Bất cứ vị tử đạo nào cũng đã cầu
nguyện và kiên nhẫn cầu nguyện cho tới giây phút các ngài bị điệu ra pháp
trường để lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Cầu nguyện có thể coi
là việc quan trọng nhất của đời ta: ta cần được cứu rỗi và Chính Chúa đã đoan
chắc "Xin thì sẽ được", vậy ta phải cầu xin, để Chúa ban phần rỗi đời
đời cho ta.
Cầu nguyện là gì ?
Mỗi lần ta nhắc lòng
trí ta lên với Chúa là cầu nguyện, khi làm bất cứ công việc gì, ta dâng cho
Chúa, cũng là cầu nguyện. Tuy nhiên cầu nguyện đúng nghĩa có 4 hình thức sau:
Ngợi khen, cảm tạ, thống hối và xin ơn.
Chúa Giêsu dậy ta phải
cầu nguyện, và nhất là phải kiên nhẫn cầu nguyện.
Chúa nói đến dụ ngôn
một vị quan tòa, gặp một bà góa cứ kiên nhẫn đến xin ông xử, tuy là vị quan tòa
độc ác, nhưng vì sự kiên nhẫn của bà, mà vị quan tòa này phải xử cho xong, để
bà khỏi quấy rầy. Rồi chính trong bài Tin Mừng anh chị em vừa nghe, Chúa Giêsu
cho người con gái một người đàn bà Syrophénicienne được khỏi bệnh, vì chẳng
những lòng tin bà mạnh mẽ, mà nhất là do lòng kiên nhẫn của bà: ban đầu Chúa có
nói những lời nặng nề, khắt khe, quá đáng, để thử lòng kiên nhẫn của bà, và rồi
vì kiên nhẫn, nên bà đã đạt kết quả mong muốn.
Bất cứ vị tử đạo nào
cũng đã cầu nguyện và kiên nhẫn cầu nguyện cho tới giây phút các ngài bị điệu
ra pháp trường để lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Lòng kiên nhẫn sẵn
sàng chịu chết, cũng như tinh thần kiên nhẫn cầu nguyện đã được biểu lộ trong
cuộc tử đạo của thánh Giuse Vũ Duy Hiển (tử đạo ngày 9.5.1840, 71 tuổi). Trước
khi đi xử, cha Giuse Hiển được gọi ra tòa lần chót. quan hứa sẽ trả tự do cho
ngài, nếu chịu khóa quá. Cha Giuse điềm nhiên đáp: “Xin quan đừng nói đến vấn đề này nữa.” Thấy vậy, quan truyền cho
lính đặt Thánh Giá trước mặt Cha và thả hai con voi rất lớn, để Cha sợ mà phải
bước qua Thánh Giá nếu muốn tránh hai con vật. Kế hoạch của các quan vẫn không
có kết quả, vì mặc dầu Cha có sợ con vật song không bước qua Thánh Giá, chỉ né
tránh sang một bên. Thái độ này khiến con vật quấn vòi vào rồi đứng lại. Bấy
giờ cha đáng kính nói trước quan: “Tôi đã
thưa với ngài nhiều lần rằng: Tôi muốn chết hơn là bước qua ảnh Thánh tôi thờ,
đã đến lúc tôi được như lòng mong ước, xin quan thi hành theo lệnh vua, và đừng
mất thời gian nữa.” Trịnh Quang Khanh nghe nói tức giận lắm, lệnh cho cha
Giuse phải ra pháp trường ngay.
Cha Giuse mang gông
rất nặng đi giữa một toán lính, vừa đi vừa cầu nguyện và cảm tạ Chúa cho tới
lúc bị chém đầu.
Đang khi bị giam,
Thánh Giuse Hiển vẫn dạy đạo và rửa tội được một số tân tòng, khuyên nhủ các
tín hữu kiên trung xưng đạo. Thánh nhân dùng thời giờ ở trong ngục vẽ những
hình Thánh Giá, để khi giáo dân đến thăm, ngài phát cho mỗi người một hình,
khuyên họ cung kính, cầu nguyện và xin ơn sống kiên nhẫn giữ đạo đến cùng. Việc
làm của thánh nhân gây nên một phong trào tôn sùng Thánh Giá, nhiều người đến
xin ảnh Thánh, nhưng vì số ảnh có hạn, nên một giáo dân có sáng kiến làm một
Thánh Giá nhỏ bằng gỗ rất đẹp rồi dùng mực in Thánh Giá này trên nhiều mảnh vải
nhỏ, cung cấp cho thánh nhân nhiều ảnh để làm thỏa mãn lòng sốt sắng của mọi
người đến thăm cha.
Vũ Duy Hiển sinh năm
1769 tại làng Quần Anh Hạ sau gọi là Quần Phương (Nam Định). Từ bé Hiển được
đức cha Delgađo Y nhận vào nhà Đức Chúa Trời, sau được các Bề Trên gởi đi du
học Manila cho tới ngày thụ phong linh mục và hồi hương. Cha xin vào tập viện
dòng Đaminh ngày 12.10.1812 và khấn năm liền sau. Cha đã giúp nhiều giáo xứ.
Cha sống thánh thiện và lời giảng khuyên của cha có sức hoán cải lòng người.
