Vinh dự và hạnh
phúc của người môn đệ Chúa, nhất là tại Việt Nam, không thể tách rời khỏi nếp sống
ở lại bên Chúa Cứu Thế khó nghèo, và cùng với Người ra đi lo cho người nghèo.
1.
Để cảm tạ Chúa về muôn ơn lành Chúa đã và
đang ban cho tôi, hôm nay tôi xin chia sẻ đôi chút về sự Tin Mừng đến với tôi
trong tình hình già yếu bệnh tật.
Cuộc đời càng về chiều, tôi càng tha thiết
với Lời Chúa. Một Lời Chúa đã rất an ủi tôi, đó là lời Đức Giêsu Kitô đã nói với
các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong
Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không
có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
2.
Lời Chúa trên đây hay được nhắc lại trong tận
đáy lòng tôi. Tôi biết chính Chúa nói với tôi lời đó. Tôi trả lời Chúa: Lạy
Chúa, con tin Chúa, con tin Lời Chúa. Với niềm tin đó, tôi gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ
như thế đã là cầu nguyện.
Khi tôi mệt mỏi, không còn đủ sức theo kịp
những bản kinh dài và những buổi phụng vụ lâu, thì cầu nguyện của tôi sẽ phải vắn
lại. Vắn, nhưng hồn nhiên hơn với Chúa. Hồn nhiên ở chỗ gặp gỡ Chúa một cách
đơn sơ. Không lệ thuộc vào lễ nghi, không căn cứ vào công thức, không sắp xếp
theo chương trình. Tôi hiện diện trước Chúa. Tôi nhìn Chúa. Tôi đợi chờ ơn
Chúa. Tôi lắng nghe Chúa. Tôi thuộc về Chúa. Tôi khao khát Chúa. Cứ thế hầu như
suốt ngày đêm. Khi tôi gặp trục trặc nào trong cầu nguyện, tôi liền xin Chúa
Thánh Thần giúp. Chúa Thánh Thần giúp tôi cầu nguyện theo ý Chúa.
3.
Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa như vậy đem lại
cho tôi một sự thay đổi nội tâm. Tôi cảm thấy có một sức sống linh thiêng từ
Chúa chuyển vào trong tôi. Chúa cho tôi biết đó là sự sống của Chúa. Sự sống ấy
của Chúa làm cho tôi nên giống Chúa Giêsu hơn, có nhiều tâm tình của Chúa Giêsu
hơn, tha thiết hơn với việc cứu các linh hồn theo gương Chúa Giêsu, tuyệt đối
trung thành với Chúa Giêsu trong việc thực thi những gì là thánh ý Chúa Cha.
4.
Với những thay đổi trên đây do cầu nguyện
là gặp gỡ Chúa, tôi coi cầu nguyện là một thứ tái sinh. Tái sinh ở chỗ tôi được
ngoan ngoãn hơn đối với Chúa Thánh Thần, tôi được nên giống Chúa Giêsu hơn, tôi
được nhìn thấy rõ hơn dung mạo của Chúa Cha giàu tình yêu thương xót.
5.
Qua những gì tôi vừa kể trên, tôi hiểu thế
nào là “ở lại trong Chúa Giêsu” như cành nho sống nhờ sức sống của thân cây
nho. Ở lại trong Chúa Giêsu là một đòi hỏi căn bản, mà Chúa Giêsu đặt ra cho mọi
môn đệ Chúa. Ai đáp ứng đúng đòi hỏi đó, sẽ sinh được nhiều hoa trái thiêng
liêng. Ai không đáp ứng đúng đòi hỏi đó, sẽ bị quăng vào lửa. Chúa Giêsu cảnh
báo như thế (x. Ga 15,6). Tôi tin, và tôi sợ cho tôi. Tôi cũng sợ cho tất cả những
ai được Chúa gọi làm môn đệ Chúa. Vì thế, tôi cố gắng “ở lại trong Chúa Giêsu”
bằng sự cầu nguyện thường xuyên, tức là thường xuyên gặp gỡ Chúa Giêsu.
6.
Thêm vào việc cầu nguyện, tôi còn được Chúa
dạy tôi hãy gặp gỡ Chúa bằng nhiều việc khác, như chịu các phép Bí tích, đọc
Kinh Thánh, chu toàn bổn phận, tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, nhất là phục vụ
những người nghèo khổ.
7.
Đến đây, tôi xin được nói đôi chút về việc
phục vụ những người nghèo khổ. Vì ba lý do:
Thứ nhất, vì Chúa Giêsu quả quyết phục vụ
cho người nghèo khổ được Chúa kể như phục vụ cho chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
Thứ hai, vì phục vụ cho người nghèo khổ
đang là một vấn đề thời sự hiện nay trên thế giới nói chung, và tại Việt Nam
nói riêng.
Thứ ba, vì tôi có kinh nghiệm này: khi tôi
tìm đến người nghèo khổ để phục vụ họ, thì tôi thấy Chúa Giêsu đã ở đó trước
tôi rồi.
8.
Nhiều khi tôi tưởng với tình hình hiện nay
của tôi, tôi sẽ không còn nhiệm vụ nào về mục vụ của một kẻ được sai đi có liên
hệ đến người nghèo như trước đây và như các vị còn chức vụ. Nhưng lời Chúa sau
đây vẫn nhắc nhở tôi một điều gì đó: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh nhiều hoa
trái” (Ga 15,16).
Tôi hiểu ý Chúa là một cách nào đó, Chúa vẫn
sai tôi đi, Chúa vẫn cắt cử tôi. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay của
tôi, tôi ra đi một cách lặng lẽ, bằng nội tâm trong tinh thần hiệp thông và
vâng phục các bề trên trong Hội Thánh.
9.
Lặng lẽ, tôi đã gặp được loại người nghèo rất
khốn khổ, đó là nơi họ toà nhà đức tin đã sụp đổ. Đức tin nơi họ đã vỡ vụn. Họ
còn tin chút ít, và đời họ như đang bị phân thây thê thảm.
10.
Lặng lẽ, tôi đã gặp được loại người rất
nghèo, cô đơn, liều lĩnh, đó là nơi họ niềm tin vào đạo đức đã chết. Họ chỉ còn
sống cho những gì là phù du, mong manh, tạm bợ, thậm chí cho cả những gì là tội
tỗi.
11.
Lặng lẽ, tôi đã gặp được loại người những
người giàu có nhưng rất nghèo một cách nguy hiểm. Bởi vì họ làm cho tôi nhớ lại
lời Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó
vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa. Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt
và nói: Thế thì ai có thể được cứu? Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: Đối
với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự
đều có thể” (Mt 19,23-26).
12.
Lặng lẽ, tôi gặp được loại người nghèo mà hạnh
phúc và loại người giàu mà khốn đốn. Vì họ làm tôi nhớ lại Lời Đức Mẹ Maria nói
trong kinh Tạ ơn: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có bị đuổi về
tay không” (Lc 1,53).
Như vậy, sự Chúa sai tôi đi và tôi ra đi
lúc này đã dạy tôi khá nhiều sự thực Phúc Âm về người nghèo mà trước đây, khi
còn khoẻ mạnh trẻ trung, tôi đã không nhìn thấy rõ. Nghèo mà giàu, giàu mà
nghèo, tình hình phức tạp đó đòi tôi phải biết chọn lựa theo Tin Mừng.
13.
Đức Thánh Cha Phaxicô đang khẩn thiết hô
hào: Hội Thánh hãy sống nghèo và lo cho người nghèo, Ngài coi đó là cải cách
căn bản cần phải đặt ra lúc này.
Thiết tưởng cải cách quan trọng đó sẽ chỉ
thực hiện hữu hiệu được bằng cách phối hợp sự ở lại với Chúa và sự ra đi nói ở
trên.
Sẽ không thể gọi được là ở lại với Chúa
Giêsu để nên giống Chúa Giêsu, mà lại không sống nghèo như Chúa Giêsu.
Sẽ không thể gọi được là ra đi loan báo Tin
Mừng, mà lại không dấn thân lo cho người nghèo theo gương Chúa Giêsu.
14.
Ở lại với Chúa Giêsu và ra đi với Chúa
Giêsu là một linh đạo rất cần, để biết sống nghèo và lo cho người nghèo, hầu
đem lại cho Hội Thánh một dung mạo mới về Tin Mừng, dễ được đón nhận trên Quê
Hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Tôi có cảm tưởng là: Vinh dự và hạnh phúc của
người môn đệ Chúa, nhất là tại Việt Nam, không thể tách rời khỏi nếp sống ở lại
bên Chúa Cứu Thế khó nghèo, và cùng với Người ra đi lo cho người nghèo.
Lạy Mẹ Maria, con là kẻ yếu đuối tội lỗi,
xin Mẹ tiếp tục dắt dìu nâng đỡ con trên đường ở lại bên Chúa và cùng với Chúa
ra đi. Nếu có gì sai sót, cúi xin Mẹ thương tha thứ cho con. Mẹ là hy vọng của
con.
Long Xuyên, ngày 19 tháng 10 năm 2013
+ GB Bùi Tuần