LỄ CÁC
THÁNH
(924-994)
Lược sử
Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các thánh
là ngày tưởng niệm "các vị tử đạo" được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư.
Vào đầu thế kỷ thứ bảy, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo,
Đức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và
chôn cất lại bên trong đền Pantheon,
là đền thờ các thần của người La Mã, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo. Theo sử gia của
Giáo Hội là Bede Đáng Kính, đức giáo hoàng có ý định rằng "việc tưởng nhớ
các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được
dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ"
(Về Việc Tính Toán Thời Giờ)
Suy niệm 1: Đầu tiên
Ngày lễ đầu tiên trong lịch
sử để vinh danh các thánh là ngày tưởng niệm "các vị tử đạo" được cử
hành vào đầu thế kỷ thứ tư.
Đầu tiên lễ này để kính
nhớ các vị tử đạo. Sau này, khi Kitô Hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã
dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu
tiên, được coi là thánh thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận,
ngay cả việc chấp thuận của vị giám mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa
vào niên lịch Giáo Hội. Việc phong thánh bởi đức giáo hoàng lần đầu tiên xảy ra
vào năm 973; ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng
minh các đức tính thánh thiện. Bây giờ, lễ các thánh để kính nhớ các vị thánh
vô danh cũng như nổi danh.
Nhưng việc thánh hiến đền
Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị tử đạo xảy ra vào tháng Năm.
Nhiều Giáo Hội Đông Phương vẫn kính nhớ các thánh vào mùa xuân, hoặc trong mùa
Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống. Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành lễ
này vào tháng Mười Một thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học
gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành lễ này vào ngày 1 tháng Mười Một, và người
bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong
thế kỷ thứ chín, Giáo Hội La Mã đã chấp thuận ngày lễ này.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ
Chúa đã ban cho chúng có ngày này để kính nhớ không chỉ các vị vô danh cũng như
nổi danh.
Suy niệm 2: Trộm cắp
Sau làn sóng trộm cắp đột
nhập các hang toại đạo.
Nạn trộm cắp hoành hành
thường được nghe nói đến trên khắp thế giới, và thường đối tượng là tiền bạc,
tài sản, hàng hóa, thậm chí nghề nghiệp. Nạn trộm cắp được tiến hành ngày càng
quy mô và tinh xảo, có thể bằng cả các phương tiện dụng cụ, khí giới và đơn giản
là móc túi với tài khéo lanh tay lẹ mắt, như các trường hợp vừa xảy ra ở
Olympic Luân Đôn 2012, dầu vấn đề an ninh đã rất thắt chặt.
Nạn trộm cắp cũng xảy ra ở
nhiều nơi, nào là tư gia, công sở, xí nghiệp, bệnh viện, ngân hàng, xe tàu.
Ngay cả các tụ điểm tham quan nổi tiếng thuộc quần thể Kim Tự Tháp trong vùng
Giza, hoặc khu đền thờ tráng lệ ở thành phố Luxor, cả bức tượng pharaô
Akhenaten vô giá ở Bảo Tàng quốc gia Ai Cập cũng bị mất cắp. Và hang toại đạo
như thế cũng không được tha.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn canh phòng kẻo bị ma quỷ cướp mất linh hồn chúng con.
Suy niệm 3: Hang toại đạo
Sau làn sóng trộm cắp đột
nhập các hang toại đạo.
LM Nguyễn Hữu An viết hồi
ký: Trong chuyến hành hương Rôma, tham dự đại lễ bế mạc năm linh mục vào tháng
6 năm 2010, tôi có dịp đi viếng những hang toại đạo (Catacombs of Saint
Callixtus). Một linh mục hướng dẫn và mở CD tiếng Việt giới thiệu về hang toại đạo.
Sau đó đoàn hành hương được đi vào tham quan bên trong và nghe giải thích chi
tiết. Đi trong hang như là tìm về cội nguồn đức tin. Giáo hội giữ vững niềm tin
trên nền tảng tử đạo của biết bao con người nằm dưới hang này trong 300 năm đầu
bị bách hại. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các
khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số. Không phải
chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất. Không khí trong hang rất lạnh
lẽo. Mùi tử khí vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Đi trong hầm mộ lạnh lùng, hoang
vắng, lối ngõ ngoằn ngoèo, tôi cảm nghiệm được ranh giới mong manh giữa sự sống
và cái chết. Sự chết luôn luôn đe dọa rình rập cướp lấy mạng sống con người. Bước
đi trong lòng tin và lòng cảm phục nên người hành hương lại cảm nhận sự ấm áp,
thân tình gần gũi với các thế hệ tiền bối. Gia sản của Giáo Hội là đây.Tại nơi
này, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong ba thế kỷ.
