Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Truyện thánh _ khía cạnh nhân loại nơi thánh Teresa Avila

KHÍA CẠNH NHÂN LOẠI  
NƠI THÁNH TÊRÊXA AVILA
Điều đánh động tôi hơn cả là khía cạnh con người nơi thánh nhân, chắc hẳn vì thấy “vừa tầm” với mình hơn.   
Lm Nguyễn Hồng Giáo (Đạo trong Đời)
Thánh Têrêxa Avila là một nhà chiêm niệm vĩ đại, đã đạt tới một trình độ thần hiệp rất cao và đã dựa vào kinh nghiệm thiêng liêng của mình viết nên những tác phẩm tu đức rất giá trị, đến nỗi đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tôn lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh ngày 27-9-1970. Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh khía cạnh cao siêu này vì không biết nhiều và cũng vì cảm thấy mình khó lòng noi theo. Điều đánh động tôi hơn cả là khía cạnh con người nơi thánh nhân, chắc hẳn vì thấy “vừa tầm” với mình hơn.
1. Không Bao Giờ Quá Muộn Để Trở Lại Với Chúa:
Trước tiên, tôi thấy thánh Têrêxa vào dòng Cát Minh ở Avila năm 1536 lúc 21 tuổi, nhưng trong suốt gần 20 năm dài, Bà đã sống đời tu một cách tầm thường, ươn ái như đa số các đồng bạn thời ấy, mặc dù Bà vẫn cố gắng phấn đấu để khỏi quá sa đà. Mãi đến lúc đã ngoài 40 tuổi, Bà mới hoán cải và thực sự nghiêm chỉnh sống đời tận hiến cho Chúa.
Là một nữ tu kín, nhưng Têrêxa lại rất thích tiếp xúc với bên ngoài, mất nhiều thời giờ cho những cuộc tiếp khách, trò chuyện vui vẻ, phù phiếm. Bà nổi tiếng là rất có duyên, nói chuyện hay, thông minh, dí dỏm, nên giới quí tộc cả thành phố Avila không ngớt tìm đến gặp. Năm tháng trôi qua, và cuộc sống Bà cũng cứ tà tà trôi qua như thế, tưởng chừng như không sao thay đổi được nữa. Thật ra, thời gian 20 năm dài dặc ấy là 20 năm Bà “kéo co” với Chúa. Về sau nhớ lại giai đoạn này, thánh Têrêxa đã viết:
“Một đàng, Thiên Chúa mời gọi tôi, đàng khác tôi lại đi theo thế gian. Tất cả mọi sự thuộc về Chúa đều làm tôi hài lòng, nhưng các sự thế gian lại ràng buộc tôi. Có thể nói: tôi muốn dung hoà hai thái cực này, muốn kéo hai kẻ thù này xích lại gần nhau, đó là đời sống thiêng liêng theo Thần Khí và những vui thú, tiêu khiển xác thịt”.
Cuộc chiến đấu dằng co ấy kéo dài đến lúc Têrêxa ngoài 40 tuổi, và cuối cùng ơn Chúa đã toàn thắng.
Đọc giai đoạn đầu cuộc đời tu của thánh nữ Têrêxa, tôi thấy Chúa thật là kiên nhẫn. Người kiên nhẫn với những tập thể lớn như một dân tộc, một hội dòng, đến những tập thể nhỏ hơn như một giáo xứ, một cộng đoàn tu trì, một gia đình, và cả với từng cá nhân chúng ta nữa. Chúa chấp nhận chơi trò chơi kéo co với ta tuy Người là Đấng toàn năng, bởi vì Người tôn trọng tự do của ta; nói là kéo co, nhưng thật ra Người mời gọi, nài nỉ chúng ta đi theo Người thay vì dùng sức mạnh áp đảo chúng ta.
Truyện thánh Têrêxa cũng gợi cho tôi ý nghĩ rằng không bao giờ quá muộn để hoán cải. Thánh Augustino trở lại vào khoảng 30 tuổi, chưa lấy gì làm già lắm. Thế mà Ngài đã hối hận: “Lạy Chúa, con biết Chúa quá muộn!” Còn thánh Phanxicô Assisi đến khi gần chết vẫn còn nói với anh em: “Anh em ơi, ta hãy bắt đầu lại phụng sự Chúa vì cho tới nay, ta chưa làm được gì đáng kể”.
