LỜI CHÚA TUẦN 7 MÙA THƯỜNG NIÊN
CÂU TRUYỆN MINH HỌA
CNTN 7C - THƯƠNG XÓT NHƯ CHA
HAY THƯƠNG XÓT
THỨ BA - ĐIỀU KIỆN LÀM NGƯỜI
LỚN NHẤT
THỨ TƯ - CỘNG TÁC TRONG THIỆN
CHÍ
THỨ NĂM - QUYẾT LIỆT THEO
CHÚA
THỨ BẢY - ĐIỀU KIỆN VÀO NƯỚC
THIÊN CHÚA
ĐỨC MẸ LÀ MẸ HỘI THÁNH – NÀY
LÀ MẸ CON
LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG - NHẬN RA
DẤU CHỈ CỦA CHÚA
CNTN 7A -
Lời Chúa
TRUYỆN KỂ
1. truyện
CNTN 7B -
Lời Chúa
TRUYỆN KỂ
1. truyện
CNTN 7C - THƯƠNG XÓT NHƯ CHA HAY THƯƠNG XÓT
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù,
hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy
cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia;
ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con
hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm
điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy.
Nếu các con yêu những kẻ yêu
các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu
họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì?
Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông
người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ
tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù,
hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy
giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những
kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ
như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán;
đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ.
Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và
đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong
trả lại bằng đấu ấy.”
TRUYỆN KỂ
1. Bác ái vô biên
Sách Đông Châu Liệt Quốc có kể hai anh em Cựu Tử và Bạch Tử tranh
nhau chiếm ngai vàng nước Tề. Quản Trọng phò Cựu Tử, bạn chí thân của ông là Bào
Thúc Nha phò Bạch Tử. Quản Trọng mưu bắn giết Bạch Tử để tôn Cựu Tử làm Vua, Bạch
Tử không chết. Nhưng Cựu Tử lại bị Lỗ Hầu giết chết. Bạch Tử sống sót trở về làm
Vua nước Tề. Bạch Tử phong Bào Thúc làm tướng quốc. Bào Thúc không dám nhận, lại
tiến cử Quản Trọng.Vua rất kinh ngạc hỏi sao ông dám tiến cử kẻ thù đã mưu giết
ta? Bào Thúc nói: Vua muốn giữ nước Tề thì không cần Quản Trọng, nhưng muốn làm
Vua thiên hạ thì phải nhờ Quản Trọng. Vua đã quên thù để lập nghiệp lớn.
Tất cả các nền luân lý của nhân loại đều đề cập đến yêu người, nhưng
yêu thương kẻ thù thì đặc biệt chỉ có giáo lý Đức Giêsu đòi hỏi thôi. Kẻ thù được
xác định rõ ràng là những kẻ oán ghét, nguyền rủa, nhục mạ mình, là những kẻ vả
má đánh đập, làm hại bóc lột mình đến cả áo mặc nữa. Chứ không phải kẻ thù xa lạ
của đoàn thể hay đất nước. Kẻ thù chính cá nhân ta mới rất khó tha thứ và yêu thương.
2. Lời Chúa biến đổi
Ngày 13/05/1981 cả thế giới đều sửng sốt kinh hoàng về tin Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại chính công trường Thánh Phêrô. Ali Agca, một
thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phạm bắn Ngài, lại được Ngài đến thăm, nói chuyện và
tha thứ cho anh. Tình yêu nào đã khiến Đức Giáo Hoàng thương yêu kẻ thù như bạn
hữu của mình? Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu đã thúc đẩy vị đại diện của Người dưới
trần gian này đã có lòng bác ái vô biên như vậy.
Chính tình yêu của Đức Giêsu cũng đã thúc đẩy ông Gandhi hết lòng
thương yêu kẻ thù bằng dùng phương pháp bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn thoát
ách nô lệ dân Anh và hòa giải dân Ấn với Hồi không còn coi nhau như kẻ thù truyền
kiếp nữa. Họ đã tôn kính Gandhi như Cha già dân tộc và là vị đại ân nhân nhất của
họ. Cả thế giới đều gọi ông là thánh Gandhi. Nhưng ngày 30/01/1948 đang lúc ông
cầu nguyện tạ ơn vì bản hòa ước đã ký kết giữa hai dân Ấn-Hồi, thì ông bị chính
người đồng bào bắn chết. Ông chỉ kêu lên được hai tiếng: Rama, Rama: Chúa ơi, Chúa
ơi và giơ tay làm một cử chỉ tha thứ cho kẻ bắn ông.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong Gương Danh Nhân đã hỏi: Nhờ đâu, Gandhi
lúc còn nhỏ là con người tầm thường, chơi bời, đàng điếm, ghen tương lại trở nên
một thánh nhân vĩ đại của Ấn và của cả thế giới? (Tr. 81). Bách khoa tự điển của
Punk đã trả lời: “Ông đã thấm nhuần giáo lý của Đức Kitô, như câu: “Ai vả anh em
má bên phải, hãy giơ cho nó má bên kia nữa” Chính bài Tin Mừng hôm nay đã biến đổi
Gandhi từ một con người hèn yếu, thành một thánh nhân vĩ đại của nhân loại.
3. Tha thứ là trao ban hai lần
Chuyện “Nghìn Lẻ Một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên toà như sau:
Có hai người anh em ruột bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ
đem tên sát nhân đến trước quan toà và yêu cầu xử theo luật “mắt đền mắt răng thế
răng.” Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo
như luật định.
Trước mặt quan toà, tên sát nhân nhận tội và sẵn sàng chịu hình phạt.
Chỉ xin hoãn ba ngày để hắn về giải quyết vấn đề liên quan đến một người cháu được
ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Giữa lúc quan toà đang do dự, thì từ trong đám
đông dự phiên toà có một người giơ tay cam kết:
“Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày,
hắn không trở lại, tôi sẽ chết thay cho hắn.”
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình.
Đúng kỳ hạn, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn
hiên ngang tiến ra pháp trường, dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã giải quyết việc gia đình.
Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành
với lời cam kết của mình để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất
này.”
Sau lời phát biểu hùng hồn của tử tội, người đàn ông bảo lãnh cho
hắn cũng ra giữa đám đông tuyên bố: “Phần tôi, sỡ dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người
này vì tôi không muốn để cho người ta nói: “Lòng quảng đại không còn trên mặt đất
này.”
Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường
như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quí nhất trong trái
tim con người.
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra nói với quan
toà: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ
không còn nói: “Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này.”
4. Xóa sổ sự ác
Ở Belfast có một gia đình kia. Người chồng bị bắn chết đang khi lái
xe đến nhà thờ dự lễ. Sau đó ít lâu, người vợ cùng đứa con đến nhà thờ cầu nguyện.
Đứa con hỏi:
- Mẹ ơi, không biết người đã bắn chết cha con có được lên thiên đường
không hở mẹ?
Câu hỏi khiến người mẹ bị bất ngờ. Suy nghĩ một lát, bà trả lời:
- Nếu người đó thành thật sám hối thì Chúa cũng tha thứ và cho lên
thiên đường.
Đứa con rất khó chịu:
- Nếu có người đó trên thiên đường thì con không muốn lên thiên đường
đâu.
Người mẹ càng bối rối hơn nữa. Bà lại suy nghĩ, rồi nói:
- Nếu Chúa đã tha cho ông ta, thì Người cũng sẽ đổi lòng ông ta,
khiến ông ta không còn dễ ghét nữa mà thành dễ thương.
Lúc đó đứa con mới thoả mãn. Nó nói với mẹ:
- Vậy thì mẹ con mình hãy cầu nguyện cho ông ta đi.
Bài học quan trọng nhất của đoạn Tin Mừng hôm nay là làm thế nào
để chống lại sự ác mà không cần trả thù.
5. Xét đoán dễ hồ đồ
Một buổi sáng, vị linh mục đang dâng Thánh lễ thì thấy một người
đàn bà đến trễ. Cha rất bực bội nên khi bà này lên rước lễ thì cha không trao Mình
Thánh Chúa. Điều này làm cho bà rất đau lòng.
Thực ra bà là người rất ham dự Lễ. Từ trước tới nay bà không bao
giờ đi trễ. Nhưng hôm nay chồng bà đột ngội ngã bệnh; đứa con gái tàn tật lại lên
cơn. Bà phải nán lại để chăm sóc chồng con. Nguyên việc trễ lễ đã là một mất mát
rất lớn đối với bà rồi. Thế mà cha lại không cho bà rước lễ!
Sở dĩ vị linh mục làm thế vì đã xét đoán một cách hồ đồ. Và cách
làm của linh mục này chính là lời kết án tính hồ đồ của người.
Câu chuyện trên phải là một sự cảnh cáo chúng ta đừng xét đoán cách
hồ đồ. Thực ra, xét đoán là một điều rất khó. Muốn xét đoán cho đúng thì ta phải
thấy đầy đủ hết mọi khía cạnh của sự việc. Thấy mọi khía cạnh của sự việc cũng chưa
đủ, cần phải hiểu thêm về hoàn cảnh và động cơ thâm sâu của sự việc đó nữa. Trong
khi đó, thường chúng ta chỉ thấy một phương diện thôi, và chỉ thấy bề ngoài thôi.
6. Đong đấu nào được trả bằng đấu ấy
Viktor Frankl là một tù nhân trong trại tù Auschwitz thời Quốc Xã
Đức. Ông kể lại rằng một người trong trại tù mà ông lấy làm sung sướng nhất mỗi
khi được gặp, đó là anh đầu bếp F. Khi tới giờ ăn, mỗi tù nhân bưng một cái tô,
xếp hàng tới lãnh cháo nơi các đầu bếp. Các đầu bếp kia thường nhìn mặt tù nhân,
hễ gặp người nào mà hắn có cảm tình thì hắn múc cho một tô đầy, còn người nào mà
hắn không ưa thì chỉ được một tô lưng. Riêng anh đầu bếp F này thì chẳng nhìn mặt
ai cả, ai đưa tô ra anh cũng đều múc đầy.
Tại sao anh F làm như thế? Viktor Frankl không biết. Nhưng ta có
thể đoán là anh F cũng là một tù nhân, trước đây cũng đã phải bưng tô chờ các đầu
bếp đong cháo, một số lần bị đong lưng và một số lần được đong đầy. Nay anh được
làm đầu bếp và được trao trách nhiệm đong cho người khác, anh làm theo lời Chúa
Giêsu nói “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy.”
Chúng ta càng mở rộng cửa lòng cho người khác thì lòng chúng ta càng
được mở rộng để đón nhận ơn ban của Chúa. Cái đấu chúng ta dùng để đong cho người
khác cũng là cái đấu Chúa dùng để đong cho chúng ta.
7. Thay đổi bạn – thù
Solzhenitsyn kể một chuyện sau đây xảy ra trong thời Thế chiến thứ
hai:
Khi đó là tháng 12 năm 1943. Chiến sự đang diễn ra ác liệt trong
lúc tuyết rơi tầm tã đến nỗi người ta không nhìn rõ mặt nhau. Có hai người lính
nằm bên cạnh nhau. Phía trước có bóng một người mà họ nghĩ là quân địch. Hai người
lính này chỉa súng về phía đó nhả đạn. Họ khuyến khích nhau bắn cho hăng, họ chuyền
đạn cho nhau, thỉnh thoảng còn chia nhau khi thì chai nước khi thì gói thuốc hút.
Một lúc sau, cái bóng phía trước biến mất. Hai người lính tạm nghỉ,
bỏ súng trường xuống, cởi nón sắt và áo khoác ra. Lúc đó họ mới có dịp nhìn rõ nhau.
Một anh đeo quân hiệu con đại bàng, anh kia đeo ngôi sao. Thì ra một anh là lính
Đức, một anh là lính Nga, tức là hai kẻ thù của nhau.
Lập tức hai người nhảy một bước ra xa nhau, rút súng ngắn chỉa về
phía người kia. May là súng không nổ vì trời quá lạnh. Hai người xông vào ôm nhau
vật lộn. Vật chán rồi mệt quá nằm lăn ra tuyết.
8. Lấy ơn đền oán
Người ta kể rằng: gần biên giới hai nước Lương và Sở, tức Hồ nam
ngày nay, có hai người làm nghề trồng dưa: một người ở nước Lương, một người ở nước
Sở. Nhờ sự chăm sóc và bón phân, vườn dưa của người nước Lương lên tốt, kết quả
rất mỹ mãn và hàng năm mang lại một mối lợi đáng kể. Còn anh chàng của nước Sở,
lười biếng, cỏ chẳng làm, dưa không tưới và bón phân, dĩ nhiên không kết quả bao
nhiêu. Thấy vậy anh ta sinh ghen tương, đêm đêm lẻn sang vườn người phá hoại.
Vườn dưa đang tốt, song mỗi ngày cứ thấy lụi dần, tìm hiểu và biết
được kẻ phá hoại, tức mình lắm, định trả đũa. Nhưng trước khi thi hành, ông đem
việc đến trình quan huyện là Tống Tựu. Quan can và nói: “Làm như thế chỉ tổ gây
hằn thù, tôi khuyên anh: thay vì trả đũa, mỗi đêm lẻn sang đó tưới và bón phân.
Nhưng phải bí mật đừng cho nó trông thấy.” Thấy bên kia không trả đũa, lại nhận
ra vườn của mình ngày một xanh tốt. Sau lâu ngày mới biết người kia đã không báo
oán mà còn làm ơn, anh liền sang xin lỗi. Hai gia đình đã kết thân và cùng trở nên
giàu có.
9. Gương tha thứ
Chắc chắn việc tha thứ và hơn nữa, làm ơn cho kẻ làm hại mình là
một điều rất khó, nếu không có ơn Chúa giúp. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn phải
xác tín rằng Chúa không bao giờ dạy chúng ta làm một điều mà Chúa biết rõ chúng
ta không có khả năng để làm. Trong cuộc đời các thánh, chúng ta thấy biết bao người
đã noi gương Chúa Giêsu tha thứ cho kẻ làm hại mình.
Thánh Stêphanô phó tế tử đạo tiên khởi, khi đang bị người biệt phái
và luật sĩ ném đá chết đã xin Chúa tha cho kẻ đã giết mình. Thánh Giuse Đặng Đình
Viên linh mục tử đạo đã hiền từ nói với hai người đến xin lỗi cha vì đã tố cáo chỗ
cha ẩn nấp rằng: Cha đã tha thứ cho các con rồi.
Thánh câu họ Emmanuel Lê Văn Phụng đã dặn con trai trước khi chết
rằng hãy tha thứ, đừng tìm cách báo thù những người đã tố cáo cha.
Và gần chúng ta nhất là Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 13/5/1981,
Ngài đã bị Mahomet Ali Agca ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô. Tháng 1-1984, Đức
Giáo Hoàng đã đến tận nhà tù Rebibbia ở Rôma để tha thứ cho Ali Agca. Trong suốt
21 phút, ngài đã trò chuyện với Agca, âu yếm nắm lấy đôi bàn tay mà trước đó 3 năm
đã nắm chặt khẩu súng để quyết tâm bắn chết ngài.
Tha thứ là việc rất khó, cần ơn Chúa giúp. Ước gì chúng ta hãy khiêm
tốn nài xin Chúa giúp. Mỗi khi gặp ai làm hại mình, hãy nhớ Chúa Giêsu trên Thánh
Giá đã thưa: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc
23,34). Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta hãy để ý câu xin tha nợ chúng con như
chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Ước gì trong năm "Sống đạo hôm nay"
chúng ta cố gắng sống trọn vẹn luật yêu thương tha thứ của Chúa hơn.
10. Phương cách tiêu diệt kẻ thù hữu hiệu nhất:
Trong cuộc nội chiến tại nước Hoa Kỳ, sự hận thù giữa hai miền
Nam Bắc ngày một thêm sâu đậm. Lần kia, tổng thống Abraham Lincoln đã bị nhiều
người Bắc Mỹ chỉ trích khi ông chủ trương cần đối xử khoan dung đối với những
đám dân nổi loạn ở miền Nam. Những người này nhắc cho Lincoln nhớ rằng cuộc
chiến tranh giữa hai miền vẫn đang tiếp diễn. Theo họ, quân đội miền Nam
là kẻ thù, và tất cả bọn họ đều cần phải bị tiêu diệt. Bấy giờ tổng thống
Lincoln đáp: “Cách tiêu diệt kẻ thù hữu hiệu nhất chính là biến kẻ thù
trở thành bạn hữu của chúng ta bằng lòng khoan dung tha thứ.”
Lời nói của Lincoln rất phù hợp với lời Đức Giê-su dạy trong
Tin Mừng hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc
lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Như
vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng
Tối Cao. Vì Người nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác” (Mt 5,27-28.35).
11. Trả thù được rồi
Những người thổ dân Nam Phi vẫn thường truyền tụng với nhau câu chuyện
sau đây:
Có hai người thổ dân thù ghét nhau. Một hôm, một người bắt gặp cô
con gái nhỏ của kẻ thù ở trong rừng một mình, hắn liền bắt lấy và chặt đứt hai ngón
tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc nức nở đau đớn. Còn tên hung thủ vừa đi
vừa hò reo:
- "Ta đã trả được thù rồi!"
…Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên và có gia đình.
Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Ngay tức khắc, cô nhận ra người
hành khất chính là kẻ đã hại cô mười mấy năm về trước. Nhưng cô không hề tỏ lòng
oán hờn, không một lời mỉa mai, cô vội vàng xuống bếp lấy thức ăn lên hầu hạ kẻ
đã hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn uống no say, người thiếu phụ liền đưa
bàn tay bị cụt mất hai ngón ra và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi!"
12. Lòng tốt bị hiểu lầm
Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: “Chiều nay về nhà,
mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình.”
Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như
sau: “Thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa.”
Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau:
Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con
chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không
tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.
13. Nhìn ra nhau là anh chị em
Có một Rabbi nọ hỏi một tín hữu Do Thái: “Có biết khi nào đêm nhường
chỗ cho ngày không?” Sau một hồi nghĩ ngợi, tín hữu nọ mới trả lời: “Thưa thầy,
đêm nhường chỗ cho ngày có lẽ khi người ta nhận ra ánh sáng bình minh đang ló ở
chân trời.” “Không.” “Hay là khi người ta phân biệt được bụi cây với một người chăng?”
Rabbi lắc đầu nói: “Không phải thế, đêm nhường chỗ cho ngày là khi
mỗi người nhận ra gương mặt người khác là một người anh chị em của mình. Bởi vì
cho tới khi nào con người không nhìn ra nhau là anh chị em, thì khi đó, đêm đen
vẫn còn dày đặc trong tâm lòng chúng ta.”
14. Chó mèo cũng không được tha
"Ngay sau khi đã thôn tính gần như toàn bộ Châu Á, Thành Cát
Tư Hãn tiếp tục tính đến các quốc gia vùng Trung Đông.
Để thể hiện ý muốn của mình, ông đã gửi một món quà gồm nhiều châu
báu và mỹ nữ tới Đế quốc Khwarezm, được hộ tống bởi khoảng 500 binh lính.
Tuy nhiên, người Khwarezm tỏ ra không mấy thiện chí với một chủng
tộc “sinh sống trong túp lều”, và họ thẳng thừng từ chối bằng cách hạ sát toàn bộ
những binh lính hộ tống đoàn vận chuyển.
Cho tới lúc này, Thành Cát Tư Hãn vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh, ông
cho người Khwarezm một cơ hội thứ hai khi tiếp tục gửi một sứ giả đến thương lượng
với họ. Và người Khwarezm đã mắc một sai lầm khủng khiếp khi gửi trả Thành Cát Tư
Hãn cái đầu của vị sứ giả đáng thương này.
Để trả thù cho tất cả những nạn nhân xấu số trên, Thành Cát Tư Hãn
đã phát động một cuộc thảm sát với quy mô có lẽ chỉ đứng sau cuộc thế chiến thứ
hai.
Bốn vị tướng xuất sắc nhất, trong đó có Bạt Tốc Đài, cùng với binh
đoàn gồm 200.000 chiến binh thiện chiến đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân có số
lượng lớn gấp năm lần. Toàn bộ đế quốc Khwarezmia bị xóa sổ, với khoảng 4.000.000
người thiệt mạng. Lịch sử mô tả rằng “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng.”
Chưa thỏa mãn cơn giận dữ của mình, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm
chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ
hoàn toàn quốc gia này trên bản đồ thế giới."
15. Giết người đi thì ta ở với ai
Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là
người. Giết người đi thì ta ở với ai? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi.
Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt,
bá nhân bá tánh.
Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho
hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo
thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như
người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng
như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên
mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người,
vẫn giống chúng ta.
16. Sư tử và hoa hồng
Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong
hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến
thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng
có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa
hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè
đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả?
Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và
hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền,
nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu?
Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.
Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết
Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con
được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin
thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.
17. Xét đoán dễ hồ đồ
Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Ngày đầu tiên đến
đất Tề, đói khát, may có người đem biếu ít gạo. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các
môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi là đệ tử Khổng Tử cưng nhất, ở nhà thổi
cơm. Khổng Tử là thầy, nằm đọc sách. Đang đọc, nghe cái “cọc” từ bếp vọng lên. Liếc
nhìn xuống bếp thấy Nhan Hồi lấy đũa xới cơm cho vào tay vắt lại, rồi liếc mắt nhìn
quanh, không thấy ai, Nhan Hồi đưa cơm vào miệng. Khổng Tử thấy hết, nên ngửa mặt
lên trời than: người học trò ta tin tưởng nhất, lại ăn vụng thầy, ăn vụng bạn, đốn
mạt đến thế là cùng. Chao ôi, bao kỳ vọng đặt vào Nhan Hồi, thế là trôi theo mây
khói.
Sau đó, Tử Lộ và nhóm hái
rau từ rừng về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử nằm im đau khổ. Rồi cơm rau dọn
lên, môn sinh chắp tay mời thầy. Khổng Tử ngồi dậy nói:
- Các con ơi, ta đi từ Lỗ
sang Tề, đường xa vạn dặm. Hôm nay, ngày đầu tiên trên đất Tề, thầy nhớ quê hương
đất Lỗ, nhớ đến tổ tiên, thầy muốn dâng bát cơm đầu tiên nhớ đến cha mẹ thầy. Các
con nghĩ có nên không?
Trừ Nhan Hồi, các đệ tử đều đáp, thưa thầy nên. Khổng Tử nói: Nhưng
không biết nồi cơm này có sạch không?
Học trò ngơ ngác không hiểu ý thầy, chỉ trừ Nhan Hồi chắp tay nói:
thưa thầy nồi cơm này không được sạch. Khổng Tử hỏi tại sao? Nhan Hồi đáp:
- Khi cơm chín, con mở vung xem cơm đã thực chín đều chưa, thì một
cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi từ trên rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con cũng
nhanh tay đậy vung, nhưng không kịp. Sau đó, xới cơm bẩn định vất đi… thì con chợt
nghĩ, cơm thì ít, anh em thì đông, bỏ lớp cơm bẩn đi, vô tình bỏ mất một xuất cơm,
anh em phải ăn ít lại, nên con ngưng vất đi và đã mạn phép thầy và anh em con ăn
trước phần cơm bẩn ấy, còn cơm sạch xin để phần thầy và anh em. Như vậy con đã ăn
phần cơm, bây giờ chỉ xin ăn phần rau nữa thôi. Và thưa thầy, vì nồi cơm con đã
ăn trước rồi, nên không nên dùng để cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngửa mặt lên trời mà than: “Chao
ôi, thế ra trên đời có nhiều việc chính mắt ta trông thấy rành rành mà vẫn không
hiểu đúng sự thật. Chao ôi, suýt nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ.”
18. Xin ơn đón nhận người khác
Ai là kẻ thù gần nhất của tôi? Hoàn cảnh thù ghét như thế nào? Tôi
có cách thức cụ thể nào để yêu thương và tha thứ người ấy?
Tôi tập cách nào để không lên án và xét đoán người khác?
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày đón nhận người khác
là điều vượt quá sức con, vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày con không thể nào kính
trọng kẻ khác được, vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, có những ngày mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân
con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con trong những ngày khó khăn đó, xin
hãy nhắc cho con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái Chúa và đừng để con quên
lời Chúa nói: “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta.”
- Trích trong PRIER (Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)
19. Noi gương tha thứ của Chúa Giêsu
Mục sư Martin Luther King kể: Có 1 chú bé da đen tên là Tom, theo
thói quen, vừa tan trường là chạy đi phân phát báo cho các trường để lấy tiền giúp
đỡ gia đình. Hôm ây chú bé bất ngờ mót tiểu quá, thay vì chạy đến một gốc cây, lại
chạy ngay vào nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng. Được vào trong nhà vệ sinh
sạch sẽ, mát mẻ, Tom thấy sung sướng. Bất ngờ Tom nghe có tiếng chân người bước
nhanh đập trên nền nhà đi về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở trong đó, chưa kịp phản
ứng gì thì em đã bị người da trắng vừa mới ập tới, đánh Tom một cái làm em ngã dúi.
Kèm theo với cái đạp lên thân là những lời nguyền rủa thằng bé da đen đã dám vi
phạm luật lệ của bang Alabana Mỹ. Theo đó thì người da đen bị cấm không được bén
mảng đến những nơi dành cho người da trắng, kể cả nhà vệ sinh. Được chứng kiến cảnh
đau lòng trên, ông Martin Luther King khuyên:
"Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi, cháu có thể lựa chọn giữa hai
thái độ, hoặc là cháu nhanh chạy ra khỏi nhà vệ sinh kia nhặt những cục đá lên rồi
liệng vào người da trắng đã hạ nhục cháu, rồi cháu chạy về khu vực của người da
đen và đề nghị với những người da đen như thế này: Một ngày kia, chúng mình sẽ giết
sạch những người da trắng. Nhưng cũng còn một sự lựa chọn khác nữa cao thượng hơn:
đó là cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giêsu ngày xưa, Ngài cũng đã bị người ta xô té
mấy lần trên đường vác thập giá. Nhưng lần nào cũng thế, Ngài cũng chỉ im lặng,
chỗi dậy để tiếp tục đi đến đồi Golgotha. Cháu hãy tha thứ cho người da trắng kia.
Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da
đen Hoa-Kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương
mới làm được việc đó! "
Nguyện xin Chúa cho chúng con biết cầu nguyện và sống tâm tình Kinh
Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy chúng con: "Và tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Amen.
20. Được trong trả bằng đấu đã dằn đã lắc
Một câu chuyện đã làm cho rất nhiều người xúc động trên mạng xã hội,
khi kể về một cậu bé nghèo, có người cha đang bị bệnh, trong hoàn cảnh túng cực,
cậu phải đi ăn xin, thậm chí, cậu đành lấy cắp thức ăn của một quán phở.
Ông chủ quán tốt bụng, khi biết hoàn cảnh rất đáng thương của cậu
bé, ông đã không la mắng hay đánh đập, mà hằng ngày, ông dặn cô con gái của mình
làm cho cậu một tô phở và làm một tô khác để cậu đem về cho cha mình, ông còn mua
thuốc cho cậu đem về cho cha.
Một thời gian rất lâu sau đó, khi ông chủ quán phở đang làm việc,
bỗng nhiên bị đột quỵ, cô con gái liền đưa cha mình vào bệnh viện, bác sĩ cho biết,
để cứu sống cha mình thì phải thực hiện ca mổ ngay lập tức, nhưng phải trả một chi
phí rất lớn cho ca mổ này. Cô con gái chỉ biết khóc, vì lấy đâu ra một số tiền lớn,
bán cả cái tiệm phở cũng không thấm vào đâu.
Đang lúc rất đau buồn, khóc lóc vì thương cha, vì thương cho số phận
nghèo của mình, thì bệnh viện đã báo cho cô biết, có một người đã thanh toán hết
mọi chi phí về ca mổ cho cha cô rồi. Cô không thể tin rằng, vị ân nhân này chính
là cậu bé nghèo năm xưa, giờ đã là một bác sĩ giỏi và thành đạt trong bệnh viện.
21. Theo gương Chúa chịu đóng đinh
Một địa điểm truyền giáo nằm chênh vênh trên sườn núi heo hút nơi
cao nguyên Trung Hoa lục địa. Đó là một điểm truyền giáo của các cha thừa sai Milanô,
nước Italia. Địa điểm truyền giáo này gồm một bệnh xá và một nhà mồ côi dành cho
các em gái do các nữ tu Italia trông coi. Các linh mục thừa sai ít khi có mặt vì
phải thường xuyên đi làm mục vụ ở xa. Do đó, các nữ tu đảm trách mọi việc không
những liên quan tới bệnh nhân và các em mồ côi, nhưng còn nhiều việc khác nữa, như
dạy giáo lý, tổ chức những giờ đọckinh.
Đó là vào năm 1951, khi các thừa sai chưa bị trục xuất khỏi Trung
Hoa. Nghe biết về lòng tốt của các nữ tu nên bệnh nhân nhiều nơi tìm đến bệnh xá
để được các chị khám bệnh và phát thuốc. Riêng các bé gái được đưa tới viện mồ côi
phần lớn chỉ vì cha mẹ quá nghèo không thể nuôi chúng được. Nhưng cũng có một số
em bị bỏ rơi vì những lý do khác. Dù sao ở đây các em được lớn lên trong niềm tin
vào Thiên Chúa quan phòng trong cụ thể dưới sự săn sóc tận tụy của các nữ tu. Ngoài
giờ học chữ và học giáo lý, các em còn được dạy nghề đan, thêu và dệt. Nếp sống
trầm lặng của nhà mồ côi ở nơi hẻo lánh này không khác chi nếp sống của một đan
viện, gồm có học hành, làm việc và cầu nguyện. Mỗi buổi chiều người ta đều nghe
lời kinh vang lên từ cửa miệng các em mồ côi “Lạy Chúa Giêsu bé thơ, con yêu mến
Chúa!”
Nhưng vào một buổi chiều mưa, tại nhà mồ côi bỗng xuất hiện một toán
người đàn ông có vũ trang. Họ đứng nghênh ngang trước mặt các chị, súng cầm trong
tay, miệng quát tháo: “Muốn sống thì đứng im!” Tên chỉ huy ra lệnh cho đàn em trói
các nữ tu lại, cười đắc chí: “Hừ, tốt lắm. Phen này mấy lão Giám Mục phải trả cho
chúng tao một khoản tiền lớn. Nếu không chịu, tao sẽ cắt cổ từng mụ một.”
Khi ấy có người đưa tin bệnh đậu mùa đang lan tràn ở vùng Latan,
sào huyệt của đảng Hắc Long là đảng cướp cạn đã từng giết nhiều người. Tên đầu đảng
bắt đàn em mở các thùng thuốc chúng vừa cướp được. Nhưng chúng thất vọng vì toàn
là thuốc với nhãn hiệu Italia, chẳng ai đọc được!
Khi ấy chị Nga (Natalia), nữ tu trẻ nhất của địa điểm truyền giáo
nói với tên chỉ huy “Tôi là y tá. Tôi biết các tên thuốc và cách dùng” Hắn nhìn
chị Nga với cặp mắt nghi ngờ: “Mụ biết chữa bệnh đậu mùa đen à?” Trước câu hỏi vừa
khiêu khích lại vừa khinh bạt, chị Nga điềm tĩnh trả lời: “Vâng, tôi biết.” Hắn
hỏi tiếp: “Vậy mụ có biết bệnh đậu mùa đen là bệnh giết người không?” Chị Nga trả
lời: “Tôi biết chứ!” Hắn lại hỏi: “Thế mụ dám tình nguyện đến Latan sao?” Chị Nga
dịu dàng trả lời: “Nếu ông muốn, tôi sẵn sàng đến cứu sống dân chúng vùng Latan.”
Hắn liền tươi nét mặt nhưng cũng vẫn ra bộ khinh bạt: “Được rồi, vậy mụ hãy đi theo
cái ông Chúa bị đóng đinh của mụ đi.”
Quả là giây phút cảm động khi chị Nga nhìn từng chị em có thể là
lần chót: “Xin các chị cầu nguyện cho em, chúng ta hẹn gặp nhau trên trời!” Thấy
tay mình còn bị trói, chị Nga nói với bọn cướp: “Xin các ông cởi trói cho tôi chứ!”
Đoàn người rời cứ điểm truyền giáo và xuống núi. Bóng dáng chị Nga
nữ tu cứ xa dần rồi mất hút sau khúc đường dốc dưới nắng chiều của vùng cao nguyên
Trung Quốc.
22. Hãy Nhân Từ Như Cha Các Con Là Đấng Nhân Từ..
Theo tờ báo Christian Digest, một người đàn bà làm việc từ thiện
ở thành phố Luân Đôn gặp một cô gái giang hồ đang nằm la liệt trong một căn phòng
trống, vắng lạnh. Như một người mẹ hiền, người đàn bà có đạo này tận tay chăm sóc
cô gái từng miếng ăn hớp uống, giặt dũ nệm ra, đốt lửa, và làm cho bầu khí của căn
phòng thêm ấm cúng và sáng sủa hơn.
Sau khi thu dọn xong, bà nói với cô gái: "Tôi có thể cùng cô
cầu nguyện không?" Cô gái làng chơi lạnh lùng đáp: "Không! Bà đâu có thương
tôi. Bà làm những việc đó để được về Thiên đàng thôi."
Nhiều ngày trôi qua, người đàn bà vẫn tận tình chăm sóc cô gái, và
lòng cô gái vẫn cứ chát chúa, lạnh lùng. Rồi đến một ngày kia khi sức khỏe cô gái
gần bình phục, bà khẽ nói với cô gái: "Này cô, cô sắp lành bệnh rồi, tôi sẽ
không trở lại đây nữa. Vì là ngày cuối tôi xin phép được hôn cô một lần thôi."
Và rồi đôi môi tinh khiết chỉ biết nói lời dịu ngọt và lời cầu nguyện đã chạm vào
đôi môi bị hoen ố với những lời nguyền rủa và tình yêu bất chính. Và lòng cô gái
đã mềm ra và bị chinh phục bởi lòng thương xót hầu như không bờ bến của người đàn
bà ngoan đạo.
Người đàn bà trên có lẽ đã thực hiện đến mức thượng thặng những lời
khuyên của Chúa Kitô trên đồi xưa: "Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho
những kẻ ghét mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình . . . hãy cho vay
mượn mà không trông báo đền . . . , hãy tha thứ . . . đừng xét đoán, đừng kết án
. . . hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ" (Lc 6:27-38).
23. Cái ôm hôn bình an
Vào ngày 17 tháng 11, 1985, Ronald bị kết án tù chung thân vì tội
hãm hiếp cô Jennifer Thompson. Lúc đó chàng chỉ có 22 cái xuân xanh. Vì tiểu sử
không tốt, một vài tang chứng bất động, và nhất là vì nhân chứng quá quyết liệt
là Jennifer, Ronald đã bị kết án tù chung thân, mặc dù chàng vô tội. Một vài năm
sau, Ronald được tái xử vì cảnh sát đưa ra một số tang chứng nói lên sự trong sạch
của chàng. Nhưng đến khi Thompson lên bục lần thứ hai, đoàn cử tri cùng những mọi
người trong tòa đều cảm thấy sự oán hận của nàng. Và nàng vẫn chỉ thẳng vào mặt
Ronald và khẳng định chàng là hung thủ trong đêm bất hạnh kia. Ronald gục đầu và
ngẹn lời, và chàng bị kết án tù chung thân lần thứ hai.
Trong tù Ronald đọc Thánh Kinh và cố bỏ đi những thói hư tật xấu.
Chàng vẫn không nản lòng. Chàng viết báo và nói cho bất cứ những ai lắng nghe về
sự oan ức của chàng. May mắn cho chàng, Richard Rosen, vị giáo sự dạy luật ở University
of North Carolina, thương cảm cho chàng. Giáo Sư Richard cảm thấy án tù chung thân
của Ronald không ổn vì chỉ dựa trên lời chứng của một người. Giáo sư xin thử tế
bảo DNA của Ronald và Bobby Poole, người bị bắt vì một vụ hiếp dâm khoảng một tiếng
sau vụ hãm hiếp của Thompson. Chứng cớ rành rành: Hung thủ là Bobby' Ronald vô tội
và đã chịu tù cách oan uổng suốt 11 năm trường.
Sau khi biết là Ronald vô tội, Thompson thực ân hận và thốt lên:
"Làm sao để trả lại 11 năm cho Ronald?" Nàng Thompson xin được gặp mặt
Ronald tại một ngôi nhà thờ. Với tất cả nghị lực trong mình, nàng đến gặp Ronald.
Nàng nói: "Tôi thực xin lỗi. Nếu tôi nói lời xin lỗi hằng ngày trong suốt đời
tôi, nó cũng không thể diễn tả được những gì mà tôi đang cảm nghiệm trong tâm hồn."
Ronald nhẹ nhàng và bình tĩnh đáp lại: "Tôi không giận cô. Tôi chưa bao giờ
giận cô. Tôi chỉ muốn cô có một cuộc sống tốt." Hai người hàn huyên khoảng
2 giờ, trước sự ngóng trông hồi hộp của gia đình ở ngoài. Trước sự chứng kiến của
những người thân, và với giòng lệ thứ tha, Ronald và Thompson trao nhau cái ôm bình
an (Nhật báo Kansas City Star, Sept. 24, 2000, A1, A12).
24. Yêu mình là tự sát
Narcisse là một vị thần rất đẹp trai, khiến cho nàng tiên Echo đem
lòng yêu thương say đắm. Thế nhưng, Narcisse không những đã cự tuyệt mối tình say
đắm ấy, mà còn biến nàng thành tượng đá.
Ngày kia, Narcisse đi lang thang, tình cờ chàng đến bên một giòng
suối. Chàng nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt nước và cảm thấy ngất ngây vui
sướng. Chàng cố sức nắm bắt bóng hình ấy, nhưng không tài nào nắm bắt được. Chính
vì thế, chàng sinh ra buồn sầu, ủ rũ và qua đời. Sau khi chết, chàng hóa nên cây
thủy tiên, mọc bên giòng suối.
Bởi đó trong tiếng Pháp, danh từ “narcisse” có nghĩa là kẻ hợm hĩnh
về sắc đẹp của mình, còn danh từ “narcissisme” có nghĩa là lòng tự kiêu quá đáng.
Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều, cũng giống như chàng Narcisse
đáng buồn ấy, bởi vì ai cũng yêu mình thái quá, ai cũng thích khoe rằng mình tài,
mình giỏi, mình đẹp, mình hay… Ai cũng muốn mình là nhân vật số một, mình là “number
one”, mình là trung tâm của thế gian, mình là cái rốn của vũ trụ. Ai cũng thường
nghĩ rằng kẻ khác sinh ra là để phục vụ cho mình và rồi cuối cùng mình sống trong
cô độc và chết trong quạnh hưu, còn bản thân cũng chẳng hóa kiếp thành cánh hoa
thủy tiên mọc bên giòng suối hư vô.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi tình cảnh
đáng thương ấy. Ngài chỉ cho chúng ta phương thức khai thông những bế tắc, bằng
cách tận diệt cái tôi ích kỷ và kiêu căng để đến với tha nhân và yêu thương anh
em đồng loại.
25. Để cho cả hai bớt đau khổ
Tại Newban (Châu Úc), mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các
thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập
tàn nhẫn, toàn thể mình mẩy anh ta bầm tím. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến để
điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh: “Ai đã đánh anh?” thì người thanh niên này
nhất định không chịu trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh
và bỏ ra về. Lúc đó, mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:
- Sao con không khai người đánh đập con với cảnh sát?
- Thưa mẹ, - cậu ta trả lời - nếu con khai ra thì người đó sẽ bị
trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng sẽ không thể làm giảm đi nỗi đau
khổ của chính con!
Có lẽ phải can đảm lắm mới có được cách ứng xử như vậy. Nào có ai
muốn khổ cho mình đâu….Vậy thì đừng làm cho người khác. Ai mà lại không muốn cho
mình được yên hàn bình an, hãy cố mà làm cho người khác như vậy. Đó là điều Chúa
muốn.
26. Tình yêu thì đồng cảm và thương xót
Ông chủ cửa hàng bán thú nuôi mang tấm biển “Tại đây bán chó con”
đóng lên cửa ra vào.
Một cậu bé xuất hiện bên dưới tấm biển hỏi:
- Ông định bán những chú chó con này bao nhiêu ạ?
- Cũng tùy, từ 30 - 50 đô-la, cháu ạ.
Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ:
- Cháu chỉ có 2 đô-la và 37 xu. Ông cho phép cháu ngắm chúng nhé.
Người chủ mỉm cười, huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó lơn tơn chạy ra,
có một con chậm chạp theo sau. Ngay lập tức cậu bé chỉ vào chú chó khập khiễng:
- Con chó nhỏ ấy làm sao thế ạ?
- Bác sĩ bảo rằng xương chậu nó bị khiếm khuyết nên phải khập khiễng,
què quặt suốt đời.
- Đây chính là con chó cháu muốn mua – cậu bé tỏ vẻ rất thích thú.
- Không, ta nghĩ cháu không nên mua nó. Còn nếu cháu thật sự thích
nó thì ta tặng cho cháu đó.
Cậu bé hơi bối rối, nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng, rồi chìa
tay đáp:
- Cháu không muốn được ông tặng. Nó cũng đáng giá như những con chó
khác và cháu sẽ trả đủ tiền cho ông. Đây là 2 đô-la 37 xu và cháu sẽ đưa ông thêm
50 xu mỗi tháng đến khi nào đủ tiền.
- Cháu không nên mua con chó này. Nó không thể chạy nhảy vui đùa
với cháu như những con chó khác – người chủ tỏ vẻ phản đối.
Cậu bé lặng lẽ đưa tay kéo ống quần lên, để lộ chiếc chân trái bị
teo cơ đang được nâng giữ bằng một khung kim loại. Nhìn lên người chủ, nó dịu dàng
nói:
- Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con chó này cần một ai
đó thông cảm với nó ông ạ!
Nhìn lại cuộc đời của Chúa ta thấy Chúa đã không chỉ nói suông nhưng
những điều Ngài dạy thì Ngài đã làm trước.
27. Kẻ nội thù
Không có gì hủy hoại sức con người bằng lòng thù hận: cừu hận là
một hành động tự sát, ghét người cũng có nghĩa là ghét chính bản thân.
Truyện Lã thị Xuân Thu có kể lại như sau: Một người nọ nằm mơ thấy
có người đeo gươm tự dưng đi vào tận nhà mắng chửi, nhổ vào mặt, rồi bỏ đi. Giật
mình tỉnh dậy, anh ta ngồi bực dọc suốt đêm không sao ngủ được. Sáng hôm sau, anh
tâm sự với một người bạn: “Từ thủa nhỏ đến giờ tôi vẫn là người hiếu dũng, chưa
hề bị ai làm nhục, thế mà đêm hôm qua bị đứa nào làm nhục, tôi định tìm cho kỳ được
đứa ấy để trả thù, nếu tìm thấy nó rồi thì tốt, còn không, chắc tôi phải chết mất.”
Từ hôm đó, cùng với người bạn, sáng nào anh cũng ra đứng ngoài đường
để rình. Rình ba ngày mà vẫn không thấy bóng dáng kẻ thù. Cuối cùng, anh ta về nhà
uất cả người lên mà chết.
Câu truyện trên đây có lẽ chỉ là một dụ ngôn để nói lên sức tác hại
của sự hận thù mà con người cưu mang trong tâm hồn. Lòng thù hận chính là kẻ nội
thù nguy hiểm nhất, chỉ có một kẻ thù như thế mới có sức hủy hoại con người.
28. Để nên giống Thiên Chúa
Mội người Ba – Lan đã kể câu chuyện cảm động và người đã chứng tỏ
lòng thương yêu của kẻ thù – là anh ta – như sau: “Tôi đã bị bắt, cảnh sát đã tìm
thấy tôi. Tôi đã giết bà Hammelmann, và tôi cũng bắt luôn bốn người con của bà.
Tôi nhìn thấy họ chết trong vũng máu. Sau khi cảnh sát bắt được tôi, tôi bị đưa
ra tòa. Quan tòa tuyên án: “Anh đã làm một việc vô cùng tàn bạo, anh phải ngồi tù
hai mươi năm.”
Đang khi ở trong tù, tôi có nhận được một lá thư. Đây là một lá thư
hết sức lạ lùng của ông Hammelmann. Ông đã viết lá thư này cho tôi vì ông đã nhận
được tin chánh quyền Polish sẽ không cho phép tôi trở về quê hương của tôi là Ba
– Lan. Ngay cả cánh quyền Đức cũng để nói rằng: “Chúng tôi không muốn anh sống tại
nước Đức.” Bức thư của ông Hammelmann viết: “Tôi tha thứ cho anh về việc anh giết
vợ và bốn con tôi. Tôi cũng đang vận động với chánh quyền Đức để họ cho phép anh
có thể ở trong nhà tôi và tôi sẽ giúp anh sống một đời sống lương thiện.”
Trong thư ông cắt nghĩa: “Tại sao tôi giúp đỡ anh? Tại sao tôi lại
có thể tha thứ cho anh về tội anh tàn sát gia đình tôi? Tôi có thể làm điều này
vì Thiên Chúa đã làm một điều lạ cho tôi. Ngài đã ban cho tôi Thánh Thần của Ngài.
Thánh Thần của Thiên Chúa bây giờ dẫn dắt đời sống tôi và Ngài ban sức cho tôi có
thể tha thứ cho anh.”
Ấy là để chúng ta nên giống như Thiên Chúa, vì đó là ý muốn của Thiên
Chúa trong các hoạt động của Ngài. Chúa khiến mưa xuống trên kẻ lành và kẻ dữ. Chúa
nhân từ đối với kẻ làm vui lòng Ngài mà cũng nhân từ đối với những kẻ làm buồn lòng
Ngài. Tình yêu Thiên Chúa bao bọc thánh nhân cũng như tội nhân. Chúng ta phải noi
gương mẫu tình yêu đó. Nếu chúng ta cũng tìm lợi ích cho kẻ thù nghịch, thì chúng
ta mới thực sự là con cái Thiên Chúa.
29. Hãy cho đi và được cho lại
Một hôm hoàng đế Napoléon đem theo viên sĩ quan cận vệ vào một nhà
hàng nọ, vì không muốn cho ai nhận ra mình là vua, nên Napoléon và viên sĩ quan
cải trang thành thường dân. Sau khi hai người đã ăn xong, chủ nhà hàng đến tính
tiền, tổng cộng số tiền phải trả là 14 quan. Viên sĩ quan mở chiếc cặp xách lấy
tiền, bỗng mặt ông tái mét vì trong cặp không còn một đồng xu nào cả! Thấy thế Napoléon
hiểu ý, ông nói nhỏ với viên sĩ quan: “Đừng lo, để tôi trả cho”, nói rồi ông móc
túi lấy tiền, nhưng sờ túi trên túi dưới, túi trước túi sau, không thấy một đồng
xu nào! Napoléon nhìn viên sĩ quan nháy mắt và nhún tay. Trước tình thế đó viên
sĩ quan nói với bà chủ: “Thực là rủi ro cho chúng tôi là chúng tôi quên đem tiền
theo, xin bà vui lòng cho chúng tôi thiếu, một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ trở lại
thanh toán hết.” Bà chủ nhất định không chịu, và đe rằng nếu hai người không trả
tiền ngay thì bà sẽ kêu cảnh sát can thiệp!
Một anh bồi bàn theo dõi sự việc ngay từ đầu, cảm thông với hai người
khách, nên nói với và chủ: “Quên đem theo tiền đó là điều bình thường xảy ra, vì
thế xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì, theo tôi thì hai ông này là người thật thà,không
có ý lường gạt đâu.” Nhưng bà chủ vẫn không chịu cho hai người kia thiếu tiền, và
cứ nằng nặc đòi kêu cảnh sát. Thấy thế anh bồi bàn móc túi lấy ra 14 quan trao cho
hai người khách và nói: “Đây tôi cho hai ông mượn để thanh toán với bà chủ.” Thế
là nhờ anh bồi bàn, Napoléon và viên sĩ quan mới rời nhà hàng được.
Một lát sau viên sĩ quan trở lại nhà hàng, ông gặp bà chủ và hỏi:
“Bà đã tốn kém bao nhiêu tiền để lập nhà hàng này?” Bà chủ đáp: “Ba mươi ngàn quan.”
Viên sĩ quan mở chiếc cặp xách tay ra lấy 30. 000 quan đặt trên bàn và nói với bà
chủ: “Vâng lệnh ông chủ tôi là hoàng đế Napoléon, xin bà giao lại nhà hàng này cho
anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc chúng tôi kẹt không có tiền.” Đúng
là anh bồi bàn đã sống Lời Đức Giêsu dạy: “Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy
làm điều đó cho người ta trước” (Mt 7,12), và “hãy cho đi, anh em sẽ được cho lại,
người ta sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn đã lắc đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo anh
em” (Lc 6,38).
30. Muốn giết người là giết mình
Họa sĩ nổi tiếng Goya có một bức tranh mang tên: “Đánh nhau bằng
gậy,” diễn tả hai nông dân đang kịch chiến với nhau. Nhìn bức tranh, các sinh viên
cho rằng đấy là đấu tranh để tồn tại.
Sâu sắc hơn, vị giáo sư nghĩ rằng hai nông dân đang tự giết nhau,
không phải do gậy gộc, nhưng do bão cát thổi đến quá đầu gối, đang từ từ chôn vùi
mà họ chẳng quan tâm. Thay vì giúp nhau thoát khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng
khác loài thú dữ: cắn xé nhau.
Thật ra, bức tranh ấy vẫn còn diễn ra hằng ngày: chiến tranh, hận
thù, chia rẽ, ghen ghét và loại trừ. Nền văn hoá sự chết đang ngự trị trong thế
giới hôm nay. Để giúp con người thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sự ác, Đức Giêsu dạy
hãy sống yêu thương, tha thứ những lỗi lầm của nhau. Ngài muốn các Kitô hữu xây
dựng nền văn minh tình thương trong cộng đồng nhân loại: “Các con hãy yêu thương
kẻ thù.”
THỨ HAI - ĐIỀU KIỆN TRỪ QUỶ
Lời Chúa: Mc. 9, 14-29
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ,
Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với
các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến
chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau
đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến
cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu
thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin
các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực.” Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng
lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến
bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta.” Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã
ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như
thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa,
vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp
chúng tôi.” Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ
nào tin, thì mọi sự đều có thể được.” Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên:
"Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi.” Chúa Giêsu
thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta
truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa.” Sau khi kêu
thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến
đám đông nói: "Nó chết rồi.” Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng
lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại
sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không
thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay.”
TRUYỆN KỂ
1. Quỷ vẫn còn ám
Có một người suốt đời chỉ biết chăm lo cho mình, vì thế tuy là
người giàu có nhưng anh cũng là người keo kiệt nhất. Ngày nọ, sau khi dự đám
tang của người thân trở về, anh quyết định đổi mới cuộc sống. Ít lâu sau đó, một
người láng giềng bị cháy sạch nhà cửa, đây là cơ hội tốt để anh học biết cho
đi. Thế nhưng, khi đứng trước kho lẫm, có tiếng nói thầm vào tai anh: "Hãy
cho ít thôi.”
Một lần nữa anh phải chiến đấu với tính keo kiệt của mình, nhưng
lòng quảng đại trong anh đã chiến thắng. Dù vậy, khi người láng giềng cám ơn và
ra về, lòng anh vẫn còn vọng lại dư âm như muốn chế nhạo anh: "Chỉ có người
điên mới làm như vậy, người láng giềng cũng có đôi tay để làm việc, tội gì phải
cho đi như thế, lúc ốm đau thì lấy đâu lo cho thân mình.”
2. Hãy ăn chay và cầu nguyện
Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm
cho xứ đạo được đạo đức, thánh thiện. Thánh nhân trả lời:
- Ngài đã làm gì rồi?
Cha kia đáp:
- Con đã tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực
hiện những cuộc rước kiệu... Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối.
Thánh Vianney hỏi lại:
- Thế cha đã ăn chay cầu nguyện chưa?
Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa.
- Vậy cha hãy về ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn, xứ đạo cha sẽ biến
đổi.
3. Ăn chay và cầu nguyện có thể trừ quỷ
Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em bé:
- Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả?
- Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình,
mình bảo: Có phải đức Giêsu gõ cửa đấy không ạ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó
biến ngay!
Người mạnh nhất không thể một mình chống lại Satan.
4. Sức mạnh của lòng tin
Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của ông chỉ
bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất
nghi ngờ.
Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ
và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói: “Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu
nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ
được tiết lộ nơi nó.”
Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào
trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.
Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân:
"Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh.”
Tướng quân trả lời: "Rất đúng", và cho anh hay rằng đồng
tiền có hai mặt ngửa.
5. Cầu nguyện và đức tin
Quả thật, đức tin và đời sống cầu nguyện dường như là hai yếu tố
không thể tách rời nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện. Lúc cầu nguyện cũng
phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng không
có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy
chẳng bao lâu sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời
cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.
Không gì bất hạnh bằng khi không có niềm tin trong cuộc sống. Thế
nên, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với một phóng viên: “Muốn có đức tin ông phải cầu
nguyện.” Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban
bởi trời.
Đức tin không là kết quả của cuộc tìm kiếm. Triết gia Blaise
Pascal đã có lần nói: “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quỳ gối xuống và cầu
nguyện.”
6. Đại hội Satan
Một tác giả khuyết danh đã viết một câu chuyện thú vị có tên “Đại
hội Satan” (Lm. Phan Quang SDV dịch, nguồn internet) để nói về phương cách cám
dỗ. Mục tiêu Đại hội này nhắm tới là đưa ra kế sách cám dỗ con người thời nay.
Phương án tối ưu được Đại hội nhất trí thông qua là “Phải tìm cách cướp đi thời
giờ của đám đồ đệ Giêsu – Làm thế nào, chúng nó sẽ không còn thời gian để mà thể
nghiệm Giêsu trong cuộc sống của nó nữa.” Điều mà Đại ca Satan muốn các tiểu quỷ
phải làm: Dụ dỗ nó tiêu tiền... để rồi phải bận rộn với các kế hoạch kiếm tiền;
đổ đầy tâm trí tụi nó những tin tức tiêu cực hầu gây kích động, và dùng những
thứ văn hoá đồi trụy để đẩy chúng đến chỗ ăn chơi bạt mạng... Theo nhận định của
Đại ca Satan: “Nếu như chúng nó và Giêsu một khi đã thiết lập quan hệ thì khả
năng chống chế của chúng ta kể như đi đoong. Đến lúc đó, chúng ta sẽ sập tiệm.”
Sự ác đang lan tràn và nhiều người bất lực trong việc chống trả,
kể cả các Kitô hữu. Ngày xưa các Tông đồ cũng đã đương đầu với khó khăn này: “Tại
sao chúng con đây không trừ nổi tên quỷ ấy?” Giải pháp của Chúa là: “Chỉ có cầu
nguyện mới trừ được thôi”
Các Tông đồ không trừ được quỷ, không phải vì quyền năng trước
đó Đức Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ
lại vào sức mình,
7. Hãy cầu nguyện
Có một giai thoại về mẹ Têrêsa Calcutta mà người ta hay kể cho
nhau nghe. Một lần kia, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, mẹ Têrêsa phải
đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông
ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:
- Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao
nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo Hội thì sao?
Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:
- Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm
nhấm tâm hồn ông. Ông không có sự bình an trong tâm hồn.
Lời nói đơn sơ và thành
thực của mẹ Têrêsa như một mũi tên phóng vào tim người đối diện, khiến ông để lộ
sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng
đã ôn tồn nói với ông:
- Tôi nghĩ rằng, ông nên có đức tin.
Trước câu trả lời của mẹ, người phóng viên như cá cắn lưỡi câu.
Hình như có một sức mạnh nào đó đánh động vào tận cõi lòng của ông, nên không một
chút e ngại ông thành thật hỏi mẹ:
- Tôi phải làm gì để có đức tin?
Mẹ Têrêsa đáp:
- Ông hãy cầu nguyện, mẹ Têrêsa dịu dàng nói với ông, và tôi
cũng sẽ cầu nguyện cho ông.
Đức tin - Cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách lìa
nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện - Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin.
8. Hãy cầu nguyện
Người ta kể lại rằng, có một giáo xứ nọ ở đồng quê đang phải trải
qua một cơn nắng hạn lâu dài, đồng ruộng khô cằn, súc vật chết dần chết mòn,
người ta cũng còn bị đe dọa chết đói. Mọi người đến cầu cứu với vị linh mục.
Ngài quả quyết như sau:
- Không gì có thể cứu vãn chúng ta, ngoại trừ cầu nguyện. Tôi đề
nghị mọi người hãy đến nhà thờ đọc kinh cầu mùa để xin Chúa ban mưa xuống.
Nhưng trước khi tập trung ở nhà thờ để cầu nguyện chung với nhau, tôi xin mọi
người trong giáo xứ hãy về nhà ăn chay một tuần và hãy tin tưởng rằng, Chúa sẽ
nhận lời, và sáng Chúa nhật chúng ta sẽ tập trung lại để cầu nguyện.
Sau một tuần ăn chay, tất cả đều tập trung lại để cầu nguyện. Vừa
thấy họ, vị linh mục đã nổi giận: - Anh chị em hãy đi về, tôi sẽ không cầu nguyện
cho trời mưa, bởi vì anh chị em không có lòng tin.
Nghe thế, mọi người đều chống chế:
- Thưa cha, nếu không tin thì chúng con đã không ăn chay suốt một
tuần qua.
Vị linh mục nói lớn:
- Anh em tin ư? Tin, nhưng tại sao anh chị em không mang dù
theo?
Không gì bất hạnh bằng khi không còn niềm tin trong cuộc sống.
Thế nhưng, như mẹ Têrêsa còn nói “Muốn có đức tin, ông phải cầu nguyện.” Người
ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban từ trời.
9. Khôn ngoan đến từ Thiên Chúa
Trong cuốn “Con người không đơn độc”, tác giả A.C.Morrison đưa
ra một thí dụ: đánh dấu mười đồng bạc lẻ từ một đến mười. Đặt chúng vào túi rồi
lắc, sau đó thử lấy ra theo thứ tự từ một đến mười. Khả năng rút được một đồng
là một phần mười. Khả năng rút theo thứ tự từ đồng thứ nhất đến đồng thứ hai là
một phần trăm. Khả năng rút theo thứ tự: đồng thứ nhất, đồng thứ hai và đồng thứ
ba là một phần ngàn. Cứ như thế khả năng rút theo thứ tự từ đồng thứ nhất đến đồng
thứ mười là một phần tỉ.
Thí dụ này cho thấy chỉ duy sự hiện hữu của Đấng khôn ngoan vĩnh
cửu cũng đủ để giải thích sự hiện hữu của vũ trụ chúng ta như thế nào?
Người ấn định con số các
vì sao,
Và đặt tên theo từng ngôi
một.
Chúa chúng ta thật là cao
cả,
Uy lực vô biên, trí tuệ
khôn lường. (Tv 146,4-5)
10. Mọi sự đều tốt
Một truyền thuyết xưa thuật lại rằng sau ngày Thiên Chúa tạo dựng
chim trời và muôn thú, thì muông thú chạy khắp nơi, vui sướng vì mình có bốn
chân. Còn chim trời cũng rảo chạy, nhưng lại tiếc vì mình chỉ có hai chân. Tệ
hơn nữa, chim trời bắt đầu ghen tị, vì muông thú không chỗ lồi ra xấu xí ở
lưng. Chúng cảm thấy bị Thiên Chúa đánh lừa.
Nhưng rồi một chú chim nhỏ bắt đầu làm một thử nghiệm với chỗ lồi
buồn cười ấy. Đột nhiên, nó bay vào không gian. Chỉ khi đó tất cả các loài chim
mới nhận ra Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng đến mức nào.
Tôi giống chim trời như thế nào? Tôi đã khám phá ra điều đó bằng
cách nào? Thiên Chúa có chúc phúc cho tôi nhiều hơn những người mà tôi tưởng là
có quá nhiều hơn tôi không?
Ghen tị chỉ đơn giản và rõ ràng là vì sợ mình không có giá trị
(Jennifer James).
11. Niềm tin giúp mọi sự nên tốt
Lew Miller từ 50 ký sụt xuống còn 40. Anh ta bắt đầu thất vọng về
khả năng hồi phục. Nhưng sau đó anh nhớ lại lời Chúa Giêsu: “Mọi sự đều có thể
đối với người có lòng tin.” Vì thế anh bắt đầu cầu nguyện xin ơn hồi phục, suy
nghĩ xem điều đó có thể xảy ra như thế nào. Anh nói: “Tôi hình dung cơ thể tôi
hồi sinh nhờ Thần Khí ban sự sống. Tôi thấy mình đang đi, đang chạy.” Trước sự
kinh ngạc của các bác sĩ, Lew dần dần hoàn toàn bình phục.
Được hỏi liệu ông có tin vào một quyền năng cao siêu không? Tiến
sĩ Carl Jung nói: “Không thể nói là tôi tin, mà phải nói tôi biết. Tôi đã từng
bị thu hút bởi một cái gì đó mạnh hơn bản thân tôi, cái gì đó mà người ta gọi
là Thiên Chúa.”
Niềm tin mạnh mẽ chiến thắng những con người hùng mạnh và làm
cho con người mạnh mẽ hơn. (Walter Bagehot)
THỨ BA - ĐIỀU KIỆN LÀM NGƯỜI LỚN NHẤT
Lời Chúa: Mc 9, 29-36
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang
qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng:
"Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết,
ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám
hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc
đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh
luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng:
"Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.”
Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng:
"Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp
chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là
đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.”
TRUYỆN KỂ
1. Làm tôi tớ mọi người
Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ
này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ.” Ðây là tinh thần mà
Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến
trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và
làm tôi tớ mọi người.”
Điều đó luôn được thể hiện trong cuộc đời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II. Nhất là ngài đã lặp lại hành động của Chúa Giêsu được diễn tả trong bài
Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu đã ôm lấy một em bé để dạy các môn đệ biết tiếp nhận
những người bé nhỏ nghèo hèn.
Đó là vào ngày 17/9/1987, trong chuyến viếng thăm San Francisco,
Hoa Kỳ, Đức Cố Giáo Hoàng đến thăm tu viện Dolores, nơi chăm sóc các nạn nhân Aids.
Đang bước đi chầm chậm để ban phép lành cho mọi người, ngài bỗng nghe thấy tiếng
đứa bé: “Con chào Đức Thánh Cha.” Quay lại, ngài nhìn thấy một em bé xanh xao gầy
còm đang bò tới bên ngài. Đôi mắt xanh của em bé đang nhỏ lệ. Ngài dừng lại, cúi
xuống bế lấy đứa bé và ôm vào lòng. Đó là bé Brendan, 4 tuổi, nạn nhân của bệnh
Aids. Người ta chụp được bức ảnh ngài đang ôm đứa bé vào lòng. Và người ta đã bày
tỏ cảm nghĩ: “Đức Thánh Cha muốn chứng tỏ trước hết rằng: khi giúp đỡ một người
đau khổ, việc đầu tiên là hãy ôm lấy họ.” Hai năm sau, em bé Brendan đã qua đời.
Nhưng có lẽ em rất hạnh phúc vì đã được ở trong vòng tay yêu thương của vị đại diện
Đức Kitô ở trần gian.
2. Sợ quan hơn sợ cọp
Khổng Tử đi ngang qua núi Thái thì gặp một phụ nữ đang khóc lóc thảm
thiết bên mộ con. Thầy đến hỏi lý do tại sao bà ta khóc, thì được cho biết là bà
khóc cho con, cho chồng và cho cả cha chồng đã bị cọp ở núi Thái bắt ăn thịt.
Khổng Tử bèn hỏi tại sao gia đình không dọn đi nơi khác, thì được
bà thổ lộ là: “Ở đây không có hà chính” (hà chính ám chỉ sách lược quốc trị hà khắc,
quan lại lộng quyền làm khổ dân chúng). Khổng Tử quay sang học trò và nói: “Hà chính
mãnh ư hổ giã” (có nghĩa là sách lược quốc trị hà khắc còn ghê gớm hơn cọp). Bởi
vì gia đình của người phụ nữ tránh chính sách làm khổ dân của vua quan đến lánh
trong rừng thiêng nước độc chấp nhận ngay cả nguy hiểm với cọp dữ và cái chết.
3. Giá trị trước cái chết
Bác sĩ Elizabeth Couplaros là giáo sư về môn tâm lý trị liệu tại
đại học Chicago, Hoa kỳ. Một trong những tác phẩm bán chạy nhất của bà có tựa đề
“Sự chết và Chết.”
Cuốn sách ghi lại sự phỏng vấn của tác giả với hàng trăm người đã
từng bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng bỗng dưng sống lại. Có thể nói người chết
sống lại này đều cho biết rằng trong khoảnh khắc mà bác sĩ gọi là chết ấy họ như
sống lại cả quãng đời của họ, cứ như thế họ xem lại cuốn phim về cuộc đời của họ.
Khoảnh khắc ấy có nghĩa gì không?
Bác sĩ Couplaros đã nhận định như sau: “Khi bạn trải qua khoảnh khắc
ấy, bạn chỉ thấy có hai điều quan trọng trong cuộc đời, một là bạn đã phục vụ; hai
là bạn sống yêu thương, còn tất cả những điều mà chúng ta xem trọng như danh tiếng,
tiền của, uy tín và quyền lực đều vô nghĩa.”
4. Cần tinh thần phục vụ.
Những thuộc viên cao cấp của Bà-la-môn ở Ấn Độ không bao giờ cúi
xuống làm việc của người đầy tớ. Vì thế Shirman Naraayan sốc làm sao khi ông được
giao nhiệm vụ mà ông thấy như mình bị hạ thấp khi ông dành thời gian làm tại trung
tâm Grandhi (là một trung tâm tĩnh tâm của người Hindu).
Tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Kinh Tế Luân Đôn, chàng thanh niên
này đã đến tìm hướng đi cho tương lai. Chàng không biết rằng mọi người tại trung
tâm này đều được giao nhiệm vụ cụ thể, và Shirman phải chùi nhà vệ sinh. Thấy bị
xúc phạm ghê gớm, anh đi thẳng đến chỗ Grandhi và phàn nàn: “Tôi có bằng tiến sĩ.
Tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn, tại sao lại bắt tôi phải phí thời gian
và tài năng vào việc lau chùi phòng vệ sinh vậy”? Grandhi trả lời: “Tôi biết anh
có thể làm được nhiều việc lớn, nhưng tôi cũng phải xem thử anh có đủ năng lực để
làm những việc nhỏ không đã.”
Có thể bạn đủ năng lực để phục vụ Chúa một cách đặc biệt. Qua nền
giao dục bạn hấp thụ và ân tứ bạn có được, có thể bạn có khả năng làm những công
việc lớn lao và hiệu quả. Nhưng bạn có sẵn lòng khiêm nhường làm những việc của
đầy tớ nếu Chúa giao công việc đó cho bạn không? Bạn có sẵn lòng lau chùi nhà vệ
sinh hay rửa chân cho người khác không (Ga 13,14-15)? Đó mới thật sự là điều một
môn đệ vâng lời cần làm.
5. Nước Trời thuộc về người nhỏ bé
Một người mơ thấy rằng: Trong ngày cánh chung, Chúa Giêsu đứng trước
cửa Trời đón người công chính vào Thiên Đàng,lúc ấy ai cũng muốn vào trước, nhưng
không ai dám tranh với những vị có chức quyền. Lúc ấy một vị đội mũ cà cuống, tay
cầm gậy rồng, mặc áo vua tiến đến trước mặt Chúa,
Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ con là Giáo hoàng.
- Giáo hoàng ư? Đứng ra bên cạnh tính sau.
Một người khác mặc veston, đi giày tây, oai phong lẫm liệt đến trình
diện. Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ, con là Tổng thống Mỹ ạ.
- Tổng thống Mỹ à, đứng sang bên, chờ xét.
……
Cuối cùng một cụ già khòm lưng chống gậy đến trình diện. Chúa hỏi
- Ngươi là ai?
- Dạ, thưa là con nít ạ.
- Con nít à, vô con vô con, lẹ lên!
6. Teresa Calcutta và Diana
Năm 1997 là năm của hai người phụ nữ nổi tiếng thế giới. Đó là Mẹ
Têrêxa Calcutta và Công nương Diana. Vào ngày 05/9/1997, Mẹ Têrêxa đã qua đời tại
Calcutta, Ấn Độ. Cả thế giới đã xúc động trước cái chết của Mẹ. Và trước đó một
tuần, Công nương Diana của nước Anh đã qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc
tại nước Pháp. Thế giới cũng xôn xao về cái chết của vị công nương lừng danh này.
Trong thời gian đó, một số tờ báo trên thế giới đã đăng một tấm hình
đầy ý nghĩa về hai người phụ nữ được nhiều người biết đến này. Đó là tấm hình chụp
Mẹ Têrêxa đứng bên cạnh Công nương Diana trong một lần hai người đi làm việc từ
thiện. Đó là một hình ảnh hoàn toàn tương phản nhau. Công nương Diana cao lớn, xinh
đẹp và quý phái, đứng bên cạnh Mẹ Têrêxa thấp bé, xấu xí và hèn kém.
Tuy nhiên, ở nơi Mẹ Têrêxa, một người nhỏ bé và hèn mọn, người ta
đã tìm thấy một cái gì đó thật lớn lao và vĩ đại. Mẹ Têrêxa tuy là “người bé nhất”
nhưng thật ra lại là “người lớn nhất.” Bởi vì Mẹ đã thực hiện lời Chúa Giêsu dạy
trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay: “Ai muốn làm lớn nhất, hãy tự làm người
rốt hết và làm đầy tớ mọi người.”
7. Bởi đâu mà cãi cọ và cạnh tranh
Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền, đẻ một lứa ba con, hai con
đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ
cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau
cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay lòng người dễ thay đổi. Mắt đã mờ vì kẻ
khác giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét
thì đến con ruột đẻ ra cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu
với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau, kiên cố
tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi
tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức,
gớm thay! Lòng người đổi thay, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.” (Cổ học tinh hoa)
Đó không phải là chuyện hoang đường hay chuyện ngày xưa, mà là chuyện
cũng có thể tận mắt thấy được trong bản tin thế giới hay mục thời sự hằng ngày:
“Bởi đâu Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này:
tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn
mà không được hưởng nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện,
nên anh em cạnh tranh và cãi cọ.” (Gc 4,1-2).
8. Chỉ cần mỉm cười
Mẹ Têrêxa Calcutta, vị thánh của thời hiện đại được nhiều người kính
phục, cũng không làm gì khác hơn là sống triệt để lời dạy xa xưa của Đức Kitô.
Một số người tới Calcutta, trước khi ra về đã hỏi xin Mẹ dạy cho
họ một điều có thể giúp họ sống tốt hơn. Mẹ đã nói với họ: “Hãy mỉm cười với nhau;
hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình, và mỉm cười với người
khác, bất luận là ai. Điều đó sẽ giúp bạn thấy tình yêu thương lớn lên.”
Chúa là tình yêu, mà nụ cười là công cụ tuyệt vời của tình yêu và
là thước đo tình yêu đặt trong tầm tay mọi người.
“Tôi có thể mỉm cười với hết mọi người không?”
9. Sự thật và ảo tưởng
Trong trận phản công quân Đức, Bộ tham mưu đồng minh qua vùng Ardennes
vào một buổi sáng mùa đông, tuyết phủ đầy đường, tới một khúc quanh, chính bộ tham
mưu phải bỏ quân phục xuống thu dọn tuyết cho xe đi qua. Một quân nhân lùn, béo
làm việc rất hăng. Bỗng người ta thấy một sĩ quan (sĩ quan chỉ huy miền đó) đi tới,
dáng điệu trịch thượng và hỏi quân nhân có thân hình mập và lùn, đang hăng hái xúc
tuyết: “Các anh ở đâu đến, và làm gì ở đây?” Quân nhân này hỏi lại: “Còn anh, anh
là ai? Anh đang ở đâu, khi những người này làm việc?” Sĩ quan kia trả lời: “Tôi
hả, tôi ở trên xe, tôi là đại úy mà!” Quân nhân này nói: “Còn tôi, tôi là thống
tướng Model, tôi cần nói cho anh biết: từ nay anh không còn là sĩ quan nữa, anh
bị giáng chức xuống làm binh nhì.”
10. Cám ơn cho món quà
Thánh Clêmentê đi xin của bố thí để giúp đỡ một cô nhi viện, Gặp
một người giầu đang thua bạc, cáu kỉnh nhổ ngay nước miếng vào mặt thánh nhân. Nhưng
thánh Clêmentê bình tĩnh lấy khăn tay lau mặt là ôn tồn nói: “Đây là quà ông tặng
tôi, xin cảm ơn ông, còn quà cho cô nhi đâu?”
Người kia cảm động về đức khiêm nhượng của thánh nhân, và đã cho
thánh nhân một số tiền lớn.
11. Được Đức Mẹ chọn
Thánh nữ Bernadette sinh năm 1844 tại Lộ Đức và mất năm 1879 tại
Nervers. Lộ Đức trước năm 1888 chỉ là một miền sơn cước, heo hút, ít ai biết tới,
tuy gần đó có thắng cảnh Peau. Nhưng do 18 lần Đức Mẹ hiện ra với Bernadette kể
từ ngày 11-2-1888, thì Lộ Đức trở thành phồn thịnh. Có những ngày, số người hành
hương tới hơn nửa triệu. Ngôi vương cung thánh đường ba tầng được xây cất trên sườn
núi, sát gần hang Massabielle nơi Đức Mẹ hiện ra với Bernadette. Do việc Đức Mẹ
hiện ra và do nhiều bệnh nhân được chữa khỏi một cách lạ lùng nơi suối nước Đức
Mẹ đã chỉ cho Bernadette mà ngày nay Lộ đức đã trở thành khu du lịch và hành hương
đông nhất thế giới vào những tháng hè. Thế, nhưng khi Lộ Đức bắt đầu nổi danh, thì
cô gái quê Bernadette lại đi sống ẩn dật tại tu viện nữ tu bác ái (Soeurs de la
Charité et de l’Instruction chrétienne) ở Nevers và không hề biết tới Lộ Đức cho
tới lúc tắt thở.
Bernadette có ghi trong sổ tay năm 1874: “Ơn quan trọng nhất phải
cầu xin là: biết mỗi ngày mỗi sống thầm lặng, ẩn dật theo gương Chúa Giêsu và Mẹ
Maria.” Người ta cũng đọc thấy trong sổ tay của cô ghi năm 1878: “Tôi cố gắng tìm
hạnh phúc qua việc sống thầm lặng, quên mình, và đừng ai biết đến tôi, để tôi chỉ
sống với Chúa.”
Khi bà giám đốc viện mồ côi Cahors hỏi cô có bao giờ thích thú về
việc người ta biết tên tuổi của cô không? Thì cô đã trả lời: “Sở dĩ Đức Mẹ chọn
con để hiện ra với con, là vì con là đứa ngu dốt nhất. Nếu có người nào ngu dốt
hơn con, thì chắc Đức Mẹ đã chọn người ấy.”
12. Cái chổi để ở đâu
Biết bao lần, các nữ tu sống với Bernadette, gợi truyện, nhắc tới
việc Đức Mẹ hiện ra, thì Bernadette đã khôn khéo lẩn tránh, không bao giờ đề cập
tới một chi tiết nào trong việc Đức Mẹ hiện ra. Một hôm, hai nữ tu từ Lộ đức về
Nevers, đưa cho Bernadette coi mấy bức ảnh chụp quanh cảnh náo nhiệt tại hang Massabielle,
Lộ Đức, mong Bernadette kể lại truyện Đức Mẹ hiện ra, nhưng khi coi xong những ảnh
đó, Bernadette chỉ nói: “Sao mà những cây dương liễu chóng cao thế!” rồi bỏ đi thẳng.
Vào năm 1876, nữ tu Philippine Molinéri đưa cho Bernadette coi một
bức ảnh chụp quang cảnh Lộ đức hy vọng Bernadette nhắc tới việc Đức mẹ hiện ra,
nhưng Bernadette đột nhiên hỏi: “Người ta dùng cây chổi để làm gì nhỉ?”
Nữ tu Molinéri trả lời: “Thì để quét nhà chứ còn làm gì nữa.”
Bernadette lại hỏi: “Nhưng quét xong thì làm gì?”
Molinéri đáp: “Người ta quăng nó vào xó nhà.”
Bernadette tiếp lời: “Cuộc đời của em là thế đó. Đức Mẹ đã dùng em
và rồi em đã được quăng vào xó nhà.”
13. Khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường
Cầm lấy trang giấy, thánh
Phanxicô Salesiô viết ở đầu giữa trang và cuối trang vỏn vẹn có chữ: khiêm nhường,
khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường.
14. Khách hàng là số một
Một ông chủ cửa hàng nọ viết ra “tín điều” này và phát cho mỗi nhân
viên một bản sao: “Khách hàng là người quan trọng nhất trong kinh doanh. Khách hàng
không lệ thuộc chúng ta, nhưng chúng ta lệ thuộc khách hàng. Khách hàng không bao
giờ ngăn trở công việc chúng ta, nhưng là mục đích công việc chúng ta. Khách hàng
ban cho chúng ta một ân huệ khi ghé đến cửa hàng chúng ta, nhưng chúng ta không
làm ơn cho họ khi phục vụ tận tình. Khách hàng không chỉ là tiền bạc nơi thâu tiền,
nhưng là con người có cảm xúc và đáng được đối xử cách kính trọng. Khách hàng là
huyết mạch của công việc kinh doanh, đừng bao giờ quên điều đó.”
Điều gì đã làm tôi quên đi lời Chúa Giêsu: “Ai muốn làm người đứng
đầu, phải làm người phục vụ mọi người”?
Chúa Giêsu nói: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi
xử sự với người đồng loại” (Lc 16, 8)
15. Trước hết là tình yêu
Có một vị tu sĩ già, đã nhiều năm cầu nguyện xin Chúa hiện ra để
củng cố niềm tin của mình, nhưng điều đó lại chẳng bao giờ xảy ra. Thế rồi, khi
ông hoàn toàn tuyệt vọng, thì một ngày nọ Chúa lại hiện ra với ông. Vị tu sĩ già
vui mừng hớn hở.
Tuy nhiên, giữa lúc ông đang tâm sự với Chúa thì một hồi chuông vang
lên báo hiệu giờ phát gạo cho những người nghèo và hôm nay lại chính là phiên trực
của ông. Nếu ông không đến thì những kẻ nghèo khổ kia sẽ bị đói suốt cả một ngày.
Ông bị giằng co giữa Chúa và đám dân nghèo. Cuối cùng ông đã quyết định tạm ngưng
cuộc gặp gỡ với Chúa để đi phát gạo cho đám dân túng cực.
Sau hơn một tiếng đồng hồ làm việc, ông trở về phòng và khi mở cửa,
ông không thể nào tin vào mắt mình, bởi vì Chúa đang ở đó và chờ ông. Thế là ông
quỳ gối xuống và cảm tạ Ngài. Bấy giờ Chúa nói với ông:
- Giả như con không chịu đi phát cơm gạo cho đám dân nghèo thì Ta
cũng chẳng ở lại đây chờ con đâu.
16. Đầy Tớ Của Mọi Người
Bác sĩ Charles Mayo cùng với cha và người em xây dựng bệnh viện Mayo
nổi tiếng trên thế giới tại Rochester thuộc bang Minnnesota. Một lần có phái đoàn
chuyên viên y khoa từ Âu Châu được mời đến nhà bác sĩ Charles Mayo. Theo tục lệ
ở đó, khách sẽ để giầy ở ngoài cửa phòng ngủ để ban đêm có người đánh bóng.
Bác sĩ Charles Mayo về sau cùng. Khi về phòng, ông thấy các đôi giầy
để đó và đã quá khuya, ông không muốn đánh thức người giúp việc. Ông thở dài, rồi
đem các đôi giầy xuống bếp, tự tay ông, thức hết nửa đêm để đánh bóng các đôi giầy
của khách.
Đây là một tấm gương Chúa Giêsu nói với bạn và tôi trong Tin Mừng
hôm nay: “Nếu ai muốn làm lớn, phải nên kẻ hèn nhất và làm đầy tớ cho mọi người.”
Cũng như các Tông đồ chúng ta thường tranh luận ai trong chúng ta là người lớn nhất.
Đức Kitô trả lời chúng ta: “Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người.” Bác sĩ
Charles Mayo là một trong những bác sĩ nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng ông đã
đánh giầy cho khách của ông.
17. “Bởi đâu có xung đột giữa anh em?”
Một giáo sư tâm lý hỏi các sinh viên, “Tại sao khi cãi nhau người
ta hét to?” Một người trả lời, “Bởi họ mất bình tĩnh!”; ông lại hỏi, “Tại sao họ
phải hét lên khi đứng cạnh nhau?” Không ai trả lời thoả mãn; cuối cùng, giáo sư
giải thích, “Khi xung đột, trái tim của họ xa nhau!” “Với người yêu nhau, họ nói
rất nhỏ, vì tim họ gần nhau”; “Khi tình yêu nồng nàn hơn, họ thì thầm. Và cuối cùng,
đến một lúc, họ chỉ cần nhìn nhau mà không cần nói gì!”
Thật thú vị đến bất ngờ khi cả hai bài đọc hôm nay có chung một chủ
đề: ‘Xung đột!’.
Thánh Giacôbê nói, “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa
anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong
con người anh em đó sao?” - bài đọc một. Tin Mừng cho thấy, ngoài việc chậm hiểu,
chậm tin, các môn đệ còn có một điểm yếu khác là ‘xung đột’ nhau. Hôm nay, họ xung
đột nhau để xem ai là người lớn nhất. Thật tệ, họ xung đột nhau ngoài đường; và
tệ hơn, họ xung đột ngay sau khi Chúa Giêsu - Thầy của họ - loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trong bối cảnh Thầy trò lên Giêrusalem, việc
họ lớn tiếng với nhau mà Ngài nghe được hẳn sẽ làm Ngài quặn lòng.
Và Chúa Giêsu - quả là một bậc thầy - điềm đạm đợi khi về tới nhà,
Ngài mới gọi các ‘lãnh đạo tương lai’ của Giáo Hội đến, tiết lộ cho họ bài học của
con tim, bài học của đôi tay, bài học của sự cúi xuống một khi phải quản trị cộng
đoàn, “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục
vụ mọi người!” Và Ngài đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng bằng cách ôm lấy một em
bé để cho các môn đệ thấy ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Trời. Một em bé
có thể dạy chúng ta điều gì về sự vĩ đại? Trẻ em trong thế giới cổ đại ở “dưới cùng
của bậc thang xã hội” và phải phục vụ cha mẹ như những người giúp việc.
Chúa Giêsu là mẫu mực của chúng ta. Ngài là “em bé dưới cùng của
bậc thang xã hội.” Ngài đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ; tự bỏ mình,
mặc thân tôi tớ đến nỗi chết trên thập giá, mang lấy bản án thấp hèn nhất của con
người để nâng chúng ta lên, mặc cho chúng ta phẩm tính thần linh của Ngài.
“Bởi đâu có xung đột giữa anh em?” Có xung đột vì ai cũng đặt quyền
lợi của mình trên quyền lợi của người khác. Gioan Maria Vianney nói, “Mỗi lần chúng
ta đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, miễn là điều này không
trái Luật Chúa, chúng ta đang đạt được những công đức mà chỉ có Chúa mới biết.”
Augustinô thì nói, “Hãy quan sát một cái cây, lúc đầu nó có xu thế hướng xuống dưới,
rồi sau đó vươn lên cao. Nó cắm rễ sâu vào lòng đất để có thể vươn lên trời. Bạn
muốn vươn lên không mà chẳng có gốc rễ? Đó không phải là sự phát triển mà là sự
sụp đổ!” Chúng ta chỉ bước theo Chúa Giêsu sau Thập Giá và sự Phục Sinh của Ngài.
Bên cạnh đó, đồng hành với Trinh Nữ Maria, bạn và tôi sẽ ngày càng trở nên nhỏ bé
để Chúa Giêsu lớn lên trong mình và trong thế giới.
“Lạy Chúa, xin cất khỏi con
những xung đột, vì tim con sẽ xa rời tim anh chị em con; và một ngày nào đó, khi
khoảng cách trở nên quá lớn, nó sẽ không tìm thấy đường về!”, Amen. (Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
THỨ TƯ - CỘNG TÁC TRONG THIỆN CHÍ
Lời Chúa: Mc 9, 37-39
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con
thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn
cấm y.”
Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể
nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối
các con, là ủng hộ các con.”
TRUYỆN KỂ
1. Cộng tác với nhau
Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm
nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân
công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ
sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.
Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng
thành thật nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực
hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân
danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn
cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: "Ðừng ngăn cấm người ta... Quả thật, ai không
chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
2. Ai là người thuộc nhóm chúng ta?
Người ta thường so sánh khả năng làm việc nhóm giữa người Việt Nam
và người Nhật Bản, kết quả như sau:
Cùng một công việc, một người Việt và một người Nhật, người Việt
hơn hẳn người Nhật.
Hai người Việt làm việc với nhau và hai người Nhật làm với nhau,
kết quả bằng nhau.
Ba người Việt làm việc chung và ba người Nhật làm việc chung, thì
ba người Nhật hơn hẳn về chất lượng cũng như tinh thần cộng tác.
Tại sao vậy? Thưa không phải người Việt không nhận ra khả năng của
nhau! Cả người Việt và Nhật đều nhận ra khả năng của người đối diện. Tuy nhiên,
về sự trân trọng tài năng và sử dụng chất xám trong khi làm việc chung thì người
Nhật bỏ xa chúng ta!
Đây cũng chính là tâm trạng, thái độ của các môn đệ khi thấy người
khác làm việc tốt hơn mình, nhưng chỉ vì họ không thuộc về nhóm của các ông, nên
các ông tìm cách ngăn cấm họ.
3. Phép thử lòng người
Ngụ ngôn Ấn Độ có kể truyện thần Krisna một hôm muốn thử lòng các
vua trên trần gian.
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến:
"Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt.” Duriana
đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: "Lạy Ngài, con không thể gặp
được một con người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn.”
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra
và ra lệnh ngược lại: "Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa.”
Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: "Lạy Ngài con xin chịu
tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người
thực sự xấu xa thì con không gặp, vì cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt.”Một
hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến:
"Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt.” Duriana
đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: "Lạy Ngài, con không thể gặp
được một con người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn.”
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra
và ra lệnh ngược lại: "Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa.”
Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: "Lạy Ngài con xin chịu
tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người
thực sự xấu xa thì con không gặp, vì cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt.”
4. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Người ta kể lại: hôm ấy một bác nông phu nọ đang cày ruộng, tình
cờ có một người khách qua đường dừng lại hỏi.
- Thưa bác, người dân làng trước mặt tôi đây là người thế nào?
Không buồn dừng tay cày, cũng chẳng cần phải ngoảnh mặt lên nhìn
người khách lạ, bác nông phu trả lời bằng một câu hỏi khác.
- Thế thì làng vừa đi qua ông đã gặp thấy những người như thế nào?
Người khách lạ vừa bâng quơ chỉ chỏ, vừa trả lời.
- Ôi thôi, toàn những người độc ác, ích kỷ, vô lương tâm.
Bấy giờ, bác nông phu mới dừng tay cày ngước mắt lên nhìn người khách
lạ và nói.
- Rất tiếc, tôi cũng phải nói với ông rằng: những người trong làng
trước mặt ông đây cũng y như thế thôi. Ông sẽ khám phá ra rằng, họ cũng là những
người giống y như những người trong làng ông vừa mới đi qua.
Nghe vậy, người khách lạ bực mình phóng ngựa ra đi. Xế chiều hôm
ấy, một người khách lạ khác cũng đi ngang qua lối ấy, thấy bác nông phu cày ruộng
đang chuẩn bị ra về, khách qua đường dừng chân lịch sự hỏi: - Những người dân sống
trong làng gần đây thế nào?
Bác nông phu cũng đáp lại bằng một câu hỏi y như bác đã hỏi người
khách lạ ban sáng.
- Những người trong làng ông vừa đi qua thế nào?
Người khách lạ vui vẻ đáp:
- Họ thực là những người tốt lành, niềm nở, hiếu khách, tôi rất tiếc
là phải sớm từ giã họ.
Bác nông phu liền bỏ cày, bỏ cuốc, tiến lại gần người khách qua đường
vừa bắt tay vừa nói:
-Tôi rất mừng vì những người ông đã gặp, ước chi ông sẽ gặp được
những người như thế trong làng gần đây.
Khách qua đường thứ hai mỉm cười, lại vẫy tay chào bác nông phu rồi
ra đi tiếp vào làng.
5. Tái ông thất mã
Ngày xưa có một ông lão sống ở biên giới phía Bắc Trung Quốc giáp
với nước Hồ (tái ông). Ông có nuôi một con ngựa. Một hôm, ngựa của ông bỏ chạy sang
địa phận nước Hồ, mọi người xung quanh đều đến chia buồn với ông, nhưng ông lại
bảo:
- Biết đâu lại có chuyện tốt đến.
Không lâu sau con ngựa của ông trở về và còn dẫn theo một con ngựa
cao lớn, mạnh mẽ của nước Hồ. Mọi người đến chúc mừng ông, nhưng ông lại nói:
- Có lẽ nó sẽ dẫn đến tai họa cũng nên.
Quả nhiên, con trai ông lão vốn rất thích cưỡi ngựa nên đã cưỡi con
ngựa to khỏe nước Hồ,cuối cùng bị ngã gãy xương và bị que chân. Lúc này hàng xóm
lại rối rít đến thăm nom, nhưng ông lại nói rằng:
- Biết đâu nhờ họa mà lại được phúc.
Một năm sau, quân Hồ tràn sang gây chiến tranh và những người trẻ
tuổi trong vùng hầu như đều chết trận. Thế nhưng con trai ông lão vì què chân nên
được miễn đi lính và cuối cùng may mắn thoát chết.
6. Chúa xem bóng đá
Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de
Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:
Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận
túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin
Lành và một đội Công Giáo.
Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô
và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu
cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu.
Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào
vậy?” Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: "Tôi
hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi.”
Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực
bội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: "Hắn là một tên vô thần.”
Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình
tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: "Thưa Chúa, những con người
có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ
và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác.”
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: "Ðó là lý do tại sao
ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo.
Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn
giáo đã treo Ta lên thập giá.”
THỨ NĂM - QUYẾT LIỆT THEO CHÚA
Lời Chúa: Mc 9, 41–50
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con
(uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó
sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những
kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển
thì hơn.
"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con
mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục,
trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi:
thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném
xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn
một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục,
nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp
bằng lửa.
"Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp
nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau.”
TRUYỆN KỂ
1. Vất bỏ khối nam châm
Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng
nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển
không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu
chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền
trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà
cứu sống cả con tàu.
2. Chạm tay trước
Xét ra Lời Chúa hôm nay cũng không xa thực tế lắm. Có người chỉ vì
lòng tham của cải chứ không phải vì Nước trời mà đã dám hy sinh một phần thân thể.
Họ dám hy sinh cái nhỏ để chiếm được cái lớn.
Đó là ông O’Neil, nhà thám hiểm đã tìm ra đất Ái Nhĩ Lan. Khi nhóm
thám hiểm đến gần phần đất mới, vị thuyền trưởng tuyên bố: “Hễ ai chạm tay trước
hết vào phần đất trên bờ thì người ấy làm chủ phần đất ấy.” Ông O’Neil quyết tâm
chiếm cho bằng được. Ông chèo một chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Nhận thấy có kẻ khác
vượt lên trên mình, ông quyết định lấy rìu chặt đứt cánh tay trái và liệng vào bờ,
chạm đất trước hết, thắng cuộc.
3. Ấn tượng xấu để lại
Trên một chuyến xe lửa, cha Bernard Vogan gặp một hành khách ăn nói
rất ư tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười
khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không
hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống.
Cha Vogan thò đầu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái
gì đây này.” Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu?” Cha Vogan
nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách
trong toa.” Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.
4. Thuê tài xế lái xe
Có một người giàu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê
một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân
tài xế đó.
Người giàu nói: “Tôi không muốn có một tai nạn nào xảy ra trong khi
các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến
mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống.”
Người tài xế thứ nhất tự nhủ: “Cái đó thì dễ ợt.” Ông ngồi bẻ tay
lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc.
Người thứ hai thầm bảo: “Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc.” Ông
này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc.
Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất hung, kết quả ông lái cách
hào những một mét.
Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giàu lại
bảo bác tài xế thứ ba rằng: “Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người
tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá.
5. Làm cho người bé mọn
- Nếu có ai cho tôi một triệu
Mỹ kim, tôi cũng không đủ can đảm làm những việc ghê tởm như vậy.
Mẹ trả lời: “Tôi không làm
vì tiền bạc. Tôi làm vì tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa đau khổ nơi anh chị em
tôi.”
6. Cho người khát uống
Một nhà truyền giáo kể lại một câu chuyện đẹp sau đây:
Một chị giáo viên vừa dạy các học sinh cấp I người Phi Châu về việc
nhân danh Chúa Giêsu mà cho người ta một chén nước lạnh. Hôm ấy, chị đang ngồi trước
hiên nhà, thì thấy một đám phu khuân vác người bản xứ đi vào làng. Họ vác những
kiện hàng thật nặng. Ai nấy đều mỏi mệt, khát nước và ngồi bệt xuống đất để nghỉ
ngơi. Họ là người của bộ tộc khác, và nếu họ xin nước nơi những người thường dân
không theo Kitô giáo, thì họ sẽ được trả lời ngay: hãy tự đi tìm lấy mà uống, vì
có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi và các anh. Thế nhưng, đang khi những
người mệt mỏi kia ngồi đó và chị đang nhìn họ, thì có một nhóm em gái nhỏ người
Phi Châu từ trường học đi ra, mỗi em đội trên đầu một vò nước. Cả bọn đều rụt rè,
sợ sệt. Các em tiến đến gần những người phu khuân vác đang mệt mỏi nọ và quì xuống,
đưa các vò nước cho họ. Những người khuân vác kia ngạc nhiên, đưa tay nhận lấy và
uống ngon lành rồi sau đó trả vò lại. Các bé vội vàng chạy đến cô giáo và nói:
- Chúng em vừa nhân danh Chúa Giêsu cho những người khát uống.
Các bé gái đã tiếp nhận lời dạy dỗ ấy theo nghĩa đen của nó. Ước
gì cũng có nhiều người làm như vậy. Chính những việc làm đơn sơ tỏ ra lòng tử tế
là những việc hết sức cần thiết
7. Tội thì đáng thương, địp tội thì đáng ghét
O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về chuyện ngắn đã sáng tác câu chuyện
về một em bé gái mồ côi mẹ như thế này:
Cha cô bé có thói quen mỗi khi đi làm về là ngồi ngay xuống ghế,
mở cặp, lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Một
lần kia con ông là một bé gái mở cửa bước vào. Em xin ông chơi đùa với em một lát
vì em cảm thấy rất cô đơn. Lần này cũng như lần khác ông bảo ông mệt lắm, hãy để
cho ông yên. Và ông bảo em hãy ra đường mà chơi. Thế là em đi ra chơi ngoài đường,
và chuyện không tránh được đã xảy ra là em đã trở thành một cô gái đứng đường. Thời
gian trôi qua, ông bố chết và cô cũng chết. Linh hồn cô được đưa lên Thiên Đàng.
Thánh Phêrô vừa nhìn thấy cô liền thưa với Chúa Giêsu:
- Thưa Thầy, đây là cô gái thật xấu nết. Con nghĩ phải đưa cô xuống
hỏa ngục ngay.
Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp:
- Không, hãy cho cô ấy vào.
Rồi đôi mắt ngài trở nên nghiêm nghị:
- Và con hãy đi tìm người cha đã từ chối không chịu chơi đùa với
con gái nhỏ của mình, đuổi nó ra thiên đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục.
Thiên Chúa không nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng sẽ hết sức nghiêm
khắc đối với những kẻ khiến người khác sa vào tội lỗi, dù kẻ đó vô tình hay cố ý,
đã đặt một tảng đá làm cớ vấp chân trên lối đi của một người anh em yếu đuối hơn
mình.
8. Làm cho Chúa
Trong sân của một ngôi trường phổ thông kia có những hàng phượng
trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng đó, có một cây đặc biệt được bao quanh
bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp. Lý do khiến nó được “ưu ái” như vậy không
phải vì nó là giống phượng quý đẹp hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi
chính tay vị chủ tịch nước khi ông đến thăm trường.
Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các môn đệ
được thuộc về Chúa Kitô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa Kitô –“Ai
đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ
với một ly nước lã, cũng được trọng thưởng nữa.
9. Phải chặt bỏ nguyên nhân
Tội xâm nhập vào con người không phải một cách đột nhiên, nhưng có
những nguyên cớ của nó. Trước khi ông bà Ađam và Evà nhận lời quyến rũ của con rắn,
hai ông bà đã nuôi tính kiêu ngạo trong lòng rồi. Chính tính kiêu ngạo là nguyên
cớ dẫn ông bà tới chỗ phạm tội. Do đó, ngăn chặn và diệt trừ nguyên nhân phạm tội
là điều cần thiết phải làm, dù phải hy sinh đau đớn, để tránh phạm tội. Tay, chân
và mắt là những chi thể cần thiết và hữu dụng góp phần cho sự sống con người. Kiểu
nói Chúa dùng: “chặt tay,” “chặt chân,” “móc mắt” không hiểu theo nghĩa đen, nhưng
nhằm nhấn mạnh rằng giá trị cao quý của Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất
cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt tay, chặt chân hay móc mắt.
Nguyên cớ gây ra tội được tập hợp lại trong “bảy mối tội đầu.” Trong
bảy mối ấy, mối nào cũng nguy hiểm đến nỗi ai chiều theo chúng thì không thể thấy
Nước Trời. Muốn chiếm hữu Nước Trời, bạn phải đi con đường hẹp: con đường hy sinh
quyết liệt và sẵn sàng chịu mọi mất mát do dứt bỏ nguyên cớ phạm tội.
THỨ SÁU - BẤT KHẢ PHÂN LY
Lời Chúa: Mc 10, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa
hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người
lại dạy dỗ họ như thường lệ.
Những người biệt phát đến
gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?"
Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho
phép làm giấy ly dị và cho ly dị.”
Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại:
"Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc
khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi
đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục.
Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp,
loài người không thể phân rẽ.”
Về đến nhà, các môn đệ lại
hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác,
thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng
khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
TRUYỆN KỂ
1. Án Tử trung thành với vợ
Án Tử, người nước Tề, là một
người nổi tiếng thanh liêm và thuỷ chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được
vợ hy sinh tảo tần buôn bán để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử
quên ơn ấy của vợ.
Dù cuộc sống có đầy cạm bẫy,
ông vẫn trung thành. Một hôm vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử.
Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Án Tử liền giới thiệu
đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, ông mới đề nghị với Án Tử: “Ôi,
vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả
nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?”
Án Tử liền trả lời một cách
dứt khoát không chút do dự: “Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy
nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy
chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi
thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn
ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc
với nhà tôi.”
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy
từ chối không nhận lấy con gái của vua.
2. Vấn đề li dị
Những người biệt phái phỏng
vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái
cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: lập trường dễ dãi (đứng đầu là
Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường; lập trường khắt khe (đứng
đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau,
nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu
là tuyệt đối không được li dị: "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không
được phân li.”
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn
dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng
tâm nhất trí ("nên một huyết nhục") với nhau.
3. Tình yêu hôn nhân là món
quà quý cho con cái
Báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 9.1998
có đăng những lời tâm sự của một người con nói về người cha của mình: Tên anh là
Roberto Mc Donald
Tôi mồ côi mẹ từ lúc lên 6.
Cha tôi vừa là người cha cũng lại vừa là người mẹ. Do vậy, khi cha tôi nằm xuống
vì chứng ung thư xương vào tuổi 75, thì tôi đâm ra ngã lòng tuyệt vọng thật sự!
Khi còn nhỏ, một ngày nọ,
tôi nghe cha tôi sai người chị cả của tôi vào phòng ông để lấy một ít tiền từ một
chiếc hộp màu đen. Tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao tôi lại không được phép nhìn vào
trong chiếc hộp ấy xem nó dựng cái gì mà có vẻ bí mật thế?
Năm tháng qua mau, tôi càng
lớn lên thì cha tôi càng già yếu. Mái tóc ông bạc đi, khuôn mặt nhăn nheo và tấm
thân bắt đầu gập lại. Tuy nhiên, nụ cười tươi vẫn cứ luôn đọng lại trong đôi môi
của ông, và nó sẽ còn đó cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Khi dọn dẹp và
lôi ra mọi thứ trong phòng ông, thật sự là tôi không còn nhớ đến chiếc hộp màu đen.
Các thứ trong ngăn kéo đều đã được lấy đi, đồ đạc cũng được dọn bớt, căn phòng giờ
đây trống vắng làm sao.
Khi mở đến chiếc tủ sau cùng,
mắt tôi bỗng chạm phải chiếc hộp màu đen. Đó là một chiếc hộp dẹt bình thường bằng
kim loại bọc da, các cạnh hộp đã rách và mòn đi rất nhiều. Nhẹ nhàng mở ra, lần
đầu tiên tôi được nhìn thấy mọi thứ bên trong.
Bên trong hộp chính là tất
cả những gì thiêng liêng mà người cha thân yêu của tôi đã gìn giữ: Tờ hôn thú với
chữ ký của mẹ, một tấm ảnh đẹp nhất của mẹ trong chiếc váy dài màu vàng mà cha thích
nhất, một tấm ảnh chụp tôi lúc lên 5 với những lời đề tặng nguệch ngoạc của một
đứa trẻ “Tặng ba và mẹ của con.” Hóa ra, tôi đã có mặt ở bên trong chiếc hộp màu
đen, mẹ tôi cũng thế!
Tôi hình dung ra cha tôi đã
nhiều lần lặng lẽ lôi chiếc hộp ra nhìn ngắm mọi thứ. Ông đã mỉm cười và nói thầm
một mình. Tôi nghĩ rằng, cha đã thường làm như thế nhiều lần trong bao nhiêu năm
trời qua, vì mọi thứ đều cũ kỹ sờn rách... Giờ đây chiếc hộp ấy đã thuộc về tôi.
Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, nó sẽ lại thuộc về các con tôi. Và ở bên trong, chúng
cũng sẽ tìm thấy những gì thân thương nhất của tôi. Chúng sẽ có được một gia tài
lớn ở bên trong chiếc hộp nhỏ màu đen, đó là tình yêu và niềm tin của tôi. Tôi tin
chúng sẽ nhận ra rằng, điều quan trọng thật sự và duy nhất trong cuộc đời này chính
là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau...
4. Đời sống đạo và tỷ lệ ly
hôn
Văn phòng Nghiên Cứu Hiện
Tượng của Hoa Kỳ về Đời Sống Hôn Nhân, kết quả được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách
về Gia Đình trích dẫn trong tài liệu có tựa đề “Bí tích Hôn Phối” xuất bản năm 1989
như sau:
- Trong 100 gia đình không
theo đạo Công Giáo, thì có khoảng 50 gia đình ly dị (50%).
- Trong 100 gia đình theo
Công Giáo, chỉ đi dự lễ Chúa nhật thì có khoảng 10 gia đình ly dị (10%).
- Trong 100 gia đình Công
Giáo, đi dự Lễ và rước Chúa hằng ngày, gia đình có giờ cầu nguyện riêng, thì ly
dị xuống thấp nhất, chỉ còn tối đa khoảng 1% gia đình ly dị.
Có cầu nguyện, đặc biệt là
dự Lễ, gia đình mới thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn
con đi” (Tv 119/118, 35a: ĐC năm lẻ). Vì “Lời Chúa là sự thật, xin Chúa lấy sự thật
mà thánh hiến chúng con” (Ga 17, 17b.17a: Tung Hô Tin Mừng).
5. Tình yêu nên một
Có một câu truyện cổ kể về
đôi bạn trai gái nọ đến gõ cửa một ngôi nhà kia. Có tiếng nói từ bên trong: “Ai
đó?” Người thanh niên trả lời: “Tôi đây. Tôi đến để xin cưới con gái của bà.” Giọng
nói từ bên trong vang lên: “Cậu chưa sẵn sàng. Một năm nữa hãy trả lại.” Một năm
sau, đôi bạn trở lại và gõ cửa. Tiếng từ bên trong lại hỏi: “Ai đó?” Người thanh
niên đáp: “Con gái của bà và tôi”, chúng tôi đến xin phép cưới nhau.” Lần này, có
tiếng nói: “Mời vào.”
Khi nào tôi cảm thấy hợp nhất
với người bạn đời hay với người nào khác?
Yêu là mãnh lực duy nhất giúp
mọi sự nên một mà không phá hủy chúng (Teilhrad de Chardin).
6. Tình yêu hôn nhân phản
ánh tình yêu Thiên Chúa
Những người hâm mộ môn bóng
chày đều nhớ Jimmy Piersall, cầu thủ chơi cho đội Red Sox trong đầu thập niên 1950.
Họ cũng nhớ cả cuốn sách của ông: “Nỗi sợ hãi đốn ngã”, nói về những cay đắng ngọt
bùi trong đời ông, Khi mới nhập cuộc, anh đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng
và được đưa đến bệnh viện tâm thần. Trong những năm thử thách này, Mary, người vợ
yêu quý, luôn ở bên cạnh, yêu thương, động viên và giúp đỡ ông. Nói về lòng chung
thủy xúc động của Mary, Albert Cylwicki cho biết: “Lòng chung thủy của Mary đối
với Jimmy phản ánh lòng trung thành của Thiên Chúa đối với chúng ta.”
Tôi phản ánh lòng trung của
Thiên Chúa như thế nào?
Ta có thể cho đi mà không
yêu thương, nhưng không thể yêu thương mà lại không cho đi.(Richard Brounstein)
7. Chung thủy lúc gian nan
Catherine Jagellon kết hôn
với Jean Wasa Đức Ông xứ Phần Lan. Khi chồng bà bị án tù chung thân, vì tội phản
loạn. Bà xin với vua Eric nước Thụy Điển, để cùng vào tù sống với chồng. Nhà vua
kinh ngạc, khuyên can bà, không nên tự chuốc đau khổ một cách vô lý như thế.
Nhà vua nói: “Bà không biết
chồng bà từ nay, đã phải giam trong hầm kín cho tới chết, không trông thấy ánh sáng
mặt trời nữa sao?”
Bà trả lời: “Tâu Bệ Hạ tôi
biết.”
Nhà vua nói: “Bà có biết,
chồng bà ngày nay không còn được cư xử như một đức ông, mà bị đối xử như một tên
phản bội không.”
Bà trả lời: “Tâu bệ hạ, tôi
biết, nhưng được tự do hay bị tù ngục, có tội hay vô tội, anh ấy vẫn là chồng của
tôi.”
Nhà vua nói: “Nhưng sau những
sự kiện xẩy ra, bà không còn gì phải ràng buộc với anh ấy nữa.”
Bà Catherine, liền rút chiếc
nhẫn đang đeo ở ngón tay, đưa cho nhà Vua. Bà nói: “Xin đức vua đọc những dòng chữ
khắc trên chiếc nhẫn cưới của chúng tôi.”
Nhà vua cầm lấy chiếc nhẫn,
và thấy trên chiếc nhẫn có khắc hai tiếng: “Mors sola”, đó là hai tiếng La văn,
có nghĩa là: chỉ có cái chết (mới chia lìa được chúng ta).
Bà Catherine đã can đảm theo
chồng vào nhà giam, sống với chồng dòng dã 17 năm, chia sẻ những thiếu thốn, đau
khổ, cơ cực của chồng, cho tới lúc Vua Eric băng hà.
Sau khi vua Eric băng hà,
chồng bà đã được trả tự do.
8. Sống kết hợp với Chúa
Cậu Gioan Berchman đang hăng
say chơi banh với chúng bạn. Cha xứ tiến đến hỏi các cậu:
- Nếu một giờ nữa Chúa đến
gọi chúng con ra khỏi thế gian, chúng con sẽ làm gì bây giờ?
Một cậu thưa:
- Con sẽ chạy về nhà xin lỗi
mẹ con, vì con đi đá banh chưa xin phép.
Cậu khác:
- Con sẽ vào Nhà Thờ cầu nguyện,
và xin cha giải tội, vì mấy tháng nay con chưa xưng tội.
- …………
Đến lượt Gioan Berchman nói:
- Con cứ tiếp tục chơi banh
cho đến khi Chúa đến gọi con, vì mọi việc trong ngày: Đi lễ, học bài, phụ giúp cha
mẹ, con đã hoàn tất, và giờ này là giờ chơi banh của con, cha mẹ con đã cho phép.
Như thế cậu Gioan Berchman
đang đá banh là cậu đang sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là cậu đang sống
trong Nước Thiên Chúa.
THỨ BẢY - ĐIỀU KIỆN VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Mc 10, 13-16
Khi ấy, người ta đưa những
trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển
trách họ.
Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình
và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng,
vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng.
Thầy bảo thật các con: Ai
không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó.” Rồi Người
ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
TRUYỆN KỂ
1. Lớn và nhỏ
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm
chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ
như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa
khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp
không?"
Người mẹ mỉm cười đưa chiếc
nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc
nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con.”
2. Tầm quan trọng của bài
học nhà trẻ
"Những gì tôi cần biết,
tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ", đó là tựa đề quyển sách của Mục sư
Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây.
Tác giả viết "Những bài học chúng ta học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng
ta cần biết để sống hạnh phúc; nếu tất cả chúng ta đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ
thế giới này không hỗn loan như hiện nay." Những điều đó là gì?
- Hãy chia sẻ mọi sự, hãy
chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy
xin lỗi.
- Lấy đâu thì trả lại đó,
dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.
- Ra đường phải chú ý đến
xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.
- Biết ngạc nhiên trước những
mầu nhiệm của cuộc sống.
3. Một thầy dạy bất đắc dĩ
Ông Tamba, một nhà trí thức
tại Indonesia và cũng là một tín hữu Kitô đã kể lại như sau:
Tôi rất hãnh diện và tôi cho
rằng tôi là người tín hữu duy nhất trong giáo xứ Palembang có được bằng tiến sĩ
đại học Siuydaia, mà còn là chủ tịch hội luật gia, đồng thời là chủ tịch hội trí
thức trong tỉnh nữa. Với tất cả những danh hiệu và chức vụ này tôi tưởng như chẳng
ai bằng tôi. Thế nhưng, tôi lại bê trễ việc đạo vì quá bận rộn. Tôi không còn quan
tâm gì đến việc cầu nguyện nữa.
Lúc ấy, Chúa sai một người
thầy đến dạy tôi. Người thầy là đứa cháu trai mới có bốn tuổi. Tôi thường nói với
cháu rằng, người tin Chúa phải cầu nguyện trước khi đi ngủ. Một hôm, cháu đến nhà
tôi chơi và ở lại ngủ chung phòng với tôi. Khi tôi lên giường ngủ, cháu hỏi:
- Cậu ơi, sao cậu không cầu
nguyện? Cậu cãi nhau với Chúa Giêsu rồi đấy à?
Câu hỏi ngây thơ của đứa cháu
làm tôi tỉnh ngộ. Thật đúng là Chúa đã dùng một đứa bé mới có bốn tuổi làm nhân
chứng cảnh tỉnh tôi và nhắc nhở tôi. Tôi đã lập tức cầu nguyện ngay trước mặt đứa
cháu. Và từ đó tới nay, tôi không bao giờ quên cầu nguyện trước khi đi ngủ nữa.
4. Một vĩ nhân ít tuổi
Nhà văn Pécaut, người Pháp,
có kể lại một câu chuyện có thật và đầy xúc động, mà ông đã gặp một lần trong đời
để rồi vẫn còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Câu chuyện như sau:
Một hôm, tôi vừa ra khỏi nhà
thì một em bé trạc 12 tuổi chạy đến van nài tôi mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động
lòng thương, tôi rút ví ra định mua, nhưng tôi lại chỉ có toàn tiền chẵn. Tôi đang
ngần ngại thì thằng bé nói ngay:
- Không sao ông ạ, xin ông
cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trở lại trả
cho ông ngay.
Tôi nhìn thằng bé với một
thoáng nghi ngờ. Nó vội nói:
- Thưa ông, cháu không phải
là một thằng ăn cắp đâu ạ!
Quả vậy, gương mặt xanh xao
của nó có vẻ thành thật đến mức tự hào. Tôi liền trao cho nó một đồng tiền vàng,
và nó chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, tôi bắt đầu
hồ nghi sự ngay thẳng của thằng bé. Và nửa giờ sau thì tôi hết kiên nhẫn, bỏ đi
tiếp tục cuộc dạo phố, lòng thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu
lổng đầu đường xó chợ như thế nữa...
Buổi trưa, khi về tới nhà,
đúng chỗ ban sáng thì tôi lại thấy một đứa bé, bé hơn, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt
giống "thằng ăn cắp" như tạc. Nó thổn thức nói với tôi:
- Thưa ông, có phải ông đã
đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu
nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp.
Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi
vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền. Cháu... cháu sợ rằng, anh cháu chết mất thôi..."
Tôi bàng hoàng vội hỏi thằng
bé trong tiếng nghẹn ngào:
- Thế bây giờ anh cháu nằm
ở đâu? Dắt bác đến gặp anh cháu ngay đi...
Chúng tôi rời khỏi những khu
phố giàu sang để lách vào những con hẻm lầy lội tối tăm của một khu lao động nghèo
khổ. Em bé dừng lại trước một căn lều xiêu vẹo. Trong một xó tối, tôi nhận ra thằng
bé bán diêm quẹt ban sáng.
- Thưa ông, xin ông lại gần
cháu hơn một chút với...
Tôi tiến lại gần, quỳ một
chân, cúi xuống đỡ lấy bàn tay nhỏ bé và lạnh ngắt. Em nói với tôi, ánh mắt lấp
lánh niềm vui ngây thơ:
- Em cháu đã đưa chỗ tiền
lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa
lừa gạt và ăn cắp. Cháu chỉ có mình nó là em ruột, cháu bị tai nạn thế này, rồi
đây... Ôi trời ơi, rồi đây em cháu sẽ ra sao đây?
Tôi lặng lẽ cúi xuống hôn
lên vầng trán bị giập nát vì vết thương của em, và tôi hứa với em rằng, tôi sẽ hết
lòng chăm sóc thằng bé thay cho em.
Tội nghiệp thằng bé, tôi biết
vết thương rất trầm trọng, không còn có thể làm gì để kịp cứu chữa cho em. Thằng
bé có lẽ đã cố gắng thoi thóp sống chỉ cốt để gặp được tôi, trăn trối một lời cuối
cùng. Bây giờ thì em không còn rên rỉ đau đớn nữa, đôi mắt em liếc nhìn đứa em thân
yêu rồi chớp chớp nhìn tôi với một vẻ bình thản gần như hạnh phúc...
Đấy, người bạn bé nhỏ của
tôi đã chết như thế đấy. Thằng bé đã cho tôi biết thán phục và thương cảm trước
một tâm hồn trẻ thơ vô cùng trong trắng ngay giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ
đến cùng cực...
5. Ưu tiên số một
Trong một giấc mơ, tôi thấy
một đoàn người đông vô số kể, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, ai cũng chen
nhau muốn đến trình diện Chúa để được vào Thiên Đàng trước. Ông Phêrô đã được Chúa
trao chìa khóa Nước Trời,nên ông luôn túc trực tại Cổng, để bất cứ ai muốn qua Cửa
Trời vào gặp Chúa, thì ông phải xét duyệt lý lịch họ trước, trừ phi là con nít.
Một vị mặc áo vua, đội mũ
cà cuống, cầm gậy vàng tiến đến, ông Phêrô hỏi:
- Ngươi là ai?
- Thưa con là Tổng Giám mục
ạ.
- Tổng Giám mục à, đứng qua
một bên, đợi đã.
Một vị khác tiến đến mặc áo
dòng, tay cầm cuốn Kinh Thánh:
- Ngươi là ai?
- Dạ, con là cha Sở.
- Cha Sở à, cũng đứng qua
bên, hậu xét.
…..
Và còn biết bao nhiêu đấng
bậc khác, cứ chen nhau tiến vào, nhưng ai cũng bị ông Phêrô bảo đứng một bên chờ.
Bất ngờ có một cụ già chống gậy bước tới:
- Ngươi là ai?
- Bẩm thưa ngài, con là con
nít ạ!
- Con nít à, vô lẹ đi con!
Ông Phêrô cho “ông cụ non”
vào Thiên Đàng ngay mà không cần xét duyệt lý lịch, vì ông nhớ Lời Thầy Giêsu đã
nói trước: “Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ
chẳng được vào” (Mc 10,15: Tin Mừng).
“Như trẻ thơ nép mình lòng
mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời
muôn năm” (Tv 131/130,2b-3).
6. Tâm hồn trẻ thơ
Nhà khoa học lừng danh Isaac
Newton chia sẻ: "Trong đời mình, tôi nhận biết được hai sự thật: thứ nhất,
tôi là kẻ hèn mọn tội lỗi và thứ hai, Đức Giêsu Kitô vĩ đại vô cùng là Đấng cứu
độ tôi."
Đứng trước Thiên Chúa cao
cả và Nước Trời cao quý của Ngài, nhà khoa học, người trí thức hay kẻ ít học đều
phải có tâm hồn của trẻ thơ để có thể đón nhận.
Tâm hồn trẻ thơ hay con đường
thơ ấu thiêng liêng theo chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là cung cách sống như trẻ
thơ: ý thức mình thuộc về Chúa, cần đến Chúa là Cha nhân lành, hoàn toàn tin tưởng
và phó thác vào Ngài, không tính toán lời lỗ thiệt hơn khi làm theo ý Thiên Chúa
hay khi hy sinh từ bỏ để đi theo Ngài.
7. Những điều vĩ đại “tầm
thường”
Donald Cross Peattie đã viết
rất nhiều về thiên nhiên trên tờ Reader's Digest. Trong một bài báo, tác giả đưa
ra lời đề nghị này: “Nếu bạn thấy một con nhện đang làm tổ, hãy chạy đi và dẫn một
đứa trẻ lại. Hãy chỉ cho nó xem và bảo nó rằng sợi tơ óng ánh từ cơ thể con nhện
có một sức bền hơn cả sắt.
"Nếu đứa trẻ ngưỡng mộ
thay vì chán ghét người thợ xe chỉ nhỏ bé này, chắc hẳn nó sẽ học được một trong
những bài học tuyệt vời trong thiên nhiên, đó là tất cả cuộc sống đều thánh thiêng.”
Ngày nay, hơn thế nữa, chúng
ta cần nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự sống, đặc biệt sự sống của con người, là món
quà của Thiên Chúa và là điều thánh thiêng.
Ở mức độ nào và tại sao tôi
đồng ý rằng ngày nay chúng ta cần nhấn mạnh đến sự thánh thiêng của sự sống hơn
nữa?
Bằng việc tôn trọng sự sống,
chúng ta bước vào mối liên hệ với thế giới (Albert Schweitzer).
8. Tư tưởng lớn
Một buổi sáng nọ, Irene Champernowne
đang đi dạo dọc theo bờ biển. Tình cờ bà thấy một đám trẻ đang ném đá vào một con
mòng biển. Bà dừng lại và nhẹ nhàng nói: “Con chim tội nghiệp đó chắc đang đau đớn
lắm.” Rồi bà hỏi đám trẻ chúng cảm thấy thế nào nếu chúng bị thương và người khác
cố tình làm cho thương tích chúng nặng hơn nữa. Nửa giờ sau, khi trở lại, bà sung
sướng khi thấy đám trẻ đang cho con mòng biển ăn và xây cho nó một “cái nhà” để
trú đêm.
Tôi nhớ lại xem có lần nào
tôi giáo dục người trẻ thay vì chỉ tích chúng không?
Nếu bạn đặt kế hoạch cho một
năm, hãy gieo lúa.
Nếu đặt kế hoạch cho một trăm
năm, hãy trồng cây.
Nếu bạn đặt kế hoạch cho cả
đời, hãy giáo dục một người (Ngạn ngữ Trung Quốc).
9. Việc nhỏ bé với trái tim
lớn
Một nữ công nhân viênvà một
cậu bé tham dự buổi nói chuyện của Bill Russell, một siêu sao bóng rổ. Sau buổi
nói chuyện, chị yêu cầu Bill đến nói đôi lời khích lệ các cậu bé. Bill đã quen với
những cậu bé như thế, và đã lớn lên cùng với chúng . Vì vậy, anh đáp ứng lời yêu
cầu của người phụ nữ. Về sau khi nhắc lại sự kiện này , Bill nói: “Toi đã bảo các
cậu bé là tôi không có ý định nói những gì chúng thường nghe. Rồi tôi bắt tay chúng,
vì muốn chúng hiểu rằng qua cử chỉ đó tôi quan tâm đến chúng như thế nào.”
Bằng cách nào tôi cho người
ta thấy tôi quan tâm đến họ?
Tôi không nhớ tôi đã có lần
nào ôm hôn cha tôi… Tôi cần tình yêu và sự che chở đầy cảm xúc, nhưng tôi chưa bao
giờ thực hiện điều đó (Mark Chapman).
ĐỨC MẸ LÀ MẸ HỘI THÁNH – NÀY LÀ MẸ CON
Lời Chúa: Ga 19, 25-27
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo thánh Gioan
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người, cùng với chị mẹ
Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas và Maria Mađalêna.
Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ
rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà." Rồi Người nói với môn đệ: “Này là Mẹ con."
Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình.
TRUYỆN KỂ
1. Hội Thánh cùng với Mẹ tiến bước
Trong diễn từ của Đức Giáo
hoàng Phaolô VI ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964
viết: “Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa
Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện,
cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì
Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng
khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ
của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh."
Vì là Mẹ của Hội Thánh, nên
suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho Hội Thánh. Để sống tốt
hành trình dương thế, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ, để có thể khám phá
ra niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa
của việc nhập thể như Mẹ Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo Chúa Giêsu
Con Mẹ. Mẹ minh chứng rằng tình yêu của Con Mẹ là vô cùng vô tận và mở rộng cho
tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy tiếp bước theo Mẹ.
Lạy Đức Mẹ Hội Thánh, xin
cầu cho chúng con. Amen.
2. ĐGH Phanxicô thiết lập lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội
ĐTC Phanxicô đã quyết định
thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai
sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.
Trong sắc lệnh công bố hôm
3-3-2018, DHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích cho biết
ĐTC đưa ra quyết định trên đây xét vì việc thăng tiến lòng sùng kính này có thể
giúp gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng
như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.
Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô
6, ngày 21-11 năm 1964, khi bế mạc khóa III của Công đồng chung Vatican 2 đã tuyên
bố Đức Trinh Nữ Maria là ”Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Kitô giáo, các
tín hữu cũng như các vị Chủ Chăn, họ gọi Đức Maria là Mẹ rất quí mến” và Ngài thiết
định rằng ”toàn thể dân Kitô giáo ngày càng gia tăng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa
dưới danh hiệu rất dịu dàng này."
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự khẳng
định: Lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, do ĐGH Phanxicô ấn định, ”sẽ giúp chúng
ta nhớ rằng đời sống Kitô, để tăng trưởng, cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh
Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Tiệc Thánh Thể, nơi Đức Trinh Nữ hiến dâng, Mẹ
Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc."
Vì thế, lễ này cần được ghi
trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh.
Các văn bản phụng vụ liên hệ được đính kèm, sắc lệnh này và các bản dịch, được các
HĐGM chấp thuận, sẽ được công bố sau khi Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích phê chuẩn.
Tại những nơi nào lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội đã được cử hành theo luật
riêng được phê chuẩn, vào một ngày khác, với bậc phụng vụ cao hơn, thì trong tương
lai vẫn được cử hành theo cùng thể thức ấy."
Theo quyết định trên đây,
thứ hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. (Rei 3-3-2018)
3. Lịch sử tước hiệu Mẹ Giáo Hội
Mẹ Giáo Hội (tiếng La-tinh:
Mater Ecclesiae) là một trong nhiều tước hiệu của Đức Maria. Với tước hiệu này,
Mẹ Thiên Chúa được tôn kính với tư cách là Mẹ của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm
của Chúa Ki-tô. Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV, tước hiệu này đã được Giáo Phụ Am-brô-xi-ô
nhắc tới. Ngài đã liên kết hình ảnh Mẹ Giáo Hội với Đức Maria như là nguyên mẫu
„có tính hiện thân“ của Giáo hội. Vào giữa thời Trung Cổ, tước hiệu trên của Đức
Maria đã được phổ biến khá rộng rãi trong Giáo hội.
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Hội
Thánh có nguồn gốc xa xưa và đã hiện diện trong Giáo Hội thời của Thánh Augustinô
và Thánh Leo Cả. Trong nhiều thế kỷ, lòng sùng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu,
nhưng với tước hiệu Mẹ Hội Thánh xuất hiện trong một số văn bản của các tác giả
thiêng liêng và trong giáo huấn của ĐTC Benedict XIV và Leo XIII.
Tuy nhiên, phải đợi đến ĐTC
Phaolô VI mới có bước ngoặt; đó là ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi kết thúc phiên
thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria “Mẹ
Hội Thánh”, nghĩa là của mọi Kitô hữu.”
Với quyết định này, ĐTC Phaolô
VI lấy nội dung chủ yếu trong Tín điều của Công đồng Nicea năm 325 và trên hết là
các quyết định của các giáo phụ Công đồng Êphêsô (430), xác định Đức Maria là "Mẹ
Thiên Chúa.”
Trong Năm Thánh (1975), có
Thánh lễ tạ ơn sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, sau đó lễ này được đưa vào Sách
lễ Rôma, nhưng chưa phải là lễ nhớ bắt buộc trong lịch phụng vụ. Tuy nhiên, ở một
số quốc gia - ví dụ Ba Lan và Argentina - và trong một số hội dòng, lễ Đức Maria,
Mẹ Hội Thánh được đưa vào lịch riêng.
Vào năm 1980 ĐTC Gioan Phaolô
II đưa lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh vào trong kinh nguyện. Và đến ngày
11 tháng 02 năm 2018, kỷ niệm 160 năm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lộ Đức.
Nhân dịp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ấn định lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo
hội, được ghi vào Lịch Rôma và được cử hành hàng năm, vào thứ hai sau Chúa Thánh
Thần hiện xuống. Theo đó, thứ Hai ngày 21 tháng 05 năm 2018 sẽ là ngày đầu tiên
Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội được cử hành trên toàn Giáo hội với bậc Lễ nhớ
buộc, tức Lễ bậc III.
4. Mẹ đau khổ--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
Vào ngày thứ sáu tuần thánh
tại các nước châu Mỹ La Tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó
người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu: Các phụ
nữ tập trung lại dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa
Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.
Các tín hữu còn giữ một truyền
thống khác gọi là “chia buồn." Truyền thống này được cử hành sau nghi thức
phụng vụ của Giáo hội vào chiều thứ sáu tuần thánh: Mọi người trở vào nhà thờ để
an ủi Đức Mẹ Sầu Bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu,
dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ. Trong nghi
thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo
đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì
bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.
Người phụ nữ mặc áo đen ấy
dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của Người Con bị hành quyết, là người đàn
bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của Con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước
thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu.
Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người… (Theo R. Veritas).
5. Đức Mẹ là ai?
Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: "Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ
Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu
của Mẹ Maria." Liền sau đó, cử toạ liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ:
Mẹ là cửa Thiên Đàng, Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín
hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v...
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria,
thánh Gioan Bosco mỉm cười nối tiếp: "Đức Maria là tất cả những gì anh chị
em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria...." Chờ mãi
vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: "Tôi xin được nói với
anh chị em Đức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng
nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với
chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng
thế trên Thiên Đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe
chúng ta cho bằng Mẹ Maria...."
Tước hiệu nói lên tương quan mẫu tử của Đức Maria với Giáo Hội.
6. Tâm tình con thảo
Trong cuốn sách tựa đề “Đồng
Hành” có thuật lại câu chuyện về cuộc đời của một nhà thừa sai Canada, Giám mục
Emile Crôa, Ngài thú nhận: Ngay từ thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, phá
phách và cứng đầu, lười biếng. Có một lần thầy giáo đã phải giận dữ thốt lên rằng:
“Chưa bao giờ tao thấy một học sinh nào quá quắt như mày." Ngày nọ, thay vì
đến trường, tôi lại trốn học ra đồng. Cha tôi biết được, ông giận dữ và thay vì
đưa tôi về nhà, ông lại dẫn tôi vào một nhà nguyện. Ông xô tôi đến trước bàn thờ
Đức Mẹ đang mỉm cười và quát: “Thằng khốn nạn, qùy xuống." Và rồi ông ngước
nhìn lên tượng Đức Mẹ và nói: “Xin Mẹ nhận lại thằng nhỏ này, vì quả thực con không
còn biết phải làm gì với nó nữa. Xin Mẹ lo lắng cho nó để một ngày kia, nó khỏi
trở thành một tướng cướp, bị treo cổ trên dây."
Nhưng lời nói của cha tôi
như một làn roi quất mạnh vào tôi. Tôi cảm thấy đau hơn tất cả các trận đòn từng
bị đánh trước đây. Và nhìn lên Đức Mẹ đang mỉm cười tôi tự nhủ: “Nếu cha tôi đã
phó thác tôi cho Đức Mẹ thì tôi phải minh chứng được Đức Mẹ đã làm điều gì đó tốt
đẹp cho tôi’. Với sự trợ giúp của Đức Mẹ, Emile đã thay đổi, đi tu, thụ phong Linh
mục, Giám mục và truyền giáo ở vùng thổ dân ngoại giáo ở Canada.
Kể lại câu chuyện này, đức
cha không chỉ muốn dạy cho chúng ta cách thức hay nhất để chúng ta có thể dạy dỗ,
uốn nắn sửa sai con cái, nhất là những đứa ngỗ nghịch, khó dạy hay bướng bỉnh quậy
phá như Emile. Điều mà Chúa muốn xác tín với chúng ta cũng như với tất cả các gia
đình Công giáo: “Mẹ Maria rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến những nhu cầu, khó
khăn và cay cực của các gia đình."
7. Mẹ chúng ta
Thánh Aelred thành Rievaulx,
một tu sĩ dòng Xitô và là người cùng thời với Thánh Bernard thành Clairaux, đã chỉ
ra cho chúng ta thấy vai trò thần linh của Đức Maria:
Chúng ta nợ Mẹ Maria sự tôn
kính, vì Mẹ là Mẹ của Chúa chúng ta. Ai không tôn kính Người Mẹ thì làm mất lòng
Người Con. Ngoài ra, Kinh thánh nói: Hãy tôn vinh cha và mẹ của bạn. . . Như chúng
ta đã biết và tin tưởng, khi tất cả chúng ta chết đi trong tội lỗi, bóng tối và
đau khổ. Trong cái chết, vì chúng ta đã mất Thiên Chúa; trong tội lỗi, vì sự tham
lam của chúng ta; trong bóng tối, vì chúng ta không có ánh sáng của sự khôn ngoan,
và do đó đã bị diệt vong hoàn toàn. Nhưng sau đó chúng tôi được sinh ra, tốt đẹp
hơn nhiều so với Evà, nhờ Đức Maria, vì Chúa Kitô được Mẹ sinh ra. Chúng ta được
phục hồi cuộc sống mới thay cho tội lỗi, sự bất tử thay cho sự chết, ánh sáng thay
cho bóng tối. Mẹ là mẹ của chúng ta, mẹ của Nguồn Sống [Chúa Giêsu], mẹ của sự cứu
chuộc [Chúa Giêsu], mẹ của ánh sáng [Chúa Giêsu]. Thánh Phaolô tông đồ nói về Chúa
của chúng ta: “Người đã trở nên vì chúng ta, nhờ quyền năng của Chúa Cha, sự khôn
ngoan và công chính, sự thánh thiện và sự cứu chuộc cho chúng ta. [Mẹ Maria] sau
đó, với tư cách là mẹ của Chúa Kitô, là mẹ của sự khôn ngoan và công chính của chúng
ta, về sự thánh thiện và cứu chuộc của chúng ta. Mẹ là Mẹ của chúng ta nhiều hơn
mẹ của chúng ta. Được sinh ra từ Mẹ là tốt đẹp hơn, vì từ Mẹ sinh ra là sự thánh
thiện, sự khôn ngoan, công chính, sự thánh hóa, sự cứu chuộc của chúng ta.
Tất cả chúng ta đã nhận được
sự sống mới trong Chúa Kitô và Mẹ Maria đã thụ thai và sinh ra Người.
LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG - NHẬN RA DẤU CHỈ
CỦA CHÚA
Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Trong những ngày ấy, Maria
chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria
và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy
mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa
các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa
tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng
trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực
hiện."
Và Maria nói: "Linh hồn
tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì
Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng
tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là
thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính
sợ Chúa.
"Chúa đã vung cánh tay
ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế
xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát
no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi
tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ
chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời."
Maria ở lại với bà Elisabeth
độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
TRUYỆN KỂ
1. Mẹ dạy con
Một bà mẹ đi chợ, một tay
xách giỏ, một tay ẵm đứa con nhỏ . Ở một góc chợ, có một bà lão ăn mày, hai tay
giơ lên, miệng nài khẩn kẻ qua người lại. Bà mẹ bồng con đứng lại, rút ở giỏ ra
chiếc bánh và ít tiền. Bà không đưa trực tiếp cho bà ăn mày. Nhưng trao cho đứa
con đang bồng trên tay. Bà ngồi xuống, bảo con đưa bánh và tiền cho bà lão ăn mày.
Đứa bé vâng lời thực hiện từng chi tiết mẹ dạy. Làm xong, đứa bé tỏ vẻ vui mừng
hớn hở. Nó làm thay cho mẹ nó.
Bà mẹ đó đã nói với tôi: Bé
của con làm thay cho con. Nhưng con cũng làm thay cho Đức Mẹ. Lời đơn sơ đó đủ nói
cho tôi sứ mạng mà Mẹ Maria đang trao cho con cái Mẹ trong cuộc sống hôm nay. “Hãy
thay Mẹ đi thăm viếng những người khốn khó." Việc thăm viếng này có thể thực
hiện được bằng nhiều cách. Yếu tố quan trọng nhất của mọi cách thăm viếng theo gương
Mẹ là tấm lòng tế nhị, nhạy bén và thương cảm trong Chúa Giêsu.
2. Mẹ nghèo mà diễm phúc
Nhà vua bị bệnh nặng. Quan
ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi
nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.
Quan quân đổ xô đi khắp nước
để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc
thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo! (Góp nhặt)
3. Lòng bác ái của bác sĩ Longet
Bác sĩ Longet là một người
Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác
sĩ Tom Dooley, người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc các bệnh nhân
bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày lẫn đêm.
Được hỏi tại sao ông quý mến
bệnh nhân như thế?
Bác sĩ Longet đáp:
- Vì tôi thấy Chúa Giêsu trong
mỗi bệnh nhân.
Chính vì thế, mỗi sáng khi
đi dự thánh lễ; bệnh nhân lương hay giáo, ai muốn đi ông đều chở trên xe; mỗi chiều
Chúa nhật, ông lại chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ. Và mỗi tối
ông lần hạt chung với người Công giáo. Ít lâu sau, ông Longet trở về nước Pháp,
vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo
ở Giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức xong, ông lâm trọng bệnh
và qua đời trước khi tới nơi hằng mong ước.
4. Thắp sáng ngọn đèn cũ
Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã
thuật lại một câu chuyện sau nhân dịp một đài truyền hình phỏng vấn Mẹ.
Mẹ nói: Một lần khi khi còn
ở Úc tôi có đến thăm một người thuộc thổ dân Aborigine. Ông cụ sống trong cảnh cô
độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo với tuổi đã già nua của
mình. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:
- Để tôi dọn dẹp nhà và sửa
soạn giường ngủ cho ông.
Ông ta trả lời hững hờ:
- Tôi đã quen sống như vậy
rồi.
- Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ
chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.
Sau cùng ông ta bằng lòng
để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp
nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:
- Có bao giờ ông thắp đèn
này chưa?
Ông la trả lời cộc lốc:
- Nhưng thắp đèn để cho ai?
Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông
thấy mặt người nào cả.
Tôi hỏi ông:
- Nếu như có người tình nguyện
đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?
- Dĩ nhiên.
Từ ngày đó, các nữ tu quyết
định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch
sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm
nhắn tin giúp ông:
- Xin nhắn với mẹ Têrêsa,
bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng.
Đó chỉ là một việc nhó mọn,
nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp
tục chiếu sáng mãi.
Vâng! Đúng là một cuộc viếng
thăm thật tuyệt vời.
Ngọn đèn cũ không được thắp
sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào
một chút dầu tình yêu và sự bao dung thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người.
Giờ đây, con người dù phải sống cô độc nhưng không còn cô đơn nữa vì bóng tối đã
bị đẩy lui và nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi
con người, nơi nhân loại.
5. Washington thăm mẹ
George Washington, một trong
những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con
chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go
nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà
thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự
gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu
khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?"
Vị tổng thống của nước Mỹ
đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải
là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp
tục sống."
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ
Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm
của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ
Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ
mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự
hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Isave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an
ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc
cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có
mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô
cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút
giây của cuộc sống chúng ta.
6. Đức Maria thăm viếng.
Ngày lễ này đã được Đức Urban
VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật
thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ
việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ
đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị
em. Ngày lễ này - nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh
thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết
mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho
toàn thể nhân loại.
Phục vụ vui tươi.
Hãy đến mà nghe, hỡi tất cả
các bạn là những người kính sợ Chúa, tôi sẽ kể cho các bạn những điều Người đã làm
cho tôi.1 Đó là những lời trong Ca Nhập Lễ hôm nay.
Ngay sau ngày Truyền Tin,
Đức Maria lập tức đi thăm bà Elizabeth tại miền đồi núi xứ Giuđêa, cách Nazareth
chừng bốn năm ngày đàng. Thánh Luca viết: “Trong những ngày ấy, Maria vội vã ra
đi lên miền đồi núi, đến một thành xứ Giuđêa." Sau khi được sứ thần cho biết
về việc bà Elizabeth có thai, Đức Trinh Nữ đã vội vàng ra đi để phụ giúp những công
việc cho bà chị họ. Không ai buộc Mẹ phải đi: Thiên Chúa, qua sứ thần, cũng không
đòi Mẹ phải làm như thế, và cả bà Elizabeth. Đức Maria có thể ở nhà để bắt đầu chuẩn
bị cho Con Mẹ, Đấng Cứu Độ, sắp chào đời; nhưng Mẹ đã hân hoan, vội vã lên đường
để đến giúp đỡ bà Elizabeth.
7. Lời các thánh
- Thánh Ambrosiô: Mẹ lên đường
không phải vì không tin lời sứ thần báo cho Mẹ, mà vì hối hả ước ao làm ơn cho gia
đình bà chị. Sung sướng vì được làm cho người khác sung sướng, và tận lực thi hành
đức ái.
- Thánh Augustinô: Qua Mẹ,
tình thương đổ xuống người cơ khổ, ân sủng đổ xuống những kẻ vô ơn, và ơn tha thứ
được ban phát cho những người tội lỗi.
- Thánh Phêrô Kim Ngôn: Mẹ
Thiên Chúa đã khám phá ra ân sủng, để cung cấp ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ phát
sinh ơn sủng. Đó là một ân sủng dư dật để độ phúc cho mỗi người chúng ta, để trào
đổ dạt dào sóng dư ân sủng đó xuống mọi thụ tạo.
- Thánh Ilđêphong: Lạy Mẹ,
trong hết mọi ân sủng Chúa đã định ban cho loài người, không có ơn nào mà Chúa không
muốn đổ xuống qua tay Mẹ, vì Chúa đã ký thác cho Mẹ hết báu tàng, hết mọi phú quí
về ơn sủng Người ban.
- Thánh Germanô: Ôi Maria,
không ai được cứu độ nếu không nhờ Mẹ; không ai được hưởng ơn trời nào nếu không
có Mẹ.
- Thánh Đamascenô: Mẹ là Thánh
đô rộng mở đón tiếp hết những ai cầu xin Mẹ. Hỡi các con Mẹ hãy đến mà lãnh nhận
tràn đầy ơn sủng vượt trên mọi khát vọng của các con.
- Lạy Mẹ Chí Thánh Thiên Chúa,
xin mở tình thương cho chúng con, vì Mẹ là ơn độ phúc của cả nhân loại.
- Thánh Đamianô: Mẹ là kho
báu chứa gồm hết mọi thánh ân. Lạy Mẹ là hy vọng của chúng con, chúng con biết hết
mọi báu tàng tình thương của Chúa đều ở trong tay Mẹ.
- Thánh Bênađô: Chúa đã tàng
trữ nơi Mẹ Maria toàn thể mọi ơn sung mãn, nên chúng ta có được hy vọng nào, ân
sủng nào, ơn cứu độ nào là đều lãnh nhận từ tay Mẹ.
- Chúng ta hãy đi tìm ân sủng,
và hãy nhờ Mẹ mà tìm. Cứ xin điều gì là Mẹ được điều ấy. Không bao giờ Mẹ có thể
bị từ chối.
- Mẹ Maria được tặng ban cho
thế giới di chuyển tình thương để qua Mẹ các ân sủng được liên tiếp trao ban từ
trời cao xuống cho nhân loại.
- Thánh Albertô: Mẹ là Đấng
quản thủ kho báu của Chúa Giêsu.
- Thánh Bonaventura: Mẹ gồm
chứa báu tàng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu và cùng với Chúa gồm chứa nguyên ủy và
nguồn mạch hết mọi ân sủng.
- Lý do nào đã thúc đẩy Mẹ
hối hả đi thăm nhà Gioan Tẩy giả nếu không phải là đức ái thiêu đốt tâm hồn Mẹ.
- Lời của Mẹ có mãnh lực lớn
lao biết bao, vì Mẹ vừa mới nói, Chúa Thánh Thần liền xuống đầy lòng bà Elizabeth.
- Thánh Bênađinô: Khi Đức
Trinh Nữ chào bà Elizabeth, lời chào vào tai bà rồi xuống thai nhi, và vì thế, thai
nhi nhận được Chúa Thánh Thần.
- Từ lúc trở nên Mẹ Chúa Cứu
Thế, Đức Nữ Trinh uy linh đã được quyền tài phán đối với hết các cuộc nhiệm sinh
của Chúa Thánh Thần, đến nỗi không ai được Chúa ban một ơn nào mà không qua trung
gian nhân từ hiền ái của Mẹ.
- Thánh Laurensô Brinđisi:
Được đầy Thánh Thần bà Elizabeth do Chúa thúc đẩy đã thấy và nói những việc đã qua
hiện tại và tương lai. Bà biết phẩm chức vô biên, vinh quang hiện tại và tương lai
của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh đức và khiêm hạ.
- Thánh Anphong: Vừa đặt chân
vào nhà Gioan Tẩy giả Mẹ Maria đã rộng ban cho gia đình ông nào là ân trạch trời
cao, nào là hồng ân thiên quốc. Do đó, ngày Lễ Mẹ Thăm Viếng thường được gọi là
Lễ Mẹ ban ân sủng.
8. Giáo huấn của Giáo Hội
- Đức Phaolô VI: Lễ Thăm viếng
nhắc nhớ việc Rất Thánh Trinh Nữ Maria đang cưu mang Con Mẹ đi viếng thăm, giúp
đỡ bà Elizabeth, và công bố lòng xót thương của Thiên Chúa cứu chuộc.
- Đức Gioan Phaolô II
1. Mẹ Maria hiện diện một
cách linh thiêng giữa chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ với cùng một cặp mắt mà
bà Elizabeth đã nhìn xem Mẹ khi Mẹ vội vã tới viếng thăm bà, và nghe lời Mẹ chào
bà thì bà nói: "Ngay lúc tiếng em chào vừa đến tai chị, thì hài nhi trong dạ
chị liền nhảy mừng" (Lc 1:44). Niềm vui bà Elizabeth cảm thấy nêu bật ân huệ
có thể ẩn chứa trong lời chào mừng, khi lời chào đó do một tấm lòng tràn đầy Thiên
Chúa. Những bóng tối của tình trạng cô độc đè nén một tâm hồn, thường có thể bị
tia sáng một nụ cười và một lời nói âu yếm phá tan.
2. Đáp lại lời chào mừng của
Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: "Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa
phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm" (Lc 1:45). Những lời này được nói ra
do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là "đức tin."
Các Giáo phụ của Giáo hội đã nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của
Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng
ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: "Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ
không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là
trong cung dạ."
- Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria
có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không
dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn "mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta" (Ga
1:14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc
lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin
dự án "bất khả hữu = impossible" này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và
trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng
cho lịch sử chúng ta.
Người tín hữu cũng được mời
gọi vào thái độ đức tin giống như thế. Đức tin lôi kéo họ can trường nhìn qua bên
kia những khả năng và giới hạn những biến cố hoàn toàn nhân loại.
- Công đồng Vatican II
Sự liên kết giữa Mẹ và Con
trong công cuộc Cứu rỗi được tỏ rõ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết
cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Đức Maria đã vội vã đến thăm bà
Elizabeth, và được bà ấy chào mừng là người có phúc, vì đã tin vào sự Cứu rỗi Chúa
đã hứa, và vị Tiền hô nhảy mừng trong lòng mẹ.
9. Đến với tha nhân
Vào một buổi chiều hôm đó
trong nhà thờ, đầy nghẹt những người cùi hủi. Đức cha Maigret đứng bên bàn thờ quay
xuống hỏi họ:
Các con thân mến, các con
hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng và phục vụ các con. Thì đây tôi xin giới
thiệu: cha Đamien (Joseph Damien de Veuster 1840-1889 người Bỉ. Ngài đã đến và sẽ
ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có
vui mừng không?
Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm
to nhỏ. Cha Đamien đứng bên cạnh Đức giám mục mà chẳng hiểu tí gì! Rồi họ từ từ
tiến lên cung thánh, họ đến bên cha, sờ vào mặt, vào tay và vào áo cha…Cha hỏi Đức
giám mục: Họ làm gì vậy? Đức cha giải thích: Họ nói họ không thể tưởng tượng được
một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ và lại
đẹp trai nữa, không bệnh tật gì mà tự nguyện đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng
này. Họ không tin vào mắt mình nên họ mới xúm lại sờ mó vào người cha xem thử cha
có thực sự bị bệnh phong cùi như họ không? Rồi họ nói với nhau rằng: “Không, cha
không bệnh tật gì và cha đẹp trai quá!"
Vào năm 1873, cha Đamien đã
tự tình nguyện ra đảo Molokai, nơi mà chính quyền Hawaii thời đó “thu gom” những
người bất hạnh bị bệnh cùi hủi ra sống ở đảo nhằm cách ly, tránh sự lây lan cho
xã hội. Vì thế họ bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất
cứ một sự chăm sóc nào về thể xác cũng như tâm linh!
Cha Đamien đã đến và biến
đổi một trại cùi hiu quạnh bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài thành một
trung tâm sinh hoạt yên vui như một gia đình lớn.
Và rồi sau mười sáu năm tận
tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì
thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi."
(Ngài được phong chân phước
ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức
Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet. Chúng ta thấy theo tường thuật của Phúc Âm,
thì ngay sau khi nói lời “xin vâng” để chương trình cứu thế của Thiên Chúa được
bắt đâu thực hiện thì Đức Mẹ đã “vội vã” lên đường đên thăm gia đình người chị họ.
10. Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng--Trầm Thiên Thu (từ CatholicCulture.org)
Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng nhắc
nhở chúng ta về các sự thật và sự kiện này: Cuộc thăm viếng của Đức Mẹ dành cho
người chị họ Êlidabet ngay sau khi được Sứ thần truyền tin; Thánh Gioan Tẩy giả
khỏi tội Nguyên tổ khi còn trong lòng mẹ, lúc Đức Mẹ cất tiếng chào; Elizabeth's
proclaiming of Mary – theo linh hứng của Chúa Thánh Thần – là Mẹ thiên chúa và “được
chúc phúc giữa các phụ nữ”; Thánh ca siêu phàm Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen
Chúa) trở thành một phần trong lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội. Sự Thăm Viếng
thường được mô tả trong nghệ thuật và là mầu nhiệm trung tâm trong các sự sùng kính
của Thánh Phanxicô Salê.
LỊCH SỬ
Lễ này kính chào Đức Mẹ đã
mang trong lòng chính Vua Trời Đất, Đấng Tạo Tác thế gian, Con Thiên Chúa, Mặt Trời
Công Chính. Đức Maria được diễm phúc làm “Mẹ Thiên Chúa” và nhận biết hồng ân xuống
trên Thai nhi Gioan, Đức Mẹ đã thốt lên lời ca tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi
khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận
nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm
phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh
chí tôn!” (Lc 1:46-49).
Lễ này có nguồn gốc từ Thời
Trung Cổ, được Dòng Phanxicô duy trì từ trước năm 1263, và mau chóng lan truyền
khắp Giáo hội hoàn vũ. Trước đây, lễ này kính vào ngày 2 tháng Bảy. Nay được cử
hành vào khoảng giữa lễ Truyền Tin và lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả, phù hợp
với trình thuật Phúc Âm. Một số nơi mừng lễ này theo thực tế và thánh hóa các thai
nhi. Phụng vụ sử dụng màu Trắng.
Lời Chúa Tuần 7 Thường Niên
Thường niên V-GS C-PS Ngoại Lịch