Suy niệm hạnh thánh _ 23/9

Thánh PADRE PIÔ
(1888-1968)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý. Đã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1910 tại Benevento. Vì sức khỏe yếu kém, Cha Pio được ở lại trong nhà Dòng cho tới năm 1916. Tháng 9 cũng 1916, Cha được sai đến hoạt động tông đồ tại San Giovanni Rotondo và ở lại đây cho tới lúc qua đời, trong vòng 52 năm trời (1916-1968). Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.
Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong chân phước năm 1999. Theo tờ Il Messagero, lễ tôn phong hiển thánh cho cha Pio được cử hành vào ngày 22/9/2002 hoặc 23/09/2002.
Suy niệm 1: Linh mục
Padre Piô được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1910 tại Benevento.
Luôn luôn được thiêu đốt bởi lửa yêu mến đối với Chúa, với tha nhân, Cha Pio sống đầy đủ ơn gọi Linh Mục, mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn, để góp phần vào công việc cứu chuộc con người. Ngài thi hành sứ mệnh cứu chuộc nhân loại bằng ba phương thế sau đây: qua việc linh hướng để giúp các linh hồn nên thánh - qua bí tích hòa giải để đưa các người tội lỗi về với Chúa - và qua việc cử hành thánh lễ, để sống kết hợp với Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá. Các tin hữu tham dự, cảm thấy thánh lễ là tột điểm và là sự hoàn hảo của con đường tu đức của Cha Piô. Thánh lễ nhiều lúc kéo dài từng hai, ba tiếng đồng hồ.
Ngoài những phép lạ mà Thiên Chúa đã thể hiện qua sự cầu bầu của Cha Piô ngay từ khi còn sống, cuộc đời ngài là một tấm gương cho mọi Kitô Hữu, nhất là cho linh mục thời nay. Cha Piô khuyên các linh mục: "Vì lòng thương xót mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta trên đường Canvê để bước theo Thầy chí thánh. Chính vì lòng thương xót này mà chúng ta được sống giữa đám đông dân chúng. Đừng quên các linh hồn của họ, hãy gần với họ, đừng hoảng hốt khi nhìn thấy thập giá mà chúng ta phải vác, hay đoạn đường dài mà chúng ta phải đi, hay dốc độ của ngọn đồi. Hãy mạnh dạn lên vì biết rằng, sau khi lên đến Canvê sẽ có một con đường khác dẫn lên núi của Thiên Chúa đến Giêrusalem mới là Thiên Đàng, và con đường ấy thật dễ dàng!"
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các linh mục sống thánh để thánh hóa mọi người lương cũng như giáo.
Suy niệm 2: Sức khỏe
Vì sức khỏe yếu kém, Cha Piô được ở lại trong nhà Dòng cho tới năm 1916.
Từ nhỏ, sức khỏe của Cha Piô vốn yếu kém. Cũng chính vì lý do này mà sau khi được thụ phong linh mục, ngài được ở lại trong nhà Dòng. Và khi bị động viên trong Thế Chiến I, ngài cũng được ngài giải ngũ vì các bác sĩ thấy ngài bị ho lao. Nhất là về những năm sau cùng cuộc đời, sức khỏe bị suy giảm rất nhanh chóng. Sau nhiều đau khổ và hoạt động tông đồ, ngài qua đời ngày 23.09.1968, thọ 81 tuổi. Số người dự lễ an táng Cha Pio thật đông không thể tính được.
Là con người có sức khỏe yếu kém và bệnh tật, ngài rất đồng cảm với các bệnh nhân, vì thế theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, "Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ" được hình thành với 350 giường bệnh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống tình cảm thông và chia sẻ hoàn cảnh của mọi hạng người bằng các hành động cụ thể.
Suy niệm 3: Hoạt động tông đồ
Tháng 9 cũng 1916, Cha Piô được sai đến hoạt động tông đồ tại San Giovanni Rotondo.
