Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần bát nhật phục sinh

THỨ BẢY
TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Cv 4,13-21; Mc 16,9-15
BÀI ĐỌC: Cv 4,13-21
13 Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su;14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. 15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16 Họ nói: "Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa.”
18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.”21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.
ĐÁP CA: Tv 117
Đ. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài, vì đã đáp lời con. (c 21a)
1 Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 14 Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. 15 Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân:
16ab "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, .”17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm. 18 Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi,nhưng không nỡ để tôi phải chết.
19 Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa . 20 Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. 21 Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 117,24
Hall-Hall: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Hall.
TIN MỪNG: Mc 16, 9-15
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”

CON NGƯỜI CHỈ HOÀN HẢO TRONG CHÚA GIÊSU
Còn một ngày nữa trước khi kết thúc tuần Bát nhật mừng Chúa Phục Sinh, Hội Thánh rất khéo léo vừa tổng kết những điểm giáo lý qua các Bài Kinh Thánh đọc trong tuần, vừa cho chúng ta xác tín về tầm quan trọng mầu nhiệm Phục Sinh, để thúc bách chúng ta phải lên đường làm cho muôn dân được Chúa cứu độ, một khi đã nhận biết và sống những điểm giáo lý quan trọng này:
I/ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH MUỐN ĐẾN VỚI HẾT MỌI LOẠI NGƯỜI.
Thực vậy,
1- Trước nhất Chúa Giêsu Phục Sinh đến với người tội lỗi là những kẻ tầm thường, bị xã hội khinh dể, như bà Maria Madalena một phụ nữ tội lỗi khét tiếng đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi bảy quỷ (x Mc 16,9: Tin Mừng).
2- Tiếp sau Chúa Giêsu Phục Sinh đến với hai môn đệ về làng Emmau, đây là hình ảnh dân ngoại đã tin vào Chúa, vì hai môn đệ này không thuộc Nhóm Mười Hai (x Mc 16,12: Tin Mừng).
3- Sau cùng Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một, những người Chúa đã đặt làm nền tảng Hội Thánh của Ngài, họ đang tụ tập trong một căn nhà đóng kín ở Giêrusalem vì sợ hãi (x Mc 16,14: Tin Mừng).
Vậy mầu nhiệm Phục Sinh có sức quy tụ mọi loại người khởi đi từ dân Do Thái đến lương dân, cả người tội lỗi, vào Hội Thánh. Vì ơn cứu độ phát xuất từ Do Thái (x Ga 4,22).
II/ CON NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC TÁI SINH TRONG CHÚA GIÊSU MỚI THỰC LÀ NGƯỜI GIỐNG CHÚA CÁCH HOÀN HẢO.
Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Tại sao Chúa Giêsu không nói đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mà Ngài lại dạy loan báo cho mọi loài thụ tạo?
Qua Mạc Khải cho chúng ta biết ý định của Thiên Chúa ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ là muốn loài người giống hình ảnh Ngài (x St 1,26). Mà loài người chỉ thực sự giống Thiên Chúa khi được tái sinh bởi Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 2,38). Chính vì vậy mà Lời Kinh Thánh nói:
-            Mọi sự đã nhờ Ngôi Lời (Chúa Giêsu) mà thành sự, và không có Ngài thì không có gì đã thành sự, vì thế “những ai đón nhận được Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là những kẻ tin vào danh Ngài. Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra. Vì chỉ nhờ Ngài mà chúng ta hết thảy được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,3. 12. 13. 16).
-            Bởi chưng ý định muôn thuở trước khi sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa đã muốn chọn chúng ta trong Con Một của Ngài, để ta được nên thánh vô tỳ tích. Vì sự an bài của Ngài cho muôn thời được viên mãn là thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô Giêsu, vật ở trời cao, vật nơi dương thế (Ep 1,4. 10).
-            Quả ta là trước tác của Thiên Chúa đã được dựng nên trong Đức Giêsu Kitô, hầu làm các việc lành, con đường Thiên Chúa đã dọn trước cho ta đi (Ep 2,10).
-            Ai ở trong Đức Kitô, người ấy là tạo thành mới, con người cũ đã qua đi, con người mới được thành sự (2 Cr 5,17).
Mà thực:
-            Con người đầu tiên là Adam được dựng nên chỉ là một sinh vật; còn Adam cuối cùng (Chúa Giêsu) là Thần Khí ban sự sống (x 1Cr 15,45: Bản dịch CGKPV).
