Lời Chúa cntn 13A _ các bài suy niệm

CÁC BÀI SUY NIỆM
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: 2V. 4, 8-11.14-16a; Rm. 6, 3-4.8-11; Mt. 10, 37-42
MỤC LỤC



Thảo kính cha mẹ là một giới răn của Thiên Chúa và chúng ta không thể nghĩ rằng Đức Kitô lại chủ trương bất hiếu, đi ngược lại với đòi hỏi của Thiên Chúa. Chính Ngài cũng có một người cha, một người mẹ và Tin Mừng cho thấy Ngài luôn phục tùng cha mẹ Ngài. Tuy nhiên đoạn Phúc Âm vừa nghe muốn trình bày với chúng ta một bậc thang giá trị mới.
Thực vậy, Ngài không đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải từ bỏ cha mẹ hay con cái. Bởi vì việc theo Chúa tự nó không phải là một cái gì mâu thuẫn với tình thương yêu cha mẹ và con cái. Thế nhưng cũng có những lúc kẻ theo Chúa bị đặt trước sự lựa chọn: hoặc nghe lời những kẻ thân yêu nhất hoặc đi theo Đức Kitô. Những quan hệ gia đình có thể trở thành những cản trở trên bước đường theo Chúa, không phải chỉ một số người đã đi tu hay vào chủng viện mới có cơ hội trải qua những kinh nghiệm đau thương ấy. Một người con trai muốn làm linh mục để đáp lại lời mời gọi của Chúa: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Nhưng anh lại được cha mẹ coi như là cột trụ, là tương lai của gia đình. Các ngài mong anh có một nghề hái ra tiền để bảo đảm tuổi già của ông ba, hay lập gia đình để các cụ có tí cháu bế cho vui cũng như để nối dõi tông đường. Anh bị đặt trước một sự giằng co.
Nhưng theo Chúa ở đây không chỉ có nghĩa là đi tu hay vào chủng viện, mà còn phải hiểu là sống theo những đòi hỏi của Ngài, là thực hiện những điều Ngài truyền dạy. Đòi hỏi ấy phải vượt lên trên tất cả mọi thứ đòi hỏi khác. Không phải vì Chúa Giêsu là một con người độc đoán, mà bởi vì Ngài biết rõ Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Hẳn rằng mỗi người chúng ta cũng có dịp sống qua những lựa chọn này.
Một thanh niên làm ở sở thuế. Anh có một vợ và ba con. Vợ anh không có việc làm, còn 3 con anh thì phải đi học. Gia đình anh lại rất nghèo. Vợ anh nhiều lần khuyên anh hãy làm như người ta. Nếu anh nghe vợ, xiêu lòng trước những lời than khóc của cô ấy, thì anh quả thực không còn xứng đáng với Đức Kitô, anh đã từ khước cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập bằng giá máu của Ngài. Trong trường hợp của anh, thì chính những người thân yêu lại là một cản trở trên con đường anh bước theo Chúa.
Tuy nhiên không phải chỉ những người thân, mà còn cả bản thân chúng ta nữa, cũng có thể là những cám dỗ thúc đẩy chúng ta đi ngược lại với những đường lối của Chúa. Chẳng hạn như lòng tham lam, tính ích kỷ, những khát vọng về tiền tài và địa vị nhiều lúc làm cho chúng ta phản bội lại lý tưởng của mình. Thế nhưng, chúng ta có dám liều, dám hy sinh, dám từ bỏ tất cả để bước theo Chúa hay không?



“Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, kẻ ấy không xứng đáng làm môn đệ Ta.”
Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy nhiều người đã lên tiếng thán phục Chúa, nhưng lại không dám bước theo Người. Họ giống như một em bé ngồi xem xiếc. Em há hộc miệng ngạc nhiên và khâm phục người đi thăng bằng trên sợi dây mong manh. Khi người ấy nhìn xuống và hỏi:
- Em có tin rằng tôi có thể vác em mà đi trên sợi dây này không?
Em không ngần ngại trả lời:
- Chắc chắn là ông làm được.
Thế nhưng, khi người ấy nói với em:
- Vậy em hãy lên đây và tôi sẽ vác em mà đi trên dây.
Nghe vậy, em bé liền sợ hãi và từ chối lời mời gọi, mà theo em, thật là đầy nguy hiểm.
Với chúng ta cũng thế. Nhiều người trong chúng ta luôn nói rằng mình tin Chúa, nhưng lại không dám bước theo Người. Họ chỉ là những kẻ dám đốc, dám xúi mà lại chẳng dám làm. Và nếu có làm, có bước theo Chúa, thì chỉ làm, chỉ bước theo trong một mức độ nào đó mà thôi. Họ theo Người đến bên thập giá, chứ không dám theo Người đến độ đóng đinh mình vào thập giá.
Có những lúc trong cuộc sống, đau khổ và thử thách đã xảy ra như muốn vùi dập chúng ta, khiến chúng ta bị cám dỗ chối bỏ Chúa, khước từ thập giá và không bước theo Người nữa. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta phải làm gì?
Tôi xin thưa:
- Chúng ta hãy thầm nhủ rằng chính Chúa đã từng có những lúc cảm thấy thập giá của mình như nặng quá sức. Chẳng hạn trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu, Người đã cầu nguyện: Xin Cha cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý Con, một theo ý Chúa mà thôi. Đề rồi cuối cùng Người đã chấp nhận thập giá, đồng thời cũng đã chấp nhận cho một kẻ xa lạ là ông Simong vác đỡ Ngài trên đường lên đỉnh Canvê.
Thực vậy, là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian, thế mà Người đành thú nhận với bản thân và với thế gian răng mình không đủ sức vác nồi thập giá, huống nữa là chúng ta. Bởi đó, phải khiên nhường noi gương Người, khi thập giá đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta cũng hãy kêu xin Người giúp đỡ. Người đã biết tjhế nào là sức nặng của thập giá, thế nào là lảo đảo và té ngã khi vác thập giá, chắc hẳn Người sẽ hiều biết và thông cảm với chúng ta, vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Đồng thời chúng ta cũng cần phải nhờ đến những người chung quanh, như cha mẹ, anh em và bè bạn, như Chúa Giêsu đã nhờ đến ông Simong ngày xưa.
Tin Mừng hôm nay mời hỏi chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và tự vấn lương tâm xem chúng ta có khiêm nhường như Chúa Giêsu khi thập giá đổ xuống trên cuộc đời chúng ta hay không? Chúng ta có kêu cầu Chúa và những người thân yêu để giúp đỡ chúng ta khỏi thất vọng nản chí hay không?
Và cuối cùng, bản thấn chúng ta cần phải cố gắng để không trở nên một thập giá, một gắnh nặng cho người khác đã đành, mà hơn thế nữa, còn phải tích cực giúp đỡ họ vác lấy cây thập giá cuộc đời, là những hy sinh gian khổ trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cũng phải kiểm điểm và tự vấn lương tâm xem chúng ta đã cư xử thế nào đối với những người đang cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta đã sẵn sàng hay tứ chối, chúng ta đã giúp đỡ họ một cách vui vẻ hay miễn cưỡng.
Hãy bắt chước Chúa Giêsu mà vác lấy cây thập giá đời mình, đồng thời cũng hây bắt chước ông Simong, giúp đỡ người khác trong khi họ đang vác lấy thập giá mà bước theo Chúa.



Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong cuộc đời chúng ta?
Đọc lại Kinh Thánh chúng ta thấy ngày xưa dân Do Thái rất nhiều lần đã quì gối thờ lạy con bò vàng. Họ chọn con bò vàng làm thần tượng thay cho Thiên Chúa. Còn ngày hôm nay, nhiều người trong chúng ta cũng đã chọn lầm thần tượng cho mình. Con bò vàng ngự trị trong thẳm sâu cõi lòng họ là tiền tài, là danh vọng, là lạc thú…
Còn chúng ta thì sao? Mang danh hiệu là Kitô hữu, rất nhiều lần chúng ta đã tuyên xưng đức tin, đã chọn lựa Đức Kitô và đã dành cho Ngài địa vị số một trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta liên tục thực hiện khẩu hiệu sau đây:
- Thiên Chúa là thứ nhất, tha nhân là thứ hai, còn tôi là thứ ba.
De Leo là một quân nhân Hoa Kỳ, sau khi từ giã chiến trường Việt Nam trở về, anh kiếm được một chân canh giữ tượng nữ thần tự do ở Nữu Ước. Công việc của anh là chăm sóc cho ngọn đuốc trong tay và chiếc mũ triều thiên trên đầu bức tượng.
Anh phải làm thế nào cho ngọn đuốc luôn cháy, những khung cửa sổ bằng kính nơi ngọn đuốc và mũ triều thiên lúc nào cũng sạch sẽ. Chỉ vào ngọn đuốc, anh hãnh diện nói:
- Đó là ngôi nhà nguyện của tôi. Tôi dâng hiến nó cho Chúa và tôi thường lên đó để cầu nguyện vào những lúc rảnh rỗi.
Đối với anh, Thiên Chúa là thứ nhất.
Tuy nhiên, anh còn làm được nhiều việc khác nữa. Hội Hồng thập tự đã cấp giấy khen cho anh sau khi anh hiến nửa lít máu lần thứ sáu mươi năm. Khi hay biết những công việc bác ái Mẹ Têrêsa đang làm bên Ấn Độ, anh đã gửi tặng Mẹ 12.000 đô la, ngòai ra anh còn bảo trợ cho sáu em bé mồ côi, thông qua các tổ chức từ thiện.
Và như thế, đối với anh, tha nhân là thứ hai.
Riêng bản thân anh thì như thế nào? Chính anh đã nói với phóng viên tờ Los Angeles Times như sau:
- Tôi chẳng giàu xã hội tính, cũng chẳng bận áo quần hợp thời trang, nhưng tôi có được tính khôi hài. Tuy nhiên vấn đề là tôi không có đủ tiền để cưới vợ, và cũng chả giữ lại được đồng nào làm của riêng.
Và như thế đối với anh, bản thân mình là thứ ba.
Lúc đầu mọi người đều nhìn anh bằng cặp mắt nghi ngờ và họ mỉm cười, nhưng giờ đây thì tất cả đều nhìn nhận anh một cách nghiêm chỉnh và anh thực xứng đáng với danh hiệu là người giữ ngọn lửa của nữ thần tự do.
Với chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải đặt Chúa vào địa vị, vào chỗ đứng số một, đồng thời phải cố gắng thực thi sự lựa chọn ấy suốt dọc cuộc đời của mình. Như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì mọi tư tưởng, mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta cũng phải xoay quanh Đức Kitô như vậy, để rồi chúng ta có thể nói lên như thánh Phaolô:
- Tôi sống, những không còn là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.
Nói cách khác, Đức Kitô chính là thần tượng số một của lòng chúng ta.
Có như vậy thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Ngài đón nhận vào quê hương nước trời.



Năm 1994 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mác-đa-la Mô-ra-nô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mác-đa-la đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Cartarina với bốn đứa con thơ dại.
Hồi đó Mác-đa-la mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phanxica đã giúp mẹ vậy.” Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mác-đa-la đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phanxica đã để lại.
Một hôm, tình cờ cha Bandenla, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Mác-đa-la không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Mác-đa-la đi học. Sau hơn mười năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mác-đa-la đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mác-đa-la dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “Thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi.”
Quyết định của Mác-đa-la đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chị, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.
Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với thầy.” Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau.” Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xixilia. Và Chúa đã thưởng cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.
Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ. Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không? Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là phải coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.
Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.
Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.



