Lời Chúa Lễ Tro _ thật lòng trở về với Chúa

Thứ Tư Lễ Tro
THẬT LÒNG TRỞ VỀ VỚI CHÚA
Nhờ ơn Chúa, với quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại và lòng khiêm tốn, chắc chắn chúng ta sẽ tiến bộ trên đường nên thánh.
Lm. Mt
Chuyện ngụ ngôn về miếng đất sét kể: Có người tình cờ nhặt được miếng đất sét có màu sắc và hương thơm của hoa hồng. Vô cùng kinh ngạc, ông ta hỏi:
-      Đất sét ơi, hãy nói cho ta biết mi là gì, một viên ngọc đáng giá, là viên kim cương quý hiếm hay viên đá kỳ diệu nhất trên đời?
Đất sét trả lời:
-      Tôi chỉ là miếng đất sét tầm thường như bạn bè của tôi.
-      Thế sao mi có hương thơm và vẻ đẹp kỳ diệu như vậy?
-      Tôi sẽ nói cho ông biết điều bí mật đó: Vì tôi sống gần một bông hồng.
Con người cũng là nắm đất sét được Thiên Chúa chạm đến, nên trở nên cao quí nhờ thấm đẫm tình thương và ân huệ của Người. Sách Sáng Thế viết: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2, 7) Con người chỉ là bùn đất, nhưng vì được Thiên Chúa chuyển thông sinh khí, nên có sự sống và vượt trổi hơn muôn vật muôn loài. Chẳng những thế, Đấng Tạo Thành còn cho hưởng sựsống vĩnh cửu, ơn khôn ngoan, tự do và thay quyền của Người để coi sóc muôn loài. Nhưng khi bất trung với Thiên Chúa, con người như diều đứt dây, mất tất cả và trở về với tro bụi. Trong nghi thức xức tro hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi.”
Con người chối từ Đấng Tạo Thành, nhưng Người không bỏ rơi họ.Thật vậy, ngay khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hé mở chương trình cứu độ loài người qua lời kết án con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 15)
Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa thể hiện rõ nét qua việc Người kiên trì dạy dỗ trong yêu thương, tìm kiếm để tha thứ và ban ơn. Ngay trong thời Cựu Ước, qua các tổ phụ, các ngôn sứ, Thiên Chúa dạy dỗ loài người qua dân ưu tuyển là Israen. Mỗi lần dân này lầm đường lạc lối, Người tha thiết kêu gọi họ trở về: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Ðừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” (Ge 2, 12-13)
Khi thời gian viên mãn, Con Thiên Chúa đến trần gian không ngoài mục đích tìm kiếm những người đang chìm đắm trong tối tăm của sự chết, đưa họ về nguồn ánh sáng và sự sống. Chính Đức Giêsu đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9, 13) Vì thế, ngay khi khởi đầu sứ vụ cứu thế, Người đã kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1, 15)
Về phía con người, ngay từ thời nguyên tổ, vì không đủ tin vào tình thương của Chúa, nên tìm hướng đi riêng nhằm thỏa mãn những đam mê và tận hưởng khoái lạc như ý họ muốn. Tiếc rằng, khi quay lưng lại với Đấng là sự sống và hạnh phúc đích thật, con người đánh mất tất cả, tâm hồn trống rỗng và khắc khoải khôn nguôi.
Chỉ khi trở về và tìm gặp Chúa, tâm hồn chúng ta mới được bình an, cuộc sống có ý nghĩa vì đạt tới hạnh phúc thật. Bởi lẽ, Chúa là cùng đích, là sự sống và hạnh phúc viên mãn của toàn thể nhân loại.
Nhưng nhiều lần chúng ta chỉ sám hối theo thói quen với công thức có sẵn như đấm ngực khi đọc “kinh thú nhận”. Có người giả vờ hối hận để hài lòng một ai đó, họ như đứa trẻ sợ cha mẹ trách mắng nên đến với bí tích hòa giải mà chẳng thật lòng sám hối và khao khát ơn tha thứ. Cũng có người quyết thay đổi khi bị đau ốm hay gặp rủi ro, đến lúc mọi sự an toàn hơn, lại không muốn duy trì quyết tâm ấy nữa. Giuđa, sau khi phản bội Thầy cũng đã cảm thấy xót xa, ray rứt và hối hận, nhưng vì không tin vào tình thương tha thứ của Chúa nên tự đi tìm cái chết.
Trở về với Chúa cách chân thành phải xuất phát từ tấm lòng muốn hoán cải, khao khát đổi mới, ước ao nên hoàn thiện và đặt niềm tin vào tình thương của Người như Phêrô, Augustinô và biết bao những người thành tâm thiện chí được lịch sử Giáo Hội ghi lại.
Đứa bé tập đi, nó vấp té và khóc, rồi đứng dậy, cố bước tới với chút kinh nghiệm vừa có, chẳng bao lâu sau, nó bước đi vững vàng và chạy nhảy thuần thục. Tương tự như vậy, bản tính con người vốn yếu đuối và giới hạn nên dù có quyết tâm chúng ta cũng dễ sai phạm nhiều lần cùng một nết xấu, nhưng nhờ ơn Chúa, với quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại và lòng khiêm tốn, chắc chắn chúng ta sẽ tiến bộ trên đường nên thánh.
Có nhiều cách giúp chúng ta trở về với Chúa, nhưng cầu nguyện, thực thi bác ái và chay tịnh vẫn là ba phương thế căn bản và truyền thống.
Cầu nguyện: nhờ những giây phút đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta nghe được tiếng Chúa, nhận biết thánh ý Người; đồng thời nhận ra tội lỗi, sự bất trung và những khuyết điểm cần thanh tẩy nơi tâm hồn. Nhờ cầu nguyện, chúng ta còn đón nhận ơn Chúa để hoàn thành những ước nguyện và quyết tâm lành thánh của mình.
Thực thi bác ái: những lỗi lầm của chúng ta thường liên quan đến tha nhân. Nhiều khi chúng ta để lòng thù ghét, giận dữ, vu khống, lừa dối… và thờ ơ trước nỗi khổ của những người thân cận. Thực thi bác ái, không chỉ là giúp đỡ về vật chất mà còn là tha thứ, sống công bằng, quan tâm và yêu thương mọi người.
Chay tịnh: những đam mê trần tục làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, chối bỏ ân huệ của Người, và tự đánh mất sự sống cùng với hạnh phúc vĩnh cửu.Như chiếc dây cương điều khiển chú ngựa đi đúng đường, nhờ chay tịnh, chúng ta tập kìm chế ngũ quan, thắng vượt các đam mê, loại bỏ tính tham lam, sự giận hờn, nhờ thế chúng ta có thể sống theo ý Chúa và trở nên môn đệ của Người.
Sám hối và canh tân theo tinh thần Tin Mừng là việc chúng ta phải thực hiện suốt đời, và mùa chay là dịp thuận tiện, là mùa tập luyện thiêng liêng, để nhờ chuyên chăm cầu nguyện, thực thi bác ái và chay tịnh, chúng ta có thêm sức mạnhcùng với sự kiên trì để luôn biết trở về với Chúa thật lòng.
Xin Chúa chúc phúc và nâng đỡ tất cả chúng ta, nhất là trong mùa chay thánh này, để nhờ biết thật lòng trở về với Người, tâm hồn nên trong sạch và được hưởng dồi dào niềm vui ơn cứu độ.
Lm. Mt