Lời Chúa cntn 25b _ ai là người lớn nhất

AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT
Qua lời dạy và cái chết vì tình yêu, Đức Kitô đã loan báo một sự sống mới trong tình yêu vị tha, yêu như Chúa yêu: “Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết, và làm đầy tớ mọi người.”
Lm. HK
Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay lòng người dễ thay đổi. Mắt đã mờ vì kẻ khác giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét thì đến con ruột đẻ ra cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau, kiên cố tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức, gớm thay! Lòng người đổi thay, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.” (Cổ học tinh hoa)
Đó không phải là chuyện hoang đường hay chuyện ngày xưa, mà là chuyện cũng có thể tận mắt thấy được trong bản tin thế giới hay mục thời sự hằng ngày: “Bởi đâu Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ.” (Gc 4,1-2).
Người Pháp có câu ngạn ngữ “Cây che mất rừng” (L’arbre cache la fôret). Đúng là nếu nhìn thật gần và thật kỹ vào một cái cây thì rừng có lớn đến đâu cũng chẳng thấy; thế nhưng đó lại là bệnh di truyền bẩm sinh của nhân loại do tội nguyên tổ. Bệnh đó làm cho ai cũng chỉ nhìn thấy mình, bận tâm đến mình, và đánh mất bao nhiêu cái đẹp trong cuộc sống.
Không chỉ đánh mất bao nhiêu vẻ đẹp, bệnh đó còn làm cho lòng người ra chai đá đến nỗi thách thức cả những giá trị thiêng liêng và các đòi buộc của lương tâm:
Để thấy cần làm điều ác: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật”;
Làm điều ác bất chấp lương tâm và lương tri, cư xử như kẻ vô thần: “Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói thì người ta sẽ cứu nó.” (Kn 2,12.19-20)
Thế giới vị kỷ không chấp nhận niềm tin vào Thiên Chúa!
Trong bản tin thế giới hằng ngày, chiến cuộc lúc nào cũng đe doạ sự an toàn của dân lành các nước, với nhiều cuộc khủng bố tự sát, tất cả như đang chịu điều hành bởi thế lực đầy bóng tối của tính vị kỷ, sự u mê gây hại cho cả nạn nhân lẫn thủ phạm: “Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng.” (Kn 2,21)
Gốc rễ của nền văn minh sự chết là tính kiêu ngạo, là lòng ghen tị: “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 2,24).
Chữa bệnh phải chữa tận gốc, nên qua lời dạy và cái chết vì tình yêu, Đức Kitô đã loan báo một sự sống mới trong tình yêu vị tha, yêu như Chúa yêu: “Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết, và làm đầy tớ mọi người.”
Mẹ Têrêxa Calcutta, vị thánh của thời hiện đại được nhiều người kính phục, cũng không làm gì khác hơn là sống triệt để lời dạy xa xưa của Đức Kitô.
Một số người tới Calcutta, trước khi ra về đã hỏi xin Mẹ dạy cho họ một điều có thể giúp họ sống tốt hơn. Mẹ đã nói với họ: “Hãy mỉm cười với nhau; hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình, và mỉm cười với người khác, bất luận là ai. Điều đó sẽ giúp bạn thấy tình yêu thương lớn lên.”
Chúa là tình yêu, mà nụ cười là công cụ tuyệt vời của tình yêu và là thước đo tình yêu đặt trong tầm tay mọi người.  
“Tôi có thể mỉm cười với hết mọi người không?”