THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT I – MÙA
VỌNG
Is
29, 17-24; Mt 9, 27-31
BÀI ĐỌC: Is 29, 17-24
17 Đức Chúa là Thiên Chúa phán thế này: “Chỉ còn chút nữa, chút ít
nữa thôi, núi Li-băng sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum
sê như một cánh rừng, chẳng phải thế sao? 18 Ngày ấy, kẻ điếc sẽ
được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ
được nhìn thấy. 19 Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn
khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng
bừng. 20 Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ
phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: 21
đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại
cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công
chính bị gạt ra ngoài. 22 Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa nhà Gia-cóp, Đấng
đã cứu chuộc Áp-ra-ham, phán thế này: "Từ nay Gia-cóp sẽ không còn phải
xấu hổ, từ nay nó sẽ không còn bẽ mặt thẹn thùng, 23 vì khi Gia-cóp
nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là
thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Gia-cóp là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa
của Ít-ra-en. 24 Những người tâm trí lầm lạc sẽ có được sự hiểu biết,
và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy.
ĐÁP CA: Tv 26
Đ. Chúa là nguồn ánh
sáng và ơn cứu độ của tôi. (c 1a)
1 Chúa là nguồn ánh sáng và ơn
cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi
khiếp gì ai nữa?
4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là
luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.
để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.
13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ
được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 14 Hãy cậy
trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Kìa Chúa
chúng ta ngự đến uy quyền, sẽ chiếu tỏa ánh quang cho tôi tớ Người rạng ngời
đôi mắt. Hall.
TIN MỪNG: Mt 9, 27-31
27 Khi ấy, Đức Giê-su đang trên đường đi, thì có hai người mù đi
theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! "28
Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ:
"Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa
Ngài, chúng tôi tin.”29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói:
"Các anh tin thế nào thì được như vậy.”30 Mắt họ liền mở ra. Người
nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết! "31
Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
SÁNG MẮT ĐỨC TIN NHỜ HỘI THÁNH
CÔNG GIÁO
Loại mù nào cũng gây đau khổ, nhưng mù Đức Tin thì khổ nhất. Thực
vậy:
-
Mù con mắt xác thịt vẫn còn nhờ cây gậy để mò mẫm bước đi, dù
chậm chạp.
-
Mù chữ, dễ bị người khác gạt gẫm nên phải lệ thuộc vào người
biết chữ.
-
Thầy thuốc mù (lầm lẫn thuốc), giết thân xác bệnh nhân.
-
Mù tư tưởng, như chủ thuyết vô thần giết chết cả một thế hệ.
-
Mù tôn giáo: tự tiêu diệt hồn xác mình và lôi kéo nhiều người
xuống Hỏa ngục!
I. LÝ DO MÙ TÔN GIÁO VÀ HẬU QUẢ
CỦA NÓ.
Cả bốn tác giả Tin Mừng đều ghi lại phép lạ Đức Giêsu mở mắt
người mù, đó là dấu chỉ Ngài muốn mở mắt Đức Tin cho cả loài người, vì giống
nòi này đã bị mù Đức Tin khởi đi từ tội nguyên tổ Adam, Eva, bởi những nguyên
nhân sau:
1/ MÙ VÌ ĐÒI
BIẾT QUÁ ĐIỀU PHẢI BIẾT.
Thực vậy, nguyên tổ Adam - Eva đòi biết hết mọi mùi vị trái cây
Chúa dựng nên, kể cả trái Chúa đã cấm. Hậu quả thần chết xuất hiện chịt cổ cả
dòng giống này (x St 3).
Vì thế, thánh Phaolô khuyên: “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích! Được phép làm
mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng, đừng để sự gì vô ích lạm phép
trên thân thể mình” (1Cr 6, 12; 10, 23). Vậy điều được phép làm mà không
cần thiết, không có lợi, đã không nên làm, huống chi nguyên tổ Adam, Eva đã lạm
dụng tự do hái ăn cả trái Chúa cấm, thì gai góc mọc lên: sự dữ bao vây làm khổ
họ: Vợ chồng đố kỵ nhau, Cain - con trai trưởng giết em, Lamek là cháu lấy hai
vợ lại còn đòi báo thù 70x7 (x St 3-4).
2/ MÙ VÌ TỰ ÁI,
TỰ MÃN, TỰ TÔN.
Đan cử như những đầu mục Do Thái tự mãn nắm trọn Luật Môsê, nên
ai kém hơn họ về lãnh vực này thì họ nạt nộ và cấm cách, ngăn cản không cho tin
theo Đức Giêsu (x Ga 7, 45-52). Kìa anh Ladarô sau khi được Đức Giêsu cho sống
lại làm cho nhiều người tin vào Ngài, thì họ quyết định giết Đức Giêsu và cả
anh Ladarô (x Ga 12, 10).
