Suy niệm hạnh thánh _ 10/10

THÁNH DANIEL VÀ CÁC BẠN
 (c. 1227)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227. Sáu vị tu sĩ khác là Angelo, Domnus, Hugolino, Leo, Nicolas và Samuel. Họ đến Ceuta, Morocco, là nơi các thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Tuy nhiên, vì quá hăng say, các tu sĩ đã rao giảng công khai, nên đã bị bắt ngay lập tức. Không sợ hãi trước những đe dọa hay mua chuộc, họ cương quyết không chối bỏ đức tin. Cũng như các Kitô Hữu thời tiên khởi ở Colosseum, Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo. Sau khi bị chặt đầu, xác của các ngài được đưa về Tây Ban Nha.Tất cả được phong thánh năm 1516.
Suy niệm 1: Gương Thánh Berard
Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227.
Cái chết anh hùng của Thánh Berard đã khơi động lòng khát khao truyền giáo của bao người, đặc biệt Thánh Antôn Pađua cũng như Bề trên Daniel và các bạn. Có rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô. Rao giảng Phúc Âm có thể nguy hại đến tính mạng nhưng điều đó không thể ngăn cản các tu sĩ nam nữ của Dòng Phanxicô ngày nay liều mạng sống đi rao giảng khắp nơi trên thế giới.
Trước thời Thánh Phanxicô, Quy Luật của các Dòng không nhắc đến việc rao giảng cho người Hồi Giáo. Trong Quy Luật năm 1223, Thánh Phanxicô viết: “Các tu sĩ là những người được linh ứng để đi rao giảng cho người Saracen (Hồi Giáo và Ả Rập) và những người ngoại giáo khác, phải được phép bề trên của họ. Nhưng các bề trên không được cho phép, trừ khi thấy người ấy thích hợp để được sai đi (Ch 12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ cảm kích trước tấm gương sáng mà còn phải sống tâm tình ấy.
Suy niệm 2: Bách hại
Thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Phải chăng Chúa Kitô và những kẻ theo Ngài luôn luôn bị bách hại?
Suốt dọc giòng lịch sử của nhân loại, ở vào nhiều thời điểm và nơi chốn khác nhau, có hằng hà sa số những tâm hồn cao thượng nghe theo tiếng gọi làm nhân chứng của Chúa Kitô. Họ là những người dấn thân làm chứng tá cho nhân đức, cho giá trị luân lý đạo đức, cho công lý và hòa bình, những người biết thương cảm và muốn hiến mình trong chương trình giải thoát con người khỏi đau khổ khốn cùng! Những con người có lòng hào hiệp như thế luôn luôn bị coi như là chướng ngại vật, những cái gai nhức đối với tầng lớp trong tư thế nắm quyền sinh tử trên dân chúng, nhưng lại dùng quyền bính để mưu đồ bất chánh, nhằm tìm kiếm tư lợi, hưởng thụ, ích kỷ, cầu an và nhu nhược!
Những người đứng về phía người nghèo khổ đói rách vô gia cư, bệnh hoạn tật nguyền, bị xã hội ruồng rẫy, những kẻ dấn thân trong phong trào đấu tranh cho công lý hòa bình, những người can đảm dám nói lên những sự thật đau lòng ngay trong lòng giáo hội và xã hội, họ là những người chiến đấu cho lẽ công chính, những người này muôn đời sẽ bị bách hại bởi chính thiểu số trong hàng thống trị, họ sẽ bị đàn áp bởi những người anh em đồng đạo, đồng lý tưởng với mình! Họ là những người mà Chúa Kitô đã tiên báo trước rằng sẽ bị bách hại vì lẽ công chính! Họ là những người đang đi trong đường nẻo của Nước Thiên Chúa. Họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc! Bởi vì khi Nước Chúa đến, họ sẽ được coi như là tâm điểm của Nước Trời! Khi đó sự dữ sẽ bị thiêu hủy trong lửa đời đời. Sự bất công phải được minh oan. Những gì thuộc về Chân, Thiện, Mỹ sẽ tồn tại muôn đời (Nguyễn Quốc Hải).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính để được Chúa chúc phúc.
Suy niệm 3: Thừa sai-được sai đi
Thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Đức Giêsu Kitô là Vị Đại Thừa Sai của Chúa Cha. Ngài đã được sai xuống trần gian để sống kiếp người như chúng ta. Cuộc đời công khai truyền đạo của Ngài là mẫu mực cho chúng ta nhìn vào đó để xây dựng một nền tu đức thừa sai.
