Công tử Bạc Liêu trong ký ức con trai út
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, tức Hắc công tử, mất năm 1973, thế nhưng cho đến tận bây giờ, những giai thoại về Hắc công tử luôn khiến nhiều người vừa thích thú, lại vừa bán tín, bán nghi.
Chuyện đời dài lắm và chắc là ít ai ngờ những người con của Hắc công tử xưa kia hiện tại đang sống những chuỗi ngày cơ cực…
Tháng 6 năm 1900, Trần Trinh Huy ra đời. Cũng ở thời điểm này, thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong xứ Nam Kỳ và xây dựng tương đối hoàn chỉnh bộ máy chính quyền phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa. Không biết từ bao giờ, dân Nam Kỳ bỗng thuộc lòng câu xướng “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch” để chỉ bốn đại điền chủ giàu nhất xứ. Tư liệu cũ thống kê Hội đồng Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110 nghìn ha đất trồng lúa, 100 nghìn ha ruộng muối, còn nhà ở thì tính sở hữu bằng dãy phố chứ không đếm căn nhà như thói thường.
Hội đồng Trạch có tổng cộng 7 người con, 3 trai và 4 gái. Con trai đầu của Trạch là Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy là con thứ. Trong số những anh em mình, Trần Trinh Huy nổi bật hơn cả về mức độ chơi ngông, nên được người dân Nam Kỳ quen miệng gọi là Công tử Bạc Liêu hay Hắc công tử vì nước da ngăm đen.
Cái chuyện Hắc công tử sắm máy bay thăm lúa, mua cano dạo sông, hay đốt giấy bạc để tìm tiền cho Bạch công tử không cần phải nói lại. Vì hầu như, ai cũng biết đến những giai thoại này. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến người con thứ của Hắc công tử, ông Trần Trinh Đức.
Ngồi trò chuyện rất lâu với ông Đức ở góc quán tại ngã tư Pasteur và Điện Biên Phủ, nơi ông “đóng dinh” để hành nghề xe ôm, những mảnh ký ức chắp vá của ông khắc họa tương đối đầy đủ về các người con của Hắc công tử.
Ông Trần Trinh Đức với công việc chạy xe ôm kiếm sống qua ngày
Hồi đó khi Hắc công tử đi học bên Pháp, thay vì mang được mảnh bằng Tây về báo công với Hội đồng Trạch thì ông lại thay thế bằng một cô vợ đầm và một đứa con Tây. Về lại cố quốc, Hắc công tử nhanh chóng leo lên vị thế của một tay chơi đúng kiểu anh Hai Nam Bộ. Cái chuyện bồ bịch của ông thôi không nhắc tới, chỉ nhắc chuyện ông với cô gái con nhà gia thế đất Mỹ Tho là Nguyễn Thị Mẹo (hay còn gọi là Nguyễn Thị Hai). Sau khi kết hôn với bà Mẹo, ông chuyển lên sống ở Sài Gòn trong căn biệt thự tại đường Nguyễn Du. Sống với bà Mẹo, ông có cả thảy 3 người con. Cô con gái đầu tên là Thảo (hiện định cư tại Vương quốc Anh) và hai người con trai là Nhơn và Đức. Ông Nhơn giờ ở đâu đó vì lý do riêng nên ít người biết địa chỉ còn ông Đức sớm tối bán mặt ngoài đường mưu sinh bằng những cuốc xe ôm. Cũng trong thời gian sống với bà Mẹo, Hắc công tử có qua lại với người phụ nữ khác, hai người có với nhau một người con trai chung, tên Hiếu. Về sau, người phụ nữ này sang Áo sinh sống và bảo lãnh cả gia đình con trai qua bên đó định cư.
