ĐÓN NHẬN ĐỨC KITÔ
TRONG NIỀM VUI
Trải nghiệm về Thiên Chúa cũng tựa như trải nghiệm về
tình yêu. Bạn có thể nói cho người khác nghe về tình yêu, nhưng họ không thể
hiểu được nó cho tới khi chính bản thân họ trải nghiệm.
Một
linh mục trẻ mới chịu chức được gởi đến giúp phụ tá cho một vị cha xứ già tại một
giáo xứ nọ. Khi đến nơi, vị linh mục trẻ đến chào vị linh mục già và xin ngài
những lời khuyên cho công việc mục vụ của mình tại đây: “Thưa cha, con nên giảng về những vấn đề gì?” Vị linh mục trả lời: “Chỉ giảng khoảng 10 phút thôi.” Vài năm
trước đây, tôi đến một giáo xứ tại Pháp để giúp mùa hè, và lời khuyên duy nhất
của vị cha xứ tại đó cho tôi cũng là nên giảng và cử hành Thánh lễ ngắn bao
nhiêu có thể vì dân chúng tại đây chẳng có nhiều thời gian. Tôi đã làm theo lời
khuyên này. Thế nhưng điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là khi được nghe một ban
hợp xướng từ Anh quốc đến và trình diễn bài Messia của Handel. Buổi trình diễn được
tổ chức ngay tại nhà thờ của giáo xứ, và sau 3 tiếng đồng hồ trình diễn, nhiều
người vẫn xin yêu cầu trình diễn thêm. Thú thật, tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự
vui tươi hơn thế trên khuôn mặt của những người tham dự trong nhà thờ hôm đó, cũng
như chưa bao giờ nhìn thấy sự nhiệt tình hơn thế nơi họ. Sau đó, tôi đã hỏi cha
xứ: “Làm sao bà con tín hữu lại có thể ngồi
yên một chỗ trong hơn 3 tiếng đồng hồ để chăm chú lắng nghe ban hợp xướng với
niềm vui như thế, trong khi họ lại chẳng có thái độ tương tự khi lắng nghe Lời
Chúa trong thánh lễ? Vị cha xứ chẳng trả lời được.
Vài năm
sau, tôi đã có được câu trả lời từ một người bạn hiện đang dạy tại trường giáo lý,
và những gì anh nói đã giúp soi sáng cho tôi. Anh nói người ta cần có kinh nghiệm
về Thiên Chúa trong cuộc sống của họ trước khi họ có thể lắng nghe Lời Chúa
trong niềm vui. Anh cho rằng việc loan truyền Lời Chúa cho những người chưa biết
Chúa phải lưu ý tới mối tương giao cá nhân của họ với Chúa, vì người mà chẳng
có mối tương giao cá nhân với Thiên Chúa thì cũng tựa như đọc thơ cho một người
mà chẳng biết gì về thơ văn cả. Khi ấy, họ sẽ dễ dàng chán và chỉ muốn bỏ đi
ngay. Vậy thì, làm thế nào để giúp người ta đi từ tâm trạng chán ngán khi nghe
Lời Chúa đến tâm trạng vui tươi và hứng khởi khi nghe Lời Chúa? Với Lời Chúa
trong Chúa nhật hôm nay, thánh Gio-an Tẩy Giả đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương.
Khi
chúng ta đọc Tin Mừng hôm nay: “Có Lời
Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền
đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ
lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 2-3). Trong đoạn văn ngắn này,
chúng ta thấy có 3 bước cần thiết để giúp một người đi từ tình trạng lãnh đạm đến
tình trạng nhiệt tình trong niềm tin. Ba bước đó là (1) Gio-an đi vào hoang địa,
(2) Lời của Chúa đến với ông, và (3) Gio-an bỏ rời hoang địa và đi rao giảng niềm
tin. Mỗi người chúng ta cũng phải đi qua ba bước này để đạt đến tình trạng khởi
sự sống niềm tin của mình trong niềm vui.
Bước 1: Đi vào Hoang địa. Hoang địa là nơi mỗi người sống một
mình với Thiên Chúa. Vào hoang địa nghĩa là bỏ đi những công việc, những bận
tâm lo toan thường ngày để gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong việc đọc
và suy niệm Lời Chúa. Hoang địa là nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Chính bản
thân mỗi người chúng ta phải làm bước đầu tiên này: đi vào hoang địa, tìm kiếm
và gặp gỡ Thiên Chúa.
Bước 2: Để Lời Chúa đến với chúng ta. Một khi chúng ta mở lòng ra với Thiên
Chúa trong hoang địa, thì chính Thiên Chúa đến và chiếm ngự tâm hồn chúng ta. Có
một vị thánh nói rằng khi chúng ta bước 1 bước để đến với Thiên Chúa, thì chính
Người lại bước 2 bước để đến với chúng ta. Với bước thứ 2 này, Thiên Chúa đã có
sáng kiến đến với chúng ta, chiếm ngự tâm hồn chúng ta, canh tân đổi mới chúng
ta, tô điểm lại hình ảnh của Người nơi chúng ta mà chúng ta vốn được tạo dựng
nên giống thế. Một số người gọi đây là việc được “tái sinh.” Khi những việc này
xảy ra, chúng ta có thể ở lại một mình với Thiên Chúa cả ngày trong nhà thờ để
cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa qua Lời của Người trong Kinh Thánh. Thế nhưng
giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta còn phải tiếp tục sống và thực thi những bổn
phận của chúng ta trong gia đình và xã hội nữa.
Bước 3: Rao truyền Niềm tin của mình. Khi đã trải nghiệm những điều tốt lành
từ Thiên Chúa trong cuộc sống, chúng ta lại muốn chia sẻ những trải nghiệm này
với người khác. Lúc ấy, chúng ta giống như người mặc một chiếc áo thun có ghi
dòng chữ lớn trên lưng “Wow, Thiên Chúa thật vĩ đại!” để mọi người có thể nhìn
vào và cảm nhận được niềm vui, sự an bình tỏa ra từ chúng ta, và rồi họ cũng muốn
được nên giống chúng ta, được trở thành bạn hữu của chúng ta. Tiếp đến, chúng
ta có thể chỉ cho họ thấy con đường đến với hoang địa để ở nơi đó, họ cũng được
gặp gỡ chính Thiên Chúa. Trải nghiệm về Thiên Chúa cũng tựa như trải nghiệm về
tình yêu. Bạn có thể nói cho người khác nghe về tình yêu, nhưng họ không thể
hiểu được nó cho tới khi chính bản thân họ trải nghiệm.
Trong
lời Tổng nguyện của lễ Chúa nhật, chúng ta thưa lên với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin mở rộng
tâm hồn chúng con để đón mừng Con Chúa. Xin hãy loại bỏ những gì cản trở chúng
con đón nhận Đức Ki-tô trong niềm vui.” Để được như thế, trong Mùa Vọng
này, chúng ta cần thực hiện bước thứ 1 để dành cho Thiên Chúa một chỗ trong tâm
hồn chúng ta, dành thời gian để cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và lắng nghe Lời
Chúa.