Một số người nghĩ rằng Giáo Hội đã lỗi thời và không còn cần thiết nữa. Có người cho rằng giảng huấn của Tin Mừng là khùng điên. Trong số báo The World xuất bản tháng 11 năm 1989, Ted Turner chủ nhân của cơ quan truyền thông Turner Broadcasting đã tuyên bố: “Kitô giáo là một tôn giáo dành cho những kẻ thua cuộc.” Ngoài câu nói này, ông còn vung vít nhiều điều khác nữa, nhưng câu này gồm tóm điểm chính yếu những gì ông ta đã phát biểu.
Trước mặt người đời những người Kitô hữu là những người khùng điên, dại khờ, thua lỗ. Nhưng điều người đời nghĩ rằng điên dại thì thật ra lại là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Đây là điều thánh Phaolô đã nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.”
Bài Phúc âm hôm nay, là phần kết luận của chương 10, “Bài giảng về những Sứ Mệnh Truyền Giáo.” Đây là những hướng dẫn của Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Sau khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ban quyền hành và sai họ ra đi thi hành mục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Người ta chỉ thị cho họ phải chấp nhận cuộc sống hy sinh, khó nghèo, làm việc vất vả, gặp nhiều thử thách, bị bắt bớ hành hạ và bị giết chết. Đứng trước viễn tượng đó Người đã khuyên họ không nên vì sợ hãi mà thiếu lòng tự trọng, rồi mang mặc cảm tự ti làm hủy diệt nhân cách con người. Bởi, tuy không được tôn trọng trước mặt người đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ rất quan trọng. Đây chính là Tin Mừng đối với các tông đồ.
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Chúng ta có bao giờ thực sự nghĩ rằng khi một người nào đó đón tiếp chúng ta là họ đón tiếp Chúa Giêsu Kitô không?
Theo những cuộc thăm dò cho biết hai trong ba người có quan niệm rất thấp về bản thân mình. Các nhà tâm lý học gọi đó là sự tự đánh giá thấp về chính mình. Thiếu lòng tự trọng thường là nguyên do của nhiều vấn đề xã hội và tâm lý. Người có lòng tự trọng cao thường lành mạnh hơn là những người thiếu lòng tự trọng. Họ sống lâu và ít có tai nạn hơn. Họ tránh được những thái độ khiêm nhã. Họ không cần phải dùng đến thuốc kích thích hay bia rượu, và cũng không cần phải khoe khoang hay làm những sự liều lĩnh ngu xuẩn để gây sự chú ý. Những người có lòng tự trọng cao thường thành công và kiếm được những việc làm lương bổng cao hơn. Tại sao? Những nhà tâm lý học trả lời rằng vì họ có niềm hy vọng và tinh thần lạc quan. Đây chính là yếu tố tạo nên thành công.
Martin Seligman, giáo sư tâm lý học của trường đại học University of Pennsylvania đã làm cuộc thăm dò các nhân viên của một hãng bán bảo hiểm lớn. Kết quả cho thấy rằng những người mong mỏi thành công đã bán bảo hiểm được 37/o nhiều hơn những người không mong đợi gì. Điểm then chốt là khi một người tự coi mình là một người thất bại thì tương lai sẽ thể hiện đúng điều dự đoán đó!
Tôi nghĩ Chúa Giêsu cũng đã hiểu tâm trạng của các tông đồ khi bị hất hủi và bị bắt bớ, họ phải trải qua những thời gian khó khăn để kiến tạo sự tự trọng. Suy nghĩ tích cực về chính mình đang khi bị phê bình gay gắt là những thử thách tâm lý khó khăn nhất các môn đệ đang gặp phải
Những lời khích lệ của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có giá trị vì được Thiên Chúa yêu thương. Giá trị của chúng ta không hệ tại ở lời phê bình của người đời, hay do tài năng khéo léo của chúng ta, nhưng vì chúng ta là môn đệ của Người, cho dù nam hay nữ, già hay trẻ, giáo dân hay tu sĩ, hay chỉ là một trong những con người “bé nhỏ.”
“Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần của tiên tri… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Có khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đón tiếp một người nào đó là chúng ta đón tiếp chính Chúa Giêsu không? Những người Công giáo ở Ao Quốc thường treo khẩu hiệu này ở nhà mình: “Người khách là Chúa Kitô.”
Trong suốt 58 năm làm linh mục (1910-1968), thánh Padre Piô đã nghe hàng ngàn người xưng tội. Thế nhưng, hiều vị giáo sĩ lúc bấy giờ đã coi cha Padre Piô là kẻ dối trá. Từ những năm mới bắt đầu, dân chúng tung tin đồn ngài là nhà huyền bí giả hiệu với những vết thương tự làm khổ mình, và cả chuyện lăng nhăng về tình dục. Năm 1931 với sự đồng ý của Vatican, bề trên đã cấm ngài không được giải tội và dâng thánh lễ công khai. Phải mất 2 năm để điều tra và phục hồi năng quyền cho ngài được dâng thánh lễ. Mãi đến ngày 5 tháng 3 năm 1934 ngài mới được phép giải tội, nhưng chỉ ngồi tòa cho đàn ông mà thôi. Hai tháng sau đó, ngày 12 tháng 5, ngài mới được phép giải tội cho cả phụ nữ nữa. Vì sự nghi ngờ này, nhiều vị trong Giáo Hội tránh né cha Padre Piô. Nhưng vị giáo hoàng tương lai đã không thèm để ý tới những tin đồn. Ngài đã chỉ dựa vào cảm giác tốt lành của những người Công giáo bình thường: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần của tiên tri .”
Đức Giáo Hoàng đã đón nhận một phần thưởng tốt đẹp. Năm 1962, đang khi tham dự Công đồng Vatican II, ngài nghe tin một bè bạn đang hấp hối vì ung thư cổ họng. Ngài viết thư xin cha Padre Piô cầu nguyện cho bà. Dr Wanda Poltawka đã được khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe. Và 40 năm sau, bà đã có mặt trong buổi lễ phong thánh của cha Padre Piô.
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta những vị thánh, giống như cha Padre Piô. Nhưng chúng ta cũng phải cầu xin cho chính chúng ta có sự khiêm tốn để đón nhận họ như một vị thánh nữa.



Cách đây vài năm có dịp lên thăm người bạn ở tiểu bang Minnesota tôi nghe kể câu chuyện như sau. Tiểu bang Minnesota ở phía trung bắc nước Mỹ, giáp với Canada, vào mùa đông thường có những trận bão tuyết và nhiệt độ tụt xuống -30 hay -40 độ âm Farenheit. Vào một đêm bão tuyết, chiếc xe hơi của người phụ nữ bị chết máy trên đường tới Rochester. Chị biết rằng sẽ bị chết cóng nếu cứ ngồi lại ở trong xe. Tuy là vùng miền quê, nhưng trên trục lộ chính, cũng có một số nhà dọc theo đường lộ. Chị vào gõ cửa khoảng trên một chục căn nhà nhưng chẳng có ai mở cửa. Sau cùng, có một người lái xe ngang qua thấy chị nằm gục ngã bên vệ đường bèn đưa chị vào nhà thương cấp cứu. Chị được cứu sống, nhưng đã bị chết tất cả các ngón tay, ngón chân và một bàn chân vì giá lạnh.
Phần xấu nhất của câu chuyện là tại mỗi căn nhà nơi chị bước vào gõ cửa, mọi người đều ở trong nhà đêm hôm đó. Tất cả mọi người đều nghe tiếng gõ cửa. Tất cả mọi người đều là các Kitô hữu. Nhưng không một ai đã mở cửa, vì họ sợ trộm cướp sẽ đột nhập vào nhà giữa đêm bão tuyết. Câu chuyện bi thảm này đã xảy ra ở một vùng quê hiền hòa chứ không phải là ở Chicago hay New York, nơi mà thường xảy ra những vụ bắn nhau và giết người mỗi ngày!
Theo tự điển Webter’s, để định nghĩa chữ “hospitality”, “hiếu khách”, tác giả đã đặt nó nằm ở giữa hai chữ “hospice”, chỗ ở săn sóc cho người hấp hối, hay nhà nghỉ chân cho khách vãng lai, và chữ “hospital”, “bệnh viện”, nơi chữa lành. Ý nghĩa đích thực của sự hiếu khách là cái mà chúng ta ban tặng cho khách khi chúng ta mở cửa nhà ra trong tinh thần thực sự là cống hiến chỗ ở và chữa lành cho họ.
Sự tốt lành, tử tế, và cử chỉ bác ái yêu thương với tha nhân là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần. Sách Giáo lý Công giáo số 901, đã trích dẫn lại tinh thần của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium – Anh sáng Muôn dân, đoạn 34 như sau:
“Nhân vì đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần xức dầu, các giáo dân đã lãnh nhận ơn gọi kỳ diệu và những phương tiện giúp cho Chúa Thánh Thần sinh ra trong họ những hoa trái ngày càng dồi dào hơn. Đúng thế, tất cả các hoạt động của họ, những việc cầu nguyện và các việc tông đồ của họ, đời sống phu phụ và gia đình của họ, những lao nhọc hàng ngày của họ, những giải lao về tâm trí và thân thể của họ, nếu họ sống những điều này trong Thần Khí của Chúa, rồi cả những thử thách của cuộc đời, nếu được chịu đựng cách nhẫn nhục, thì tất cả mọi sự sẽ trở thành “lễ tiến dâng thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô.” Và trong việc cử hành Thánh thể, các lễ vật này sẽ hợp với sự hiến dâng Thân thể của Chúa để được dâng lên Chúa Cha với tất cả niềm kính thảo. Đó là cách giáo dân hiến dâng tất cả thế giới lên Thiên Chúa, bằng cách dâng lên Chúa từ khắp nơi một sự phụng tự tôn thờ do cuộc sống thánh thiện của họ.”
Nếu “Người khách là Chúa Kitô” thì cuộc sống thánh thiện là cuộc sống biết đón nhận “Người khách” đó.



Willton Rix có kể một câu chuyện đầy kịch tính như sau “Vào một sáng mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn du lịch qua miền núi Bắc Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.
Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.
Chạnh lòng xót thương, Sadhu ở lại bên kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người sống dở chết dở ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.
Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay.
Nghĩa cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng hồn cho lời nói của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay:”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Ông bạn của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mất mạng “Vì anh em” nên đã được sống. Một người không có khả năng từ bỏ mình “Vì anh em” thì họ cũng không có khả năng yêu thương. “Phải liều mất đi” để “tìm thấy lại.” Đó là nghịch lý mà Đức Giêsu đã trải qua để nêu gương cho chúng ta. Người đã sẵn lòng chịu chết ô nhục để rồi sống lại vinh quang, và cũng để nói lên lời yêu thương con người.
“Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy.” “Vì Thầy” cũng chính là “Vì anh em.” Biết bao lần, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với tha nhân. Đó là sợi chỉ hồng xuyên suốt các Tin mừng. Người tuyên bố:”Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.” Đến ngày phán xét, Người cũng sẽ nói với mỗi người chúng ta:”Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”
“Người bé nhỏ nhất” không cần phải tìm đâu xa. Họ không ở tận Châu Mỹ, Châu Âu, cũng không sống nơi chân trời góc biển. Họ ở trước cửa nhà chúng ta, họ là những kẻ nghèo hèn khốn khổ, họ là những người cô thế cô thân, họ là những ai không cửa không nhà, họ là những người già cả cô đơn, họ là những kẻ nghiện ngập sa đọa, họ là những ai bị hất hủi lãng quên.
Đức Giêsu còn hứa: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì không mất phần thưởng đâu.” Cho “một chén nước lã” là cử chỉ nhỏ bé ai cũng có thể làm được, dù là một đứa trẻ.
“Một chén nước lã” đối với Chúa lại là “một chén ân tình.” Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào của chúng ta. Đồng thời Người cũng muốn nói, cho dù chỉ là nghĩa cử bé nhỏ âm thầm, một khi đã được khoác vào tấm áo tình yêu thì nó liền trở nên vô cùng cao cả. Tình yêu chính là trọng tâm của đời sống người tín hữu.
Tình yêu là chiếc đũa thần biến thập giá trở nên nhẹ nhàng, vừa sức cho mỗi người.
Tình yêu là liều thần dược giúp người tín hữu dám liều mất mạng sống vì Thầy.
Tình yêu đã làm cho người tín hữu mến Chúa hơn cha mẹ, con cái, cũng sẽ giúp họ yêu thương phục vụ mọi người cách thiết thực, chân tình.
Sức mạnh phi thường khiến thánh Phaolô vượt qua bao gian nan thử thách trên đường truyền giáo chính là tình yêu. Ngài viết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi.”
Lạy Chúa, xin cho chúng con dám sống chết cho tình yêu Chúa, cho chúng con biết: Chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn trong lời nói, nhân từ hơn trong cách cư xử.
Xin cho cuộc đời chúng con mãi mãi là mùa hoa nhân ái.



Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nếu chỉ nghe thoáng qua, chúng ta dễ có cảm tưởng là Chúa phế bỏ mọi giá trị đã làm nên con người tại thế. Thực vậy, ai trong chúng ta cũng chỉ có thể xác định được chính mình khi quy chiếu với những tương quan thiết thân nhất: tương quan với cha mẹ, tương quan với con cái, tương quan với chính bản thân. Một khi tước bỏ hết những tương quan ấy, chúng ta còn là gì? Thực ra Lời Chúa không nhằm phế bỏ, nhưng là đặt mỗi tương quan vào đúng trật tự của nó.
Trong thực tế cuộc sống nhân sinh, tùy theo mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, mỗi thể chế, những tương quan này đã chịu biết bao thay đỗi. Trong bối cảnh văn hóa Á Đông xưa, người cha vẫn được nhìn nhận như là thay Trời, nắm toàn quyền trong gia đình, thậm chí có toàn quyền trên sự sống, sự chết của người con. Chúng ta cũng từng nghe câu chuyện Abraham sát tế con mình là Isaac. Một cái quyền mà ngày hôm nay hầu như mọi pháp luật đã đều bác bỏ. Đạo Hiếu là đạo khẳng định nhân tính con người. Kẻ bất hiếu vô đạo không được một nền văn hóa nào chấp nhận, và nó bị loại trừ khỏi cõi nhân sinh. Thế nhưng đạo hiếu cũng không thể miễn trừ cho con người phải coi xã tắc là trọng, phải coi đạo Trời là lớn, từ đó con người nhiều khi phải vị nghĩa diệt thân. Trong chừng mực nào đó, những quan niệm như vậy, tuy từng khống trị suy nghĩ và lối sống bao thời đại, nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực nhằm thiết lập trật tự xã hội, gia đình và an sinh của mỗi con người. Và cũng chịu nhiều biến động, khủng hoảng, kéo theo biến động và khủng hoảng toàn xã hội. Ngày nay, với tuyên ngôn nhân quyền, với những thể chế dân chủ, một lần nữa những tương quan thiết thân ấy đã có những thay đổi tận căn: trong đăng ký kết hôn, ngày nay không thấy nói tới cha mẹ đôi bạn; trong giáo dục gia đình, cha mẹ không có quyền đánh con... quyền cá nhân trở thành trung tâm của mọi quyền lợi và nghĩa vụ.
Thực tế ấy, cho thấy những tương quan căn bản làm nên cuộc sống con người luôn luôn phải tự điều chỉnh. Và Lời Đức Giêsu phải được hiểu trong nỗ lực đem lại điểm quy chiếu chân thật nhất cho cuộc sống.
Trước khi nói tới chữ "Từ Bỏ", chúng ta cần phải nhắm thẳng tới đích điểm mà Chúa nêu lên như là đối tượng của hành vi "Từ Bỏ" này: "mà theo Thầy.” "Theo Thầy" là đi trên con đường đồng hành với Thiên Chúa để "Yêu Thương", "Hiến dâng mạng sống vì anh em","Rửa chân cho nhau", "đón tiếp anh em", để "cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy.”.. "Từ Bỏ" là để có "Tình yêu" lớn hơn, "Tình Yêu" của chính Thiên Chúa "Đấng Sáng Tạo", và đấy là trở về với Tình Yêu mà con người đã được tạo dựng, đước trao ban, để là "Hình Ảnh" của Thiên Chúa. Tình Yêu "mà bởi đó người nam đã bỏ cha mẹ mình, để kết hợp với người nữ....” Thánh Phaolô đã nói về tình yêu ấy nơi người Kitô hữu như thế này "chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người." Đi theo Đức Giêsu, tuy là phải bỏ nhưng là để nhận lãnh gấp trăm "Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp." Đó là quy luật của Tình Yêu "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối rữa đi, nó chẳng sinh bông trái..." Người môn đệ sẽ đón nhận mọi tương quan thân thiết nhất của mình trong Đức Giêsu. Bài học này đã trở nên hiện thực dưới chân Thánh Giá: vào lúc đó cả người mẹ, lẫn người môn đệ đã nghe lời gọi "Người ấy là con bà" và "Người ấy là Mẹ con.” Và chúng ta đã thấy ở đó Đức Giêsu đã đổi mới mọi tương quan, làm cho nó mang chiều kích siêu việt của Tình Yêu Thiên Chúa, trở nên nguồn sự sống và hạnh phúc thật cho nhân loại.
Quả thật, có thể con người vẫn cố chấp trong nỗi hoài nghi đối với Tình Yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Câu chuyện người đàn bà giàu có Sunêm chỉ là trong muôn một. Nhưng Lời Chúa đã nên hiện thực nhờ niềm tin của Êlisa, và Lời Chúa cũng đã nên hiện thực nhờ niềm tin của Đức Maria, của mọi thế hệ môn đệ trong lòng Hội Thánh, mà gần đây nhất trong lòng tin của Cha Thánh Pio, con người tuy giam hãm mình trong 4 bức tường khổ tu, lại làm nên chung quanh mình một đại gia đình thân yêu, mà hằng triệu triệu con tim đã say mến đến với Ngài.



Một trong những lý do khiến nhiều anh em lương dân không muốn gia nhập Kitô giáo, đó là vì họ nghĩ rằng nếu vào đạo họ sẽ phải bỏ ông bà, bỏ cha mẹ. Sẵn có một ý nghĩ như vậy, nếu họ lại được nghe lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay, họ sẽ càng tin chắc rằng suy nghĩ của họ về đạo Công giáo là đúng. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy.” Thật rõ ràng và dứt khoát. Nhưng có thật là khi vào đạo Công giáo người ta sẽ phải từ bỏ cha mẹ của mình không?
Để trả lời cho câu hỏi trên, ta có thể nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói về đời sống vợ chồng: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và luyến ái với vợ mình và cả hai sẽ nên một huyết nhục.”
Trong cuộc đời này có mối quan hệ nào thân thương, gắn bó mật thiết cho bằng mối tình của cha mẹ và con cái? Ta càng cảm nghiệm điều này rõ ràng hơn khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ qua đời là một mất mát to lớn không thể bù đắp được trong cuộc đời của những đứa con. Dù thân thương gắn bó như vậy, thế mà anh thanh niên vẫn có thể lìa bỏ cha mẹ để sống với một người thiếu nữ xa lạ nào đó mà anh đã chọn làm bạn đời. Thì ra có một cái gì đó thật mãnh liệt đã kéo anh thanh niên ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ để gắn bó với người bạn đời của mình. Điều mãnh liệt ấy là gì nếu không phải là tình yêu? Và thật ra, dù lìa bỏ cha mẹ để gắn bó với người bạn đời của mình, thì không phải anh thanh niên cắt đứt tình nghĩa với cha mẹ. Tình nghĩa vẫn còn đó, nhưng lìa bỏ cha mẹ là để cho cuộc sống mới được phát sinh và vươn cao.
Nếu chỉ có tình yêu mới lý giải được sức mạnh đã lôi kéo người thanh niên ra khỏi cuộc sống chung với cha mẹ để gắn bó với người yêu, thì cũng chỉ có tình yêu mới lý giải được lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy sẽ không xứng đáng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Thầy sẽ lại tìm thấy.” Phải có lòng yêu mến Đức Giêsu mãnh liệt lắm người ta mới dám từ bỏ và đánh đổi mọi sự, kể cả mạng sống của mình. Và khi từ bỏ những mối liên hệ thân thương của đời mình, thì không phải là phủ nhận giá trị của những mối liên hệ ấy, lại càng không phải là hủy diệt đi, nhưng là để cho cuộc sống mới, cuộc sống của Đức Kitô được vươn cao trong lòng mình, trong đời mình.
Đi đạo, theo đạo là sống cuộc sống của Chúa Giêsu, là yêu mến và gắn bó với Người, là đi vào một cuộc tình với Người. Mà dấu chỉ cho thấy một người có lòng yêu mến Đức Kitô chính là người ấy biết yêu thương anh em mình. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng điều ấy: “Bất cứ sự gì các ngươi làm cho một người trong các anh em bé mọn của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta.” Và “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này dù chỉ là một ly nước lã thôi sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Nếu đối với những người khác mà Chúa Giêsu còn đòi ta phải quan tâm, phải đối xử tốt như vậy huống chi là tổ tiên, là ông bà, là cha mẹ của ta? Chỉ có điều là Người muốn chúng ta đừng để bất cứ mối liên hệ nào, bất cứ giá trị trần gian nào ngăn cản lòng yêu mến của ta đối với Người. Càng yêu mến Chúa nhiều ta càng được thôi thúc để yêu mến ông bà, cha mẹ và mọi người nhiều hơn. Thế thì đâu có phải khi theo Chúa là phải bỏ ông bà, cha mẹ.



Tại đảo Sycilia, dân chúng còn truyền miệng nhau câu chuyện về một họa sĩ tài danh trong vùng sống cách đây vài trăm năm trước và là tác giả của bức họa nổi tiếng về cuộc đời Chúa Giêsu hiện được trưng tại nhà thờ chánh tòa trong vùng.
Sau thời gian làm việc, họa sĩ này đã vẽ xong dung mạo các tông đồ, nhưng còn hai dung mạo không vẽ được, đó là dung mạo của Chúa Giêsu và dung mạo của Giuđa người môn đệ phản Thầy.
Ông phải đình lại công việc để đi tìm người mẫu cho dung mạo của Chúa Giêsu. Sau nhiều tháng đi tìm, ông chọn được một thanh niên làm mẫu cho dung mạo của Chúa Giêsu. Vấn đề khó khăn cuối cùng là đi tìm người làm mẫu cho dung mạo Giuđa. Ông đã phải đi tìm rất nhiều năm mà không gặp, đến lúc gần cuối đời tưởng mình sẽ không thể nào hoàn thành bức tranh được nữa, ông buồn bã đi dạo trên đường phố quanh đó, thì bỗng gặp một người hành khất rách rưới với dung mạo đầy khổ đau mà cũng vừa gian ác. Cho đây là mẫu người lý tưởng cho dung mạo của Giuđa, ông mời người hành khất về nhà làm mẫu cho bức tranh còn dang dở.
Nhìn thấy bức tranh Chúa Giêsu và các môn đệ được trình bày trong phòng, người hành khất bỗng biến sắc và càng lúc càng trở nên bối rối hơn.
Người họa sĩ hỏi lý do tại sao?
Người hành khất trả lời:
- Thưa ông, chính tôi đây là người đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu trong bức tranh này cách đây vài chục năm về trước, và bây giờ cũng chính tôi là người làm mẫu cho ông vẽ chân dung của Giuđa, người phản bội Chúa. Thật tôi không ngờ là tôi đã trở nên tồi tệ như vậy.
Câu chuyện trên giúp chúng ta đi sâu hơn một chút vào ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu ghi lại nơi đoạn Phúc âm của Chúa nhật hôm nay: “Người nào đón tiếp chúng con là đón tiếp Thày, và người nào đón tiếp Thày là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”
Trên con đường trở về nhà Cha, đón tiếp Thiên Chúa và được Thiên Chúa đón tiếp, chúng ta cần đi qua một con đường duy nhất, đó là anh em, đó là mỗi người chúng ta cần trở nên giống Chúa Giêsu Kitô, trở nên một Chúa Giêsu Kitô khác, đến độ anh em có thể nhìn vào dung mạo tinh thần của chúng ta mà nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, để rồi từ đó mà lên gặp gỡ Thiên Chúa Cha, Đấng vô hình: “Người nào đón tiếp chúng con là đón tiếp Thầy.”
Kể từ giây phút Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để con người có thể nhìn được Thiên Chúa vô hình nơi dung mạo hữu hình của Chúa Giêsu Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy.” Kể từ giây phút đó con người chúng ta, mỗi người chúng ta cũng được ban cho quyền năng để trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô, để trở nên dấu chỉ hướng dẫn anh em đến cùng Thiên Chúa Cha: “Ai đón tiếp chúng con là đón tiếp Thầy.” Và để chúng ta được trở nên một Chúa Giêsu khác, được giống như Chúa Giêsu thì dường như chỉ có một bí quyết duy nhất và bí quyết đó được Chúa Giêsu nhắc lại trong đoạn Phúc âm hôm nay, đó là tình yêu vô điều kiện. Đối với Chúa Giêsu, yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên hết mọi người, tình yêu sẽ làm cho hai người trở nên giống nhau.
Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta đã được Chúa ban cho hồng ân để trở nên giống như Chúa từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội, như được thánh Phaolô đã nhắc lại trong bài đọc thứ hai hôm nay qua cách nói: “Chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, là chịu phép rửa trong sự chết với Người và cùng chịu mai táng với Người, để được thanh tẩy trong sự chết của Người và nhờ sức mạnh của Người, như Chúa Giêsu sống lại thế nào thì chúng ta cũng sẽ được sống lại như vậy.” Mỗi người chúng ta đã được đón nhận hồng ân trở nên giống như Chúa và hồng ân này cũng là trách nhiệm mỗi người chúng ta, mỗi người chúng ta cần phải thực hiện điều mà Chúa ban cho, là trở nên giống như Chúa. Hồng ân và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau.
Thử hỏi tình yêu được Chúa đổ vào trong tâm hồn chúng ta hiện tại đã được phát triển như thế nào? Chúng ta có trở nên giống như Chúa hơn hay chúng ta đã phung phí tình yêu đó? Phung phí ân sủng Chúa ban cho để rồi chúng ta không còn thể hiện dung mạo của Chúa nữa mà thể hiện dung mạo của một người phản bội của Chúa, như dung mạo của Giuđa.