-            Thiên Chúa muốn thử thách con cái loài người, và cho họ thấy chính họ chỉ là thú vật mà thôi. Quả thế, con người và thú vật đều chung một số phận, bên này chết bên kia cũng chết (Gv 3,18-19: Bản dịch CGKPV).
Vậy “loài người phải được thanh tẩy, được tái sinh nhân danh Chúa Giêsu Kitô để được lãnh nhận Chúa Thánh Thần” (Cv 2,38), xứng đáng quyền làm con Thiên Chúa. Vì “đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118/117,24: Tung Hô Tin Mừng). Tuy nhiên “điều ấy nay chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy” (1Ga 3,2).
III/ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CỨU ĐỘ PHẢI LÀM CHO MUÔN VẬT CÙNG CA TỤNG TÔN VINH THIÊN CHÚA.
Lệnh Chúa Giêsu truyền: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15: Tin Mừng), còn có nghĩa là: Những người đã được Chúa Giêsu cứu độ phải có trách nhiệm làm cho muôn vật được cùng với con người mà ca tụng Thiên Chúa. Đây là trách nhiệm Chúa đã trao phó cho loài người khởi đi từ Adam: “Hãy thống trị mặt đất, hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Vì thế mà thánh Tông Đồ nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,19-21). Ví dụ: tôi nhìn thấy đống phân giữa đường, tôi nghĩ ngay cái này thuộc về tôi, tôi phải có trách nhiệm làm cho nó phục vụ con người để mọi người tôn vinh Thiên Chúa, thì phải cho nó vào gốc cây, làm cây cối tươi tốt sinh hoa kết trái, ai cũng thích, cũng cần, chứ không phải để nó nằm đây gây phiền cho nhiều người! Dù việc nhỏ như thế ta cũng đã cộng tác vào công trình cứu độ do Con Thiên Chúa thực hiện, làm cho muôn loài nên hoàn hảo. Vì thế thánh Phaolô nói: “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Kitô, Chúa Kitô thuộc về Chúa Cha” (1Cr 3,22-23).
Kẻ nào không sống niềm tin này, bị Đức Giêsu kết án: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, ai cùng tôi thu họp là phá hoại” (Mt 12,30).
IV/ AI ĐÃ THUỘC VỀ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, PHẢI MAU MẮN LÊN ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG.
1.      Khi gặp thất bại, ta hãy nhớ: Sứ giả loan báo Tin Mừng phải khiêm tốn tin tưởng, trông cậy, phó thác nơi Thiên Chúa. Bởi vì có lúc việc mình làm xem ra không kết quả, thì cũng cứ làm. Đan cử:
-            Bà Maria Madalena báo Tin Mừng cho các Tông Đồ nhưng họ không tin, lại rên cùng khóc (x Mc 16,10-11: Tin Mừng).
-            Hai môn đệ về làng Emmau, sau khi được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, họ trở lại Giêrusalem để loan báo cho Nhóm Mười Một, Nhóm này cũng xác nhận rằng Thầy cũng hiện ra với ông Phêrô, thế mà khi Chúa Giêsu xuất hiện, tất cả đều hoảng hốt la lên: “Ma kìa!” (x Mc 16,12-13: Tin Mừng).
-            Sau cùng Chúa Giêsu tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa, họ cũng đã đưa cho Ngài miếng cá nướng và Ngài ăn trước mặt họ, nhưng Ngài vẫn quở mắng sự cứng tin lòng chai dạ đá của họ, bởi họ không tin những kẻ đã được thấy Ngài sống lại (x Lc 24,42; Mc 16,14: Tin Mừng).
Bởi vậy, mỗi khi việc Tông Đồ của ta xem ra thất bại, ta hãy nhớ lời Đức Giêsu đã dạy: “Khi hoàn tất những gì theo lệnh phải làm, hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng không biết làm gì hơn là việc bổn phận phải làm” (Lc 17,10). Và hãy nhủ lòng mình: “Tôi đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính Chúa minh xét cho tôi và phần thưởng của tôi nơi tay Ngài” (Is 49,4).
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa mới làm cho mọc lên, vì thế trồng hay tưới chẳng là gì, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1Cr 3,6-7).
Một người Công Giáo đi chung chuyến xe lửa với một đảng viên Cộng sản. Hai người trao đổi với nhau về vấn đề tôn giáo, người Công Giáo xem ra không làm cho anh đảng viên tin vào Chúa được, nên cứ chịu ngồi nghe anh đảng viên thao thao về lý thuyết Mác-Lê. Sau câu chuyện, người Công Gíao tặng anh đảng viên cuốn Kinh Thánh, anh này cầm liệng ngay xuống đường ray, làm người Công Giáo rất buồn, vì đó là cuốn Sách anh vẫn thường đọc, có ghi tên và địa chỉ ghi ở đầu sách…
Một năm sau, tự nhiên có một người lạ mặt tìm đến nhà người Công Giáo và trả lại cuốn Kinh Thánh với lời cám ơn: “Trong lúc đang làm việc ở đường ray, tôi nhặt được cuốn Sách này. Tôi đem về nghiền ngẫm thấy quá hay, và tôi đã xin theo Đạo. Không nhờ cuốn Kinh Thánh này, thì chắc không bao giờ tôi được biết Chúa. Xin Chúa trả ơn vô cùng cho anh.”
2.      Khi bị bách hại, ta phải xác tín: Các phép lạ Chúa Giêsu Phục Sinh bày tỏ cho các Tông Đồ thấy xem ra chẳng có sức thuyết phục ai tin vào Ngài, ngoại trừ phép lạ Chúa Giêsu Phục Sinh làm cho các Tông Đồ vốn dĩ là những kẻ ngu dốt thuộc hạng lê dân (x Cv 4,13: Bài đọc). Ngu dốt đến nỗi chính họ đã chứng kiến Chúa Giêsu Phục Sinh, thế mà họ vẫn bị Chúa mắng là cứng tin, lòng chai dạ đá (x Mc 16,14: Tin Mừng). Nhưng sau Chúa Giêsu về Trời, Ngài gởi Thánh Thần đến với họ qua hình lưỡi lửa, họ liền được biến đổi nên người thông thái, giảng một thứ tiếng mà 16 sắc tộc có mặt ai nghe cũng hiểu vì tưởng ông Phêrô nói tiếng mẹ đẻ của mình (x Cv 2). Các Tông Đồ còn can đảm, quảng đại đến nỗi dù bị trù dập đến mất mạng, vẫn hiên ngang nói với đối phương: “Trước mặt Thiên Chúa, điều ngay lẽ chính phải chăng là vâng lời các ngài hơn là vâng lời Thiên Chúa? Xin các ngài xét cho. Phần chúng tôi, điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói”(Cv 4,19-20: Bài đọc). Có can đảm tuyên xưng Đức Tin như thế, mới thực là phép lạ vĩ đại, khiến mọi người phải kinh ngạc mà tôn vinh Thiên Chúa về các việc đã xảy ra (x Cv 4,21: Bài đọc).
Ta không thể quên ba chú bé Do Thái can đảm tuyên xưng Đức Tin trước mặt vua Nabukodonosor ngoại giáo: Vua dọa các chú nếu không thờ thần của vua thì các chú sẽ bị trói và quăng vào lò lửa đốt nóng gấp bảy lần. Nhưng Chúa đã đến gìn giữ các chú và cùng với các chú nhảy múa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa giữa lò lửa. Nhà vua thấy thế, cho kéo các chú ra, lạ thay một sợi tóc trên đầu các chú không bị lửa tèm. Thế là thay vì vua bắt mọi người thờ thần của vua, thì vua lại ra sắc chỉ: “Ta truyền rằng bất cứ ai thuộc bất cứ dân tộc nào, dám nói điều gì sai quấy, phạm đến Thiên Chúa của Sát-rắc, Mê-sắc, A-vết-nơ-gô, sẽ bị chém đầu và nhà chúng sẽ trở thành đống bùn, bởi vì không có thần nào khác có thể cứu các chú được như thế” (Dn 3,29).
Vậy ta có sẵn lòng mất mạng vì Tin Mừng, vì Chúa, vì hạnh phúc đồng loại, ta mới thực là người yêu Chúa và đồng loại nhất. Bởi vì Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vì “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến” (th Gioan Maria Vianey). Đó chính là của lễ tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài, vì đã đáp lời con” (Tv 118/117,21a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Ai không đi với tôi là chống lại tôi, ai không cùng tôi thu họp là phá hoại (Mt 12,30).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH