trữ: là hành vi tạo sự khan hiếm giả tạo một món nhu yếu phẩm nào đó, để có thể độc quyền bán với giá cao. Tội đầu cơ chẳng những lỗi đức công bằng mà còn lỗi đức bác ái, và còn có thể vi phạm điều răn thứ năm nếu nó gây nên nạn đói kém. Cùng loại với tội đầu cơ là tội tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách loan tin đồn về sự tăng hay giảm giá của một món hàng, về sự khan hiếm của một món hàng, để trục lợi.
181.           Giữ của người cách bất công là những tội nào?
           Giữ của người cách bất công có những tội như:
           - Không trả nợ: không hoàn trả cho người khác tiền bạc, của cải mình đã vay mượn họ theo đúng hạn kỳ đã ước định, đúng với số lượngphẩm chất của vật được vay mượn. Chạy hụi (bỏ không đóng hụi nữa khi đã nhận tiền) cũng là một hình thức không trả nợ mình đã mượn của những người cùng chơi.
           - Không trả tiền công xứng đáng: Là tội bất công của người chủ khi không trả tiền lương, hay chậm trễ quá lâu, hoặc bắt công nhân làm thêm giờ mà không thêm lương, hoặc bắt chẹt người làm phải làm công việc quá nặng với đồng lương không tương xứng, dù có sự thỏa thuận của hai bên. “Tùy theo nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình một đời sống xứng hợp về phương diện vật chất, văn hóa và tinh thần”. [9]
           - Trốn thuế: Thuế là phần đóng góp do nhà cầm quyền hợp pháp đặt ra cho dân chúng để chi phí vào những việc thiện ích chung, như trả lương cho các viên chức nhà nước, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, phát triển văn hoá, giao thông v. v. . .
           “Không đóng góp lệ phí cho những cơ quan an ninh xã hội do chính quyền hợp pháp quy định là điều bất công”. [10] Người trốn thuế là người lấy cắp của mọi người, hưởng dùng tài sản của mọi người.
           - Đồng loã, là tội của những ai không tự tay mình làm điều bất công, nhưng lại đóng góp vào sự bất công đó qua hành động, lời nói, hay sự bỏ qua: như hiến kế, dẫn đường, đưa thang, canh gác cho kẻ trộm; che dấu kẻ trộm, oa trữ, mua bán đồ bị trộm cắp; biết có kẻ trộm mà không báo cho chủ biết, hay không tìm cách ngăn cản v. v. . .
           Những người đồng lõa với những hành vi bất công sẽ cùng chịu trách nhiệm với thủ phạm chính trong việc đền trả.
           - Không hoàn lại của lượm được:
           Của cải lượm được, bắt được, hay tìm thấy được, có thể phân làm hai loại: Vật vô chủ và vật có chủ, với cách xử lý khác nhau. Vật có chủ phải được trả về cho sở hữu chủ của nó. Vật vô chủ là vật không có sở hữu chủ, hay là vật có sở hữu chủ nhưng không tìm thấy sở hữu chủ trong một thời hạn quy định, nói chung là cần tham khảo dân luật về vấn đề này. .
          Luật dân sự, điều 247, quy định:
1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc nhà nước.
2. Người phát hiện vật không biết ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
3. Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu vật là động sản thì sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản, thì sau 5 năm, kể từ ngày thông báo công khai, vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì bất động sản đó thuộc nhà nước, người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.


[1] GLCG, 2401
[2] GLCG, 2401
[3] GLCG, 2402
[4] GLCG, 2403
[5] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 69
[6] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 71
[7] GLCG, 2049
[8] GLCG, 2048
[9] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 67