Đức Giêsu có phải là một mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời này không? Một đàng, Người nêu gương và kêu gọi mọi người hi sinh chính bản thân. Một đàng, Người lại muốn biến bản thân thành trung tâm cuộc sống con người. Thế nghĩa là gì?
THEO THẦY
Không gì thân thiết với con người bằng tương quan gia đình. Chính từ gia đình, con người hiện hữu và phát triển. Càng sống dưới mái ấm gia đình, con người càng đi sâu vào tương quan tình cảm và nội tâm. Thế nhưng trước những đòi hỏi Tin Mừng, các giá trị đó trở thành tương đối, vì “Nước Trời đã đến gần,” (Mt 10:7) và “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:21) Không có gì cao trọng hơn Nước Trời. Nước Trời là một giá trị tuyệt đối, đến nỗi người ta phải “bán tất cả những gì mình có” (M6 13:44.46) mới mua sắm nổi. Nước Trời là tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Quả thực, “chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.” (1 Tx 1:5)
Để mua được một giá trị siêu việt đó, người ta phải hi sinh cả tương quan gia đình. Tương quan gia đình vượt lên trên “những gì mình có” và rất gần “những gì mình là”, tức là chính bản thân. So với Nước Trời, bản thân cũng là một giá trị quá nhỏ. Nhưng giá trị nhỏ bé này vẫn là một thực tại vô cùng quí giá không dễ gì đánh đổi. Chỉ đức tin mới thấy được chiều kích vĩ đại của Nước Trời và mới mạc khải cho ta biết Nước Trời chính là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16) “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh,” (Cl 1:18) và “chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.” (Ep 5:30) Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10:39) Cái tôi nhỏ bé hòa nhập vào cái tôi vĩ đại. Không những không mất mát, mà còn tìm thấy chính mình trong một chiều kích lớn lao và một giá trị tuyệt vời hơn.
Nhưng trong cuộc sống, nhiều lúc hi sinh gần như đồng nghĩa với đổi chác. Người ta hi sinh là để tìm lại được cái gì cân xứng hoặc trổi vượt hơn. Thật vậy, những hi sinh của “một phụ nữ giàu sang” (2 V4:8) tại Sunêm cho ngôn sứ Eâlisa đã không uổng phí. Vì hiếu khách, vợ chồng đã đặc biệt dành nơi ăn chốn ở xứng đáng cho ngôn sứ Eâlisa, “là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh.” (2 V4:9) Phần thưởng của ngôn sứ thật trọng hậu. Không những bà được ông bảo đảm có con trai (x. 2 V 4:8-17). Sau này, khi con bà chết, ông cũng đã làm cho cậu sống lại và trả lại cho bà (x. 2 V 4:31-37). Như thế, chính khi hi sinh thời giờ, sức lực và tiền của cho ngôn sứ, bà đã được đền bù cân xứng.
Nếu một ngôn sứ còn đem lại được phần thưởng lớn lao như thế, Đức Giêsu sẽ có phần thưởng nào cho người môn đệ? Khi chạm tới mạng sống, mọi hi sinh đều phải khựng lại, mọi tính toán đều phải chấm dứt. Thế mà Đức Giêsu dám đòi hỏi người môn đệ phải hi sinh chính bản thân là giá trị đáng quí nhất trên đời. Đó là một đòi hỏi tuyệt đối. Dĩ nhiên hi sinh đó sẽ được đền bù cân xứng. Đúng hơn còn vượt quá điều người ta mong đợi. Đức Giêsu khẳng quyết: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gập bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19:29; Mc 10:28-30; Lc 18:28-30) Bỏ đi những liên hệ tình cảm để đi sâu vào nguồn mạch tình yêu vô cùng lớn lao là Thiên Chúa, còn gì lợi hơn? Một khi đã đón nhận được nguồn tình yêu đó, ngay từ đời này, người môn đệ đã được quan tâm và che chở. Thực tế, “khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm trong cái chết của Người,” (Rm 6:3) để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới như Người nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha.” (Rm 6:7) Đời sống mới “đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14) Nói khác, khi theo Đức Giêsu, người môn đệ sẽ “trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12), và hoàn toàn được giải thoát (x. Ga 8:36). Đó là phần thưởng dành cho những ai “theo Thầy” và “đón tiếp Thầy.” Từ đó, cuộc sống tự nhiên trở thành một chứng từ mãnh liệt trước mắt mọi người.
Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao.” Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha. “Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15:3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của Đức Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9:23)
Xét cho cùng, khi sống kiếp phàm trần, Đức Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt đối. Từ lời nói tới việc làm, Đức Giêsu luôn qui hướng về Chúa Cha (x. Ga 14:10). Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16:27) mà anh em đã “liều mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 10:39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga 16:27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác, nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10:40) Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng còn đồng hóa với các môn đệ (x. Mt 10:40) và người nghèo (x. Mt 26:40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết mình theo ai và phải làm gì.
SIÊU THOÁT
Càng từ bỏ càng siêu thoát. Nhân loại hôm nay đang cần những con người biết từ bỏ mọi sự để tìm chân lý. Nói khác, con người siêu thoát là một nhu cầu cấp thiết nhất cho sự sống còn của nhân loại. Nếu chết dí dưới đống dữ kiện khoa học và kỹ thuật, con người sẽ không tìm được hướng giải thoát cho chính cuộc sống. Nhân loại hôm nay đang căng thẳng vì lo âu mọi mặt. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy các Kitô hữu hãy cống hiến cho những người đang ưu tư đau khổ “những câu giải đáp của chân lý và hi vọng” bằng cách trình bày cho họ một triết lý siêu việt (Zenit 24/06/2002). Triết lý đó không đến với những con người suốt ngày cắm đầu vào những đống dữ kiện khổng lồ và chết ngộp trong đời sống dư thừa vật chất. “Song song với những khám phá khoa học lạ lùng và những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu, chúng ta đang chứng kiến hai mất mát lớn: mất mát Thiên Chúa và hiện hữu, mất mát linh hồn và nhân phẩm. Đôi khi sự kiện này sinh ra những hoàn cảnh khó khăn cần đến những câu trả lời trong chân lý và hi vọng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Nếu không từ bỏ chính mình, con người sẽ không bao giờ tìm thấy những câu trả lời đó và sẽ không bao giờ khám phá thấy mình là ai. Quả thực, “văn hóa ngày nay nói và biết nhiều về con người, nhưng hình như không biết con người là ai. Thực vậy, con người chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn về chính mình trong ánh sáng Thiên Chúa. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa – được tình yêu tạo dựng và được an bài sống hiệp thông đời đời với Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Hình ảnh này chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu và những ai đang“theo Thầy.”



Ông Inhac Pađêrốtki, nhạc sĩ người Ba Lan. Một hôm, sau khi trình diễn, người ta gặp thấy ông ngồi im lặng sau hậu trường, vẻ mặt thẩn thờ, mắt nhìn xa xăm. Người nhạc công phụ diễn với ông, ngạc nhiên hỏi ông có đau bệnh gì không? Pađêrốtki trả lời: “Tôi vẫn khỏe. Tôi chỉ buồn vì thiếu mất hai người bạn. Họ là đôi vợ chồng có mái tóc màu nâu. Hôm nay vắng mặt họ tại hàng ghế thứ tư, nơi họ thường ngồi.” Người bạn kinh ngạc thốt lên: “Không ngờ ông lại có bạn nơi thành phố này. Ông quen thân với họ chứ?.” Pađêrốtki đáp: “Tôi biết họ rất rõ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ hai mươi năm nay, cứ mỗi lần tôi đến đây trình diễn, họ đều có mặt tại hàng ghế ấy. Tôi mến họ cách thưởng thức nhạc. Họ là tư duy của tôi. Và tất cả những bản nhạc tôi chơi đều dành riêng để tặng họ. Hôm nay tôi mất hết hứng thú vì vắng họ.” Ngừng một lát, rồi ông tiếp: “Mong sao không có gì xảy ra cho họ.”
Chỉ nhờ vào cách thưởng thức nhạc mà đôi vợ chồng thính giả ấy đã được nhạc sĩ Pađerốtki dành trọn tài năng âm nhạc của ông cho họ. Một sự đáp trả vượt quá tưởng tượng. Tuy nhiên, sự đáp trả mà Chúa Giêsu hứa cho những kẻ theo Ngài còn vượt xa hơn biết bao. Khi chọn lựa theo Chúa Giêsu, người môn đệ biết sẽ không tránh được nhiều mất mát. Nhưng Thiên Chúa không để cho họ thiệt thòi. Ngài sẽ đền bù, một sự đền bù vượt xa mọi chờ mong. Trước mặt Thiên Chúa, sẽ không có gì bị bỏ quên. Một bát nước lã thôi cũng sẽ được đền bù xứng đáng. Và cũng không có việc làm nào là kém giá trị.
Đón tiếp một ngôn sứ sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ. Đón tiếp người công chính sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Đón tiếp người rao giảng sẽ lãnh phần thưởng của người rao giảng. Chúa Giêsu đã nói như thế trong Tin mừng hôm nay. Người môn đệ đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành thực thi bổn phận. Với Thiên Chúa, bổn phận, dù công khai hay âm thầm, cũng vẫn luôn cần thiết. Thiên Chúa cần những con người ngày đêm nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Ngài, thì Ngài cũng cần những tiếp tay âm thầm hỗ trợ cho những con người ấy. Đây chính là niềm phấn khởi, hi vọng cho mỗi Kitô hữu. Tài hèn,sức kém, chúng ta không thể làm ngôn sứ, làm người lãnh đạo, hoặc làm kẻ gánh vác những trách vụ nặng nề, nhưng chúng ta vẫn có thể đóng góp một vài giúp đỡ cho những con người ấy.
Dù là vĩ nhân, cũng cần đến những nhu cầu căn bản của đời sống. Công chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến những con người đứng sau hậu trường. Nhưng nếu không có họ thì xã hội chẳng thể nào có được các vĩ nhân. Lịch sử chỉ nhớ đến các vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại nhớ tất cả, chẳng bỏ sót một khuôn mặt nào. Phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân. Cũng có thể là các việc đạo đức của chúng ta không đặc biệt sáng chói để được gọi là người công chính, là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta góp phần làm cho một người khác trở thành công chính, góp phần bằng cầu nguyện, hi sinh, thì chúng ta cũng lãnh nhận triều thiên của người công chính.
Tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ ý thức hơn và hiểu rõ hơn điều ấy: Càng đi tìm chính mình, chúng ta càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, chúng ta càng chết dần trong nỗi cô đơn. Niềm khao khát hạnh phúc, chúng ta chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người. Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi biết sống cho tha nhân.
Qua cuộc tử nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài bảo chúng ta: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại.” Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”



Một trong những điều dễ chịu, thú vị trong đời sống là gặp được một người cởi mở, thân thiện, nồng nhiệt và mến khách. Lòng mến khách là một dấu ấn xác nhận người môn đệ chân chính của Đức Kitô.
Khi mùa đông dài chấm dứt, thì mùa xuân trở lại. Dọc theo đường phố, người ta vui mừng. Họ kéo màn và mở các cửa sổ. Không khí mát, ánh sáng mặt trời và hơi ấm tràn vào nhà họ. Họ thốt lên “Cám ơn Thiên Chúa vì mùa xuân về, cám ơn Thiên Chúa vì ánh sáng mặt trời!”
Thế rồi đúng lúc ấy, một người ăn xin xuất hiện ở cuối đường. Anh ta bị phát hiện qua những cửa sổ mở rộng. Dọc theo chiều dài của con đường những cửa sổ đóng lại từng cái một các tấm màn cửa kéo kín lại, và các then cửa gài chặt lại. Người ăn xin gõ vào mỗi cánh cửa nhà trên đường, nhưng không có cánh cửa nào mở ra cho anh ta.
Một cách tuyệt vọng, anh ta rời bỏ con đường và hướng về một nơi nào khác. Không lâu sau khi anh ta đi khỏi, các màn cửa lại được kéo ra lại, các cánh cửa một lần nữa mở ra. Ánh sáng mặt trời và không khí trong lành lại ùa vào. Và mọi người lại vui mừng.
Điều lạ lùng là nhà chúng ta luôn mở rộng để đón nhận ánh sáng mặt trời và không khí trong lành của Thiên Chúa nhưng thường không mở ra để đón nhận con cái của Người, đặc biệt khi người này đến trong cảnh cơ hàn.
Đức Kitô khuyến khích chúng ta phải mến khách. Ngày nay lòng mến khách rất khác với ngày xưa khi không cần khóa chặt cửa nhà mình. Khổ nỗi, những ngày ấy đã qua rồi. Ngày nay là thời buổi ổ khóa, then cài, lỗ quan sát, nhìn qua cửa, hệ thống báo động, chó… Vì thế ngày nay hơn bao giờ hết, cần đến lòng mến khách thân thiện. Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều cảnh cô đơn, nhiều người xa lạ, ngoại kiều, kẻ tha hương.
Lòng mến khách đối với một người bạn không có gì đáng kể. Nó không bao hàm nguy cơ, và xem ra ân nghĩa có thể được đáp trả. Nhưng lòng mến khách đối với một người xa lạ đến với mình. Lòng mến khách không có nghĩa làm họ giống mình. Nó có nghĩa chấp nhận những người khác như họ vẫn thế. Điều này làm họ tỏa sáng sự xa lạ của họ, đồng thời vẫn trở thành thành viên của cộng đoàn.
Nếu những người Kitô hữu sống thành những khu đặc biệt cứ trong đó họ củng cố và bảo đảm cho chính họ và những đặc tính của họ thì thế giới còn hy vọng được điều gì? Đức Kitô kêu gọi chúng ta phải đến với người xa lạ. Và phần thưởng sẽ rất lớn. Người nói rằng ngay cả một hành động nhân từ nhỏ bé như cho uống một chén nước lã thì hành động này cũng sẽ được thưởng công. Nhưng cũng có phần thưởng trần thế và là những phần thưởng lớn – Sự phát triển hiểu biết, tình thân hữu và hợp tác là những điều mà những người láng giềng của chúng ta đòi hỏi.
Đó là một loại mùa xuân mà chúng ta có thể làm cho nó đến nhà và khu phố của chúng ta, một mùa xuân sẽ xua đuổi mọi đám sương mù của sợ hãi, nghi kỵ, thù hận. Đối với những môn đệ của Đức Kitô, lòng mến khách không phải là điều phụ thuộc ngoại lệ. Nó là trung tâm của Tin mừng. Và động lực tối hậu của nó luôn sáng tỏ, đón tiếp người xa lạ là đón tiếp chính Đức Kitô.
Lòng mến khách không phải mở cửa nhà mình cho bằng mở cửa tâm hồn mình. Mở cửa tâm hồn mình thường gặp những nguy cơ. Người ta có thể bị tổn thương. Nhưng mở cửa tâm hồn mình là bắt đầu sống. Đóng cửa tâm hồn mình là bắt đầu chết.



Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mác-đa-la Mô-ra-nô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mác-đa-la đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Ca-ta-ri-na với bốn đứa con thơ dại.
Hồi đó Mác-đa-la mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phan-xi-ca đã giúp mẹ vậy.” Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mác-đa-la đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phan-xi-ca đã để lại.
Một hôm, tình cờ cha Ban-den-la, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Mác-đa-la không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Mác-đa-la đi học. Sau hơn 10 năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mác-đa-la đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mác-đa-la dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “Thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi.”
Quyết định của Mác-đa-la đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chi, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.
Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy.” Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau.” Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xi-xi-li-a. Và Chúa đã thưởng cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.
Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ. Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không? Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.
Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.
Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.



“Sự gì ngươi làm cho kẻ bé mọn”
Văn hào hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres có nói: “Hỏa ngục là người khác!” Thật là câu nói quái gở, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần Phúc Âm.
Đối với chúng ta, người khác là ai? Ta hãy nghe Chúa Giêsu trả lời: Người khác, chính là Ta: “Sự gì ngươi làm cho một kẻ bé nhỏ nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Người khác đó ở đâu? Làm sao tìm ra họ? Họ ở một thế giới khác? Họ ở chân trời góc biển, ở tận Châu Phi, Á châu xa lắc?
Không! Như Lazarô, họ ở ngoài cửa chúng ta. Họ là những người hèn mọn không ai nghĩ tới, những kẻ lạc loài, không cửa không nhà. Họ ở ngay đường phố, cùng chung cư hàng xóm chúng ta. Cũng có thể họ là những người trong gia đình, nhưng ta đã cố tình quên họ trong cảnh sống cô đơn, góa bụa, già cả của họ. Họ là “hỏa ngục của ta”, vì họ làm rầy ta trong cảnh sống “Thiên đàng” mà ta cho là đã tạo dựng được.
Hôm nay, qua bài Phúc Âm, Chúa dạy: “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu.”
Chúa dạy chúng ta ân cần tiếp đón anh em, một vấn đề được Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến. Phúc Âm noái đến Chúa Kitô như một người khách mà người ta niềm nở đón tiếp hay là thờ ơ xua đuổi. Nên chú ý rằng Chúa Giêsu không bao giờ mời khách, nhưng Ngài luôn là khách được mời. Ngài đến cách riêng với người tội lỗi để có dịp gọi họ trở lại, như tại nhà Matthêô (Mt 9,10-18) và Giakêu (Lc 19,5-10). Ngài đến với gia đình quen thân của hai chị em Martha và Maria, cũng chỉ để nói lên một sự cần thiết nhất là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ngài đến như một người khách lạ đến khuấy động lòng người, đặt lại mọi vấn đề. Vì thế, Gioan nói: “Người đến trong nhà Người và các gia nhân Người không tiếp nhận” (Ga 1,11)
Vì thế, chúng ta phải ân cần tiếp đón anh em trong niềm tin, vì người hành khất đến gõ cửa, người lao động đến xin việc làm, “người khách ấy chính là Ngài.”
Ở xứ Palestine, vấn đề nước là vấn đề sinh tử. Davit trong cánh đồng khô cháy Rơphaim (2 Samuel 23,15) đã kêu lên: “Chớ gì tôi được uống nước ở Belem!” Giọt nước ấy, Chúa Giêsu đã đến xin cùng thiếu nữ Samaria bên bờ giếng, giữa một trưa hè. Phải chăng nhiều lần Ngài cũng bị từ chối, nên Ngài hứa phần thưởng cho những ai cho kẻ khác chỉ một bát nước lã. Và phải chăng cách đón tiếp anh em ân cần hơn cả, là tìm cách cho họ được biết và sống với Chúa là “suối hằng sống.” “Ai tin Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38).
Thánh Bác sĩ Giuseppe Mascatti lúc đậu bác sĩ lúc 22 tuổi. Cả cuộc đời chuyên lo cho người nghèo ở thành Naples. Bác sĩ luôn khuyên bảo các thanh thiếu niên mà ông gặp gỡ điều này: trước khi uống thuốc lo đi xưng tội rước lễ đã. Ngài được tôn phong Hiển Thánh vào Chúa nhật cuối tháng 10 năm 1987.
Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy Chúa trong người anh em.



(Suy niệm của Lm. Phêrô Trần Minh Đức)
“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Lời của Đức Giêsu làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, nóng lạnh, nổi da gà! Phải chăng chúng ta không nên nghĩ đến chuyện cải thiện, duy trì và bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu có dụng ý gì khi nói với chúng ta những lời lẽ như trên?
Khi nói về cuộc sống, chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống bình nhật, một cuộc sống an lành, hạnh phúc dài lâu bên cạnh những người chúng ta thương mến. Đối với nhiều người thì thời gian khó khăn đen tối sau chiến tranh, sau những cơn bão lụt, hạn hán, là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều đáng ngạc nhiên là: tiềm lực nào đã giúp con người trở nên tháo vát, có đủ khả năng để bảo vệ và duy trì mạng sống của mình cũng như thân nhân của mình? Phải chăng là “cái khó bó cái khôn”?
Ở Tây Âu sau đệ nhị thế chiến con người đã ra công tái thiết, xậy dựng. Chính trong thời gian khó khăn này cũng làm nẩy sinh không biết bao nhiêu những bậc tài ba lỗi lạc trong mọi lãnh vực. Con người đổ dồn tất cả vốn liếng để đầu tư, để phát triển cũng như bảo đảm cuộc sống. Ai cũng ham sống sợ chết. Bởi vậy càng văn minh tiến bộ thì càng nảy sinh nhiều loại bảo hiểm: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm mạng sống, bảo hiểm tai nạn lưu thông, bảo hiểm hưu dưỡng, … Tất cả đã trở thành chuyện tất nhiên và đáng mừng. Nhưng chúng ta phải tiép tục suy tư về hai chữ „bảo hiểm.” Phải chăng tất cả giúp con người bảo đảm cuộc sống? Dĩ nhiên là không rồi! Dù là bảo hiểm nào đi nữa cũng không giúp chúng ta trốn tránh cái chết. Tất cả đều biết: một ngày nào đó mình sẽ lìa đời. Nhưng hầu hết chẳng ai muốn nghĩ đến chuyện đó. Họ cho rằng, tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian. Nhưng thần chết đôi lúc đến bất chợt. Đùng một cái con người phải đối diện với đống gạch vụn của những chương trình, kế hoạch cho cuộc sống của mình. Con người tự cảm thấy mình bất lực, không tài nào dựa vào khả năng mình để cứu vãn tình thế. Có lẽ chính tại đây họ phải tự hỏi: Đức Giêsu hiểu thế nào về cuộc sống?
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người như chúng ta. Lẽ dĩ nhiên Người cũng tha thiết muốn sống. Thực là kinh hãi khi Người phải chết trong lúc tuổi đời bước vào giai đoạn chín chắn, đầy hứa hẹn. Lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu xin cho mình tránh khỏi đau khổ và sư chết là một lời cầu xin chân thật tận đáy lòng. Nhưng Người sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha. Người sẵn sàng tự hiến. Người sẵn sàng chết để đánh đổi cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu. Người đành mất mạng sống để đạt được sự sống mới. Chính Người đã phục sinh, đã đi trước chúng ta tiến vào thiên đàng.
Con đường của Đức Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Đức Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người. Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.



Câu hỏi gợi ý:
1. Yêu bản thân mình có phải là điều tốt hay chính đáng không? Tại sao? Nhưng tại sao Đức Giêsu lại nói: "Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Có gì mâu thuẫn và không hợp lý chăng?
2. Tại sao yêu Chúa và yêu tha nhân thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời? Có thể lý giải cách nào không?
Suy tư gợi ý:
1. "Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất"
Người ta ai cũng yêu mình. Đó là điều rất tự nhiên và chính đáng. Chính Đức Giêsu đã từng nói: "Hãy yêu đồng loại như yêu chính mình" (Mt 19,19). Thánh Phao-lô cũng nói: "Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Không ai ghét thân mình bao giờ" (Ep 5,28-29). Chính vì yêu mình, nên ai cũng có bản năng tự vệ, tự giữ lấy mạng sống, và không ai chịu liều mất mạng sống mình nếu không phải vì những lý do rất đặc biệt. Thế mà Đức Giêsu lại nói: "Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Có gì mâu thuẫn và không hợp lý chăng?
Ai cũng yêu mình, nhưng có hai cách yêu: yêu mình cách sáng suốt, và yêu mình cách ngu xuẩn. Yêu mình cách sáng suốt là yêu làm sao để chính mình được hạnh phúc. Còn yêu mình cách ngu xuẩn là yêu mình nhưng lại làm cho mình đau khổ. Vấn đề mấu chốt của việc yêu mình sáng suốt là ở chỗ nhận định được mình là gì, và những gì là mình.
2. Yêu mình cách sáng suốt và yêu mình cách ngu xuẩn
a) Minh họa 1:
Một người thích uống rượu, thích ăn những đồ ăn nhiều chất mỡ. Nhưng bác sĩ khuyên anh ta đừng uống rượu kẻo hại gan, đừng ăn đồ nhiều mỡ kẻo hại mạch máu. Nhưng anh ta nghĩ: gan không phải là mình, mạch máu cũng không phải là mình, chúng làm sao thây kệ chúng, không liên quan gì tới mình cả. Mình thương mình thì mình cứ ăn uống cho thỏa thích: "Vui xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau"! Chẳng bao lâu sau, anh bị viêm gan và cao huyết áp trầm trọng, phải đau đớn rất nhiều, và cuối cùng chết sớm.
Cái sai lầm của anh này là nghĩ gan của mình, dạ dày của mình, phổi của mình… không phải là mình, nên không thương chúng, bỏ mặc chúng không thèm chăm sóc, để rồi chúng bị thương tổn, bị bệnh. Khi chúng bị bệnh thì bản thân anh cũng bị bệnh theo. Lúc đó anh mới biết chúng cũng là mình, thương chúng chính là thương mình, chăm sóc chúng chính là chăm sóc mình. Còn thương mình kiểu cứ ăn uống cho mình được thỏa thích bất chấp chúng ra sao thì ra, chính là làm hại mình, là tự giết mình.
b) Minh họa 2:
Một anh có vợ và một bầy con, nhưng anh chẳng quan tâm gì tới vợ con, anh chỉ biết lo cho bản thân anh, thậm chí còn đánh đập vợ con không thương tiếc khi bị trái ý. Anh còn mèo chuột lăng nhăng làm vợ con rất đau khổ. Chẳng bao lâu sau anh bị bệnh, không còn làm được việc gì. Lúc này anh rất cần vợ con nuôi dưỡng, chăm sóc anh. Nhưng vì anh đã đối xử quá tệ với vợ con, nên bây giờ anh bị hất hủi và đau khổ. Bây giờ anh mới nhận ra thương vợ con là thương chính bản thân mình, và chăm sóc vợ con cũng là chăm sóc chính bản thân mình.
Chúng ta còn có thể đưa ra nhiều minh họa khác chứng tỏ quần áo ta mặc, đôi giày ta đi dưới chân cũng là bản thân ta, những người sống chung quanh ta cũng chính là bản thân ta, v.v… Bên Phật giáo, từ ngữ "tăng thân" có nghĩa là thân được thêm vào bản thân của ta, bao gồm tất cả mọi người, mọi vật trong vũ trụ mà ta có cảm tưởng là ở bên ngoài ta. Theo giáo lý Đức Phật, tất cả mọi chúng sinh và tất cả những vật vô tri trong vũ trụ cũng là bản thân ta. Ta yêu chúng cũng là yêu chính ta, ta ghét chúng cũng là ghét chính ta. Ta làm cho chúng tốt đẹp hạnh phúc cũng chính là làm cho ta nên tốt đẹp hạnh phúc. Ta làm cho chúng xấu xa đau khổ cũng chính là làm ta nên xấu xa đau khổ. Vì thế, yêu mình một cách sáng suốt chính là biết yêu thương tất cả mọi người, mọi vật. Yêu mình một cách ngu xuẩn là do quan niệm về mình một cách quá giới hạn, tưởng rằng mình chỉ là thân xác mình, và chỉ biết đối xử tốt với nó, còn mặc kệ không thèm quan tâm chăm sóc đến những gì không phải là thân xác mình.
3. Thiên Chúa chính là bản thân sâu thẳm nhất của ta
Thánh Âu Tinh nói: "Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính bản thân tôi thân mật với tôi" (Deus intimior intimo meo). Nói cách khác, Thiên Chúa còn là tôi hơn cả chính bản thân tôi, Thiên Chúa là "cái tôi" sâu xa nhất của tôi. Chính vì thế, yêu Chúa bao nhiêu thì cũng là yêu mình bấy nhiêu. Và tương tự, yêu tha nhân thế nào cũng chính là yêu mình thế nấy. Thiên Chúa, tha nhân, và bản thân ta, một cách nào đó chỉ là một. Theo triết lý nhất nguyên của Đông phương, thì toàn thể những gì hiện hữu chỉ là một bản thể duy nhất, được thể hiện thành muôn vật dưới muôn hình vạn trạng trong thế giới hiện tượng. Trong nhãn quan của triết lý này, ta cảm thấy rất dễ hiểu việc yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân cũng là yêu chính bản thân ta.
Chỉ có một điều là ta có thể cảm nghiệm được thân xác ta là ta một cách trực tiếp, nhưng phải có trí tuệ cao mới có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa hay tha nhân cũng chính là ta một cách gián tiếp. Thực ra, ta chỉ có thể cảm nhận một cách trực tiếp nhất ý nghĩ của ta là ta, rồi mới cảm nghiệm được thân xác ta với các cơ quan của nó là ta. Vì thế, những gì ta lo cho thân xác ta thì có hậu quả thấy được ngay trước mắt. Còn những gì ta lo cho Thiên Chúa, cho tha nhân thì phải một thời gian sau - nghĩa là lâu hơn ít nhiều - mới thấy được hậu quả nơi ta.
Điều ấy có khác gì hai cách dùng tiền: một đằng là dùng tiền để mua ngay những gì cần thiết hay ích lợi cho bản thân, một đằng là dùng tiền để kinh doanh hầu có lợi lâu dài về sau. Cách trước thì sự hưởng thụ ích lợi đến ngay với mình, nhưng chỉ một thời gian là hết. Cách sau thì sự hưởng thụ đến với mình có thể rất chậm, nhưng sẽ rất lâu dài, thậm chí không bao giờ hết. Từ đó ta hiểu được tại sao yêu Thiên Chúa và tha nhân thì có được sự sống đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu, còn lối sống ích kỷ thì chỉ có được sự sống hay hạnh phúc tạm bợ mà thôi, để rồi sau đó là sự chết hay đau khổ lâu dài.
4. Hãy yêu Thiên Chúa hơn cả cha mẹ, anh em, con cái mình
Như đã nói trên, Thiên Chúa và tha nhân một cách nào đấy cũng chính là bản thân mình, nên yêu Thiên Chúa và tha nhân cũng là yêu chính bản thân mình. Nhưng Thiên Chúa mới chính là bản thân mình một cách sâu xa nhất. Vì thế, để yêu mình một cách sáng suốt và đem lại hạnh phúc lâu dài, người ta nên hy sinh bản thân cho tha nhân và Thiên Chúa. Và yêu tha nhân cũng chính là yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa thì trừu tượng, không thấy được, nên yêu Chúa một cách cụ thể là yêu tha nhân, nhưng hãy ưu tiên yêu người gần gũi với mình nhất, rồi đến những người xa hơn, và phải yêu thương tất cả không trừ một ai, dù là kẻ thù. Thánh Gio-an viết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Nhưng giả như có sự xung đột giữa việc yêu Chúa và yêu tha nhân, thì ta luôn luôn phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa. Nhưng một cách thực tế, yêu Thiên Chúa luôn luôn đồng nghĩa với yêu tha nhân, nên trong những trường hợp có sự xung đột này, ta thường phải hy sinh tình yêu tha nhân mang tính cá biệt cho tình yêu tha nhân mang tính đại đồng. Một cách cụ thể là phải đặt tình yêu chung
Trong một nhãn quan bao quát như trên, ta hãy đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, ta sẽ thấy bài Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn trước rất nhiều.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, bây giờ con mới hiểu rõ tại sao mà con phải yêu Cha và yêu tha nhân. Bây giờ con mới hiểu yêu Cha và yêu tha nhân chính là yêu bản thân con một cách sáng suốt nhất, là đem lại hạnh phúc lâu dài cho bản thân con. Bây giờ con mới hiểu câu nói của thánh Phan-xi-cô: "Chính lúc quên mình (để yêu Thiên Chúa và tha nhân) là lúc gặp lại bản thân.” Xin cho con biết yêu con bằng cách yêu Thiên Chúa và tha nhân một cách tích cực và chân thành. Amen.



"Kẻ nào tiếp đón một tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri" (Mt 10:41).
Thời nay, mỗi lần đi đâu xa, người ta có thể ghé vào quán cóc bên đường hay tiệm ăn trong phố để mua chút gì lót dạ; người ta cũng có thể thuê một quán trọ bình dân hay khách sạn hạng sang để trú ngụ qua đêm. Nhưng trong thời tiên tri Elisa, làm gì có được chuyện đó, dù rằng người du hành có nhiều tiền mấy chăng nữa, cũng khó kiếm được hàng quán để ăn uống và nghỉ ngơi. Thế nên ai khởi sự đi xa, ra khỏi phạm vi gia đình hoặc làng xóm là bắt đầu lệ thuộc vào lòng hiếu khách của những người xa lạ để sống còn.
Elisa vô cùng may mắn khi gặp được người phụ nữ ngoại bang ở thành Sunam đón tiếp và mời dùng bữa với danh nghĩa là một tiên tri, "vị thánh của Thiên Chúa." Người phụ nữ này vốn giàu có và đạo đức. Thấy Elisa thường qua lại thành Sunam nên bà mới bàn với chồng cất một căn phòng trên gác cao, có "một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cái đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó." Trước lòng hiếu khách cao quí đó, tiên tri Elisa muốn thưởng công cho hai vợ chồng. Thế rồi khi biết người chồng đã già mà vợ lại chưa con, Elisa liền hứa cho bà được "sinh một cậu con trai vào năm tới."
Đây quả là phần thưởng vượt quá ước mơ. Nhưng đó cũng mới chỉ là phần thưởng dành cho những người đón tiếp tiên tri. Còn phần thưởng của Thiên Chúa dành cho những người xử tốt với chính môn đệ Ngài còn đáng mong đợi hơn nhiều.
Ngày xưa, khi dân chúng của một làng hay thành nào đón tiếp Đức Giêsu, lập tức nơi đó nhận được phần thưởng của Thiên Chúa: bệnh nhân được chữa lành, tội nhận được tha thứ, người nghèo được loan báo Tin Mừng. Còn với nơi nào từ chối đón tiếp Ngài hay các môn đệ, phần dành cho nơi đó chỉ là chút bụi bàn chân.
Người Do thái thường cảm nhận: khi tận tâm đón tiếp vị đại diện của ai là như chân thành đón tiếp chính người đó. Thành ra khi đón nhận các môn đệ Đức Kitô thì không khác gì đón nhận chính Ngài, mà đón nhận chính Ngài cũng có nghĩa là đón nhận chính Thiên Chúa.
Trong một thế giới, khi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ khép kín lòng người, Tin Mừng của Đức Giêsu lại vang lên lời mời gọi mở lòng, hiếu khách. Nói đúng hơn, Ngài kêu mời con người bước vào hành trình yêu thương mà hình thức đơn giản nhất là việc đón tiếp. Một nhà tư tưởng đã viết: "Tiếp đón niềm nở chính là hình thức vui tươi của lòng yêu thương."
Lắm khi người ta dễ dàng tiếp đón các nhân vật nổi tiếng như các đấng tiên tri, người công chính, vị tư tế ..., và chắc chắn họ sẽ nhận được ân phúc mà Thiên Chúa ban thưởng cho những con người dấn thân cao cả đó. Thế nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn khi mời gọi người ta nới rộng sự tiếp đón đến các kẻ bé mọn, người bị bỏ rơi, người già đau yếu, thai nhi vô tội.... Những con người này cũng cần được ân cần tiếp đón như sứ giả của Đức Kitô. Và chỉ "một bát nước lã" cho họ uống thôi cũng đủ cầm chắc phần thưởng Thiên Chúa trao ban rồi.
Tiếp đón không chỉ thuần túy là mở cửa nhà, mở hầu bao, mở chum nước, nhưng đúng hơn là mở rộng con tim. Chỉ khi rộng mở tâm hồn, con người mới thật sự lớn lên trong cảm thông, tương quan, tình thân, và hiệp nhất. Một tác giả đã nhận định: "Sống là phải mở ra. Như cánh hoa mở ra với mặt trời, như dòng sông mở ra với biển khơi, như cơ thể mở ra với khí trời và ánh nắng. Mở ra như thế là đòi hỏi thiết yếu của sự sống." Phương diện thể chất còn cần mở ra để được sống, huống chi là phương diện tâm linh.
Mở ra nào cũng có nguy cơ tiêu hao mất mát. Khi can đảm mở rộng con tim là sẵn sàng chấp nhận đau thương rướm máu. Thế nhưng nếu chỉ lo khép kín trong ích kỷ là tự đi vào huỷ diệt, còn khi biết rộng mở cho yêu thương là bắt đầu tìm gặp sự sống: "Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất. Ai dám mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được nó" (Mt 10:39).
Yêu thương phải là nền tảng của mọi dâng hiến. Bởi vì nếu tôi đem cả gia tư vốn liếng mà phát chẩn; và nếu như tôi nộp mình chịu thiêu, nhưng lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi (1 Cor 13:3).
Yêu thương làm nên sự sống, nhưng yêu thương nào cũng mời gọi hy sinh hiến dâng. Hy sinh không phá huỷ con người, cũng không là cách tự tử cuồng tín, song là lối đường tạo nên những người đàn ông và đàn bà cao cả nhất (Noel Question).
Yêu thương khiến người ta tha thiết mở cửa tâm hồn ra với thế giới (dù cửa nhà có đang khép kín) để dám đón nhận tất cả và hy sinh cho tất cả. Alain Cavalier, người thực hiện cuốn phim về Chị Thánh Têrêsa và được giải thưởng Cannes cao quí đã phát biểu như sau: "Rút mình khỏi thế giới, một mình trong phòng kín... đóng kín lại để mở ra nhiều hơn, tốt hơn." Và rồi, nhờ mở ra trong khát mong yêu thương tròn đầy, nên tuy không đi truyền giáo đâu xa hơn bốn bức tường tu viện, Têrêsa vẫn là quan thầy của các vùng truyền giáo, không làm linh mục để hoán đổi một linh hồn tội lỗi, nhưng đã vực dậy bao cõi lòng lao đao lạc lối, không giảng một bài nảy lửa làm rúng động tâm linh, nhưng lại là tiến sĩ của con đường thơ ấu dẫn bao tâm hồn đến với Tình Yêu.
Chị Thánh đã mở trái tim mình để đón tiếp Tình Yêu nên đã lãnh được phần thưởng của Tình Yêu.
Thế ra, tuy không phải là tiên tri hay nhà thừa sai truyền giáo, tuy không phải là linh mục hay thành viên trong các tu viện đó đây, nhưng nếu biết mở lòng cho yêu thương, kính trọng, cầu nguyện và đỡ nâng những bước chân rao giảng Tin Mừng, tôi sẽ có được phần thưởng mà Đức Kitô sẽ dành ban cho các sứ giả kiên trung của Người.



Suy Niệm
Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ, dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg, vượt qua 50.140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa: đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969. Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất. "Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm, đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu. Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình..." Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới. Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000. Như vậy ông sẽ là người đầu tiên đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.
Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh, nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình mà theo Ngài.
Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.
Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.
Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.
Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.
Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.
Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy, hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình, không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.
Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ, nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến, những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.
Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình nếu chúng ta dám yêu thực sự.
Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.
Điểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Đức Giêsu. Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.
Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.
Nếu Đức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa, nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước, thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.
Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.
Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin mà còn là thông truyền tình yêu, là làm cho Đức Giêsu được mọi người yêu mến.
Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu, là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).
Ước gì chúng ta yêu Đức Giêsu trên mọi sự, yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài, chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm về mất để rồi được lại hay một kinh nghiệm về tưởng được mà lại mất.
Từ bỏ, hy sinh là những điều không hấp dẫn con người hôm nay, nhưng bạn có thấy chúng hết sức cần thiết không? Làm sao để dễ từ bỏ mình khi phải chung sống với người khác?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)



(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 10, 37-42
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ. Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa. Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.
Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.
Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài. Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa. Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình. Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình. Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng. Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát. Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi. Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ. Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người. Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Người đến cho ta được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.
Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn. Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường. Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha. Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền.” Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót. Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau.” Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài.”
Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.
Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng. Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình. Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.
Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.
Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình. Người luôn sống vì và cho người khác. Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha. Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.” Người sống vì con người và cho con người. Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.
Nên thánh Phalô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô. Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn. Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa. Chết trong quên mình âm thầm. Chết trong những hy sinh nhỏ bé. Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa. Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa. Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.” Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1- Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Chúa có những phẩm chất nào?
2- Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, Người có thực hành không?
3- Đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Bạn nghĩ đến việc này thế nào? Quan tâm? Giúp đỡ? Đóng góp?.



Thiên Chúa yêu thương ta nên trao nộp Con Một Người cho ta. Nhưng Người vẫn để cho ta được tự do đón nhận quà tặng vô giá ấy. “Khi thời gian tới hồi viên mãn”, Chúa Giêsu Kitô đến với ta như vị Ngôn Sứ tối cao của thời Tân Ước, chỉ dạy cho ta đường đi tới sự sống vĩnh cửu. Ta phải đón nhận Người như thế nào, đó là cốt lõi của đời sống Kitô hữu và cũng là đề tài của Lời Chúa hôm nay.
1. Tiếp đón “người của Thiên Chúa” (bài đọc Cựu Ước – 2 V 4:8-11.14-16a)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10:41). Câu truyện người phụ nữ tại Su-nêm đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa đã minh chứng cho lời nói trên của Chúa. Bà là người giàu có trong thành. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, nhưng chỉ tiếc một điều là ông bà đã lớn tuổi mà không có con. Ngôn sứ Ê-li-sa đã được gia đình bà tiếp đãi ân cần và kính trọng, đến độ họ làm thêm một căn phòng đặc biệt để ngài có chỗ nghỉ ngơi mỗi lần đi qua Su-nêm. Trước lòng tốt của người phụ nữ ấy, ngôn sứ Ê-li-sa muốn làm một điều gì đó để trả ơn. Ngài hỏi bà muốn điều gì, nhưng bà đều từ chối. Đối với bà, đón tiếp vị ngôn sứ, người của Thiên Chúa, là một bổn phận và một vinh dự, chứ không phải là việc có qua có lại. Tiểu đồng Giê-kha-di đi theo ngôn sứ là người tinh tế, nhận ra được nỗi khổ tâm của bà vì không có con. Hai ông bà mong có được một đứa con trai, nhưng điều ấy chỉ có quyền năng Chúa mới giúp họ toại nguyện. Theo đề nghị của tiểu đồng, Ê-li-sa đã cầu xin Chúa ban cho bà một mụn con. Ngôn sứ nói với bà trước khi lên đường: “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng.” Quả thực, bà đã sinh được một đứa con trai. Nhưng ít năm sau, đứa nhỏ bị bạo bệnh và chết. Nghe tin, ngôn sứ Ê-li-sa đã đến cầu nguyện và làm cho em được sống lại.
 Lòng tốt và kính trọng của người phụ nữ Su-nêm đối với vị ngôn sứ đã được ân thưởng. Ân thưởng là việc Chúa làm. Người đã ban cho bà được thoát khỏi nỗi đau khổ ray rứt vì không có con trai. Đứa con là sự tiếp nối sự sống của bà mẹ, là đời sống mới phát sinh từ sự sống của người mẹ. Do đó, ngôn sứ Ê-li-sa cầu xin Chúa ban cho bà một đứa con là ngài giúp cho bà được tiếp tục sống và sống đời sống mới. Ý nghĩa này có thể giúp ta hiểu được lời Chúa hứa với những ai đón nhận Con Một Thiên Chúa: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người (Ngôi Lời), thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12).
2. “Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (bài Tin Mừng – Mt 10:37-42)
 Đón tiếp một vị ngôn sứ thôi mà người phụ nữ Su-nêm đã được ân thưởng hơn cả lòng mong ước của bà, huống chi là khi ta đón tiếp Đức Kitô, Đấng Cứu Độ được Chúa Cha sai đến trần gian. Ngôn sứ chỉ là vị sứ giả được Thiên Chúa sai đi để mang lời Người đến cho dân Chúa. Còn Đức Kitô, Người không chỉ nói thay cho Thiên Chúa, mà Người là chính Lời của Thiên Chúa nói với ta (Dt 1:1). Do đó, việc đón nhận Người mang tính cách tuyệt đối đến nỗi không những ta chủ động đón nhận Người, nhưng là ta còn phải bỏ mọi sự mà “theo Thầy” và sẵn sàng “liều mất mạng sống vì Thầy” (Mt 10:37-38).
 Chúa Giêsu đặt việc “đón tiếp Thầy” vào một tương quan rộng lớn và trọn vẹn nhất, đó là tương quan “anh em – Thầy – và Đấng đã sai Thầy.” Thực vậy, Người được sai đến để làm Con Yêu Dấu liên kết tất cả nhân loại thành một đoàn em đông đúc của Người và đưa họ về với Chúa Cha. Người là gạch nối giữa mọi người với nhau và giữa mọi người với Thiên Chúa. Sự liên kết chặt chẽ ấy nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ trong một tương quan hoàn hảo giữa ba thành phần: Thiên Chúa, Đức Kitô và nhân loại. Nói khác đi, ta được Thiên Chúa cứu độ nhờ Đức Kitô và cùng với anh chị em. Ta đón nhận nhau là ta đón nhận Chúa, ta đón nhận nhau là ta được cùng một phần thưởng với anh chị em đón nhận ta. Như thế, dù ta là “ngôn sứ” hay ta là “người công chính”, thì ta cũng đều nhận được cùng một phần thưởng là ơn cứu độ. Ta là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân thì hết thảy ta sẽ lãnh nhận cùng một phần thưởng là ơn cứu độ nếu ta biết đón nhận Đức Kitô.
 Ta sẽ hỏi: vậy tôi đón nhận Chúa như thế nào? Câu trả lời của Chúa là ta đón nhận anh chị em là ta đón nhận chính Chúa. Chúa Giêsu đã nói lên tương quan đón nhận ấy qua một thí dụ cụ thể: là môn đệ Chúa, nếu ta chỉ cần cho một em nhỏ uống một chén nước lã thôi là ta làm cho chính Người và sẽ được ân thưởng. Thí dụ đơn sơ ấy cho thấy việc đón nhận Chúa cần phải được thể hiện cụ thể qua cuộc sống hằng ngày. Một em nhỏ và một chén nước lã biểu tượng cho những gì nhỏ bé tầm thường trong cuộc sống. Đón nhận Chúa là một hành vi đức tin được thực hiện qua những đối xử nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày. Nhưng nếu ta làm thì chắc chắn không mất phần thưởng và phần thưởng sẽ to lớn hơn cả điều ta mong ước, giống như người phụ nữ Su-nêm đã được vậy.
3. Sống đời sống mới: một phương thức đặc biệt để đón nhận Đức Kitô (bài đọc Tân Ước – Rm 6:3-4.8-11)
 Đón nhận Chúa Kitô qua những hành vi nhỏ mọn trong cuộc sống hằng ngày là những cách cụ thể. Tuy nhiên, những cách này được thực hiện là nhờ ta có một nền tảng đón nhận được xây dựng trên tương quan giữa Chúa Kitô và ta, là sống chết với Người, “được mai táng với Người” và “sống một đời sống mới.” Thánh Phao-lô nhìn cuộc sống của ta dưới hai khía cạnh: chết đi đối với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên có không phải là hai điều khác biệt không ăn nhập với nhau, trái lại là hai điều ngược nhau của cùng một thực thể. Thí dụ ta có một bình đựng nước. Nếu ta bỏ đầy sỏi đá vào trong bình, bình sẽ chứa được ít nước thôi. Nhưng nếu bình hoàn toàn rỗng, bình sẽ chứa được đầy nước. Đời sống đức tin của ta cũng vậy. Nếu ta càng loại trừ đi tội lỗi thì Chúa càng đầy ắp trong linh hồn ta. Sau khi ta “được dìm vào trong cái chết của Chúa Kitô và được mai táng với Người”, nghĩa là sau khi ta được chịu phép Rửa tội, ta liền có được một đời sống mới. Bí tích Rửa tội là dấu chỉ của khởi đầu một cuộc sống mới. Nhưng muốn làm phát triển đời sống mới này, ta phải tiếp tục tiến trình chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
 Chết đi cho tội lỗi là lối sống đi ngược lại lối sống của người đời, tức lối sống cho tội lỗi. Đúng vậy, người đời sống cho tham vọng, cho thù hận, cho tiền của và nhục dục. Đó là những lẽ sống của họ nên họ làm đủ cách để đạt được những thứ ấy, kể cả việc sử dụng những phương tiện xấu xa như lừa gạt hay bạo lực. Tội lỗi chỉ lôi kéo được những ai muốn sống cho nó mà thôi. Còn những ai đã chết rồi đối với nó, tức là không đi theo con đường của nó, thì nó chẳng thiết tha gì.
 Sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô là sống theo đúng gương mẫu của Đức Kitô. Vậy Đức Kitô đã sống cho Thiên Chúa như thế nào? Lẽ sống của Người là “thi hành thánh ý Chúa Cha”, chu toàn sứ mệnh cứu độ trần gian. Người thực hiện tất cả những gì Kinh Thánh đã nói về Người. Người hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau hết, Người chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá để đền tội nhân loại. Lối sống cho Chúa của Đức Kitô là sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại. Tình yêu là động lực của mọi hoạt động, cho nên Người mới làm được cả những việc sức loài người không làm nổi, thí dụ yêu thương và tha thứ kẻ thù, chấp nhận chết thay cho ta là những kẻ tội lỗi. Hơn thế nữa, vì thực hiện lý tưởng sống cho Chúa, Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết để đem lại sự sống đời đời cho tất cả những ai theo gót Người mà phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
4. Sống Lời Chúa
 Đón nhận Chúa Kitô là việc đưa ta vào một hành trình đức tin với những hy sinh và mất mát đời này. Đón nhận Chúa Kitô không chỉ dừng lại ở việc ta lãnh Bí tích Rửa tội làm con cái Chúa, nhưng đưa ta vào một cuộc sống mới theo khuôn mẫu Đức Kitô. Người là Thầy, còn ta là môn đệ. Kim chỉ nam để ta sống cuộc sống mới cho đúng nghĩa, đó là ta luôn nhớ mình phải làm mọi sự với danh nghĩa là môn đệ đích thực của Đức Kitô. Do đó, nếu ta nói một đàng làm một nẻo là ta đã phản bội danh nghĩa môn đệ đích thực mất rồi. Đời sống mới của ta có hai mặt, một đàng là mến Chúa và đàng khác là yêu người. Quả thực, không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn trên!
Suy nghĩ: Lý tưởng sống đức tin của tôi không đòi phải làm những điều trọng đại, nhưng là những việc làm nhỏ nhặt hằng ngày, thí dụ “cho một trong những kẻ bé nhỏ uống một chén nước lã.” Vậy đối với cuộc sống tôi, ai là “những kẻ bé nhỏ” tôi phải phục vụ và “chén nước lã” tôi phải cho là những gì? Tôi có đón nhận Chúa theo phương cách đó không? Tại sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 13 mùa Thường niên).



