Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ tư tuần 13 thường niên

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
St 21,5. 8-20; Mt 8, 28-34
BÀI ĐỌC: St 21,5. 8-20
5 Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ác.
8 Đứa trẻ lớn lên và cai sữa. Ông Áp-ra-ham làm tiệc lớn ngày I-xa-ác cai sữa. 9 Bà Xa-ra thấy đứa con mà Ha-ga, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Áp-ra-ham, đang cười giỡn, 10 liền nói với ông Áp-ra-ham: “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi.” 11 Ông Áp-ra-ham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông. 12 Nhưng Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Xa-ra nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. 13 Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.” 14 Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Ha-ga. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi. Nàng đi lang thang trong sa mạc Bơ-e Se-va. 15 Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, 16 rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: “Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!” Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc. 17 Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ và từ trời, sứ thần Thiên Chúa gọi Ha-ga và nói: “Sao thế, Ha-ga? Đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm. 18 Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn.” 19 Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống. 20 Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung.
ĐÁP CA: Tv 33
Đ. Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời. (c 7a)
7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. 8 Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.
10 Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi. 11 Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ, còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
12 Các con ơi, hãy đến mà nghe, ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA. 13 Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?  
TUNG HÔ TIN MỪNG: Gc 1,18
Hall-Hall: Chúa Cha đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Hall.
TIN MỪNG: Mt 8, 28-34
28 Hôm đó, khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29 Chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao? "30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. 31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.”32 Người bảo: "Đi đi! " Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33 Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. 34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

CHÚA KHÔNG LUÔN TỎ RA TOÀN NĂNG
Để cứu độ nhân loại, Đức Giêsu phải thống trị mọi ác thần, nhưng Ngài đã không tỏ ra là Đấng toàn năng đối với những kẻ mê sự đời.
I/ ĐỨC GIÊSU THỐNG TRỊ MỌI ÁC THẦN.
Đức Giêsu đã minh chứng cho mọi người biết Ngài có toàn quyền trên mọi ác thần: Ngày nọ, Ngài đến vùng Gađara, một thị trấn phía đông nam, cách hồ Galilê hai cây số, thì có hai người bị quỷ ám từ đám mồ mả ra đón người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại nơi ấy. Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt 8,28-29).
Quỷ tru trếu thét lên như thế, vì nó biết rằng khi nào Đức Giêsu bị đóng đinh treo lên thập giá, mới là lúc Ngài thống trị nó, bây giờ thì chưa! Thế mà khi Ngài vừa đặt chân lên vùng này, Lời Ngài đã có uy quyền đánh bật chúng ra khỏi hai người, và chúng van xin Ngài cho nhập vào đàn heo lao mình xuống biển chết hết (x Mt 8,31-32: Tin Mừng). Dân vùng này biết Đức Giêsu đuổi quỷ xuất khỏi hai người, là biết Ngài đã giải phóng con người thoát tay Satan, như Ngài đã nói: “Chúa Con có cho các ngươi được tự do, thì các ngươi mới đích thực là tự do” (Ga 8,36).
Đức Giêsu cho phép quỷ nhập vào đàn heo, lao xuống biển, vì người Do Thái tin rằng: heo thuộc về ma quỷ, bởi đó Luật cấm họ không được ăn thịt heo (x Lv 11,7-8); và biển là sào huyệt của ác thần, của ma quỷ, như thánh Gioan nói về ngày cánh chung, ngày Đức Giêsu toàn thắng sự dữ: “Biển đã trả lại những người chết trong nó; tử thần và âm phủ hoàn lại những người chết chúng giam giữ”(Kh 20,13). Và “tôi thấy một trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã qua, và biển không còn nữa” (Kh 21,1). Nếu người ta không nhìn thấy Đức Giêsu có quyền đuổi quỷ như thế, dù Ngài có tống quỷ ra khỏi ai đó, dân chúng cũng chỉ nghĩ người đó bị bệnh thần kinh, giờ đã được lành mạnh.
II/ ĐỨC GIÊSU KHÔNG TỎ RA TOÀN NĂNG TRÊN NHỮNG KẺ ÍCH KỶ VÀ MÊ SỰ ĐỜI.
Dân vùng Gađara sau khi chứng kiến quyền năng Đức Giêsu đuổi quỷ, họ vội vàng xin Ngài ra khỏi vùng họ (x Mt 8, 34: Tin Mừng). Đó là cách họ đuổi khéo Ngài vì:
1- Họ sợ Đức Giêsu hiện diện tiếp tục làm hại tài sản của họ? Thực ra nếu dân đã nhận ra Ngài là Chúa qua việc Ngài tống quỷ về sào huyệt của nó, thì họ phải biết rằng đàn heo của họ cũng là do Chúa ban. Vì “không ai có thể lãnh nhận ơn gì mà không do Trời ban cho” (Ga 3,27) và Ngài có quyền cất đi lúc nào tùy ý Ngài, để rồi Ngài ban cho nhiều hơn. Cụ thể ông Gióp, Chúa cho phép quỷ nội trong một ngày phá tán hết tài sản của ông và cướp 10 mạng sống con ông! (x G 1,12-19). Nhưng qua thử thách ấy, Chúa đã huấn luyện ông biết cầu nguyện cho những người gặp tai họa, cuối cùng Chúa lại ban cho ông Gióp của cải gấp đôi, cùng với bảy con trai và ba con gái, đủ số con ông đã bị quỷ giật sập nhà đè chết, mười đứa sau khôn ngoan và xinh đẹp hơn (x G 42,10-17). Thế thì không thể trách Đức Giêsu đã làm thiệt hại dân vùng Gadara!
2- Dân quý của vật chất hơn quý mạng người? Dù xem ra trước mắt họ có thiệt 2. 000 con heo (x Mc 5,13) mà cứu được một người anh em khỏi tay ma quỷ cũng còn là giá quá rẻ!
3- Dân vô ơn? Họ không biết ơn Đức Giêsu đã trừ quỷ ra khỏi hai người, nếu vì thế mà dân thiệt mất đàn heo, nhưng bù lại cả vùng ấy bình an được tái lập, vì hai người bị quỷ ám đêm ngày rống lên những tiếng ghê sợ làm cả vùng mất ăn mất ngủ, đến nỗi con đường ấy không ai dám qua lại! (x Mt 8,28: Tin Mừng).
Vậy bất cứ ai coi trọng của vật chất hơn mọi giá trị khác, thì không thể đón nhận được Chân Lý, Chúa không tỏ ra toàn năng cứu họ, thì dù họ tìm kiếm được nhiều của cải vật chất, rồi đem dâng Lễ tạ ơn, Chúa cũng chán ngán, khinh thường. Ngài nói: “Lễ lạc của các ngươi Ta chán ghét khinh thường. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” (Am 5,21a. 22-24: Bài đọc năm chẵn).
Thực vậy chỉ những ai tìm kiếm điều lành ghét điều dữ mới là “người sống đời hoàn hảo được Chúa cho hưởng ơn cứu độ” (Tv 50/49,23b: ĐC năm chẵn). Do đó bất cứ loại người nào, dù là Do Thái hay dân ngoại, ai có lòng tin và kết hợp với Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất (x Cv 4,12), để được hưởng ơn cứu độ, thì người ấy được hoàn hảo như Cha trên trời (x Mt 5,48). Đây là những người thuộc Giao Ước Mới được mua bằng giá máu Chúa Kitô. Chân lý này đã được tiên báo qua đời sống gia đình tổ phụ Abraham: Ông có hai con trai, con thứ nhất là Ismael, do ông ăn ở với bà Hagar, kẻ nô lệ; đứa thứ hai là Isaac,được sinh ra bởi người vợ chính thức là Sara. Chúa đã ủng hộ lập trường của bà Sara đuổi Hagar và Ismael ra khỏi nhà, vì Chúa bảo ông Abraham: “Chính nhờ Isaac mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi” (St 21,5. 8-20: Bài đọc năm lẻ).
Truyện gia đình tổ phụ Abraham, ông Phaolô đã giải thích: “Truyện đó ngụ ý thế này: hai người đàn bà là hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại núi Xi-nai, thì sinh ra nô lệ: đó là Ha-ga. Ha-ga chỉ núi Xi-nai trong miền Ả-rập, và tương đương với Giê-ru-sa-lem ngày nay, vì thành này cùng với các con đều là nô lệ. Còn Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta. Thật vậy, có lời chép: Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng!
Thưa anh em, như I-xa-ác, anh em là những người con sinh ra do Lời Thiên Chúa hứa. Nhưng cũng như thuở ấy đứa con sinh ra theo luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì bây giờ cũng vậy. Thế nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh nói: Tống cổ người nô lệ và con của nó đi, vì con của nô lệ không đời nào được thừa kế gia tài cùng với con của người tự do. Ấy vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do” (Gl 4,24-31).
Chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là nô lệ, dù chúng ta mang thân phận nghèo hèn, vẫn được Chúa ban thưởng phần gia nghiệp (x Mt 5,3). Vì “kẻ nghèo hèn kêu xin và Chúa đã nhận lời” (Tv 34/33,7a: ĐC năm lẻ), hiệu quả lời cầu của chúng ta là “Chúa Cha đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người” (Gc 1,18: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Chúa phán: “Thánh chỉ của Ta sao ngươi thường nhắc nhở, mở miệng là chữ thánh ước trên môi? Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, Lời Ta truyền đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50/49, 16-17).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH