Lời Chúa cntn 29a _ của Chúa phải trả cho Chúa

CỦA CHÚA PHẢI TRẢ CHO CHÚA
Chúa đã tạo dựng nên muôn loài, kể cả loài người chúng ta, và mỗi người chúng đều lệ thuộc vào Chúa trong mọi phương diện. Chẳng những chúng ta phải giữ các điều Chúa truyền dậy, mà khi cần thiết, chúng ta phải hy sinh cả mạng sống của ta cho Chúa.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Thời Chúa, Dân tộc Do thái đang phải sống dưới ách nô lệ của người Lamã. Sẵn sàng nộp thuế cho người Lamã (nộp thuế cho vua Césarê), tức là nộp thuế cho kẻ thống trị mình, là thiếu tinh thần ái quốc, nhưng không chịu nộp thuế, hoặc cổ võ dân chúng không nộp thuế, thì sẽ bị gán vào tội làm phản loạn. Cũng vì thế ta thấy những người biệt phái đã gài bẫy Chúa trong câu hỏi họ đưa ra. Trả lời có hay không đều bị mắc bẫy. Dân chúng lúc đó còn đang dùng tiền có in hình hoàng đế Cesarê, nên Chúa đã khôn khéo trả lời cho họ là đồng tiền có in hình Césarê, tức là của Césarê thì phải trả cho Césarê, và nhân cơ hội này, ngài lại đưa chúng ta vào một nghĩa vụ siêu nhiên, là những gì thuộc về Thiên Chúa thì phải trả cho Thiên Chúa.
Theo đức tin, Chúa đã tạo dựng nên muôn loài, kể cả loài người chúng ta, và mỗi người chúng đều lệ thuộc vào Chúa trong mọi phương diện. Chẳng những chúng ta phải giữ các điều Chúa truyền dậy, mà khi cần thiết, chúng ta phải hy sinh cả mạng sống của ta cho Chúa.
Các thánh của Chúa luôn luôn xác tín chân lý này, nên các ngài sẵn sàng chịu mọi cơ cực, mọi vất vả, vì Chúa. Các ngài cũng sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để trở thành chứng nhân của Chúa.
Sau đây là tấm gương xán lạn của một người mẹ cũng như một người con am hiểu và sống theo chân lý trên.
Suốt một năm bị giam trong ngục, Anh Anrê Trọng (tử đạo ngày 28.11.1835, 21 tuổi) chịu cơ cực, đau khổ, nhưng cơ cực đau khổ đã hun đúc tâm hồn anh thêm vững mạnh. Anh sốt sắng cầu nguyện xin ơn bền vững đến cùng. Những món quà tiếp tế nhận được, anh chia sẻ cho các bạn tù và lính canh ngục, nên được mọi người quý mến. Cũng chính nhờ đó, anh có cơ hội đặc biệt để đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.
Khi biết tin có cha Ngôn đang hoạt động ở Phú Xuân, anh Trọng xin viên cai ngục cho phép về nhà một ngày dưới sự canh giữ của một người lính. Sau khi đã biết rõ nơi ở của vị linh mục, Anrê Trọng và người lính chèo thuyền đến bến đò kia vào giữa trưa. Lúc mọi người dân chài đã lên bờ ăn uống nghỉ ngơi, anh Trọng bước qua thuyền của cha Ngôn, đẩy thuyền trôi nhẹ ra giữa dòng, anh quỳ xuống lãnh phép lành và ơn tha tội. Xưng tội xong, anh ngỏ ý xin rước lễ, cha Ngôn hẹn anh sáng hôm sau tại Kẻ Văn (Hải Lăng, Quảng Trị). Thế rồi anh và người lính chèo thuyền trở lại Kim Long qua đêm. Hai người về ngủ tại nhà mẹ anh Trọng. Mẹ anh, tuy rất thương con, nhưng đã hết lời khích lệ động viên anh mạnh mẽ và cam đảm chấp nhận chết để tuyên xưng đức tin.
Sáng hôm sau, anh Trọng và người lính gác vội vã chèo thuyền đến điểm hẹn ở Kẻ Văn. Gặp lại vị linh mục, anh quỳ xuống lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cha Ngôn chúc lành: “Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô giữ gìn con đến cuộc sống muôn đời.” Anh thưa: “Amen.” Rồi trong niềm hân hoan vì chén hồng ân cứu độ vừa lãnh nhận, anh vui vẻ trở về trại giam như lời hứa với viên cai ngục.
Sau một năm giam tù, Anrê Trọng vẫn không đổi ý, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28.11.1835. Sáng hôm đó, Anh gặp lại người anh họ mình. Anh ta hỏi có muốn ăn gì không? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo", rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo lắng gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa, cho đến chết.” Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ Anrê Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hoà, nơi An rê phải xử. Gặp con, bà chỉ hỏi một câu: “Bấy lâu nay xa nha, thời gian ở tù con có nợ nần ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con.”
Khi được cho con biết không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ. Đến nơi xử, khi quân lính tháo gông xiềng. Anh đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên: “Xin nhờ anh đưa dùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm.” Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, nhưng bà chưa lấy kỷ vật đó làm đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa.
Hôm ấy là ngày trước áp lễ thánh Anrê Tông Đồ, Anrê Trọng bị xử cùng với hai tên cướp. Bà mẹ An rê Trọng can đảm, bước ra đòi viên quan chỉ huy trao thủ cấp con bà.
Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:
"Ôi con yêu quý của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.”
Rồi bà đem về an táng trong nhà.
Trần Văn Trọng sinh năm 1814 trong một gia đình công giáo ở Kim Long ngoại thành Huế. Cậu là con trai duy nhất trong nhà, mồ côi cha hồi 15 tuổi. Để giúp mẹ mưu sinh, Anrê xếp nghiên bút đèn sách, theo chân bà con lối xóm đến Thợ Đúc làm nghề dệt tơ cho nhà vua. Là người ngay thật, chăm chỉ là việc, không ưa chuyện gây gỗ bất hoà. Năm 20 tuổi, anh Trọng từ giã mẹ lên đường nhập ngũ.
Sau 8 tháng phục vụ trong quân ngũ, tháng 11.1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ công giáo phải khai báo. Không chút sợ hãi, Anrê Trọng với 12 đồng đội cùng ở Thợ Đúc đến trình diện quan. Quan dậy các anh phải tuân lệnh vua, bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ công giáo đều cam đảm tuyên xưng đức tin. Các quan dùng biện pháp tra tấn... Lần lượt 12 người bỏ đạo, chỉ còn một mình Anrê Trọng trung kiên đến cùng. Lính trói anh, khiêng qua Thánh Giá, nhưng anh co chân lên, quyết không xúc phạm đến ảnh Chúa. Thế là từ trại lính, anh bị tống sang trại giam. Các quan kết án tử hình, nhưng giam hậu cho thời hạn một năm, nếu không bỏ đạo sẽ thi hành án xử.
Án xử đã được thi hành ngày 28.11.1835
Đề tựa của Lm. HK