CHÚA Ở ĐÂU?
Sự thể hiện tốt nhất về Thiên Chúa được thể hiện
nơi Thầy Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá, hình ảnh trung thực nhất của
Thiên Chúa.
Vào một Chúa Nhật nọ, người
ta thấy một người lạ mặt ngồi lại sau Thánh Lễ lâu giờ. Họ không nhớ đã gặp người
này trước đây. Anh ta ngồi đó, nhìn chằm chằm vào một khung cửa kiếng màu. Một
lúc sau, ông quản phụ trách việc đèn đóm cửa giả nhà thờ đến xin lỗi anh ta để
đóng cửa vì đã hết giờ. Lúc rời nhà thờ, người lạ mặt hỏi:
- Chúa ở đâu?
Ông quản bất ngờ trước câu
hỏi này.
- Ý anh là sao?
- Ý tôi là: Chúa ở đâu? Người lạ mặt lặp lại câu hỏi.
- Chúa ở khắp mọi nơi. Cách riêng, anh đang đứng trong
nhà thờ nơi có Nhà Tạm. Và chúng ta tin rằng Chúa hiện diện nơi đây. Ông quản trả lời thế nhưng người lạ mặt không có ý hỏi về sự hiện diện của
Chúa trong Nhà Tạm. Anh ta đang vật lộn với những vấn đề khác.
- Nhưng tại sao anh lại hỏi như thế? ông quản hỏi anh.
Tên của người lạ mặt là
Yumi. Sau khi xong trung học, mười lăm năm về trước, anh không đi Lễ thường
xuyên nữa. Thời gian trôi qua, kiến thức đức tin của anh cũng mai một dần,
không được cập nhật. Khi cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New
York, anh tức giận với Chúa và chấm dứt việc đến nhà thờ hòan tòan. Anh đổ lỗi
cho Chúa về cái chết của em họ mình khi Tòa Tháp Đôi sập xuống. Sự tức giận của
anh lớn dần lên trong lòng, không chỉ đối với Chúa mà còn đối với con người nữa.
Nghe ông quản hỏi tại sao
anh lại hỏi câu hỏi ấy, anh trả lời: “Hãy
nói cho tôi biết tại sao tội ác xảy ra trên thế giới này. Tại sao ngay cả những
người tin vào Chúa cũng làm những sự ác với tha nhân?”
- Đúng vậy, anh bạn à. Một số tín hữu đã làm hại người
khác, ông quản đáp.
- Nhưng tại sao họ tin Chúa mà vẫn làm như thế? Yumi tiếp tục đặt vấn đề.
Lúc ấy vợ của ông quản xuất
hiện ở cửa. Bà ấy đã đứng ở ngòai nãy giờ để chờ chồng cùng về nhà. Ông quản
nói với Yumi:
- Tôi xin lỗi phải đi bây giờ. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại
và chia sẻ nhiều hơn.
- Tôi cũng hi vọng là vậy, nhưng không sao. Chúc anh chị
buổi tối tốt lành.
- Cảm ơn anh. Chúc anh cũng thế nhé. À, đây là tờ hiệp
thông trong giáo xứ. Anh có thể đem về dùng.
- Xin cảm ơn!.
Buổi tối hôm ấy, Yumi nghe
thêm tin tức về chiến cuộc ở Trung Đông. Thêm nhiều người chết và bị thương.
Anh lắc đầu buồn bã và tức giận, nhưng trên hết anh cảm thấy khó hiểu và bất lực.
“Đủ rồi,” anh hét lên khi xem tin tức,
“tại sao các người đối xử với nhau tệ hại
như thế?”
Anh tắt ti-vi đi như thể
không chịu nổi nữa. Lúc ấy anh chợt thấy tờ hiệp thông của giáo xứ trên bàn. Vì
lý do nào đó, anh cầm lên và đọc lướt qua trang đầu tiên. Mắt anh bắt gặp một
câu hỏi in đậm: “Tại sao Chúa không ở
trong cơn gió bão hay trận động đất hay lửa mà lại ở trong cơn gió nhẹ hiu
hiu?” Phía dưới câu hỏi là một bài đọc trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất,
chương 19, kể về chuyện ngôn sứ Ê-li-a đang chạy trốn khỏi cuộc lùng giết của
hòang hậu I-de-ven. Ông tìm thấy một cái hang và núp ở đó. Một thiên sứ đến bảo
ông hãy ra ngòai đứng trên núi trước nhan Đức Chúa vì Người sắp đi qua đây.
Ê-li-a nghe tiếng gió bão ầm ầm xẻ núi non, đập vỡ đá, rồi đến một trận động đất,
rồi đến lửa, nhưng Chúa không ở trong chúng. Cuối cùng xuất hiện
một làn gió nhẹ hiu hiu. Thiên Chúa hiện diện trong đó.
Chi tiết này làm cho Yumi dừng lại suy nghĩ. Anh nhớ đã nghe bài đọc này nhiều
lần trước đây khi anh trẻ hơn, nhưng anh chưa bao giờ để ý đến chi tiết này. Dường
như anh mới khám phá ra điều gì mới lạ.
Điện thọai di động trong
túi áo khóac của anh đổ chuông. Một số điện thọai lạ đang gọi anh. Nhưng anh
quyết định trả lời. Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ rất tức giận:
- Nghe đây, từ giờ trở đi, đừng để tao thấy mặt mày nữa,
hoặc là tao sẽ đập cho một trận. Tao thề với Chúa đấy. Hiểu chưa?
Yumi cảm thấy sốc bởi giọng
nói lạ kia. Anh trả lời: “Xin lỗi, ông là
ai? Tôi nghĩ ông đang nói chuyện lầm người.”
Giọng nói bên kia ngừng lại.
Yumi nghe ông ta “ồ” một tiếng rồi cúp máy mà không xin lỗi gì.
Lúc này Yumi chợt hiểu bài
Kinh Thánh trong tờ hiệp thông của giáo xứ anh mới đọc. Câu trả lời cho câu hỏi
in chữ đậm rất đơn giản: Chúa không ở trong gió bão hay động đất hay lửa vì Người
không phải là một vị Chúa bạo lực. Chúa có thể làm tất cả mọi sự vì Người là Đấng
Tòan Năng, nhưng Người luôn luôn chọn
con đường dịu hiền và an lành bởi vì Người là Thiên
Chúa của Tình Yêu (1Gioan 4:8). Cú điện thọai từ một người lầm số có thái độ
hung hãn, thậm chí còn dùng cả danh Chúa cho hành động bạo lực của mình, đã
giúp Yumi hiểu rõ hơn về các hành xử bạo lực của con người. Nguồn gốc của lọai
hành xử này nằm ở sự hiểu sai hiểu lầm về Thiên Chúa. Khi người ta không hiểu
rõ sự thật rằng Chúa tuyệt đối chống lại bạo lực, họ sẽ không từ khước sự dữ của bạo lực. Trường hợp tồi tệ nhất là tin rằng Chúa đồng ý với bạo lực vì trong trường
hợp ấy người ta sẽ dùng danh Chúa mà
gây hại cho tha nhân. Điều xấu nhất là cho rằng
Chúa sẽ thưởng công cho các hành động bạo lực.
Với khám phá này, Yumi bật
Ti-vi lên lại để xem tin tức thế giới. Thêm một cảnh tượng các ngôi nhà đang bị
cháy rụi đi do mấy kẻ cuồng tín gây ra. Những gì đang xảy ra cho thấy rõ sự thật
rằng họ đã hiểu sai về Chúa.
Lúc này là 11 giờ 15 phút
đêm. Điện thọai di động của anh lại đổ chuông. Một số lạ nữa! Anh lưỡng lự
không muốn trả lời. Một vài phút sau, số đó lại gọi anh. Dù ái ngại nhưng anh
quyết định bắt máy.
- Chào Yumi, Minsa đây. Còn thức không?
- Còn. Số mới của cậu à? Có chuyện gì không?
- Ừa, tớ đổi số. Tớ mới nghe biết thằng bạn Stipud dạo
này rất hay uống rượu say.
- Sao vậy?” Yumi hỏi.
- Nó nói nó muốn tự trừng phạt mình vì đã xúc phạm đến bạn
gái trước mặt một đám đông.” Minsa đáp.
Yumi nhận ra ngay rằng khi
người ta không thấy Chúa luôn là Đấng bất bạo lực thì họ sẽ cho phép mình trở
nên bạo lực, không chỉ đối với tha nhân mà còn đối với chính bản thân họ nữa. Bất cứ một dạng bạo lực nào cũng đều trái ngược với ý của
Thiên Chúa thật. Đàng sau bạo lực là
Satan. Nó tìm mọi cách để xui khiến con người
dính dáng đến bạo lực, từ tư tưởng cho đến hành động, từ già đến trẻ, từ khỏe đến
ốm. Nó tận dụng mọi hòan cảnh để cám dỗ người ta bạo lực với chính mình và với
tha nhân.
“Minsa, cậu thấy đấy, trong trường hợp
này Stipud đang sống bạo lực đến hai lần, trước hết là với bạn gái và bây giờ với
chính bản thân nó. Đơn giản nó chỉ cần chân thành xin lỗi làm hòa với cô ấy và
tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Tớ sẽ gọi điện cho nó ngày mai xem có giúp
gì được không. Cảm ơn cậu cho tớ biết nhé Minsa!”
- Cảm ơn Yumi!.
Ngày nay, Yumi không còn tức
giận Chúa nữa. Ngược lại, anh yêu Người hơn. Thỉnh thỏang anh thầm thì: “Tội nghiệp Chúa quá đi!” Anh đã khám
phá ra một phương pháp cho mình và muốn chia sẻ nó với những ai có cùng nỗi
trăn trở giống anh trước đây. Phương pháp đó là: thay vì hỏi “Chúa ở đâu?” thì nên trả lời cho đúng một
câu hỏi sâu xa hơn “Chúa là ai?” Yumi
dán lên tường tờ hiệp thông anh nhận từ người ông quản trong nhà thờ hôm bữa, rồi
vẽ một mũi tên màu xanh chỉ hướng lên phía trên. Anh làm thế là vì: Ê-li-a nhận
ra Thiên Chúa thật trong sự dịu hiền của Người. Nhưng sự thể hiện tốt nhất về
Thiên Chúa được thể hiện nơi Thầy Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá phía
trên tờ hiệp thông. Là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa, Thầy Giêsu đã
chống lại cám dỗ hành xử bạo lực dưới mọi hình thức và bằng mọi giá. Ai là môn
đệ Thầy thì cũng phải chống lại cám dỗ này bằng mọi giá và dưới mọi hình thức.
Joseph Viet, O.Carm.