Bài 8. ĐỨC TIN
ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
56. Điều răn thứ nhất dậy ta những gì?
Điều răn thứ nhất nói về bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, là thờ phượng một mình Thiên Chúa và kính mến Ngài trên hết mọi sự: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. (Mt 22,37)
Bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa gồm có ba nhân đức đối thần và đức thờ phượng theo đòi hỏi của đức công bằng đối với Thiên Chúa.
57. Các nhân đức đối thần là gì?
Các nhân đức đối thần gồm có đức tin, đức cậy và đức mến. Các nhân đức này được gọi là đối thần vì “chúng trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa”: Chúng ta tin Chúa, cậy Chúa, và mến Chúa.
Đó là “những nhân đức thích ứng các tài năng của con người để dự phần vào bản tính thần linh… giúp các Kitô hữu sống trong tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh.” [1]
58. Đức tin là gì?
“Đức tin là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Người đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta phải tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân Lý.
“Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm biết và tìm thi hành ý muốn của Ngài” [2]
59. Ta có bổn phận gì với hồng ân đức tin?
Đức tin là một hồng ân Chúa ban, hồng ân đó cần đến sự cộng tác của chúng ta: “Người môn đệ Chúa Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin” [3]
a. Gìn giữ đức tin: là loại bỏ tất cả những gì nghịch với đức tin.
b. Sống đức tin: là thực hành những gì đức tin dạy. “Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng mạc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta” [4]. Một người không thể vừa xưng mình có đức tin, vừa không giữ các điều răn của Chúa và Giáo Hội. Một đức tin sống động, chứ không phải chỉ một niềm tin suông, mới có thể mang cho ta ơn cứu độ: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?” (Gc 2,14)
c. Tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn gặp phải”. [5]
60. Có những tội nào nghịch với đức tin?
Có những tội nghịch với đức tin, như:
a. Hoài nghi: “Cố tình hoài nghi trong lãnh vực đức tin là tội xem thường hay không nhìn nhận là chân thật những điều Thiên Chúa mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin. Tội vô tình hoài nghi là do dự không tin, không cố gắng vượt qua những vấn nạn đức tin, hay khủng hoảng trước bóng tối của đức tin. Nếu cố chấp, hoài nghi sẽ làm cho tâm trí nên mù quáng”. [6]
- Lạc giáo: là người có đạo, đã được rửa tội, cố chấp chối bỏ hay hồ nghi một chân lý đức tin Công giáo.
- Bội giáo: là người có đạo mà công khai chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.
- Ly giáo: là người có đạo từ chối vâng phục Đức Giáo hoàng hay từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội Thánh thuộc quyền ngài.
* “Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết”. [8] Người bỏ đạo cách công khai chỉ được lập gia đình với người Công Giáo khi có phép của Đấng bản quyền địa phương.
61. Nguyên nhân làm cho người ta bỏ đạo là gì?
Hai nguyên nhân thường làm cho người ta bỏ đạo:
a. Không tránh dịp nguy hiểm, mà đọc và xem sách báo, phim ảnh đi ngược với giáo lý của đạo; bè bạn thân mật với người chống phá đạo.
“Bởi vậy, mọi người phải xa tránh những giáo thuyết nào trái ngược với những điều phải tin”. [9]
b. Có đời sống bê tha, tội lỗi, không nghe theo tiếng lương tâm: “Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm”. (1Tm 1,19)