Người tín hữu buổi đầu đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức
tin của mình.
Đức TGM Giuse Ngô Quang
Kiệt đã đi thăm hoang toại đạo và viết bài suy tư “con đường hạt lúa” như sau:
Thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một
nhóm người nghèo khổ yếu ớt không một tấc sắt tự vệ. Không phải chỉ bắt bớ
trong một chiến dịch ngắn hạn mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm. Vậy mà
các vua chúa qua đi rồi, nhóm người nghèo khổ yếu ớt đó không những chỉ tồn tại
mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới
thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói :“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi,
thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt
khác”. Hạt giống Giáo hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất. Hạt giống đức tin
đã bị vùi sâu đến 300 năm. Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị
mục nát. Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú. Cả châu
Âu đã tin theo Chúa. Nhìn lại lịch sử Giáo hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương
tự. Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến
bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo.
Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe dọa bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những
vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ anh chị em trong
một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép
nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má người có đạo. Và nhất là lên án tử hình những
người có đạo. Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng
thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử
hình. Có đấng bị chém đầu. Có đấng bị trói chân tay vào chân ngựa. Bốn con ngựa
kéo về bốn góc xé nát các vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất
có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho
đến khi chết.Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu
ớt trong 300 năm. Trong ba thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo.
Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ,
nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người. Hạt giống đức tin gieo trồng
vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa
gặt phong phú. Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy : “Nếu hạt lúa
gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
khi đọc lại lịch sử giáo hội, chúng con càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa. Sẵn
sàng chấp nhận thân phận hạt lúa được gieo vào lòng đất như “hạt lúa Giêsu”, như
“hạt lúa các thánh tử đạo”.
Suy niệm 4: Đền Pantheon
Đức Giáo Hoàng Boniface
IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền
Pantheon, là đền thờ các thần của người La Mã.
Đền Pantheon là một công
trình kiến trúc ở Roma, Ý. Chiếm vị trí nổi bật nhất trong pho sử đền đài La Mã
và thế giới là đền Pantheon - "Ngôi đền của mọi vị thần" được xây dựng
vào năm 118 - 126 dưới triều vua Hadrianus. Hình thức và quy mô ngôi đền vượt
lên tất cả các đền đài có trước đó. Đền Pantheon nằm tại quảng trường Rotonda,
gần đài phun nước Trevi và quảng trường Tây Ban Nha.
Đền Pantheon được xây dựng
bởi tướng Marcus Agrippa vào năm 27 trước Công Nguyên như là nơi thờ các vị thần
La Mã và được xây dựng lại năm 126 sau Công Nguyên. Đền Pantheon là một trong
những kiến trúc cổ đại La Mã còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Mặt tiền của
Pantheon cũng tương tự những đền Hy Lạp, có tám cột trụ bằng đá hoa cương xám, đỉnh
cột kiểu côrin, trụ cột bằng đá cẩm thạch trắng. Tiếp đến là ba hàng cột trụ đá
hoa cương hồng chia tiền sảnh làm ba phần, trong đó phần giữa dẫn vào phía
trong đền. Trong đền không có cửa sổ, trên chính giữa mái vòm là một ô tròn trống
để ánh sáng và không khí lọt vào, người ta cho biết mái vòm trống như vậy nhưng
không hạt mưa nào rơi vào trong đền. Nơi đây còn có mộ của danh họa Raphael, mộ
của vị vua đầu tiên của nước Ý là Emanuele II cũng như mộ của vua Umberto I và
hoàng hậu Margherita.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
khi chiêm ngắm công trình của con người thì cũng biết cảm tạ Chúa đã ban cho
con người tài năng đó.
Suy niệm 5: Thánh hiến
Đức Giáo Hoàng Boniface
IV thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo.
