Những ai có trách nhiệm lãnh đạo, phải tự hỏi mình
hai câu hỏi: “Tôi có yêu thương người dân của tôi để phục vụ họ tốt hơn không?
Tôi có khiêm tốn lắng nghe mọi người, mọi ý kiến khác nhau để lựa chọn con đường
tốt nhất không?”
Khiêm nhường và
yêu thương là những đặc điểm không thể thiếu của những người lãnh đạo; và các
công dân, đặc biệt là người Công giáo, không thể thờ ơ với chính trị. Đó là nội
dung chính bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ sáng thứ Hai 16-09
tại Nhà khách Santa Marta. Bài Tin Mừng thuật lại câu chuyện của viên quan bách
quản, với lòng khiêm tốn và tự tin, xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của
mình; và thư Thánh Phaolô gửi Timôthê kêu gọi cầu nguyện cho những người cầm
quyền, đã gợi ý cho Đức Thánh Cha “suy tư về nhiệm vụ của chính quyền”.
Những nhà cầm
quyền “phải yêu thương người dân”, bởi vì “một nhà lãnh đạo không thương dân,
thì không thể lãnh đạo được - nhiều lắm là họ chỉ có thể thi hành kỷ luật, có
thể giữ trật tự, nhưng không thể lãnh đạo”. Đức giáo hoàng nhắc đến vua Đavit,
“đã yêu thương dân mình biết bao”, đến mức sau khi dân chúng phạm tội, ông đã
xin Chúa đừng phạt dân, nhưng hãy phạt ông. Đó là hai đức tính của người lãnh đạo:
yêu thương dân chúng và có lòng khiêm tốn.
Bạn không thể
lãnh đạo mà không biết yêu thương và khiêm tốn! Và những ai có trách nhiệm lãnh
đạo, phải tự hỏi mình hai câu hỏi: “Tôi có yêu thương người dân của tôi để phục
vụ họ tốt hơn không? Tôi có khiêm tốn lắng nghe mọi người, mọi ý kiến khác nhau
để lựa chọn con đường tốt nhất không?” Nếu bạn không đặt những câu hỏi ấy, công
việc lãnh đạo của bạn sẽ không được tốt. Người lãnh đạo yêu thương dân mình là
một người khiêm tốn.
Từ một góc độ
khác, Thánh Phaolô khuyên những người được lãnh đạo hãy cầu nguyện cho những
người cầm quyền, để họ có thể sống cuộc sống an bình.
Người công dân
không thể thờ ơ với chính trị: “Không ai trong chúng ta có thể nói ‘Tôi chẳng
dính dáng gì đến chuyện ấy, đến các nhà lãnh đạo...’ Không, không phải thế. Tôi
có trách nhiệm về việc lãnh đạo của họ, tôi phải làm hết sức để họ lãnh đạo tốt,
và tôi phải làm hết sức mình bằng việc tham gia vào chính trị theo khả năng của
mình. Chính trị, theo Học thuyết xã hội của Giáo hội, là một trong những hình
thức cao nhất của bác ái, vì nó phục vụ công ích. Thế thì tôi không được phủi
tay. Tất cả chúng ta đều phải đóng góp điều gì đó!”
Đức Thánh Cha
nói, có một xu hướng chỉ biết chỉ trích người lãnh đạo, và than phiền về “những
điều không tốt”. Anh chị em đọc báo và xem truyền hình thì thấy người ta đang đấu
đá nhau. Đúng thế, có thể nhà lãnh đạo là một tội nhân, giống như vua Đavit,
nhưng tôi phải biết cách góp ý, biết cách phát biểu, kể cả sửa lỗi… bởi vì tất
cả chúng ta phải tham gia vào công ích. Bảo rằng người Công giáo không nên xen
vào chính trị là không đúng.
“Một người Công
giáo tốt thì không xen vào chính trị”. Điều đó không đúng. Đó không phải là một
con đường tốt. Một người Công giáo tốt cần tham gia chính trị, cống hiến khả
năng tốt nhất của mình, để những ai cầm quyền biết lãnh đạo. Nhưng điều tốt nhất
chúng ta có thể đóng góp cho những người cầm quyền là gì? Là cầu nguyện! Đó là
những gì Thánh Phaolô nói: “Hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, cho vua chúa
và những ai cầm quyền”.
Anh chị em sẽ
nói: “Nhưng thưa cha, con người đó thật độc ác. Hắn sẽ phải xuống hoả ngục”. –
“Hãy cầu nguyện cho họ biết lãnh đạo tốt, biết yêu thương dân chúng, biết phục
vụ dân chúng, biết sống khiêm tốn. Một Kitô hữu không cầu nguyện cho nhà cầm
quyền không phải là một Kitô hữu tốt!” – “Nhưng thưa cha, làm sao con cầu nguyện
cho người đó được, một người đang có vấn đề...” – “Hãy cầu nguyện cho người đó hoán cải!”
Đức Thánh Cha kết
luận, vì thế chúng ta hãy đóng góp những gì tốt nhất: ý kiến, đề nghị... nhưng
tốt hơn cả là lời cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà cầm quyền, để
họ có thể lãnh đạo tốt, thăng tiến quê hương, dẫn đưa đất nước và cả thế giới của
chúng ta tiến lên, vì hòa bình và công ích.