Trần Trinh Đức sinh năm 1947 ở Sài Gòn. Ông kể nghe mấy người ở trong nhà nói lại thì lúc đó bà Mẹo (mẹ ông) sinh ông ra trước, vài phút sau sinh thêm người em nữa thì bị băng huyết. Người em song sinh của ông cùng chết theo mẹ. Vì thế, ngay từ khi mới chào đời, ông đã mồ côi mẹ. Có vẻ như cha ông, Hắc công tử bận rộn với nhiều chuyện khác hơn là quan tâm đến đứa con út côi cút, nên ông sống chủ yếu trong vòng tay của người ăn kẻ ở trong nhà. Trong ký ức những ngày ấu thơ của mình, ông Đức chỉ nhớ Hắc công tử là người đàn ông cao to, nước da ngăm đen… Hầu như ông không làm gì, chỉ quanh quẩn trong nhà ban ngày, tôi lái chiếc xe mui trần có biển hiệu NPK 0118 dạo chơi ở Sài Gòn. Trong căn biệt thự của Hắc công tử nằm ở đường Nguyễn Du ngày đó cũng vắng bặt khách khứa đến thăm viếng, qua lại. Qua lời kể của ông Trần Trinh Đức, có cảm nhận rằng, Hắc công tử ít bộc lộ tình thương đối với con mình.
Ông Trần Trinh Đức nói hầu như không có những biến cố lớn trong đời sống tuổi thơ của mình, dẫu cha ông là người lừng danh toàn xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Khi ông 8 tuổi, Hắc công tử dự tính mang anh em ông về Bạc Liêu để tiện việc ăn học. Nhưng khi đi ngang qua Mỹ Tho, ghé thăm nhà ông bà ngoại ông Đức, Hắc công tử nghĩ sao đó nên gửi anh em ông lại nơi này. Cứ hễ mỗi khi có dịp theo ông bà ngoại, ngồi ô tô lên Sài Gòn thăm cha, là ông Đức lại trốn ở lì tại Sài Gòn. “Về quê buồn lắm, với lại mình sống trên này tự do quen rồi. Ở Mỹ Tho, ngày nào cũng nắm cái hàng rào nhìn ra đường lộ, chán lắm. Nên có dịp là tôi trốn ở lại Sài Gòn luôn”, ông Đức kể. Chịu không thấu tính tình cậu con trai út, Hắc công tử quyết định cho hai anh em về Bạc Liêu sống với mấy cô, còn cô con gái gửi ở nhà ông bà ngoại tại Mỹ Tho.
Ông Đức trong ngày giỗ cha
Tôi hỏi ông Đức là ngày ông về lại Bạc Liêu, sống trong cái dinh thự của gia tộc mình, còn có cảnh gia nhân trong nhà mang bạc ra phơi cho đỡ gỉ sét hay không? Ông Đức nói, lúc ông về Bạc Liêu, người làm vẫn còn nhiều, nhưng không có những cảnh sung túc như ngày xưa nữa. Năm đó, ông lên 10, đi học vẫn có người dắt đi, về nhà có người giặt giũ riêng. Thậm chí cái chuyện tắm rửa cho ông cũng do một gia nhân (ông thường gọi là vú) khác làm. Ở Bạc Liêu vài năm, ông Đức được Hắc công tử cho lên Sài Gòn học ở Sài Gòn, rồi chuyển lên học ở Đà Lạt. “Cái đường học vấn của mình nó cũng… lung tung”, ông Đức đúc kết.
Giai thoại về Hắc công tử kể lại rằng năm 1968, Hắc công tử tục huyền với cô gái nhan sắc, con của ông già làm nghề sửa xe đạp cuối đường Nguyễn Du. Chuyện kể Hắc công tử sáng ra ban công ngắm phố xá, thấy có gái này gánh nước đi ngang, Hắc công tử mê quá bèn đi theo. Về đến nhà cô gái, Hắc công tử đòi đổi căn biệt thự ở Nguyễn Du để cưới cô gái, và cha cô đã bằng lòng. Sau đó, họ nên duyên và có với nhau 4 mặt con. Hỏi ông Đức về giai thoại này, ông Đức không xác nhận các chi tiết trên, ngoài chi tiết Hắc công tử có bốn người con sau với cô gái nọ. Ông Đức nói hiện tại, mẹ kế ông đang sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đây cũng là người vợ sau cùng của Hắc công tử. Ông cũng nói thêm là bà không thích lắm khi nhắc đến chuyện Hắc công tử, thậm chí khi giao tiếp hàng ngày, bà cũng tỏ ra xa cách với anh em ông Trần Trinh Đức. Cái biệt thự ở Nguyễn Du thời điểm này được Hắc công tử bán đi, chuyển cả nhà về khu nhà Tây ở đường Nhất Linh (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Bình Thạnh). Rõ ràng là không có chuyện Hắc công tử mang biệt thự để đổi lấy cô gái làm vợ như nhiều người kể lại.
