Lời Chúa cntn 28a _ giáo huấn Phúc Âm

CHÚA NHẬT XXVIII QUANH NĂM, NĂM A
Is. 25, 6-10a; Pl. 4, 12-14.19-20; Mt. 22, 1-14
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Nước Trời được ví như một bữa tiệc hoàng gia:Phòng tiệc rộng và đẹp.
Thức ăn ngon miệng và dư thừa. Chủ tiệc tận tình mời khách.
Nhiều khách mời có tên trong danh sách từ chối thẳng thừng vì nhiều lý do cá nhân. Họ là những người không biết giá trị tuyệt đỉnh của nước trời và lời mời của Chúa.
Sự từ chối của những khách mời mở rộng lời mời đến tất cả mọi người. Nước Trời hay bàn tiệc thiên quốc được dành cho tất cả mọi người, bất kể sang hèn.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Liên quan giữa dụ ngôn vườn nho trong những Chúa Nhật trước và dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia trong Chúa Nhật XXVIII quanh năm hôm nay.
Dụ ngôn hay ngụ ngôn là những câu chuyện giả tưởng được xử dụng với ngụ ý hay dụng ý nhằm truyền đạt một giáo huấn hay một bài học dạy đời. Đây là hình thức văn chương thông dụng ngày xưa. Trong kho tàng văn học thế giời, chúng ta thấy có ngụ ngôn Lã phụng Tiên (Lafontaine) vào thế kỷ thứ 17. Kho tàng văn chương Việt Nam cũng có nhiều dụ ngôn hay ngụ ngôn như chuyện Lưu Bình Dương Lễ để dạy về tình bạn hay chuyện Cô Tấm Cô Cám để dạy về luân lý sống hiền lành.
Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy. Người ta đếm được khoảng 30 dụ ngôn trong các Phúc Âm. Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII quanh năm hôm nay cho chúng ta dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia. Đây là những chương Phúc Âm Matthêô nối tiếp nhau với những dụ ngôn có ý nghĩa liên đới: Chúa Nhật 25 Quanh Năm, Phúc Âm Matthêô 20,1-16, dụ ngôn chủ vườn nho từ sáng sớm ra đi mướn thợ làm vườn nho mình. Có người được mướn từ sáng sớm và phải làm việc lâu giờ và chịu nắng nôi vất vả. Có người chỉ được mướn vào cuối ngày, chỉ làm việc có một giờ. Sau cùng tất cả đều được lãnh phần tiển công như nhau. Nước thiên đàng hay phần rỗi linh hồn của mỗi người là phần thưởng sau cùng của đời sống. Dù giữ đạo từ nhỏ hay lúc tuổi già… Tất cả đều có nước thiên đàng như nhau.
Biệt Phái và Luật Sĩ luôn tự hào vì chuyện mình được nên công chính vì lề luật hay vì con cháu Abram. Họ quên rằng Thiên Chúa là chủ vườn nho. Thiên Chúa ban phần thưởng cho con cái mình giống nhau. Những ai đã giữ đạo lâu đời, xin hãy cám ơn chúa, vì mình đã có hướng đi ngay từ còn bé. Những ai giữ đạo lâu đời, hãy thương đến những anh chị em khác, không ai mướn hay không nhận được hướng dẫn cần thiết để nhận biết Chúa. Họ trông ngóng cả ngày, cuộc đời vô định.
 Dụ ngôn hai người con trong Matthêô 21.28-32 nhằm ám chỉ Biệt Phái và lãnh đạo Do Thái. Họ tự nhận mình là những đứa con chí hiếu luôn làm những gì Chúa dạy. Kỳ thực, họ không đi làm vườn nho cho chúa hay đúng hơn: họ giả bộ làm vườn nho mà thôi. Dụ ngôn những tá điền bất trung, được tường thuật trong Matthêô 21,33-46 nhằm nói đến những Luật Sĩ và Biệt Phái trong Do Thái Giáo. Họ là dân Chúa chọn. Họ được sống trong vườn nho Chúa. Họ được chăm sóc chu đáo mọi mặt. Nhưng họ đã phản bội tình thương Chúa. Họ không sinh hoa kết trái trong đời sống mình mà còn phá hoại vườn nho và giết chết những sứ giả của Chúa.
 Hôm nay đây, Chúa Nhật XXVIII quanh năm, Phúc Âm Thánh Matthêô với dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia. Những khách được mời có trong danh sách đều viện dẫn lý do để không đến dự tiệc. Sau cùng, mọi người đều được mời, được gom vào cho đầy phòng tiệc. Rõ ràng, Dân Do Thái, Dân Thiên Chúa đã từ chối lời mời nhập tiệc. Nói khác đi, họ có những lề luật, những lối sống riêng mà họ nghĩ là tốt hơn tiệc cưới hoàng gia. Sau cùng tất cả mọi dân nước trên thế giời đã làm đầy phòng tiệc nước trời.
Những trưng dẫn trên, thoạt đầu chúng ta thấy đây là khuyến cáo hay chỉ trích của Chúa dành cho giới lãnh đạo Do Thái. Điều nầy không sai, tuy nhiên các dụ ngôn và các lời khuyến cáo cũng được gửi đến cho thính giả mọi thời và cho chúng ta. Thật vậy, nhiều người công giáo giữ đạo lâu đời, nghĩ mình có công hơn những người khác hay lấy cái lý lịch công giáo gốc của mình để phê phán hay chỉ trích người khác. Nhiều người công giáo giữ đạo lâu năm, bề ngoài như những đứa con ngoan của Chúa. Kỳ thực, họ không đi làm vườn nho nước chúa mà chỉ làm những gì có lợi cho riêng mình. Có nhiều người công giáo giữ đạo lâu năm, được sống trong Giáo Hội và được chăm sóc chu đáo, nhưng đã không mang lợi cho Chúa. Họ quên bổn phận làm con cái Chúa và phải làm cho nhiều ngưởi nhận biết Chúa.
Dụ Ngôn Tiệc Cưới Hoàng Gia
Dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô và Thánh Luca.
Đọc giả của Phúc Âm Matthêô là những người chính gốc Do Thái. Họ thấm nhuần Kinh Thánh Cựu Ước. Họ là dân chúa, được Chúa chọn và trao phó sản nghiệp nước trời. Tuy nhiên họ đã là những đứa con xem chừng ngoan ngoãn nghe lời Chúa, nhưng lại không thực hành Lời Chúa. Chúng ta sẽ thấy cùng một dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia nầy, nhưng Phúc Âm Matthêô dài hơn và nhiều tình tiết hơn, đặc biệt phần cho tống vào nơi khóc lóc nghiến răng khách dự tiệc mà không mặc áo cưới.
Đọc giả của Phúc Âm Luca là dân ngoại mới tòng giáo, tức những người không là “đạo gốc”. Họ là dân ngoại được cảm hóa và gia nhập Kitô giáo. Nên Phúc Âm Thánh Luca trong dụ ngôn nầy không có phần cuối tức phần không mặc áo cưới và bị tống vào nơi khóc lóc và nghiền răng. Rất dễ hiểu: Dân ngoại đi tìm lòng thương xót Chúa. Chúa đã mời gọi họ vào cho đầy phòng tiệc. Điều đó là đủ để diễn tả dụ ngôn nước trời như tiệc cưới hoàng gia, không cần thêm chi tiếc về nghi thức phải mặc áo cưới và trừng phạt.
Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.
Thực tế trong dụ ngôn, những khách đã được mời coi thường tiệc cưới, có người viện dẫn lý do từ chối, có người hung bạo đánh giết người đi mời. Như vậy việc khinh thường lời mời của nhà vua đã làm cho những khách nầy trở nên không xứng đáng, tức họ tự loại mình ra khỏi danh sách khách danh dự được mời. Nước trời như tiệc cưới hoàng gia, đã dành chỗ cho dân Chúa chọn. Tuy nhiên, người ta đã từ chối. Sự từ chối làm cho khách mời trở nên không xứng đáng. Nước Trời luôn có chỗ cho mọi người. Ơn cứu độ có tính cách phổ quát, tức dành cho muôn người. Ai cũng xứng đáng cả nếu chấp nhận lời mời gọi. Mình chỉ không xứng đáng hay không có chỗ khi chính mình từ chối lời mời hay khinh thường ơn cứu độ.
Đạo Chúa là đạo công giáo, đạo dành cho hết mọi người. Ai cũng được kêu mời vào đạo. Nên đạo công giáo không khước từ con người, chỉ có con người mới khước từ đạo mà thôi. Nên khi tôi không được cứu độ, phần trách nhiệm về phía tôi, chứ không về phía Chúa hay giáo hội. Vì “các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”
III. Thực hành Phúc Âm
Khách mời và người đi mời khách
Nếu chúng ta là những người đạo Công Giáo. Chúng ta đã được mời dự tiệc cưới hoàng gia. Chúng ta đã được mời bằng việc sinh ra trong gia đình có Cha Mẹ Công Giáo. Chúng ta được mời bằng cách lớn lên trong một hoàn cảnh thuận lợi cho đức tin, như trong xóm đạo công giáo. Chúng ta được mời bằng việc được giáo dục trong nền giáo dục công giáo…Những sinh hoạt công giáo thuần túy nầy nhiều khi làm chúng ta quên rằng mình là khách mời. Nhiều khi làm cho chúng ta có cảm tưởng mình là chủ bữa tiệc hay đạo Công Giáo là đạo của riêng mình. Yếu tố “toàn tòng” nầy làm cho mình khinh thường hay lấy làm lạ khi nhìn thấy người khách không có đạo. Có nhiều khi những ông bà “làm chủ đạo” nầy nặng lời với những anh chị em lương dân là “quân vô đạo!” Không! Chúa là người khoản đãi tiệc cưới hoàng gia. Chúng ta chỉ là khách được mời, chứ không là chủ tiệc. Đừng chiếm lấy vai trò làm chủ nước trời. Tốt hơn chúng ta hãy biến mình thành người đi mời khách vào cho đầy bàn tiệc nước trời.
Thường vào cuối tuần, ở trước các nhà hàng và bên vệ đường có nhiều người qua lại, có những người đứng mời khách. Họ thường ăn mặc bắt mắt người qua lại thí dụ có chiếc mũi to, hay chiếc nón to và cao. Có khi họ đeo một tấm bảng trước ngực để làm mọi người chú ý. Họ thường có thái độ lịch sự và tạo cảm tình với mọi người. Có nhiều khi người ta chưa đói hay chưa muốn ăn, nhưng thấy người mời khách dễ thương, người ta lại vào nhà hàng. Có nhiều khi cha mẹ không quan tâm, nhưng các con lại thích kiểu mời mọc nầy, nên lại muốn cha mẹ ghé vào nhà hàng ăn.
Hãy làm một khách mời dễ gây cảm tình và chú ý cho người ở các ngã đường. Đạo Công Giáo phần nhiều bị thất bại trong cách mời khách vào đạo. Thường người công giáo bảo: Đó là việc của Chúa, nếu Chúa chưa gọi thì mình không làm gì được. Cũng có những người trình bày một gương mặt hay một thái độ kẻ cả không gây được cảm tình với người khác. Tệ nhất là có những người đã vào đạo, nhưng vì lối hống hách của cha cố hay chủ cả của những kẻ cho mình là đạo gốc nầy mà họ xa rời phòng tiệc nước trời.
Mình đã được mời vào bàn tiệc nườc trời. Xin hãy là một người mời khách thật “ăn khách” bằng lời lẽ nhẹ nhàng, thoải mái và chân thành, bằng những việc làm bác ái vô vụ lợi, bằng những thái độ khiêm nhường gần gũi và nhất là bằng đời sống đạo đức chân thật.
 Lm Phêrô trần Thế Tuyên