SAO BẠN KHÔNG CÓ
Y PHỤC LỄ CƯỚI?
Y PHỤC LỄ CƯỚI?
Một thực tế đáng được suy gẫm: người ta không đến được
với Chúa không phải vì không thể, mà chỉ vì không muốn.
“Người mang mặt nạ vàng” là tên một cuốn phim nổi tiếng của Pháp vào cuối thế kỷ 20, dựa theo một câu chuyện có thật ở Mexico:
Tại Mêhicô, người ta thường tổ chức những cuộc đấu võ đài ác liệt. Võ đài tự do nên các
võ sĩ có thể ra đòn theo mọi môn phái, ăn
mặc tùy thích và có thể đeo cả mặt nạ.
Một linh mục tên là Gaetano phụ trách một nhóm bạn trẻ làm việc bác ái
cho trẻ em nghèo. Để có thêm tiền giúp các em, Cha đã ghi
danh thi đấu với một chiếc mặt nạ màu vàng để che giấu tung tích
của mình. Thân hình to lớn, thông thạo võ nghệ, Cha luôn thắng trận dù chẳng lúc nào
dùng đến thủ đoạn độc ác, mà chỉ dùng những đòn đẹp mắt và hữu hiệu. Tất cả tiền thưởng được dành hết cho quỹ cứu trợ trẻ em nghèo. Chiếc mặt nạ vàng đã trở nên biểu tượng cho tấm lòng vàng của Cha.
Diễn viên Jean Reno, người đóng vai linh mục Gaetano, đã phải đọc Thánh Kinh hằng ngày và sống tinh thần của một linh mục để có thể diễn xuất thành
công. Anh tâm sự: “Không ngờ, nhờ đọc Thánh Kinh mà tôi gặp được Thiên Chúa, và tôi đã nói
với Người những
điều trước đây tôi chưa hề nói với ai.”
Một lần kia, cậu con trai Reno hỏi anh: “Bố có thể làm phép lạ không?” Anh trả lời rất xác tín: “Phép lạ chính là những gì con phải tự mình tạo nên, con ạ!”
Tình
yêu của Chúa dành cho nhân
loại được diễn tả qua hình ảnh một bữa tiệc mà Chúa dọn ra cho hết mọi người. Trong bữa tiệc đó, không còn bóng dáng của bất cứ điều sầu khổ nào: “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn
tang che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.” Ai cũng sẽ vui mừng vì đạt được những khao
khát sâu thẳm nhất của đời người. “Ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương
cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông” (Is 25,7.9).
Nhưng
hạnh phúc của ơn cứu độ không phải là quả sung rớt vào miệng người há miệng ngồi chờ, mà cần đến sự đáp trả tích cực từ mỗi người. Qua câu
chuyện trong dụ ngôn, Đức Kitô cho thấy không phải lúc nào Nước Trời cũng được hoan hỉ tiếp nhận, mà những lo toan cho cuộc sống trần tục lại rất thường khi gây chướng ngại cho việc đón nhận Nước Trời, làm cho
những người được mời “không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi:
kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi
buôn.”
Trong
đó, lương tâm chai đá là trở ngại đáng sợ nhất, không chỉ từ chối mà còn vùi dập tiếng Chúa: “còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết.” Như người Do thái xưa giết các ngôn
sứ đi chỉ vì muốn khỏi bị lời Chúa quấy rầy, lương tâm chai đá cũng làm như
thế với lời của Chúa. Đây thực sự là một mối nguy hiểm đáng sợ, vì nó dẫn đến sự chết: “Nhà vua ... sai quân đi trước diệt bọn ác nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (Mt 22,5-7).
Một thực tế đáng
được suy gẫm: người ta không đến được với Chúa
không phải vì không thể, mà chỉ vì không muốn.
Công dân Nước Trời là người hạnh phúc, luôn hài lòng trong mọi sự và có thể vượt qua mọi khốn cực nhờ sức mạnh của Đức Kitô: “Thưa anh em, tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12-13).
Nhưng ngay cả trong những người tin theo Đức Kitô, vẫn còn đó
một trở ngại cho hạnh phúc Nước Trời. Đó
là thói đạo đức giả nơi
người yên tâm với các bí tích,
với những giờ kinh nguyện, với sự tham gia các hội đoàn đạo đức này nọ mà không mặc lấy tâm tình Đức Kitô: “Này bạn, sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới?” (Mt 22,12).
Hai vợ chồng nọ thường xuyên cãi nhau. Một hôm, ông chồng nảy ra một sáng kiến. Anh nói: “Này em ạ, chúng mình đừng vội cãi nhau như mọi khi, chán lắm. Anh đề nghị mỗi người chúng mình lấy một tờ giấy, liệt kê tất cả mọi lầm lỗi, tật xấu và khuyết điểm của người kia rồi sau đó trao cho
nhau đọc.” Người vợ nghe vậy cũng thích nên cả hai lấy giấy vào phòng
riêng, cắm cúi viết. Mười phút sau, cả hai ra phòng khách, người vợ dành quyền đọc trước tờ giấy của chồng, tò mò muốn biết anh ta kể ra những tội gì để cho anh một trận nên thân.
Nhưng vừa nhìn thoáng
qua, chị đã
thấy hụt hẫng khi đọc được dòng chữ nắn nót rất đẹp: “Anh yêu em.” Chị bật khóc và giật ngay lại tờ giấy của mình vì bao nhiêu lời của chị sẽ nên ngớ ngẩn trước lời của chồng. Chị vội ôm chầm lấy anh mà xin lỗi.
Đó cũng là tâm tình của thánh Phaolô về tình yêu Chúa
dành cho ngài,
một người dám chống lại Đức Kitô, Đấng chịu đóng
đinh vì tội lỗi ngài. Mặc lấy tâm tình Đức Kitô, ngài cho thấy hạnh phúc Nước Trời ở với người tin: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,19).