3/ MÙ VÌ KHÔNG
MUỐN NGHE HỘI THÁNH RAO GIẢNG.
Cụ thể dân thành Athena mù quáng kính thần Vô Danh, họ thờ vị
thần mà họ không biết lý lịch, khi họ nghe ông Phaolô giảng về Đức Kitô cho kẻ
chết sống lại, thì họ chế nhạo và đuổi khéo ông đi nơi khác, như lời họ nói: “Thôi ông để khi khác chúng tôi nghe” (x
Cv 17, 32). Như thế họ mang danh là giới trí thức, mà lại mù không biết đón
nhận Đấng họ tôn thờ là Chúa Giêsu Phục Sinh, chỉ có Ngài mới đáp ứng mọi nhu
cầu sự sống của loài người (x Cv 4, 12). Loại mù này là những kẻ ngu đần xây
nhà không theo kỹ thuật phải đặt móng trên nền đá, nhưng lại xây trên cát, khi
giống tố xảy đến kéo sập nhà, chôn sống mọi người đang ở trong đó! (x Mt 7, 24)
Khốn nạn hơn nữa trở thành kẻ sát nhân, không trừ người vô tội. Đan cử ông
Saulô, khi chưa được học Giáo Lý nơi môn đệ Đức Giêsu, dù mắt vẫn mở nhưng ông
chẳng nhìn thấy gì, đang lúc ông xông đến Đama đòi tiêu diệt hết những người
Công Giáo vô tội (x Cv 9, 8). Vậy mà ông cứ tưởng làm như thế là tôn vinh Thiên
Chúa (x Ga 16, 2).
4/ MÙ VÌ CỦA
ĐỜI NÀY VÀ HAM DANH VỌNG.
-
Mê hưởng thụ của vật chất: Cụ thể như phú hộ được mùa, ông
phá kho cũ xây kho mới, chất của cải vào đó mà ru hồn hưởng thụ (x Lc 12, 16);
hoặc như tên phú hộ chỉ mặc sang ăn sướng mà không quan tâm đến nỗi đau khổ của
Ladaro nằm ngay đầu ngõ (x Lc 16, 19t). Những loại người này tự gieo mình xuống
Hỏa ngục!
-
Ham danh vọng: Như các môn đệ tranh nhau quyền
bính, gây bất hòa giữa anh em (x Mc 9, 33t); độc ác nhất là ông Philatô dù đã
xét xử Đức Giêsu, biết Ngài là Đấng vô tội, chính vợ ông cũng ngăn cản: “Đừng xâm phạm đến ông Giêsu”, do đó ông
đã muốn tha bổng Đức Giêsu, nhưng chỉ vì dân làm áp lực, dọa sẽ tố cáo ông với
chính quyền Roma, ông sẽ mất chức mất quyền, thế là ông làm mù lương tâm, trao
Đức Giêsu cho kẻ ác giết (x Mt 27, 19; Ga 19, 12t).
5/ VÌ MÙ KHÔNG
CÓ LẬP TRƯỜNG, NÊN A-DUA TOA RẬP VỚI ÁC NHÂN.
Cụ thể, nhiều người DoThái được Đức Giêsu ban ơn hoặc họ đã
chứng kiến những phép lại Ngài làm, đã tin vào Ngài, và tung hô. Thế nhưng, trước
tòa án, họ hùa theo các đầu mục Do Thái đòi lấy mạng Đấng Vô Tội mà đón nhận
tên cướp Banaba (x Mt 27, 39t; Ga 2, 23; 18, 39-40).
II. MUỐN ĐƯỢC
CHÚA GIÊSU MỞ MẮT ĐỨC TIN CHO, THÌ MỖI NGƯỜI PHẢI THỰC HÀNH BỐN ĐIỀU RÚT RA TỪ
PHÉP LẠ ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH CHO NGƯỜI MÙ TRONG TIN MỪNG HÔM NAY. BỞI VÌ ĐỨC TIN
KHÔNG VIỆC LÀM LÀ ĐỨC TIN CHẾT (Gc 2, 17).
1- Phải sống
hiệp thông với Hội Thánh Chúa Kitô.
Hình ảnh hai người mù cùng gióng tiếng kêu xin Đức Giêsu chữa
lành (x Mt 9, 27a: Tin Mừng). Đây là dấu chỉ “Chúa không muốn cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (x Hiến
Chế Hội Thánh số 9). Liên kết ở đây là kết hợp với Chúa Giêsu và liên kết với
mọi người Công Giáo kiên trì sống Đức Ái, cũng như liên kết với các Thánh.
2- Phải kêu
cầu danh Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4, 12).
Hình ảnh hai người mù van xin Đức Giêsu bằng danh hiệu “Con Vua
Đavid” để được sáng mắt (x Mt 9, 27b: Tin Mừng).
Danh hiệu này, Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Samuel báo trước Đấng
Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đavid sẽ đến cứu độ muôn dân (x 2Sm 7, 12; Cv 13, 23).
Chính hai người mù được Đức Giêsu mở mắt cho hôm nay là chứng nhân của lời ngôn
sứ Isaia đã tiên báo: “Khi Đấng Cứu Thế
đến, Ngài cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được sáng mắt” (Is 29, 18: Bài đọc).
3- Phải tìm
gặp Chúa Giêsu trong Hội Thánh của Ngài.
Vì hai người mù cứ phải tin tưởng và kiên nhẫn theo Đức Giêsu về
nhà của Ngài, lúc đó Ngài mới lên tiếng: “Đức
tin của các ngươi đã cứu các ngươi” (Mt 9, 28–30: Tin Mừng). Nhà của Đức
Giêsu phải hiểu là Hội Thánh Công Giáo. Ai đến với Chúa Giêsu thì làm ứng
nghiệm lời ngôn sứ Isaia (29, 21-24: Bài đọc): “Từ nay Giacob (dân Thiên Chúa tuyển chọn) sẽ không còn phải xấu hổ, từ nay chúng không còn bẽ mặt thẹn thùng. Những
kẻ hèn mọn sẽ thêm phấn khởi, người nghèo túng được nhảy múa tưng bừng, loài
bạo chúa không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong. Những người tâm trí
lầm lạc sẽ được sự hiểu biết, và những kẻ ương ngạnh sẽ chấp nhận lời răn dạy”
(Is 29, 21-24: Bài đọc). Đó là chiến thắng của Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài trao
cho Hội Thánh quyền chia sẻ Lời Chúa để thống trị mọi sự ác (x Mc 16, 15-18).
Thực vậy, ông Saulô là kẻ mù quáng về Đức Tin, ông độc ác hơn
sói, hơn rắn lục, vì ông ôm áo động viên người ta ném đá Stêphanô, và ông còn
xông tới Đama bắt gặp bất cứ đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ nhỏ, ai theo đạo
Chúa Giêsu thì ông tra xiềng xích vào tay rồi tống ngục (x Cv 7. 9). Thế mà sau
khi ông được học Giáo Lý nơi môn đệ Chúa Giêsu, ông đã tin vào Ngài, và sau khi
ông được Chúa mở mắt Đức Tin cho, ông trở nên chứng nhân xuất sắc nhất trong
các Tông Đồ Chúa chọn (x 2Cr 11, 5). Chỉ những ai được Chúa mở mắt Đức Tin như
ông Phaolô, mới hô lên: “Kìa Chúa chúng
ta ngự đến uy quyền, sẽ chiếu tỏa ánh quang cho tôi tới Người rạng ngời đôi mắt”
(Tung Hô Tin Mừng).
Đây là một chân lý rất xác thực mà ông Matthêu muốn nhấn mạnh. Để
minh chứng sự xác thực này, ông cố ý ghi hai
người mù được Đức Giêsu mở mắt (x Mt 9, 27; 20, 29); trong khi đó ông Marco,
ông Luca, và ông Gioan chỉ viết có một người mù được Chúa mở mắt (x Mc 10, 46;
Lc 18, 35; Ga 9).
Ông Luca ghi nhận có hai
tên trộm bị đóng đinh với Đức Giêsu, thì chỉ có một tên nhạo báng Ngài (x
Lc 23, 39-42), trong khi đó ông Matthêu lại ghi cả hai tên trộm đều sỉ vả Đức
Giêsu (x Mt 27, 44). Vì ông Matthêu muốn nhấn mạnh: Đức Giêsu chịu đau khổ và
tủi nhục tối đa. Cả khi Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, ba ông Marcô,
Luca và Gioan đều ghi Đức Giêsu ngồi trên lưng một con lừa (x Mc 11, 7; Lc 19, 35;
Ga 12, 14); riêng ông Matthêu thì lại ghi Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa mẹ và lừa con (x Mt 21, 7), là ông
muốn nhấn mạnh Đức Giêsu xứng đáng được cả người lớn, lẫn trẻ nhỏ làm vinh hiển
Ngài.
Nói tóm lại sở dĩ thánh sử Matthêu có ý dùng con số hai để minh
chứng với người Do Thái rằng: những điều ông viết trong Tin Mừng là xác thực, theo
như Luật Do Thái đã quy định: “Chứng của
hai người thì xác thực” (Ds 35, 30; Ga 8, 17).
3- Rao giảng
Tin Mừng bởi tình yêu Đức KiTô thúc bách.
Cụ thể như trong Tin Mừng Matthêu, hai lần Đức Giêsu chữa người
mù, Ngài đều cấm họ không được nói cho ai về Ngài (x Mt 9, 30-31: Tin Mừng; Mt
20, 31), nhưng càng cấm, họ càng nói nhiều hơn về Đức Giêsu: Hai lần lệnh cấm
nói về Đức Giêsu cũng nhằm nhấn mạnh việc rao giảng Tin Mừng tối ư cần thiết, đó
là điều xác thực. Cho nên không có Luật nào cấm nói về Chúa được.
Trong Tin Mừng của Marcô, bốn lần Đức Giêsu cấm người đã được ơn
chữa lành bệnh, không được nói cho ai biết về Ngài:
-
Cấm người cùi (x Mc 1, 40t).
-
Cấm ông Giairo đã xin Chúa cứu con gái ông thoát chết (x Mc 5, 7).
-
Cấm người điếc ngọng (x Mc 7, 36).
-
Cấm người mù (x Mc 8, 26).
Nhưng bốn lần cấm trên, thì lần I: người cùi; lần III: người
điếc và ngọng, lệnh cấm không được tôn trọng.
Nếu ta hỏi mọi người: Không làm theo lời Đức Giêsu dạy, thì có
tội hay có phúc? Chắc chắn ai cũng trả lời: Có tội! Nhưng không tuân lệnh Chúa cấm giảng Tin Mừng, cứ nói về Ngài, thì lại là
người có phúc nhất!
Chính sự nghịch lý này có ý nhấn mạnh: Việc rao giảng Tin Mừng
Chúa Kitô phải khởi đi từ “tình yêu Đức
Kitô thúc bách“ (x 2Cr 5, 14). Có nghĩa là giảng Lời Chúa vì yêu chứ không
phải vì Luật buộc. Do đó thánh Phaolô nói:“Tôi
có sự thật về Đức Kitô không ai bịt miệng tôi được!’’ (2Cr 11, 10) Chỉ
những ai vì tình yêu mà rao giảng Tin Mừng, mới xứng đáng tuyên xưng Đức Tin:“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?’’
(Tv 27/26, 1: Đáp ca).
Vì thế mà thánh Tông Đồ khuyên Timôthê, môn đệ của mình:“Hãy rao giảng Lời Chúa, hay lên tiếng khi
thuận cũng như lúc nghịch, hãy nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Vì có thời người ta
không chịu nghe giáo lý lành mạnh, sự thật thì họ ngoảnh đi, còn chuyện bá láp
thì họ xô lại, theo dục vọng mà kiếm đủ thứ thầy’’ (2Tm 4, 2-5).
Luật chơi dế, dế phải đá, phải gáy, con nào không gáy, không đá,
thì lấy sợi tóc cột vào đầu nó rồi quay tít, để khi nó gặp đối thủ, nó phải gáy,
phải đá. Làm thế, mà dế không gáy, không đá, thì nó bị ngắt đầu lấy tăm ghim
vào để kích cho con khác gáy, đá! Thế thì kẻ không biết nói về Chúa Kitô, có
nên xử nó để kích người khác rao truyền về Chúa Kitô hay không?
Năm 1974, ông Jacques Lebreton
được 78 tuổi, mới được Đức Giám mục địa phận Beauvais nước Pháp truyền chức Phó tế cho.
Người ta thắc mắc:
-
Trước đây ông là một đảng viên
Cộng sản vô thần, vì một tai nạn xe hơi, ông đã bị cụt hai tay, và mù cả hai
mắt! Chức Phó tế cần phải đọc sách mới có khả năng giảng. Mắt đâu để đọc sách?
Tay đâu, để đổ nước ban Bí tích Thánh Tẩy cho người ta. Thế thì truyền chức Phó
tế cho ông để làm gì?!
Đức Giám mục trả lời:
-
Jacques Lebreton còn trái tim.
Quả thực, sau khi lãnh Phó tế, thầy
Jacques Lebreton đã giảng mỗi năm khoảng 200 bài Thánh Kinh trong các trường
Đại học, được rất nhiều sinh viên ca tụng.
Tâm tình của thầy Jacques
Lebreton rất giống tâm tình của thánh Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm việc ấy thì
tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi!”
(1 Cr 9, 16-17).
THUỘC LÒNG
Tôi có sự thật
về Đức Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được! (2Cr 11, 10)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH