"VÌ
EM ĐÃ MANG LỜI KHẤN NHỎ…"
Cần phải có cảm xúc mới
về Tin Mừng, lòng nhiệt huyết mới, từ đó sẽ tìm ra phương cách mới để loan báo
Tin Mừng.
Lm. VĨNH SANG, DCCT
Hôm qua có chị bạn viết cho tôi mấy chữ
từ phương xa: “Ngày mai Chúa chịu phép rửa…
Cũng cúi đầu xuống sống Giođan nhé”. Một người bạn cũ từ xưa thời còn đi học
trung học, sau ngày đậu tú tài toàn phần rồi ra trường, chúng tôi mỗi người một
hướng ít gặp nhau. Ít năm sau, biến cố 1975 ập đến, tuổi trẻ gặp lúc thời cuộc
thay đổi, chúng tôi càng vất vả hơn với cơm áo gạo tiền, và những định hướng
cho bản thân.
Gần bốn mươi năm sau ngày chia tay,
chúng tôi gặp nhau trong một dịp hội ngộ, đứa còn đứa mất, đứa lưu lạc phương
xa, rồi chúng tôi nối lại các liên lạc và thư từ điện thoại với nhau. Mỗi lần hẹn
hò chẳng bao giờ đầy đủ, tuổi lục tuần không còn phải lặn lội bôn ba nhưng lại
bận chuyện con cháu, họp mặt chẳng bao giờ trước 8 giờ sáng, vì ai cũng phải
đưa cháu nội ngoại đến trường thay cho bố mẹ chúng nó. Cả bọn ai cũng lên chức
ông bà, chỉ mình tôi còn “bị” gọi là…
“cha”! Tuổi này “ngoài thế gian”
người ta đã được ngơi nghỉ, chỉ mình tôi còn được gọi là “cha zừa” (chưa già) và dĩ nhiên vẫn còn “đương chức”, chưa hưởng hưu.
Các bạn đã lên ông lên bà, con cháu
không nhiều thì ít, có lắm khi gặp nhau họ nói chuyện bù khú bạo mồm bạo miệng,
thậm chí có tên còn lôi “ông cha” ra chọc cười, chị bạn nói trên của tôi lại
thường im lặng, hoặc lên tiếng “la mắng” bạn bè, dĩ nhiên mỗi lần “lên cơn la mắng”
càng làm chúng tăng sức chế nhạo thêm. Chị dấn thân trong việc phục vụ Nhà Thờ,
suốt ngày chuyện ca đoàn rồi chuyện đọc sách, suốt ngày chuyện giáo lý rồi chuyện
điều hành mục vụ, mỗi lần gặp khó khăn chị chạy đến tôi, trong tình bạn chị hỏi
tôi về lẽ đạo, về luật lệ, về những tương quan trong nhà đạo với nhau...
Thời gian này chị sang Thái Lan nuôi
cháu ngoại cho con gái đang làm việc bên đó, “thằng bồ nhí” (cháu trai) nó bám chị lắm nên không bỏ được, nhưng
“máu” nhiệt thành không ngừng chảy, chị tham gia vào việc tông đồ cho anh chị
em Việt Nam di dân ở Thái Lan, bôn ba tìm đến các khu nhà trọ người Việt di
dân, chung sức với việc dạy giáo lý, và các cuộc họp mặt người Việt Công Giáo.
Chị không quên thường xuyên thư từ về cho tôi bằng những dòng thư ngắn ngủi,
vài chữ nhưng rất… Tin Mừng.
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm
2012 bàn chuyện “Tân Phúc Âm Hóa để loan truyền Tin Mừng”, Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam trong Thư Chung sau cuộc họp tháng 10 năm 2013 cũng đề cập đến “Tân Phúc Ân
Hóa” đồng thời vạch kế hoạch cho ba năm thực hiện công cuộc này.