2. Một Con Người Thực Tế:
Điểm thứ hai đánh động tôi: thánh Têrêxa là bậc chiêm niệm cao cả, nhưng không sống trên mây gió, ngoài thực tế, trái lại bà thực tế cách lạ lùng. Cuộc đời Bà không thiếu những sự kiện chứng minh.
Trong vòng 20 năm, Bà đã lập ra 17 nhà dòng cải cách theo Luật nguyên thủy nhiệm nhặt. Đó hoàn toàn không phải là việc của một người ngây thơ, mơ mộng. Nào là xin phép, nào là chọn địa điểm, vẽ đồ án, mua bán, giám sát công việc, rồi còn xếp đặt, tổ chức. Chưa kể phải chạy tiền nữa - một việc không nhỏ. Lúc này là lúc Bà trổ tài “ngoại giao”, sự lịch lãm và cả duyên dáng của mình!
quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chỗ này nên đặt một cái bình lọc nuớc để chị em có nước trong mà uống, chỗ kia nên dùng những cái vại đất đựng nước để giữ cho nước mát mẻ. Cái lò nấu ăn tốn củi quá, thì phải dẹp đi, liệu cách khác.
Thánh Têrêxa thực tế không những trong các vấn đề vật chất mà cả trong quan niệm tu trì nữa. Không bao giờ Bà là nạn nhân của ảo tưởng. Bà nói: “Chúng ta không phải là thiên thần”. Bà khuyên các chị bị kích động thần kinh nên ăn cá, còn những chị thiếu máu cứ đinh ninh mình có thị kiến cao siêu, thì nên ăn thịt. “Nên săn sóc mình một chút còn hơn là để mình bị đau”, Bà bảo thế. Bà ấn định các chị em phải cắt tóc ngắn không vì lý do hãm mình, những để khỏi mất thì giờ chải chuốt.....
Một vị đại thánh mà lại bình thường như mọi người, như thế mới thật là hay.
3. Một Vị Thánh Rất Quân Bình Và Rất Người:
Cuộc đời Thánh Têrêxa chứng minh rằng ân sủng không huỷ diệt tự nhiên, nhưng nâng cao tự nhiên lên. Bà đã đi đến với Chúa với tất cả con người mình. Bà không bỏ mất chút gì trong những đức tính trời phú bẩm cho: trí thông minh, lòng cương nghị, sự tế nhị và can đảm. Dù đạt tới độ kết hợp với Chúa phi thường, Bà vẫn là một người phụ nữ dễ thương. Bà đã thuyết phục được phe chống đối đường lối cải cách của mình nhờ ơn Chúa và sự thánh thiện đã đành, nhưng cũng nhờ tính tình tự nhiên, tế nhị, dễ thương, khéo léo. Tôi thích những mẫu chuyện nho nhỏ người ta hay kể về Thánh nữ nói lên óc hài hước của Bà.
Bà nói với chị em: “Trong đời mẹ, người ta chỉ thực sự vu khống mẹ có ba lần, và lần thứ nhất là khi mẹ còn trẻ, người ta nói mẹ đẹp”. Một chị được bàu làm bề trên, nhưng có lẽ do hiểu đức khiêm nhường không đúng cách nên không muốn nhận chức, thánh Têrêxa đã dí dỏm nói: “Chẳng sao cả, con bất xứng mẹ biết rồi, nhưng rế rách cũng vẫn đỡ nóng tay mà”.
Người ta nói đùa trong các nhà dòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều vị thánh, nhưng xin đừng cho nhà dòng con vị thánh nào cả”. Ngụ ý: sống với các thánh khó lắm, họ thường kỳ quặc, khó tánh, lập dị (?). Nhưng những ai nghĩ rằng phải hủy diệt con người tự nhiên bình thường và lành mạnh của mình mới nên thánh, người ấy lầm to. Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đảm nhận lấy trọn vẹn thân phận con người chúng ta. Có lần Thánh nữ khuyên chị em: “Các con chớ buồn vì đức vâng lời buộc các con phải quan tâm tới những sự vật bên ngoài. Nếu làm bếp, các con nên biết rằng Chúa ở ngay giữa nồi niêu xoong chảo”.
