CHÚA
Ở CÙNG CHÚNG TA
Khi không
còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự
hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai
giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng
của con người, Chúa có thể giúp tôi...
Một người cha nhận được tin con trai, một
cậu bé thông minh xuất sắc, đã chết trong một tai nạn đường sắt. Ông quay sang
vị linh mục, chất vấn trong đau đớn: “Chúa
ở đâu khi con tôi chết?”
Vị linh mục nhẹ nhàng trả lời: “Chúa ở đâu khi Con Một Chúa chết trên cây
thánh giá, Ngài cũng ở đấy khi con ông chết.”
Một câu trả lời giản dị nhưng lại nói
lên tình yêu bao la của Chúa khi sai Ngôi Hai xuống thế làm người. Một tình yêu
hoàn hảo và tinh tuyền xoá tan mọi ngăn cách giữa Đấng Cực Thánh và con người,
và… Thiên Chúa ở cùng chúng ta!
Đó là một chân lý không ai dám xướng lên
nếu không bởi lời Chúa. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, còn gì lớn hơn mà Chúa có
thể ban cho con người?! Ơn cứu độ là thế: Tên của Đấng Cứu Thế là Giêsu (Giavê
cứu) và Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
Được Chúa ở cùng là tột đỉnh của ơn cứu
độ!
Thế nhưng câu chuyện Ađam-Eva năm xưa vẫn
tái diễn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt trong xã hội hôm nay, với điệp khúc “làm chi có Chúa Trời!”, mà cái hậu quả
đáng buồn là “người người đã lìa xa chính
lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi, chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu
một người cũng không.” (Tv 14,4)
Mọi sự suy đồi đều bắt đầu từ sự vắng
bóng Thiên Chúa. Những cái lắc đầu, nhíu mày, nhăn trán trước cảnh người trẻ
truỵ lạc, sa đọa hôm nay từ đâu mà ra nếu không phải từ sự từ khước niềm tin
vào Thiên Chúa, nơi các nước văn minh, và đặc biệt nơi Việt nam?
Bài phỏng vấn ngày 26.12.2006 của phóng
viên Lâm Vũ (Hanoimoi) với thạc sĩ Nguyễn Duy Ánh, phó giám đốc bệnh viện phụ sản
Hà nội, cho biết “số trẻ tại TP. HCM và
Hà Nội chào đời thấp hơn số trẻ bị phá. Năm 2005, Việt Nam có 1 triệu 400 nghìn
ca nạo phá thai trong đó 500 nghìn ca ở tuổi vị thành niên.”
Giữa thực trạng u tối, bế tắc của xã hội
hôm nay, thông điệp Spe Salvi (Được cứu độ trong hy vọng) là ngọn nến ĐGH
Bênêđíctô 16 thắp lên cho nhân loại ngay từ những dòng đầu tiên: “Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo
nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng – một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua
đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta: thực tại mà cho dù là
cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được nếu nó dẫn đến một mục
đích, nếu chúng ta có thể được bảo đảm về mục đích này, và nếu mục đích này cao
cả đến mức biện minh được cho nỗ lực cam go của cuộc hành trình.”
Số 23 của thông điệp này vạch ra nguyên
nhân sâu xa mọi bế tắc trong xã hội hôm nay: “những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có tràn trề mọi loại
hy vọng, thì tối hậu cũng chỉ là vô hy vọng, cũng không có một hy vọng cao cả
nâng đỡ toàn bộ cuộc đời (x Eph 2:12).”
Lời từ khước Thiên Chúa không chỉ đến từ
người vô thần, mà có khi từ Dân Chúa, đội lốt vẻ tôn kính Ngài. Lời vua Achaz “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử
thách Chúa.” chỉ là một cách từ chối, không để Chúa can thiệp vào kế hoạch
của mình. Sự thiếu lòng tin tưởng đó làm Chúa phiền lòng: “Hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền
lòng Thiên Chúa nữa sao?” (Is 7,12-13) Ngày nay không thiếu những người tổ
chức lễ Giáng sinh thật linh đình nhưng… xin Chúa đừng xen vào!
Sự cứng lòng của nhân loại không thể giết
chết mà càng làm toả sáng tình yêu Chúa. “Đức
Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,8). Vì yêu thương, “chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này
đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ gọi là
Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Is 7,14)
Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhưng không
phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Thánh Giuse như một tia sáng bừng lên giữa bóng
đêm thiếu vắng hy vọng của xã hội hôm nay: giữa đêm tối luôn mau mắn nhận ra
ánh sáng từ trời cao và thực thi thánh ý. Ngài thật xứng đáng là đấng bảo hộ
cho Chúa Giêsu, Niềm Hy Vọng của nhân loại.
Vâng, đời sống cầu nguyện được thông điệp
Spe Salvi (số 32) coi như trường học của hy vọng: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện.
Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể
tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không
còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng
hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong
cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn
côi. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9
năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Những Lời Cầu
Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như
là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở
nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù,
đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân
của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô
liêu.”
Như thế, có thể coi sự mau mắn của thánh
Giuse trước thánh ý Chúa là linh dược cho thế giới hôm nay!
Vâng, giữa đêm tối, tôi hãy cầu nguyện.
Chúa sẽ ở cùng tôi như lời đã hứa, và tôi có chỗ dựa vững vàng cho niềm hy vọng
không bóng tối nào dập tắt được: “Chúa ở
cùng chúng ta”