Thánh Anrê Kim Taegon,
Phaolô Chong Hasang và Các Bạn
Lược sử
Anrê Kim Taegon là linh mục Đại Hàn đầu tiên và là con
của một người trở lại đạo. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị
thừa sai vào Đại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng.
Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán
Thành.
Thánh Phaolô Chong
Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình vào khoảng năm 1777.
Khi Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và
Phaolô, còn 98 người Đại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo
trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu
hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý
ông.
Trong những người tử
đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou,
bị tra tấn dã man. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, tuyên xưng
đức tin và bị tra tấn cho đến chết.
Suy niệm 1: Linh mục
Đại Hàn đầu tiên
Anrê Kim Taegon là linh mục Đại Hàn đầu tiên và là con của một người trở
lại đạo.
Cha của ngài, ông Ignatius Kim, là một tân tòng nhưng lại có một đức tin
thật trổi vượt còn hơn cả những người tín hữu đạo gốc. Chẳng những ông đã dày
công giáo dục đức tin cho quý tử ông để trở thành một linh mục, mà còn nêu
gương tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925.
Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài
1.300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Hoa. Sáu năm sau, ngài xoay sở
để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng
Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đừng đánh giá thấp các người tân tòng, vì họ có thể trở thành những
chứng nhân đức tin trổi vượt.
Suy niệm 2: Chủng
sinh
Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô Giáo được du nhập vào Đại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm
1592, lúc ấy có một số người Đại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công
Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Đại Hàn chủ trương bế quan
tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến
đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở
Trung Hoa được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Đại Hàn.
Đó là một lý do giúp hiểu được phần nào vì sao Phaolô Chong Hasang vẫn còn
là một chủng sinh dầu đã được 45 tuổi. Tinh thần và nhiệt huyết tu trì sẵn có,
nhưng đâu có linh mục đứng ra trực tiếp giúp đỡ, vì khoảng mười năm sau đó tức
năm 1787, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Đại Hàn, ngài thấy có đến
4.000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Tài liệu học hỏi
giáo lý đã hiếm hoi thì làm sao có chương trình huấn luyện một chủng sinh đủ
trình độ để có thể thụ phong linh mục, mặc dù bảy năm sau tức năm 1794, số
người Công Giáo ấy đã lên đến khoảng 10.000 người. Và sau cùng, mãi vào năm 1883
tự do tôn giáo được ban hành.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các chủng sinh tận dụng thời gian đang được tu luyện tự do hiện nay để chuẩn bị
thật xứng đáng với thiên chức.
Suy niệm 3: Giáo Hội
tại gia
Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình khoảng năm 1777.
Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Đại Hàn hoàn
toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo
hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Điều này cho thấy, không phải
các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi
thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt
động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn
sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.
"Giáo Hội Đại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo
dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin,
và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng
một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10.000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử
đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo
Hội Đại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp
cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ĐGH
Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các giáo dân Việt Nam chúng con luôn vững mạnh trong đức tin để xứng với các vị
tiền bối tử đạo.
Suy niệm 4: Phụ nữ
Trong số người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, 1 phụ nữ 26 tuổi.
Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài
và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự,
nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó
về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu.
Hình thức sỉ nhục các vị tử đạo bằng việc lột trần này cũng đã được áp dụng
cho thánh nữ Perpetua trong cuộc bách đạo của Hoàng Đế Septimius Severus, cũng
như cho Cha Nicôla và các bạn (gồm 11 linh mục dòng Phanxicô và 8 linh mục
triều) còn được gọi là các "vị tử đạo ở Gorcum" vào ngày 9 tháng Bảy
1572. Các tù nhân trong thời Đức Quốc Xã trong đó có Cha Kolbe cũng bị nhốt
trần truồng trong hầm tử thần ở trại tập trung Auschwitz, và ngài đã chết thay
cho một bạn tù vượt ngục vào ngày 31 tháng Bảy 1941.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
mọi người đừng sỉ nhục nhưng biết tôn trọng nhân phẩm của nhau.
Suy niệm 5: Em trai
Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou.
Em bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan
tòa. Em bị xiết cổ cho đến chết.
Thời Macabê, một thiếu niên cũng anh dũng tử đạo sau khi ném vào nhà vua
những lời đanh thép: "Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo
lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho
cha ông chúng tôi qua ông Môsê. Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại
người Híp-ri; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa. Chúng tôi phải khổ là
vì tội chúng tôi. Nếu Đức Chúa hằng sống đã giáng cơn thịnh nộ xuống chúng tôi
trong chốc lát, để sửa phạt và giáo huấn, thì Người lại cho các tôi tớ được hòa
giải với Người. Còn vua, hỡi kẻ vô đạo và đê tiện nhất trong loài người, vua
đừng có tự cao tự đại hão huyền, mà nuôi những hy vọng viễn vông, và đang tay
hành hạ các tôi tớ Chúa Trời. Vì vua sẽ không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa
toàn năng, là Đấng thấu suốt mọi sự. Còn các anh của chúng tôi, sau khi đã chịu
cực hình trong giây lát vì lòng trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa thì giờ
đây đang được hưởng sự sống đời đời. Còn vua, khi Thiên Chúa xét xử, vua sẽ
phải chuốc lấy án phạt vì tội kiêu ngạo. Phần tôi, cũng như các anh tôi, tôi
xin phó dâng xác hồn theo luật pháp của cha ông, và khẩn cầu Thiên Chúa sớm
thương đến dân tộc chúng tôi. Tôi cũng xin Người cho vua khi gặp thử thách và
tai hoạ, phải tuyên xưng rằng chỉ có Người là Thiên Chúa" (2Mc 7,30-37).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
giới trẻ can đảm sống đức tin hôm nay để trở thành những chứng nhân đức tin
trong tương lai.
Suy niệm 6: Quý tộc
Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi.
Sau khi bị tra tấn, ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại,
tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.
Trong số các vị tử đạo của Giáo Hội Đại Hàn, chúng ta nhận thấy có sự góp
mặt của đầy đủ mọi thành phần dân Chúa không phân biệt giới tính, tuổi tác cũng
như địa vị xã hội, nhất là tình cảnh của mỗi người, trong đó cần lưu ý đến
người quý tộc, vốn đã hãi sợ đến mức chối đạo, nhưng rồi cuối cùng cũng ăn năn
hối cải và chết vì Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đừng vội vàng đoán xét hoặc kết án một ai trước khi và cả khi họ nhắm
mắt lìa đời.