Sự hiếu khách là một đức tính tốt đẹp mà đôi khi nó dẫn đến nhiều ngạc nhiên và sinh ra những kết quả không ngờ. Trong bài đọc I, người đàn bà xứ Shunem chứ không phải người Israel. Dù người Shunem thường bị người Israel khinh miệt, coi họ như dân ngoại, bà ta đã nhận biết tiên tri Êlisêô là một vị thánh. Bà đã thuyết phục được chồng bà để tỏ lòng hiếu khách với người của Thiên Chúa, vị tiên tri đã chấp nhận sự hiếu khách này với một sự ngạc nhiên. Phần thưởng bất ngờ mà người đàn bà được là một năm sau bà hạ sinh được một cậu bé trai, và bà vui sướng với phần thưởng đó trong một thời gian dài.
Đoạn văn này đã báo trước lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc âm: “Người nào tiếp đón một tiên tri mang danh là tiên tri thì nhận phần thưởng của một tiên tri.” Phần thưởng của người đàn bà xứ Shunem là đứa bé trai, đứa con do chính máu huyết của bà sinh ra. Chúa Giêsu đã nói với mọi người: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy.” Khi chúng ta tỏ ra hiếu khách với tha nhân, chúng ta cũng sẽ nhận được một bé trai, nhưng không phải do máu huyết của chúng ta sinh ra. Chúng ta lãnh nhận người Con đời đời của Chúa Cha. Khi chúng ta đến với tha nhân là chúng ta đến với chính Đức Kitô.
Thánh Martin thành Tour là một mẫu gương. Ngài thường được xem là con người đầu tiên được tôn kính như một vị thánh mà không phải do tử vì đạo. Ngài sinh ra tại Pháp vào lúc mà cuộc bách hại đạo đang đến hồi chấm dứt. Chưa có ai được những thiện nam tín nữ kính trọng như một vị thánh trong Giáo hội sơ khai trước đó như ngài, những người đã chết giống như Đức Kitô và vì Đức Kitô. Bây giờ điều quan trọng là bắt đầu chuyển đến sống vì Đức Kitô và để yêu mến Đức Kitô.
Khoảng đời của thánh Martin đã nêu cao chân lý yêu thương tha nhân là thật sự yêu thương Đức Kitô. Trong lúc thánh Martin đang còn là một người đang học giáo lý theo đạo và đang phục vụ trong quân đội, ngài đang thi hành phiên gác trong một đêm đông giá lạnh thì gặp một người nghèo khổ đang run rẩy vì quần áo của ông ta như một mớ giẻ rách, đứng trước mặt ngài. Thánh nhân liền cởi chiếc áo choàng của mình, rút gươm cắt chiếc áo choàng ra làm hai mảnh và đưa một mảnh cho người ăn xin nghèo khổ đó. Sau đó, trong lúc ngủ, Martin nằm mơ thấy Đức Kitô khoác mảnh áo khoác mà ngài đã cho người ăn xin. Ngài nghe Đức Kitô nói: “Hỡi Martin, tuy con mới học giáo lý để theo đạo, mà con đã cho Ta chiếc áo này.”
Đoạn văn trên đã minh họa phần cốt yếu của đức tin chúng ta về Đức Kitô. Là những người công giáo, chúng ta tin rằng Đức Kitô hiện diện trong từng lời Thánh Kinh và Người nói với chúng ta khi Lời Chúa được tuyên đọc trong nghi thức phụng vụ. Chúng ta tin rằng Đức Kitô đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể và trên bàn thờ khi chúng ta cử hành sự chết và sự phục sinh của Người. Cùng với những xác tín trên chúng ta phải tin rằng Chúa Kitô đang hiện diện nơi mọi người, khi chúng ta phục vụ tha nhân là chúng ta phục vụ Người, và khi chúng ta phớt lờ người khác là chúng ta phớt lờ chính người. Chúng ta phải có một đức tin bao gồm nơi thực tại của Đức Kitô, nơi Lời Chúa, nơi bí tích Thánh Thể và nơi mọi người. Phụng vụ không phải là một sự sùng kính riêng tư, một quan hệ cá nhân giữa Thiên Chúa với một người nào đó. Đó là sự diễn tả của Giáo hội, trong một thân xác và một tinh thần trong Đức Kitô. Sự hợp nhất trong Đức Kitô phải chuyển động cách sống của chúng ta.
Khi chúng ta đến với những người không nhà, những người đói khát, chúng ta phải nhận ra Đức Kitô ở trong họ. Khi chúng ta để ý đến những bà mẹ trẻ, cô độc đang mang thai, những người cần chúng ta chăm sóc, chúng ta phải thấy Đức Kitô trong họ. Khi chúng ta nhận ra những ngoại kiều, ủng hộ hay chống đối chúng ta đang ở giữa chúng ta, chúng ta phải biết rằng Đức Kitô cũng là một người ngoại quốc. Và chúng ta phải hành động theo lời dạy của Chúa. Chúng ta phải luôn luôn tiếp đón Đức Kitô và đừng ngoảnh mặt đi. Những người công giáo phải ngạc nhiên nếu mình không hiếu khách. Sự tử tế sẽ là một diễn tả đích thực của đức tin chúng ta.



THIÊN CHÚA KHÔNG THUA LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA CON NGƯỜI
Tại một Tòa Giám Mục miền bắc Việt Nam, trong khuôn viên Tòa Giám mục, có một khẩu hiệu rất đặc biệt, đó là: “Mỗi vị khách là một Đức Giêsu.” Ấn tượng hơn nữa là cung cách của vị Giám Mục và nhiều nhân viên trong đó đã để lại cho người đến thăm nhiều cảm xúc qua cách đón tiếp mang đậm chất Kitô.
Khi ra về, nhiều người đã không ngớt lời khen ngợi tấm lòng hiếu khách, chân tình và đơn sơ của Đức Giám Mục và những người ở nơi đây.
Tại sao nơi đó lại có cung cách đối đãi tốt như vậy? Thưa, bởi vì nơi đó đã thấm đượm bài học của chính Đức Giêsu dạy: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ lần lượt làm sáng tỏ nhằm giúp chúng ta hiểu tâm tình trên.
1. Lời Chúa
Khởi đi từ bài đọc 1, tác giả sách các Vua kể về sự kiện tiên tri Êlisê được một phụ nữ người Sunam đón tiếp rất thịnh tình khi ông và tiểu đồng đi ngang qua đây.
Người phụ nữ này là người thuộc giới thượng lưu trong thành. Gia đình giàu có. Đời sống vợ chồng rất ấm êm. Tuy nhiên, có một nỗi khổ tâm quá lớn đối với vợ chồng bà, đó là ông bà đã lớn tuổi mà không có con.
Nguyện vọng của ông bà là mong sao được Chúa thương nhận lời cho mình mụn con để nối dòng.
Được tiếp đãi tử tế và rất thân tình, tiên tri Êlisê nghĩ đến ân nghĩa, nên trước khi rời khỏi nơi ấy, ông đã ngỏ ý muốn trả ơn vì những điều mà gia đình đã làm cho ông cũng như tiểu đồng.
Tuy nhiên, bà chủ đã hoàn toàn khước từ, bởi bà luôn nghĩ rằng: “Người đến trọ nhà mình là một vị thánh.” Vì thế, khi đón tiếp Ngài là đón tiếp người của Thiên Chúa. Vì thế, không lẽ lại sòng phẳng như “hòn đất ném đi, hòn trì ném lại???” Vì thế, dù nói thế nào, bà đều từ chối không hề nhận bất cứ thứ gì mà vị tiên tri đáp lễ.
Thấy được tấm lòng chân thành ấy, Êlisê cũng áy náy! Tuy nhiên, khi được tiểu đồng mách cho biết nguyện vọng của ông bà là muốn có một người con để nối dõi tông đường cũng như tránh đi sự tủi nhục.
Thấy được sự khao khát chính đáng, Êlisê đã cầu nguyện và chúc phúc cho hai ông bà và nói tiên tri: “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng.” Sau đó tiên tri Êlisê lên đường. Đúng như điều đã nói, bằng rầy sang năm, ông bà đã có một người con trai.
Tuy nhiên, niềm vui chỉ được ít lâu, vì chỉ vài năm sau, thằng bé bị bệnh và qua đời.
Khi nghe tin ấy, tiên tri Êlisê đã không ngớt cầu xin Chúa cho con bà được sống lại, và Chúa đã nhận lời. Đứa trẻ đã sống lại để sống một cuộc sống mới trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.
Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy: Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người. Nếu chúng ta rộng tay làm phúc cho Chúa hay những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta với lòng mến, thì chắc chắn Chúa sẽ trả ơn gấp bội.
Sang bài đọc 2, thánh Phaolô đi xa hơn để cho thấy nền tảng và nguồn gốc của sự sống mới chính là Đức Giêsu, Đấng đã sống cuộc sống như ta, đã chết và đã sống lại vì nhân loại. Ngài nói: “Nếu ta cùng chết, cùng được mai táng với Ngài, thì ta cũng có được một đời sống mới như Ngài.”
Nếu trước kia, tâm hồn chúng ta đầy rãy những tội lỗi, bon chen, ích kỷ, hận thù, kiêu ngạo và thiếu tinh thần bác ái, thì khi ta được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nghĩa là ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô. Từ đó, con người của ta được biến đổi và được mặc lấy sự sống mới trong Ngài.
Thật vậy, nếu chết đi cho tội là loại bỏ những ích kỷ, tham vọng, nhục dục, thù hận, ghét ghen, vô cảm, vô tâm, dửng dưng, thì sống một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô là biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; biết yêu thương, tha thứ, nhân từ, cảm thông, liên đới, quảng đại, dấn thân vì người nghèo…, bởi vì những thứ đó thuộc về phẩm chất của Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi loan truyền tình thương của Ngài qua những hành vi đó.
Đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là bài Tin Mừng.
Như một lời hiệu triệu, Đức Giêsu đã nói về sự liên đới giữa Ngài với ta, giữa ta với Ngài và Thiên Chúa Cha trong một đường dây bác ái. Ngài nói: “Ai đón tiếp một trẻ nhỏ…là đón tiếp Thầy…ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy….” Mối liên hệ này cho thấy sự khăng khít và giao hảo giữa ba thành phần: Thiên Chúa - Đức Kitô và nhân loại. Nói khác đi, ta được Thiên Chúa cứu độ nhờ Đức Kitô và cùng với anh chị em.
Chính vì thế mà Đức Giêsu đã đặt trọng tâm của sự liên kết này qua người nghèo và mời gọi người môn đệ hãy làm cho mối liên hệ này được trở nên sống động hơn.
Như vậy, qua 3 bài đọc, chúng ta thấy có một chủ đề xuyên suốt, đó là: nếu ta rộng lòng quảng đại giúp đỡ những người khó khăn, bần cùng trong tâm tình mến yêu Chúa và anh chị em, ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng ở ngay đời này và cả đời sau. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngược lại, Người sẽ trả công hậu hĩnh đến không ngờ.
2. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan với Thiên Chúa cách sống động.
Hành trình này có thể được ví như một hành trình đức tin. Đức tin ấy được chứng minh bằng những việc thực thi đức ái, từ bỏ tội lỗi để sống cho Thiên Chúa.
Chúng ta không thể nói rằng: đức tin của tôi chỉ cần được ghi trong sổ Rửa Tội; đức tin của tôi cũng chỉ cần ở trong nhà thờ; hay đức tin của tôi chẳng cần phải tỏ lộ ra bên ngoài.
Không! Nói như thế là tự mâu thuẫn, không nền tảng và vu vơ, chẳng khác gì người xây nhà mình trên nền cát, bởi vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 26. ); hay như thánh Gioan nói: “Người anh em chúng ta nhìn thấy mà không yêu mến, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (x. 1 Ga 4, 20)
Đức tin mà chúng ta được đón nhận phải đưa chúng ta vào trong sự sống mới của Đức Kitô, mà sự sống mới của Đức Kitô chính là vâng lời Chúa Cha tuyệt đối và yêu con người đến cùng.
Như vậy, nếu ta nói mình là môn đệ, là người thuộc về Đức Kitô mà ta không lắng nghe Lời Chúa, hay lắng nghe xong rồi bỏ, hoặc nghe một đàng làm một nẻo… thì chúng ta không khác gì hạt giống gieo bên vệ đường, bụi gai, sỏi đá.
Hay nếu nói là người đi theo Chúa, mà ta không mang trong mình tâm tư của Chúa, đó là từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, liên đới, nhất là thi hành bác ái dối với người nghèo, bảo vệ người cô thế cô thân, bênh vực cho công bằng, sống sự thật… thì chúng ta có khác gì những Pharisêu giả hình thời xưa đâu?
Mong sao, Lời Đức Giêsu dạy khi xưa: "Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), sẽ được chúng ta ý thức và mau mắn thi hành trong lòng mến, để sau này, chúng ta được Thiên Chúa trọng thưởng trên Thiên Đàng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương anh chị em chúng con bằng tình yêu chân thành và đầy lòng mến. Xin cũng ban cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa khi chúng con biết đi theo đường lối của Thiên Chúa trong ánh sáng và chân lý. Amen.