Một trong những nét đặc trưng của linh đạo thừa sai là được sai đi. Chúa Cha đã sai Chúa Con. Chúa Con là Đức Giêsu Kitô lại sai các môn đệ. Trước khi được sai thì nhà thừa sai phải có những điều kiện thích hợp. Những điều kiện đó là tư thế sẵn sàng và khả năng thích ứng với công việc được sai. Sự sẵn sàng đòi đương sự phải tình nguyện dấn thân, và tính thích ứng đòi buộc người ấy phải được rèn luyện và tự rèn luyện cho hợp với công việc. Do đó, khởi đầu nền tu đức thừa sai là tư thế sẵn sàng và khả năng thích ứng để được sai đi trong tinh thần “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế của Đức Kitô (Pl 2,1). Theo tinh thần này, người được sai noi gương Đức Kitô, tự bóc lột mình, làm cho mình hóa ra không. Như thế, có nghĩa là sống khiêm nhường và từ bỏ (LM Anrê Đỗ Xuân Quế OP).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập hư vô hóa chính mình để duy chỉ có Chúa, để rồi có thể mang Chúa đến cho tha nhân.
Suy niệm 4: Thừa sai-đến ở với
Thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Cũng như Đức Kitô, nhà thừa sai được sai đi và đến ở với: sai đi những nơi xa lạ và ở với những người không quen biết, khác với mình về nhiều phương diện. Nỗ lực đầu tiên của người được sai đi là lo làm sao hòa hợp được với người xa lạ và thích nghi được với cuộc sống mới. Điều này đòi buộc nhà thừa sai phải hy sinh và từ bỏ nhiều lắm.
Điểm tu đức ở đây là chung sống hòa đồng. Điều này không dễ, nhất là khi mình đã quen với một nếp sống cố định, có những điều kiện sinh hoạt thoải mái. Đức Kitô đã ở với các môn đệ và người ta. Ngài đã phải chịu đựng tính tình trái ngược của các môn đệ, sự cứng lòng tin của người Do Thái và thói hiềm khích của phái Pharisêu và các thượng tế. Điểm đặc biệt ở đây là hòa mình và chịu đựng. Nhân đức phải tập ở đây là chấp nhận những sự phiền hà và trái ý (LM Anrê Đỗ Xuân Quế OP).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tự nhắc nhở mình: một sự nhịn bằng chín sự lành.
Suy niệm 5: Thừa sai- nói cho biết
Thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Thừa sai là người được cử đi, đến ở với và nói cho biết. Nói cái gì? Nói những điều về Chúa, về đạo. Biết ai? Biết Chúa. Đó là mục đích của công việc truyền giáo được diễn ra bằng nhiều cách và trong nhiều giai đoạn khác nhau, tùy nơi, tùy thời và cũng tùy người nữa. Nhưng trước khi nói, phải làm quen đã. Quen ai thì dễ nói chuyện với người ấy hơn. Vì thế trong khi ở với, nhà thừa sai phải tìm cách làm quen đã. Làm quen thì phải có dịp gặp gỡ, đi tới đi lui, chuyện trò, trao đổi. Điều này khiến nhà thừa sai phải đi ra ngoài con người của mình mà đến với người khác, tìm dịp, tìm cách bắt cầu liên lạc. Có cách nói nghe được, có cách nói khó nghe. Vậy phải tìm cách nào nói cho nghe được và lại làm cho thích nghe nữa. Như vậy, phải học cách nói và tìm dịp hay tạo ra những cơ hội để nói. Nhưng trước khi nói bằng lời thì hãy nói bằng đời sống. Một đời sống tốt lành, đầy vị tha nhân ái, chính là cửa ngỏ mở đường cho đối thoại và khơi gợi cho người ta nói chuyện với mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hỗ trợ hoạt động bằng việc cầu nguyện, như Chúa vẫn hằng tìm đến nơi thanh vắng giao thiệp với Chúa Cha
Suy niệm 6: Tử đạo
Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo.
Các thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta về giá máu mà Chúa Giêsu đã phải trả khi loan truyền Tin Mừng. Chúng ta không có chọn lựa nào khác về việc làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng. Việc nhớ đến các vị tử đạo giúp chúng ta kiên trì sống phúc âm mà chúng ta đã được kêu gọi để tuân giữ.
"Qua sự tử đạo người môn đệ được biến đổi nên giống hình ảnh của Thầy mình, là người đã tự chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian; và họ cố đạt được hình ảnh ấy dù có phải đổ máu. Tuy không nhiều người được cơ hội ấy, nhưng tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người đời, và theo Người trên con đường thập giá qua những bách hại mà Giáo Hội từng bị đau khổ" (Hiến Chương về Giáo Hội, #71).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết can đảm làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng dù có phải đổ máu.