NẺO ĐƯỜNG SÁM HỐI
Cần phải mở con đường bằng việc sám hối để Thiên Chúa đến với con người và để
con người đến với Thiên Chúa: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng
để Người đi.”
Lời hiệu triệu mở đường
Con đường là phương tiện thiết yếu trong giao thông. Con đường là điều kiện cần có để liên lạc và nối kết. Không có
con đường hoặc con đường đã hư
hỏng thì mất hết mọi nối kết. Tuy có
nhiều loại đường khác nhau như đường bộ, đường thủy, đường hàng
không, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là để liên lạc, để nối kết. Tuy nhiên, còn có những con đường vô hình đi vào lòng người, để cảm thông, để chia sẻ nỗi niềm; và có
con đường hướng đến trời cao để gặp Thiên Chúa, để đón nhận ân phúc.
Cần phải mở con đường bằng việc sám hối để Thiên Chúa đến với con người và để con người đến với Thiên
Chúa: “Hãy dọn sẵn con đường cho
Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”
Mở đường bằng hành động sám hối
Kho tàng thần thoại Hy Lạp đã ghi lại câu chuyện về hai cha
con Idam và Ika. Người cha là Idam, một kiến trúc sư kiêm điêu khắc, ông đã xây
một “bát quái trận đồ” để giam con
quái vật có đầu người mình thú. Nhưng sau đó, vua Minos đã bắt giam hai cha con vào đó. Tuy nhiên, với tài khéo của người cha, họ đã chế tạo được cho mình
những đôi
cánh bằng sáp, để bay lên cao
thoát ra khỏi nơi bị giam cầm. Thích thú với cảnh trên
không trung, đứa con là Ika cứ muốn bay cao hơn, cao hơn nữa, mặc cho người cha cản ngăn. Ika càng lúc càng bay cao đến gần mặt trời, đôi
cánh bằng sáp không chịu nổi sức nóng và bắt đầu tan chảy. Cuối cùng đôi cánh tan rã và Ika rơi xuống chết thảm thương.
Thi hào Shakespeare đã nói
“Chỉ có người ngu mới tin mình
là thánh và chỉ có bậc thánh mới biết cái ngu của mình.” Biết cái giới hạn, biết những tật xấu của mình mới là kẻ tỉnh thức và hy vọng được cứu sống.
Mùa Vọng mời gọi hãy mở đường bằng việc sám hối. Hãy vào
sa mạc là nơi
thanh tịnh để con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa
và thuận tiện để nhìn rõ chính bản thân mình. Nơi sa mạc của lòng mình, ta sẽ gặp Thiên
Chúa để nhận biết ngài là Đấng khoan
dung đầy lòng
thương xót và đón nhận lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Nơi thanh vắng của tâm hồn, ta dễ dàng nhìn bản thân
mình, nhận ra những khuyết điểm, lầm lỗi để quyết tâm sửa đổi và nài xin Chúa thứ tha.
Có tiếng kêu
trong hoang địa: “Hãy sửa đường Chúa cho
ngay thẳng.” Hãy sửa đường cho thẳng bằng việc sám hối. Sám hối luôn đòi hỏi một thái độ quả cảm anh hùng,
biết dìm mình trong tinh thần khiêm tốn thẳm sâu, để nhận biết mình còn
nhiều yếu đuối lỡ lầm. Chính thánh Gioan đã trở thành mẫu gương tuyệt vời, đó là
sống tinh thần sám hối trước khi rao
giảng: sống khổ hạnh và khiêm tốn.
Sám hối đích thực không phải chỉ là chịu phép rửa như dấu hiệu của lòng ăn năn, nhưng còn dám thực hiện những hành động cụ thể, dám chấp nhận những từ bỏ đau đớn, để lãnh nhận phép rửa trong
Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta đổi mới tâm hồn và trong
tư thế mong chờ trời mới đất mới (bài đọc 2).
Sám hối để đón nhận Thánh Thần
Sám hối bằng hành
trình đi vào sa mạc, là tự lột bỏ chính mình, xóa sạch mọi đam mê tội lỗi, loại bỏ những uẩn khúc quanh co của ích kỷ hận thù. Nhưng tất cả những đam mê tật xấu đã quá
quen thuộc, thậm chí rất “thân thương” với chúng ta. Vì thế, thay đổi cuộc sống là một thách đố lớn lao.
Không ai biết rõ mình bằng chính
mình, cần phải có ý chí vững mạnh để từ bỏ những “thói xấu thân thương”, nhờ đó, ta
chuẩn bị một tâm hồn xứng đáng, sẵn sàng đón nhận Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta dẹp bỏ những trở ngại trên đường: những lồi lõm của lòng tham
và ích kỷ, những núi đồi của kiêu căng tự phụ, những gập ghềnh của buông thả khoe
khoang, những quanh co của những lươn lẹo dối trá.
Chúa Thánh Thần là Đấng giải thoát ta khỏi “bát quái
trận đồ” của mưu
mô ma quỷ, của mê lộ tính hư tật xấu, chính
Ngài là Đấng dẫn đường, giúp ta đi trên chính lộ đầy ân sủng và bình an. Thiên Chúa sẽ dẫn dắt ta đi bằng tình yêu
của ngài: “Ngài
ẵm chiên con trên tay, ôm ấp chúng vào
lòng và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ” (bài đọc 1).
Nếu ta nghe
trong hoang địa có tiếng kêu: “Hãy
dọn sẵn con đường để Chúa đi”, thì với tình yêu của Chúa Thánh Thần, chúng ta
sẽ lắng nghe được những tiếng kêu khác
từ cuộc đời: tiếng kêu của kẻ ăn xin, tiếng rên rỉ của người đang
đói, tiếng thét của những kẻ bị đối xử bất công… Những tiếng kêu ấy đang thúc bách ta mở một con đường mới, bắt đầu từ bản thân mình, để chính ta
là người đi
bước trước đến với họ. Con đường ta đến với những người bất hạnh cũng là con đường dẫn ta đến với Thiên Chúa (Mt 25).
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến. Đây không chỉ là thời gian khoảng một tháng để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng
Sinh, nhưng mùa Vọng còn là thời gian kéo
dài suốt cả cuộc đời mỗi người. Suốt chiều dài cuộc sống, người kitô hữu luôn cần mở đường, thay đổi cuộc sống tốt hơn để biết lắng nghe những tiếng kêu, mở ra con đường đến với anh em; đồng thời phải biết sám hối để biết đón nhận muôn ơn lành của Thiên Chúa, mở ra con đường thẳng tiến về Nước Trời.