HOA TRÁI CỦA
LÒNG SÁM HỐI
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn
Mùa Vọng là thời gian nhắc nhớ mọi
người về sự mong đợi Đấng Cứu Thế của dân Israel hôm xưa, qua đó mà diễn tả và thúc đẩy
Dân Chúa hôm nay vững lòng chờ mong ngày Chúa tỏ ra tình
yêu của Ngài và thực hiện ơn cứu độ cho cả thế giới.
Ơn cứu độ nhân loại mong đợi cũng
là điều Chúa muốn trao tặng cho mỗi người từ hơi thở làm người đầu tiên. Vì
tình yêu đó mà Chúa không ngần ngại sai Con Một xuống thế làm người để trao lại
sự sống thần linh cho con người, như một người cha trao tặng sự sống cho con.
Sự sống thần linh được trao tặng là món quà của tình yêu nên tin vui này cũng cần được đón nhận trong tự do của mỗi người. Bởi đó mà Chúa đã sai Gioan Tẩy Giả đến trước
để chuẩn bị mọi tâm hồn đón nhận tin vui.
Lời Chúa (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu,
(Mt 3,112)
Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả
đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: "Anh em hãy sám hối, vì
Nước Trời đã đến gần." Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới:
Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối
cho thẳng để Người đi.
Ông Gioan mặc áo lông lạc
đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ,
người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo
đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Thấy
nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ
rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của
Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám
hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ
Ápraham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn
đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào
không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho
các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền
thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các
anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân:
thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt
đi."
Đó
là Lời Chúa.
Suy niệm (mời ngồi)
Hãy
sám hối là chủ đề chính cho lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Mới thoạt nghe ai
cũng thấy như đó là một mệnh lệnh hay một sự đòi buộc, nào là phải dọn sẵn con
đường, phải sửa lối cho thẳng…
Nếu những
chữ “phải” này có làm cho chúng ta khó chịu, chỉ cần đặt mình vào vị
trí của một bệnh nhân trước một danh y đầy lòng thương mến, chúng ta sẽ thấy mình mau mắn và hân hoan lắng nghe cho biết những phương thuốc
quí báu cho hạnh phúc đời đời của mình.
Đúng là “thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự
công chính và việc xét xử” (Ga 16,8) nhưng có khi chúng ta đã chọn sự sai lầm của
thế gian làm lẽ sống của mình. Từ đó mà nảy sinh thói đạo đức giả, tự đáy lòng
vẫn biết là xấu nhưng không muốn từ bỏ điều xấu nên phải xoa dịu lời trách móc
của lương tâm bằng nhiều lý lẽ, bằng cả các việc đạo đức bên ngoài.
Ngôn sứ Gioan đã cảnh báo sự nguy
hiểm đó và chỉ cho chúng ta liều thuốc giải trừ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các
anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh
hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3,7-8)
Thiên Chúa công minh không chấp nhận sự ác dù với lý do nào đi nữa, “bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị
chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10) Thế nhưng Chúa đã hết sức kiên nhẫn với nhân loại, mong thấy hoa
trái của lòng sám hối. Chỉ có tình yêu vô biên mới giải thích được sự kiên nhẫn chịu đựng của Chúa: “dù muốn cho thấy cơn thịnh nộ và cho biết
sức mạnh của Người, nhưng Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẻ đáng
hứng chịu cơn thịnh nộ và chờ sẵn ngày diệt vong.” (Rm 9,22)
Mọi sai lỗi của chúng ta đều có mẫu số chung là thiếu tình yêu thương, nên tình yêu là hoa
trái không thể thiếu cho lòng sám hối. Khi nhận biết tội lỗi của mình, chúng ta
“hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng
yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.” (1Pr 4,8)
Cầu nguyện (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Vì yêu thương mà Chúa đã đến với chúng con, sống giữa chúng con
và chịu đựng chúng con. Lòng thương xót của Chúa là nơi duy nhất chúng con có
thể cậy dựa vào để mong có được sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu cho thân
phận mỏng dòn, vô vàn tội lỗi này. Chúa là tình yêu mà tình yêu thì “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng
tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,7)
Tình yêu Chúa là chỗ cậy
dựa duy nhất cho thánh Phaolô, một người mãnh liệt chống lại Chúa nhưng đã
cảm nghiệm được tình yêu Chúa và hoàn toàn đổi mới cuộc sống: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn
chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng
chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó,
lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
(Rm 8,31-32)
Vâng, lạy Chúa, tình Chúa yêu thương chúng con bao la khôn xiết kể! Chỉ
có một điều duy nhất ngăn cản chúng con bước vào hạnh phúc Chúa đã dọn sẵn cho
chúng con từ trước muôn đời, là thiếu lòng sám hối, một lòng sám hối chân
thành có sức đổi mới cuộc sống chúng con, để sống vì yêu, hoàn toàn vì yêu, như
Chúa yêu.
Nước Trời không ở đâu
xa mà ở ngay trong lòng chúng con khi tình yêu trở nên sự sống của chúng con. “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên
dê nhỏ… Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh... vì sự
hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” (Is
11,6.9)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã đến ở đây với chúng con trong bí tích Thánh Thể, âm
thầm chịu đựng và phục vụ chúng con bất kể bao tội lỗi chúng con xúc
phạm đến Chúa. Sự hiện diện của Chúa là
bài học sống động có sức
nâng đỡ chúng con đổi mới cuộc sống, để thực sự sống yêu thương mọi người,
như hoa trái phải có của lòng sám hối chân thực.
Chúng con không biết
làm gì để đáp lại tình Chúa yêu thương trừ một việc hết sức cố gắng yêu mọi
người như Chúa yêu chúng con. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của chúng con.
Hát: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu …”
Lm. HK