Tại sao chúng tôi tin... một điều gì

 

TẠI SAO CHÚNG TÔI THEO ĐẠO CÔNG GIÁO


Lời giới thiệu:

Tại sao chúng tôi

TIN… MỘT ĐIỀU GÌ

Trong một nhà hàng ở San Diego, tôi ngồi tại một gian hàng, đợi một "cái hẹn riêng", hẹn nói chuyện bình đẳng về tôn giáo.

Dăm tuần trước, một vài người bạn Công giáo đã xin tôi gặp con trai của họ khi cháu ở trường đại học về nhà. Họ muốn tôi nói chuyện với cháu bởi vì cháu nói với cha mẹ rằng cháu sẽ không đi lễ với họ nữa, vì bây giờ cháu đã là một người vô thần. Họ hỏi tôi: “Anh có thể giúp cho cháu thấy cháu cần đi lễ trở lại không? Anh có thể giúp cháu thoát khỏi mấy cái thứ vô thần này không?”

Một lát sau, Vincent, con trai của họ bước vào. Tôi bắt tay anh, anh nhếch mép cười với tôi rồi ngồi xuống.

"Chú có khỏe không?" anh ta hỏi.

“Khỏe, tôi là Trent.”

"Vâng, con đã biết."

Tôi không nghĩ là mọi chuyện sẽ diễn ra một cách tốt đẹp. Thực lòng tôi hiểu được sự miễn cưỡng của chàng trai về bữa ăn trưa với tôi; thế nên tôi quyết định nói thẳng với anh.

“Anh nghĩ tôi đến đây để thuyết phục anh trở lại đạo Công giáo phải không?”

“Chắc chắn rồi, chính vì thế mà cha mẹ con cứ bắt con phải gặp chú,” Vincent nói.

“Xem nào, tôi không nghĩ rằng tôi có thể nói được một điều chi có thể làm cho anh thay đổi những gì anh tin tưởng đâu. Tôi thực lòng nghĩ rằng khi anh tin, là tin vào một điều mà anh thấy là đúng, chứ không hẳn vì đó là điều có lợi cho anh, phải không?"

Anh gật đầu đồng ý.

"Mà này, sao anh không cho tôi biết vì sao anh là người vô thần."

“Con biết chú đã viết một cuốn sách về chủ nghĩa vô thần, vì thế mà con không muốn tranh luận với chú,” anh trả lời.

“Tôi không muốn tranh luận với bất kỳ ai về chuyện sở thích,” tôi trả lời. “Tôi chỉ muốn biết anh tin vào điều chi, thế thôi.”

Rồi cứ thế, trong hai mươi phút, tôi đặt cho anh ta nhiều câu hỏi. Anh hiểu thế nào về thuật ngữ “người vô thần?" Đâu là lập luận tốt nhất để phò và để chống Thiên Chúa? Lập luận nào là tệ nhất? Theo anh, đâu là cái hay và cái dở trong Giáo hội Công giáo?

Các món khai vị được đưa ra đang lúc cuộc thảo luận của chúng tôi diễn tiến tốt đẹp. Tôi nhẹ nhàng phản đối một vài điểm trong niềm tin vô thần của anh, nhưng đúng như tôi nói, đó không phải là một cuộc tranh luận; đó chỉ là một buổi trò chuyện thâm trầm và sâu sắc giữa hai người bạn.

Chấm miếng bánh kẹp mexico vào một ít nước sốt cay salsa, tôi nói với Vincent, “Tôi nghĩ tôi đã biết được lý do tại sao anh là một người vô thần và tôi thực sự thích nói chuyện với những người như anh. Anh đã có nhiều suy tư về vấn đề này, và nếu tôi có chi sai lầm về chủ nghĩa vô thần, tôi mong được một người như anh chỉ cho tôi thấy những gì tôi chưa nắm bắt được."

“Cảm ơn chú,” anh ta nói.