Chuyện Giáo Hội định hướng, ra văn bản,
thông điệp, tông huấn, thư chung… là chuyện thường tình, không biết ở các nơi
khác thế nào, chứ chuyện hưởng ứng với các văn bản của Giáo Hội thì ở Việt Nam
rất nhiệt thành. Chúng ta cứ đi một vòng quanh các Nhà Thờ thì sẽ rõ, biểu ngữ
cờ xí giăng rợp trời, tổ chức phát động khắp nơi, tìm kiếm văn bản phân phối, mời
các chuyên gia đến nói chuyện, học tập, kể cả các bài viết rất bài bản trên các
trang nhà điện tử. Nhưng chỉ một thời gian sau, mọi sự lại yên ổn như cũ, các
văn bản được cất sâu trong thư viện, mọi chuyện không còn bàn đến nữa, tất cả
nhanh chóng đi vào quá khứ, có còn chăng chỉ còn trên các bài nói chuyện, bài
viết của một số ông bà… hoài cổ, nhắc đến như những dấu hiệu của một thời xa
xăm nào đó!
Chúng ta cứ ngẫm xem, những văn bản dậy
sóng một thời như bức Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc” (1990), Tông Huấn “Giáo
Hội tại Á Châu” (2000), Sắc lệnh “Ad Gentes” (Vatican II)… bây giờ ở đâu? 50
năm qua của Sắc lệnh Ad Gentes chúng ta lượng giá làm được gì? 23 năm Thông điệp
“Sứ vụ Đấng Cứu Chuôc” chúng ta thực hiện đến đâu? 13 năm Tông huấn “Giáo Hội tại
Á Châu” kết quả thế nào? Tỷ lệ dân số Kitô hữu không tăng! Nếp sống đạo và nếp
sống tu không đổi theo chiều hướng “Giáo Hội tại Á Châu”! …
Đầu năm vừa qua, thế giới xuất hiện Đức
Thánh Cha Phanxicô, lời nói, việc làm, thái độ và định hướng của ngài cho Giáo
Hội đã gây ra thật nhiều hiệu quả tích cực. Chúng ta cùng nghe: “Theo đài Vatican ngày 19.11.2013 cho biết,
qua việc mến mộ Đức Thánh Cha, người ta trở lại với Chúa nhiều hơn. Theo những
thông kê mới đây tại nhiều nước trên thế giới, số người trở lại đi lễ, đi xưng
tội, trở lại với Chúa, với Giáo hội tăng lên rất nhiều. Từ những nước Á Châu
như Philippines đến những nước Âu Châu như Tây Ban Nha, Anh Quốc. Từ những nước
nghèo như Argentina, Braxin cho đến những nước giầu như Mỹ, Pháp, số người trở
lại Nhà Thờ đều tăng lên trông thấy. Báo Sunday Times cho biết thống kê tại Anh
cho thấy số tín hữu đến các Nhà Thờ Chính Tòa trong nước Anh để dự lễ, lãnh các
bí tích tăng lên 20%. Đức Hồng Y Nichols của Westminster xác nhận con số này,
ngài cho biết trong 8 tháng vừa qua, do ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô một
bầu khí phấn khởi tin tưởng lan vào các cộng đoàn tín hữu. Mạng Insider của
Vatican cho biết con số tương tự tăng lên ở Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha và
Braxin. Riêng tại Argentina, số người xưng mình là Kitô hữu tăng lên 12%” (Bài
giảng tĩnh tâm năm 2013 cho DCCT của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho chúng
ta thấy cần phải có cảm xúc mới về Tin Mừng, lòng nhiệt huyết mới, từ đó sẽ tìm
ra phương cách mới để loan báo Tin Mừng. Sở dĩ chúng ta không biến chuyển vì chúng ta thiếu cảm xúc mới về Tin Mừng,
không có cảm xúc chúng ta chẳng khác gì loài vô tri gỗ đá, người ta khắc cái gì
vào đó thì nó chỉ là thế đó thôi, thiếu lòng nhiệt huyết chúng ta chỉ làm “việc bổn phận”, những hoạt động vô hồn,
không gây chuyển cảm xúc.
Ngày lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta nhận lấy Thánh Thần, Thánh Thần
thánh hóa nhưng cũng là Thánh Thần sai đi, ngày ấy chúng ta mang trong mình “lời khấn nhỏ”, lời khấn có còn sống động
trong chúng ta hay không?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa 2014