Sáng chúa nhật 7-11-2010,
ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự lễ thánh hiến Đền Thờ Thánh Gia, được khởi công xây cất
cách đây 128 năm tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Nửa triệu tín hữu đã
tham dự thánh lễ trong thánh đường và qua các màn hình khổng lồ. Trong bài giảng
thánh lễ, Ngài cũng đặt câu hỏi:
”Thánh hiến đền thờ này
có nghĩa là gì? Giữa lòng thế giới, trước cái nhìn của Thiên Chúa và loài người,
trong một hành vi đức tin khiêm tốn và vui mừng, chúng ta đã dựng lên một khối
lượng vật chất vô biên, kết quả của thiên nhiên và nỗ lực khôn lường của trí tuệ
con người, kiến thiết công trình nghệ thuật này. Đây là một dấu chỉ hữu hình về
Thiên Chúa vô hình, mà những ngọn tháp cao vút này như những mũi tên, chỉ cho
thấy sự tuyệt đối của ánh sáng, Đấng là Ánh sáng, là chiều cao cả và là chính vẻ
đẹp.
Từ những nhận xét trên đây,
ĐTC mời gọi mọi người hãy quan tâm đến một nền tảng tối hậu của mọi công trình
là chính Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói: Chúa Giêsu chính là tảng đá nâng đỡ toàn thế
giới, duy trì sự gắn bó hòa hợp của Giáo Hội, và gồm tóm tất cả những chinh phục
của nhân loại trong sự thống nhất chung kết. Trong ngài chúng ta có Lời và Sự
hiện diện của Thiên Chúa, và từ Ngài Giáo Hội nhận lãnh chính sự sống, đạo lý
và sứ mạng của mình. Giáo Hội không có sự kiên vững tự mình; Giáo Hội được kêu
gọi trở thành dấu chỉ và dụng cụ của Chúa Kitô, trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn
tuân phục Chúa và phục vụ mệnh lệnh của Ngài. Chỉ có Chúa Kitô duy nhất thiết lập
Giáo Hội duy nhất; Ngài là đá tảng mà niềm tin của chúng ta dựa vào… Theo nghĩa
đó, tôi tin rằng việc thánh hiến nhà thờ Thánh Gia này, trong một thời đại mà
con người tự phụ xây dựng cuộc sống không cần Thiên Chúa, như thể Chúa chẳng có
gì để nói với con người, đây thực là một biến cố có ý nghĩa rất lớn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
xác tín rằng không ai có thể đặt một nền móng khác với nền tảng đã có là Chúa
Giêsu Kitô” (1 Cr 3,10-11).
Suy niệm 6: Thần thánh
Việc thờ phượng mà trước đây
không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ.
Số lượng 365 ngày của một
năm thoạt xem là nhiều nhưng vẫn không đủ chỗ để xếp vào nhằm mừng kính tất cả
các Thánh nổi danh, vì tổng số còn nhiều hơn thế nữa. Bộ sách Hạnh Các Thánh
(Lives of Saints) của Butler, xuất bản lần đầu giữa năm 1756 và 1759, liệt kê
1.486 vị. Bộ sách nhuận chính năm 1956 có 2.565 vị. Bộ sách này đang được nhuận
chính lại. Vì toàn bộ các tập chưa được phát hành, nên không biết sẽ có bao
nhiêu thánh được nêu danh. Dù sao đi nữa, không ai có thể bảo rằng mình lập được
một danh sách đầy đủ các thánh, mà theo nhiều người, con số lên trên 10.000. Một
bộ sách khác cũng đang đưọc nhuận chính ấy là bộ ‘Danh mục các thánh’
(Martyrology) của Thánh Bộ Phụng Tự. Bộ ‘Danh mục các thánh’ là bản danh sách
chính thức các ngày lễ kính các thánh.
Hiểu thế cũng có nghĩa là
con số các vị Thánh vô danh còn nhiều thật nhiều hơn thế nữa, đến mức không tài
nào đếm nổi như một thị kiến được ghi nhận: "Sau đó, tôi thấy một đoàn người
thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi
ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm
nhành lá thiên tuế... [Một trong các kỳ mục] bảo tôi: "Họ là những người sống
sót sau thời gian thử thách lớn lao; họ đã giặt sạch và tẩy áo mình tinh nguyên
trong máu Con Chiên” (Kh 7,9.14). Do đó Giáo Hội đã khéo léo tổ chức một ngày lễ
được gọi là “Lễ Các Thánh” hôm nay.
* Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của
Các Chư Thánh, xin giúp chúng con cũng biết giặt sạch và tẩy áo mình tinh
nguyên trong máu Con Chiên để mai sau được xếp hàng hàng ngũ vinh dự ấy.