“Nhưng đây là một con đường hai chiều nhé, Vincent. Ta hãy chân thành với nhau. Nếu anh có chi sai lầm về Giáo hội Công giáo, anh có muốn được một người như tôi chỉ cho anh thấy những gì anh chưa rõ không?"

Anh vừa nhấp một ngụm soda vừa suy nghĩ về câu hỏi của tôi, và cuối cùng anh nói, “Vâng, con sẵn sàng lắng nghe.”

“Được rồi, tôi đã dành rất nhiều thời gian để đặt cho anh nhiều câu hỏi, bây giờ thì đến phiên của anh. Anh cứ việc hỏi tôi về những gì người Công giáo tin và tôi sẽ cho anh biết TẠI SAO CHÚNG TÔI tin vào những điều đó. Anh có thể chấp nhận hay từ chối các suy luận của tôi, nhưng tôi nghĩ cha mẹ anh sẽ rất vui khi biết được ít nhất là chúng ta đã thảo luận về những điều đó." Vincent đồng ý và chúng tôi tiếp tục nói chuyện thêm một giờ nữa.

Khi ăn xong, anh ta nói với tôi: “Con coi trọng những gì chú nói. Nhất định con sẽ suy nghĩ về tất cả những điều đó.”

“Tôi cũng sẽ suy nghĩ về những gì anh nói,” tôi trả lời. “Xin hãy nhớ, đó là một con đường hai chiều."

NIỀM KHAO KHÁT CHUNG

Tôi không coi những người đã rời bỏ Giáo hội Công giáo hay những người không theo Công giáo là "khách hàng" cho mình. Họ là con người; họ có những điều ưa thích và những điều gớm ghét riêng chứ; họ có thể khác tôi về nhiều mặt, nhưng hầu như chắc chắn là họ có một điểm chung với tôi: không muốn làm người khờ dại và muốn được hạnh phúc. Tôi đã theo đạo Công giáo khi học trung học vì 1) tôi nghĩ đó là điều đúng, và 2) tôi tìm được câu trả lời cho những vấn đề từ đáy sâu tâm hồn của tôi về sự sống và mục đích sống có thể mang lại hạnh phúc cho tôi.

Thật là ích kỷ nếu tôi giữ riêng cho mình sự bình yên và niềm vui tôi nhận được từ việc trở nên tín hữu Công giáo, vì thế mà tôi mới chia sẻ “tin vui” này với hết mọi người. Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này thật đơn giản: Tôi muốn giải thích tại sao người Công giáo tin những gì họ tin. Tôi không đưa ra hết mọi lời giải thích mà tôi biết được, bởi vì hầu như chẳng mấy ai đổ xô tới một cuốn sách dày cộp; thay vào đó, tôi đưa ra mấy lý do tác động mạnh nhất đến tôi trong tiến trình chuyển qua đức tin Công giáo.

Nếu bạn là người Công giáo, cuốn sách này sẽ trao cho bạn một điểm bắt đầu tuyệt vời để thảo luận với bạn bè và gia đình không Công giáo của bạn. Nếu bạn không phải là người Công giáo, tôi hy vọng ít nhất bạn sẽ sẵn lòng lắng nghe tôi, như Vincent. Ngay cả khi cuốn sách này không có sức thuyết phục với bạn, nó cũng giúp cho bạn có những cuộc chuyện trò sâu sắc hơn với bạn bè và các gia đình Công giáo vì nó giúp bạn hiểu rõ quan điểm của họ hơn trước.

Cho dù bạn là ai, là một tín hữu, một người hoài nghi hay không đoan chắc vào những gì bạn tin tưởng, tôi hy vọng ít nhất cuốn sách này sẽ khích lệ bạn bước theo một câu nói khôn ngoan hôm xưa: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy.” [1]



[1] 1Tx 5:21.

Tại sao chúng tôi theo đạo Công Giáo



[1] 1Tx 5:21.