Về phương diện xã hội, Cha Pio dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ, những cảnh cùng cực của nhiều gia đình, cách riêng ngài quyết định thành lập "Nhà nâng đỡ sự đau khổ" (Casa del Sollievo della sofferenza), tức bệnh viện San Giovanni Rotondo hiện nay. Công việc xây cất bệnh viện nầy được hoàn thành và được khánh thành ngày 5.05.1956. Đây là một trong các bệnh viện lớn nhất và nổi tiếng nhất tại nước Ý, do Tòa Thánh quản trị. Về phương diện thiêng liêng, Cha Piô thành lập các nhóm cầu nguyện và được ngài gọi là "vườn gieo đức tin và tổ ấm tình yêu". Đức Phaolô VI gọi các nhóm cầu nguyện này là: Phong trào lớn lao của những người cầu nguyện. Hiện nay trên cả thế giới có tới gần 3 ngàn nhóm cầu nguyện liên lỉ như vậy.
Cha Piô đã lừng danh trên cả thế giới về sự thánh thiện ngay từ lúc còn sống: sự thánh thiện không phải là điều được phú bẩm có sẵn, nhưng được xây dựng do các nhân đức, tinh thần cầu nguyện, do hy sinh và việc hiến toàn thân cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các linh hồn. Sau khi qua đời, sự thánh thiện và những phép lạ được nói đến mỗi ngày mỗi nhiều thêm mãi. Đây là dấu chỉ cho biết rằng Thiên Chúa muốn làm vinh danh Đầy Tớ trung thành của Ngài trên thế giới này. Trong buổi tiếp kiến dành cho các Bề Trên Dòng Cappucins năm 1971, ba năm sau khi cha Piô qua đời, Đức Phaolô VI (1963-1978) đã nói như sau: "Anh em hãy xem: Cha Piô lừng danh như thế nào? Biết bao người trên thế giới tụ họp chung quanh ngài? Mà tại sao vậy? Phải chăng ngài là một nhà triết học nổi tiếng? Phải chăng ngài là một người khôn ngoan? Phải chăng ngài có những phương tiện truyền thông hùng mạnh? Không. Hoàn toàn không phải vậy. Chỉ vì ngài dâng thánh lễ một cách khiêm tốn, sốt sắng, ngài giải tội từ sáng đến chiều, ngài là người được chọn để được in dấu thánh Chúa. Và không dễ nói lên điều này: Ngài là một người cầu nguyện và một người của đau khổ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hoạt động tông đồ với tinh thần hiến toàn thân cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các linh hồn.
Suy niệm 4: Dấu thánh
Cha Piô được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Padre Piô hay người Việt chúng ta thường gọi là Cha Piô Năm Dấu - vì ngài được mang năm dấu thánh của Đức Kitô trong 50 năm - cũng như được nhiều ơn lạ lùng khác, như ơn tiên tri, ơn xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc, và ngài có thể biết được quá khứ, của người đối diện. Cha Piô được mang năm dấu thánh của Đức Kitô là vì ngài khao khát muốn thông phần thống khổ với Đức Kitô để cứu chuộc nhân loại. Năm 1918, các tín hữu nhận thấy những vết thương của Cuộc Tử Nạn Chúa và những đặc sủng khác nơi Cha Piô. Và các vết thương chân tay, tự nhiên biến mất, không để lại một vết tích nào, ngay sau khi cha qua đời. Một hiện tượng lạ lùng và gây nhiều ngạc nhiên.
Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn. Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đón nhận các khổ đau trong đời như một thông phần với thống khổ của Chúa (1Pr 4,12-14).
Suy niệm 5: Đau khổ
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ.
Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài thường nói: "Ai bắt đầu yêu thương, phải chuẩn bị đau khổ." Và quả thật, trong 50 năm trường, Cha Piô đã phải đau khổ, không những về thề xác mà còn đau khổ về tinh thần, vì những nghi ngờ, dèm pha, chống đối của chính anh em linh mục. Nhưng ngài đã can đảm chịu đựng, vâng phục mọi mệnh lệnh của Tòa Thánh. Để có được sự khiêm tốn ấy, cũng như sức mạnh để chịu đựng đau khổ, nguồn ơn sủng duy nhất mà Cha Piô luôn luôn tìm đến, đó là bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ hàng ngày.
Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những "giáo huấn khó khăn" của Chúa Giêsu (x. Ga 6,60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm. Ngài đã viết: "Cuộc đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhìn vào giá trị của sự đau khổ để kiên tâm vác thập giá theo Chúa.
Suy niệm 6: Lễ tôn phong
Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong chân phước năm 1999. Theo tờ Il Messagero, lễ tôn phong hiển thánh cho cha Pio được cử hành vào ngày 22/9/2002 hoặc 23/09/2002.
Ngày 29/09/1982, Tòa Thánh đã ban phép xúc tiến công việc làm án phong Thánh cho cha Piô. Trước hết, Tòa án Giáo Phận Manfredonia khởi sự công việc từ năm 1983, và hoàn tất năm 1990. Ngày 7/12/1990, tất cả các hồ sơ của Giáo Phận được chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét. Ngày 13/06/1997, Bộ Phong Thánh triệu tập phiên họp riêng các nhà thần học cố vấn của Bộ để tham khảo. Ngày 21/10 cũng năm 1997, Phiên họp thường lệ của các Hồng Y và Giám Mục được triệu tập để quyết định. Ngày 18/12 cũng 1997, với sự hiện diện của ĐTC, các Hồng Y và Giám Mục, và Bộ Phong Thánh, đã cho công bố Sắc Lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của Cha Piô. Theo luật, để được tôn phong lên Bậc Chân Phước, cần có một phép lạ. Ban Cáo thỉnh của vụ làm án, đã trình lên Bộ Phong Thánh một sự kiện về việc được chữa lành lạ lùng do lời bầu cử của Đầy Tớ Chúa, Cha Piô. Ngày 21/12/1998, việc được khỏi bệnh cách lạ lùng này được công nhận như phép lạ. Và lễ nghi phong Chân Phước được ấn định vào ngày 2/05 năm 1999.
Một phép lạ do sự cầu bầu của cha Piô Năm Dấu Thánh đã được Tòa Thánh công nhận, và như thế con đường tôn phong hiển thánh cho cha Piô Năm Dấu Thánh được thông hoàn toàn. Tờ Il Messaggero tường trình rằng một ủy ban gồm 5 bác sĩ y khoa, được bộ Phong Thánh mời đã xác nhận không thể có giải thích tự nhiên nào cho sự lành bệnh bất ngờ và hoàn toàn của một bé trai người Ý 8 tuổi. Tháng 1 năm 2000, khi bé trai Matteo Pio Colella nhập bệnh viện do chính cha Piô thành lập, em được chẩn đoán chỉ chờ chết trong một thời gian rất ngắn. Đêm đó, gia đình em trải qua một đêm canh thức cầu nguyện sốt sắng tại căn phòng trong tu viện xưa của cha Piô, bé Matteo – lúc đó đã chìm vào hôn mê, tự nhiên khoẻ mạnh trở lại như không hề có chuyện gì xảy ra. Theo tờ Il Messagero, lễ tôn phong hiển thánh cho cha Pio sẽ được cử hành vào ngày 22/9/2002 hoặc 23/09/2002. Việc tổ chức tôn phong hiển thánh cho cha Piô phải được tính toán hết sức cẩn thận vì số người tham dự sẽ rất đông đảo. Nhiều người tiên đoán có thể lên tới hai triệu người khắp nơi đổ về tham dự.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi tôn vinh thánh nhân thì cũng hãy học theo các nhân đức của ngài.