Đời sống đạo đức của thánh Têrêxa là một nền đạo đức nhập thể.
4. Hoạt Động Và Chiêm Niệm Gắn Bó Với Nhau:
Điều vừa nói đưa tôi đến một điểm chót mà tôi muốn chia sẻ: Chiêm niệm và hoạt động không đối nghịch nhau, nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người đàn bà ngồi trên xe bò đi đây đi đó, phải đối phó với đủ mọi thứ chống đối và nghịch cảnh để lập ra 17 nhà dòng trong vòng 20 năm: ai “hoạt động” hơn Têrêxa? Thế mà đồng thời ai nói tới đời sống chiêm niệm, đời sống thần bí mà lại có thể bỏ qua vị thánh này được? Bà là gương mẫu và bậc thầy hàng đầu trong lãnh vực này. Đối với những tâm hồn đã để cho Chúa chiếm đoạt, đã dành trọn tình yêu cho Chúa như Thánh nữ, thì không còn phân chia hoạt động và chiêm niệm cách gò bó, giả tạo nữa. Tình yêu Chúa là nam châm thu hút tất cả, tập trung tất cả. Họ tràn ngập Thiên Chúa như người hôn phu tràn ngập hình ảnh người hôn thê yêu dấu. Bởi thế, dù là hoạt dộng hay cầu nguyện, dù là nói năng hay im lặng, họ luôn luôn được tình yêu chi phối. Thánh Têrêxa vừa là Matta vừa là Maria.
Trong Giáo Hội có những người sống cuộc đời chuyên lo chiêm niệm, với những điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện, hy sinh hãm mình, tìm kiếm Chúa và kết hiệp với Người. Nhưng điều đó không có nghĩa là những kẻ ấy đương nhiên đã là những nhà chiêm niệm rồi và những nguời khác không phải và không thể chiêm niệm được. Chiêm niệm, trước hết là một thái độ tâm hồn. Xét về nếp sống bên ngoài thì quả thực thánh Têrêxa hơi kỳ quặc. Một nữ tu kín mà “đi lang thang”, cho dù để làm việc cải tổ lại dòng Cát Minh, dù sao cũng là một ngoại lệ. Nhưng vì Bà là một tâm hồn đã được Chúa làm chủ hoàn toàn, nên đi đây đi đó, Bà vẫn là một nhà chiêm niệm thực thụ. Tâm hồn Bà luôn luôn qui hướng về với Chúa, gắn chặt mọi sự vào với Chúa, nhìn mọi sự trong kế hoạch của Người và tìm kiếm cái bền vững trong cái hay đổi thay.
Vậy chiêm niệm không dành riêng cho một số tu sĩ ở trong nhà dòng, nhưng hết mọi người Kitô hữu đều được mời gọi chiêm niệm (theo nghĩa đã mô tả trên đây). Đời sống người Kitô hữu đã được ẩn dấu cùng với Đức Kitô trong Thiên Chúa, và cùng đích của người đi tu cũng như kẻ ở đời đều như nhau, đó là trực tiếp nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cõi hồng phúc đời đời. Nhưng sự chiêm ngắm hồng phúc ấy không phải là cái gì đột xuất mà một ngày nào đó, sau cuộc sống trần gian, chúng ta sẽ bỗng chốc được Chúa ban cho. Trái lại ngay bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu được nếm cảm, dĩ nhiên một cách lờ mờ và thường là thoáng qua. Nói cho cùng, cuộc sống Kitô hữu ở trần gian là một cuộc thực tập cho sự chiêm ngắm Thiên Chúa tỏ tường và vĩnh cữu mai sau. Một cách nào đó có thể nói Bà đã đem lý tưởng chiêm ngưỡng xuống gần với mọi người, mọi bậc sống.
LM Nguyễn Hồng giáo
Trích: Nguyễn Hồng Giáo, Đạo trong Đời, Học viện Phanxicô, SG 2005