DỌN ĐƯỜNG MỞ LỐI HIỆP THÔNG
Lòng sám hối là khởi điểm của một đời sống mới, là mở con đường thẳng dẫn đến
tình huynh đệ chân thành với tha nhân và được kết hiệp mật thiết với Chúa.
Văn hào Nga Leon Tonstoï kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi. Nhưng,
mặc cho người khốn khổ van xin,
ông nhà giàu vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến lúc không
còn chịu nổi những lời nài nỉ của người hành khất, thay vì
bố thí, ông phú hộ đã lấy đá ném vào con người khốn khổ kia.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi lẩm bẩm trong miệng: “Ta mang hòn đá này
cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.” Từ ngày đó, đi đâu và làm gì, người hành khất đều mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu
mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, ông nhà
giàu bị tước đoạt tất cả tài sản và tống giam vào ngục. Ngày hôm
đó,
người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải ông phú hộ vào trại giam. Nỗi căm hờn sôi sục trong
lòng, ông đi theo đoàn người áp tải, tay không rời hòn đá mà người giàu đã ném
vào ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá ấy vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng. Nhưng khi nhìn thấy gương
mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang
bị cùm tay, ông thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này
từ bao nhiêu năm qua? Con người ấy, giờ đây,
cũng chỉ là một kẻ khốn khổ như
ta.”
Khi người hành khất bỏ ước muốn trả thù và nhận ra kẻ làm nhục ông nhiều năm trước là người anh em khốn khổ, đáng thương; đồng thời, vào giây phút hòn đá căm hờn rời khỏi tay người hành khất rơi xuống đất, con đường nội tâm của ông được khai mở, thay cho
mối thù hận là sự cảm thông và tình yêu thương dành cho người đã có
lúc ông thề không đội trời chung.
Không giống như một hoang đảo chơ vơ giữa đại dương,
con người sống cần có nhau.
Con cái cần đến sự chăm
sóc, dạy dỗ, hướng dẫn của cha mẹ, và niềm vui của ông
bà-cha mẹ là sự hiếu thảo, vâng lời của con cháu.
Anh em, bạn bè, những người cùng khu
xóm, chung nghề nhiệp hoặc cùng chí hướng cần đến sự chia sẻ và giúp đỡ của nhau, nhất là khi “tắt lửa tối đèn.” Nhưng vì “bá nhân bá tánh”, thêm vào đó là
tính ích kỷ và lòng ganh tị khiến nhiều người tự xây những rào cản, tạo nên những hố sâu, đồi cao hay
con đường quanh co làm cho các mối tương quan trở nên nặng nề và xa cách, thậm chí những mối liên hệ thân thiết năm nào, nay chỉ còn là hận thù và ganh ghét.
Chúng ta đều biết rằng, Giáo Hội là thân
thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu; gia đình nhân loại có Đấng Tạo Hóa là cha chung, nên tội lỗi luôn tạo nên hệ quả kép: phá vỡ sự hiệp thông với Thiên
Chúa và tha nhân. Những ai xúc phạm đến Thiên
Chúa sẽ làm tổn hại đến cộng đoàn,
và khi chối từ anh chị em, chúng
ta cũng chối bỏ Đấng là cha của mọi người. Vậy muốn tâm hồn được bình an,
gia đình
thuận hòa, xóm làng và giáo xứ có sự hiệp nhất, yêu thương, mỗi người cần thành tâm sám hối mọi lỗi lầm, can đảm lấp hố sâu của lòng
tham, bạt núi đồi là tính kiêu căng, sửa lại thói
quanh co trong suy nghĩ, lời nói và hành động.
Nhiều người Israen muốn canh tân đời sống, họ đã nghe lời ông Gioan và đón nhận phép rửa bày tỏ lòng thống hối: “Mọi người từ khắp miền Giuđê và
thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông
làm phép rửa cho họ trong sông
Giođan.” (Mc
1, 5) Lòng sám hối là khởi điểm của một đời sống mới, là mở con đường thẳng dẫn đến tình
huynh đệ chân thành với tha nhân
và được kết hiệp mật thiết với Chúa.
Có người sẽ hỏi: Đâu là con đường tôi phải dọn để mở lối hiệp thông với Chúa và
tha nhân? Các Kitô hữu đều biết rất rõ câu trả lời, đó là sám hối và canh tân đời sống theo
tinh thần Tin Mừng. Nhưng
ai cũng hiểu rằng, có bao
nhiêu căn nhà thì có bấy nhiêu lối dẫn vào khác
nhau. Về mặt tâm linh cũng vậy, tình trạng linh hồn của mỗi người không giống nhau. Muốn biết phải sám hối về điều gì và khởi đầu từ đâu, chúng ta cần khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa và
can đảm để Lời Chúa tra vấn lương tâm.
Với chị phụ nữ ngoại tình, điều chị cần làm là đừng tái phạm nữa. Trường hợp ông
Giakêu, việc bán nửa gia tài để giúp người nghèo và
lỡ làm thiệt hại ai, ông sẵn sàng bồi thường gấp bốn đã giúp ông và cả gia đình
được hưởng ơn cứu độ. Người trộm lành nhờ khiêm tốn nhận ra hình
phạt thập giá xứng với tội của mình, anh còn lên tiếng bênh vực Đức Giêsu và
tha thiết xin Người đưa anh vào Nước Trời, anh đã được toại nguyện.
Thiên Chúa mong muốn các tội nhân thành tâm sám hối, Người còn kiên
nhẫn chờ đợi họ trở về để hưởng ơn
cứu độ: “Người kiên nhẫn đối với anh em,
vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng
muốn cho mọi người đi
tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3, 9) Vậy đừng có ai sợ rằng đã quá trễ để bắt đầu cuộc sống mới trong ân sủng của Thiên
Chúa. Nhưng cũng đừng bao giờ quá ỷ lại vào lòng
thương xót vô biên của Người để rồi chần chừ trong việc hoán cải, vì chẳng ai biết giây phút
cuối cùng của cuộc đời mình là
lúc nào.
Ai cũng muốn được hiệp thông với Chúa và
tha nhân, nhưng chúng ta cần tự hỏi: tôi đã sẵn sàng giao hòa với Thiên
Chúa và làm lành cùng tha nhân chưa?
Mùa vọng năm nay tôi sẽ quyết tâm chừa bỏ tật xấu nào?
Xin Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống giúp
chúng ta biết canh tân lòng trí và đổi mới cách sống, để chúng ta
luôn được hiệp thông với Chúa và
hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương.