Suy niệm hạnh thánh _ 25/7

Thánh GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Đức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê.
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên.
Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Sau đó Đức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ.
Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Đức Giêsu đặt cho họ:  "con của sấm sét". Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo (Cv 12,1-3a).
Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.
Suy niệm 1: Mời gọi
Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Đức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê.
Trước đó, Đức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê (Mt 4,18-22). Một thái độ đồng nhất của các tông đồ đầu tiên được Thánh Sử Mátthêu ghi nhận trước lời mọi của Đức Giêsu, đó là tất cả không chần chừ mà ngay lập tức các ngài liền bỏ mọi sự để lên đường đi theo Chúa (Mt 4,20.22)..
Samuen xưa kia cũng có tâm tình đó dầu còn trẻ và dầu còn đang trong giấc ngủ. Nghe tiếng Chúa gọi, ngài cũng vội vàng chỗi dậy đáp lời “Dạ, con đây”, và lập tức chạy đến cùng Thầy Cả Hêli, vì chưa nhận ra ơn mặc khải cho ngài (1Sm 3,7), dầu chỉ trong một đêm ngài bị đánh thức đến ba lần (1Sm 3,4.6.8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mau mắn đáp lời Chúa cụ thể qua các tiếng chuông báo hiệu giờ cử hành phụng vụ.
Suy niệm 2: Ưu tiên
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên.
Ngài cùng với Phêrô và em ngài là Gioan được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung (Mt 17,1), được thấy con gái ông Giairút sống lại (Mc 5,37) và có mặt trong giờ thống khổ của Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani (Mt 26,37), trong khi các tông đồ khác thì không được như thế.
Ngoài ra ngài là vị tông đồ được vinh phúc hưởng triều thiên tử đạo đầu tiên trong nhóm các tông đồ. Thật ra nếu xét về hồng phúc này thì phải nêu lên trường hợp của Thánh Têphanô là vị tử đạo đầu tiên (Cv 7,59-60), nhưng ngài chỉ là vị Phó Tế (Cv 6,5) chứ không phải là tông đồ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ơn huệ được làm con Chúa cũng là một điểm ưu tiên để sống sao cho xứng đáng.
Suy niệm 3: Tính khí
Có 2 biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của Giacôbê và người em.
Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Đức Giêsu để xin cho hai ông được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc: một bên phải, một bên trái Đức Giêsu (Mt 20,20-28). Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Thánh Luca ghi chuyện hai ngài nóng giận đến mức hiếu sát trước thái độ dân làng Samari cản lối đi của Chúa (Lc 9,51-56).
Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Đức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học theo gương Chúa bao dung trước các khuyết điểm của người và kiên nhẫn thanh luyện họ.
Suy niệm 4:. Phục vụ
Đức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ.
Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Đây là vị thế của chính Đức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.
Đức Giêsu không chỉ chủ trương phục vụ "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28)  và chỉ dạy "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em" (Mc 10,43-44) mà còn nêu gương: Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau (Ga 13,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dầu lớn dầu nhỏ cũng đều khiêm tốn phục vụ lẫn nhau theo đường hướng Chúa.
Suy niệm 5: Biệt hiệu
Giacôbê và Gioan chứng minh về biệt hiệu mà Đức Giêsu đặt cho họ:  "con của sấm sét".
Biệt hiệu này rất thích hợp với họ qua sự kiện này: Người Samaritanô không đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?' Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9,54-55).
Tính khí nóng giận của Giacôbê đã thay đồi từ đấy. Vì thế khi Giacôbê thấy thảm cảnh vua Hêrôđê ra tay ngược đãi các kitô hữu tiên khởi đến mức hạ lệnh chém đầu ngài (Cv 12,1), ngài vẫn không phản kháng mà theo gương Thầy Chí Thánh tỏ thái độ như cừu câm nín khi bị xén lông, thậm chí như chiên hiền lành bị mang đi giết, (Cv 8,32).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được tai hại của tính nóng giận như câu nói “giận mất khôn”, để kịp thời sửa đổi bằng tính hiền lành.
Suy niệm 6: Tử đạo
Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo.
Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1,20;2,16; 4,6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa...
Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, (đặc biệt qua hành vi tử đạo) đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Đức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải Thiên Chúa, 7).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm tiếp nối sứ vụ của các tông đồ trong thời đại chúng con đang sống, dầu phải chịu tử đạo.