(406-450?)
Thánh Phêrô có biệt danh
là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng. Ngài được đặt
làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài.
Thánh
Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu
chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.
Thánh
Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại
hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục
của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần,
và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy
sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được
phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn.
Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức
Kitô."
Thánh
Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến
Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn
lưu truyền đến ngày nay.
Lời Bàn
Chắc chắn
rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài
tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc
học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo.
Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến
thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay
tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến
thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.
Lời Trích
Eutyches,
người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết
án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh
Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức
tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của
vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm
Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến
thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)