Trong hai anh em trai, ông Đức được Hắc công tử thương hơn ông Nhơn. Có lẽ, Hắc công tử thương ông sớm mồ côi mẹ. Ông Đức kể rằng khi mà người dân Nam Bộ vẫn đang xài thứ “tiền xé” một đồng, thì thi thoảng, Hắc công tử vẫn dúi vào tay ông xấp tiền cả trăm đồng để cậu con trai út… tiêu vặt. Thế nhưng xét về khoản hào hoa như Hắc công tử, ông Đức không là gì so với người anh của mình. Rất đều đặn mỗi buổi chiều, ông Nhơn dẫn về nhà một cô gái xinh đẹp nào đó, rồi chỉ vào ông Đức bảo: “Chị dâu mày!”, thế là xong. Nghe vậy biết vậy, chứ chuyện ăn chơi của công tử Bạc Liêu thì biết thế nào mà lần. Ông Đức nói anh mình hào hoa là bởi ông làm vũ sư có tiếng ở Sài Gòn những năm đó, vũ sư Hoài Nhơn.
Chuyện đời cứ thế trôi đi cho đến năm 1973 khi Hắc công tử chết tại bệnh viện và được đưa về Bạc Liêu chôn cất trong mộ phần gia tộc Hội đồng Trạch. Sau khi an táng Hắc công tử, ông Đức kết hôn với cô nữ sinh mà ông không nhớ học trường nào. Ông Đức nói hồi đó Hoài Nhơn làm vũ sư, nhiều người đến xin học nhảy, ông thì làm trợ giảng cho Hoài Nhơn, nên thấy cô nữ sinh này xinh xắn rồi cặp luôn, chứ có biết cô học trường nào đâu. Ở với nhau được ít lâu, cô nữ sinh ngày xưa sinh cho ông Đức đứa con gái đầu lòng. Vợ ông sinh con được khoảng 3 năm, cũng là lúc hai anh em ông cùng bốn người anh em cũng cha khác mẹ quyết định bán căn nhà ở khu phố Tây để chia nhau, giá bán thời đó là 28 lượng. Mỗi người chia nhau một ít rồi ly tán để tìm đường mưu sinh riêng. Tính ở thời điểm đó, chính thức kết thúc sự sung túc của dòng tộc Hội đồng Trạch. Họ đã trở thành những người bình dân theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Biệt thự của Công tử Bạc Liêu giờ trở thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu
Cầm vài cây vàng được chia từ phần tài sản còn lại của Hắc công tử, ông Đức về sống ở gia đình vợ. Những tháng ngày cà lông cà bông cứ tiếp diễn cho đến khi hai vợ chồng xài đến phân vàng cuối cùng. Đói thì phải lăn ra mà làm, cậu con thứ được Hắc công tử cũng nhất giờ đây biến thành tay mánh mung ở khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Thời điểm này, họ có thêm cậu con trai thứ hai. “Hồi đó cái gì cũng làm, dĩ nhiên là không trộm cắp thôi. Chủ yếu là tui mua đi bán loại mấy loại đồng hồ, “một cửa sổ” hay “hai cửa sổ”, ông Đức kể lại. Dành dụm được chút đỉnh, ông chuyển sang mua bán tivi màu và tivi trắng đen với cánh thủy thủ tàu viễn dương. Nghề này kiếm ra lắm tiền, nhưng rất dễ dính án, nên khi kiếm được kha khá, ông bỏ hẳn nghề.
Với số vốn dành dụm được, ông Đức cùng bạn mở một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Làm được ít lâu, cái duyên buôn bán không còn “đãi” nữa, nên ông mua được căn hộ ở chung cư gần chợ An Đông (quận 5), sắm thêm cái xe 4 chỗ chạy du lịch theo kiểu dịch vụ, cho cô con gái chiếc xe gắn máy. Nói giàu có thì không giàu có, nhưng thuở đó, gia đình ông cũng thuộc dạng khá giả. Nhưng chuyện đời mấy ai ngờ. Cô con gái đến tuổi cập kê, yêu phải anh chàng đẹp mã, suốt ngày lượn lờ quanh các sòng bạc. Mê người yêu, cô lần lượt ném tiền vào những canh bạc của anh chàng này, cho đến khi số nợ đã lên đến “ngập mặt” thì cô phát điên. Thương con, vợ chồng ông bán tất cả số tài sản mà mình đang có để trả nợ, vậy mà trả có đủ đâu. Không còn cách nào khác, ông phải đưa gia đình đi trốn nợ ở Phom Penh, Campuchia. Đất khác quê người, ông nuôi cả nhà bằng nghề đi mua giày cũ, về tân trang rồi lại bán kiếm lời. Chịu không nỗi cảnh túng quẫn, ông bà lại dắt díu nhau về TP.HCM, mướn nhà trọ ở rồi lần mò tìm kế sinh nhai.
Được gia đình giúp đỡ một ít tiền, ông Đức mua chiếc xe gắn máy Trung Quốc chạy xe ôm, con gái ông sau cú sốc về tình cảm đã bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, không còn khả năng chữa trị. Ông Đức lấy góc ngã tư Pasteur và Điện Biên Phủ làm “bến xe ôm” của mình đã gần chục năm nay. Có những ngày, ông nằm ở góc đường này 24/24h, những ngày vắng khách. Cũng lâu rồi, ông tình cờ chở nhà báo Dương Tiến Hùng, báo Tuổi trẻ, chuyện trò trên chuyến xe, biết ông là con trai của Hắc công tử, nhà báo Dương Tiến Hùng đã không kiềm chế được sự ngạc nhiên của mình. Dĩ nhiên, lời nói của ông được bảo chứng bằng giấy khai sinh, nguyên quán gia đình, tên cha mẹ… Thấy cảnh ông khổ, anh Hùng khuyên ông thử về Bạc Liêu xin cấp nhà coi được hay không. Rồi ông cũng làm theo cái quy trinh xin cấp nhà do nhà báo Dương Tiến Hùng hướng dẫn, mọi thứ cho đến giờ này, có vẻ dường như đã ổn.
Ngày ông rời thành phố Hồ Chí Minh để hồi hương về lại Bạc Liêu, ông có gọi điện thoại để báo cho tôi biết. Hôm rồi gọi điện hỏi thăm sức khỏe, ông khoe là được giám đốc công ty Cổ phần địa ốc Bạc Liêu là ông Nguyễn Chí Luận đối đãi rất tốt, rồi mấy anh em làm báo, các quan chức của Tỉnh cũng rất “tình thương mến thương” ông. Nghe giọng ông có vẻ hào sảng và ấm nồng hơn, dẫu nghề nghiệp chính của ông vẫn là… cái nghề mang từ TP HCM về, tức là chạy xe ôm.
Nghe đâu, ông giám đốc Nguyễn Chí Luận sẽ cùng chính quyền Bạc Liêu mua gỗ tốt về xây dựng phủ thờ Công tử Bạc Liêu kết hợp làm nơi định cư lâu dài cho ông Đức. Chuyện này chắc là sẽ xảy ra trong thời gian ngắn thôi, hy vọng vậy. Bởi người con trai của Hắc công tử cũng đã chớm bước sang cái tuổi thất thập rồi.
Theo Cảnh sát toàn cầu