KHO BÁU ẨN DẤU VÀ VIÊN NGỌC QUÍ
“Trong
lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất
là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không
tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (ĐGH Benedict XVI, Bài giảng ở
Sydney 2008).
Sống là một hành trình tìm
kiếm và chọn lựa liên lỉ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.
Trong tác phẩm nổi tiếng
“la Pensées”, Pascal (triết gia công giáo pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự
cao trọng. Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những
ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị
không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.
Bậc thứ hai cao trọng hơn
là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các
nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay
xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài. Trước họ chúng ta phải
ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.
Còn có một thứ bậc cao
hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của
thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: “Một
giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.” Đẹp hay xấu, học thức
hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị
thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia. Điều
này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Có thể nói rằng đức tin
Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu,
và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội,
là Kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay
trong chính đời sống của mình.
Lời Chúa hôm nay cũng nói
tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa
cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo
dân Chúa và phân biệt lành dữ. Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông
được khôn ngoan và có tất cả.
Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa
ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà
không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và
‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là
niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn, bởi
được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm
nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi
nên thánh,” trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế,
lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.
Khủng hoảng lớn nhất của
con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền
bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành
một thứ secondhand, “hàng ế”! Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống. Đức Giáo
Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: “Trong
lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất
là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không
tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng ở Sydney 2008). Nếu
cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và
quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng
ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.
Như hai người trong Tin Mừng
tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm
Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời
mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải.
Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ.
Có một sự bận tâm cao hơn đó là “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”; có những giá
trị còn lớn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân
thiện mỹ của đời ta. Amen!
Lm Pietro Nguyễn Hương