Khi chiếu chỉ cấm đạo
năm 1833 được ban hành, cha Hiển là bạn đồng hành với đức cha Henares Minh trên
đường lưu lạc. Năm 1838 khi theo đức cha tới Xương Điền, người xin về quê cũ
Quần Anh, sau di chuyển sang Hưng Nghĩa rồi ở họ Trung Thành 9 tháng. Tuy gặp
khó khăn và luôn luôn phải trốn tránh, cha vẫn cố tìm cách phục vụ dân Chúa đắc
lực. Cha thăm viếng từng nhà, ủi an khích lệ từng người và trao ban các Bí
Tích.
Tối ngày 20.12.1839,
cha Hiển đi xức dầu và giải tội cho ông đội Nhật đang hấp hối, ông này bỏ xưng
tội lâu năm và muốn được dọn mình chết lành. Một người ngoại giáo phát giác nơi
cha ở, đã đi tố cáo với Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan liền đem quân đến vây
kín làng Trung Thành. Thấy khó trốn thoát, cha cử hành một Thánh Lễ sốt sắng để
chuẩn bị lãnh nhận phúc tử đạo. Khi trời vừa bừng sáng, lính tìm bắt được cha
và dẫn về đình làng.
Vì từ chối không chịu
đạp lên Thánh Giá, quan biểu đánh cha 40 roi, tiết đông giá rét làm những vết
roi thêm tê buốt. Sau đó quan truyền lấy nước lạnh dội từ trên đầu xuống các
thương tích đang rướm máu gặp nước lạnh thì tím bầm lại, làm gia tăng đau xót.
Dầu vậy, cha vẫn không than thở rên la một lời, chỉ lêu tên cực trọng Đức
Giêsu. Hai ngày sau, vị linh mục được giải về Nam Định và giam giữ hơn năm
tháng, (tại đây cha gặp thánh Tôma Toán.)
Cha đã khuyên được
thầy Tôma Toán trở lại với Chúa, vì Thầy đã chối đạo. (coi thánh Tôma Toán)
Việc khuyên thầy Tôma
Toán trở lại với Chúa, đến tai Trịnh Quang Khanh, ông phẫn nộ truyền giam cha
Giuse vào một ngục rất chật hẹp và để thầy Tôma một mình đương đầu với những
thử thách mới. Song không vì thế mà cha Giuse bỏ nhiệm vụ truyền giáo.
Cha Giuse được gọi ra
tòa nhiều lần, lần nào quan cũng hỏi cha chính Vọng ở đâu, và ép cha bước qua
Thập Giá. Cha trả lời: “Đã từ lâu tôi
không được tin về cha bề trên của tôi, còn việc bước qua Thánh Giá, thì tôi xin
nói rõ cho quan biết, tôi là linh mục hằng rao giảng sự Tôn Sùng Thánh Giá, thì
lẽ gì tôi lại xúc phạm đến ảnh Thánh này được. Tôi đã cương quyết và chỉ mong
được chết vì Đấng tôi yêu mến hết lòng.” Những lời nói chân thành của cha
chỉ làm cho quan thêm tức giận, đánh đòn cha và bắt cha chịu nhiều khổ hình.
Vào một ngày giá rét mùa đông lính lột trần truồng cha, bắt cha tắm nước lạnh
rất lâu khiến cha suýt chết cóng. Sau cùng, các quan lên án xử tử, và bản án
được gởi vào kinh xin vua châu phê. Ngày 9 tháng 5, bản án trở lại Nam Định và
quan được lệnh phải thi hành tức thời.
Trước khi đi xử, cha
Giuse và thầy Tôma được gọi ra tòa lần chót, quan hứa sẽ trả tự do cho hai vị
và hủy bản án tử hình, nếu chịu khóa quá. Cha Giuse điềm nhiên đáp: “Xin quan đừng nói đến vấn đề này nữa.”
Thấy vậy, quan truyền cho lính đặt Thánh Giá trước mặt hai đấng Tử Đạo và thả
hai con voi rất lớn, để hai vị sợ mà phải bước qua Thánh Giá nếu muốn né tránh
hai con vật. Kế hoạch của các quan vẫn không có kết quả, vì mặc dầu các vị anh
hùng có sợ hãi con vật song không bước qua Thánh Giá, chỉ né tránh sang một
bên. Thái độ này khiến hai con vật quấn vòi vào rồi đứng lại. Bấy giờ cha đáng
kính nói trước quan tòa: “Tôi đã thưa với
ngài nhiều lần rằng: Tôi muốn chết hơn là bước qua ảnh Thánh tôi thờ, đã đến
lúc tôi được như lòng mong ước, xin quan thi hành theo lệnh vua, và đừng mất
thời gian nữa.” Trịnh quang Khanh nghe nói tức giận lắm, lệnh cho cha Giuse
phải ra pháp trường ngay, còn thầy Tôma được dẫn về ngục.
Cha Giuse mang gông
rất nặng đi giữa một toán lính, vừa đi vừa cầu nguyện và cảm tạ Chúa cho tới
lúc bị chém đầu. Xác thánh được chôn ngay tại pháp trường, tám tháng sau mới
được anh Phêrô Dậu rước về an táng tại Lục Thủy.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK