Lời Chúa cntn 14b _ không thể làm một phép lạ nào!

KHÔNG THỂ LÀM MỘT PHÉP LẠ!
Đòi hỏi khắt khe Chúa đưa ra là phải thay đổi chính mình... Nếu không, “Người không thể làm một phép lạ nào!”
Lm. HK
Một con cá biển nói với một con khác: “Xin lỗi anh, anh lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi hy vọng anh sẽ giúp được tôi. Hãy vui lòng nói cho tôi biết cái mà người ta gọi là biển nằm ở đâu? Tôi đi tìm hoài mà chẳng tìm được gì cả.”
“Anh tìm biển ư? Nhưng đây là biển mà.” Con lớn tuổi hơn trả lời.
“Ồ, đây là biển à? Tôi chỉ thấy toàn là nước, cái tôi đang tìm là biển chứ”, con cá trẻ tỏ ra rất thất vọng, rồi tiếp tục bơi đi chỗ khác mà tìm.
Chúa luôn ở giữa Dân Chúa. Thế nhưng chỉ vì lòng chai dạ đá mà họ không nhận biết Ngài, như lời Chúa than thở với Êgiêkien khi sai ông đến với họ: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2,3).
Khi về quê Nagiarét với các môn đệ, Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường vào ngày Sa-bát mà không được đón nhận. Không phải là người ta không nhận ra sự khôn ngoan trong các lời giảng dạy của Chúa Giêsu, mà vì có một bức tường kiên cố được dựng lên trong lòng họ.
Họ ngạc nhiên về giáo huấn của Đức Giêsu, về chính con người của Ngài. Ngạc nhiên mà không sùng mộ, không vui mừng! Sự ngạc nhiên đó cho thấy cần phải có một sự thay đổi lớn lao để đón nhận Tin Mừng.
Xưa nay người ta thích nghe về hạnh phúc mau qua tại thế hơn là Tin Mừng về một hạnh phúc thực sự và bền vững. Bởi đó, cái được cái thua như đã lập trình sẵn, không chấp nhận thay đổi. Người gian ác “hát ca theo nhịp trống, cung đàn, chúng vui đùa theo tiếng sáo vi vu. Cuộc đời chúng đầy tràn hạnh phúc, chúng đi về âm phủ thư thái an nhàn. Thế nhưng chúng đã từng nói với Thiên Chúa: "Xin Ngài xa chúng tôi, chúng tôi chẳng muốn biết đường lối của Ngài. Đấng Toàn Năng là gì để chúng tôi phụng sự, cầu khẩn Người, chúng tôi được lợi chi?” (G 21,12-15).
Tin Mừng không đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao nào ngoài việc đơn giản là nhìn mọi sự đúng như nó là.
Nhìn mọi sự đúng như nó là mới nghe có vẻ đơn giản, nhưng chẳng dễ chút nào. Sự tự cao tự đại, dư âm từ cuộc cám dỗ ban đầu của Satan, luôn áp chế tư tưởng nhân loại: “Quân kiêu hãnh ngấm ngầm đánh bẫy, chúng bủa lưới đặt dò, bên vệ đường gài bẫy hại con (Tv 140,6). Còn thế giá tầm thường của anh thợ mộc Giêsu làm cho dân thành Nagiarét không chấp nhận lời ban ơn cứu độ, và “họ vấp ngã vì Người.”
Không chỉ nơi người nghe mà cả ngay nơi người rao giảng Tin Mừng, sự tự cao tự đại cũng là một ngăn trở đáng kể cần phải thanh lọc để sức mạnh tinh tuyền của Lời Chúa có thể hoạt động nơi người rao giảng. Đó chính là kinh nghiệm của thánh Phaolô: “để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2Cr 12,7-9).
Vâng, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối nên thánh Phaolô đã vui mừng reo lên: “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” Sự bình dị, tầm thường của người rao giảng càng làm rực sáng sự khôn ngoan bởi trời: “khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.” (1Cr 1,26-27).
Mẹ Têrêxa thường cho người ta những lời khuyên gây ngạc nhiên.
Khi một nhóm giáo sư Hoa kỳ đến thăm Mẹ ở Calcutta, họ đã hỏi Mẹ cách giữ gìn bầu khí gia đình.
-         Hãy mỉm cười với vợ bạn, mỉm cười với chồng bạn.
Một người chưa kết hôn hỏi Mẹ:
-         Mẹ có lập gia đình không?
Trước sự ngạc nhiên của họ, mẹ trả lời:
-         Có, và tôi thấy rằng đôi khi tôi thật khó mỉm cười với Chúa Giêsu. Có lúc Ngài đòi hỏi rất khắt khe.
Như dân Nagiarét chỉ thấy nơi Chúa một anh thợ, Nước Trời không thể đến, Đức Kitô cũng không thể làm phép lạ cho ai tìm đến Chúa chỉ với những ước vọng thế tục, khấn với Chúa như một đối tác kinh doanh.
Đòi hỏi khắt khe Chúa đưa ra cho dân làng Nagiarét xưa và cho chính tôi hôm nay là phải thay đổi chính mình, vượt qua cái nhìn thế tục để nhìn ra vẻ đẹp của sự khôn ngoan thiên quốc trong giáo huấn Đức Kitô. Nếu không, “Người không thể làm một phép lạ nào!”